Sẽ đối mặt ra sao?

Các tân siêu mẫu: Em sẽ đối mặt ra sao?

Cánh cửa cuộc thi Siêu mẫu 2009 đã khép lại không mấy yên ả nhưng xem ra cánh cửa mở ra với các tân siêu mẫu còn ít yên ả hơn nhiều.
Cánh cửa cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2009 đã khép lại không mấy yên ả nhưng xem ra cánh cửa mở ra với các tân siêu mẫu còn ít yên ả hơn nhiều.
 
Từ góc độ một người mẫu từng có thời gian hoạt động tại kinh đô thời trang thế giới, Paris, và cũng là vị giám khảo bị “soi” nhiều nhất trong cuộc thi Siêu mẫu, Nathan Lee có một cái nhìn thực tế, có phần trần trụi về nghề nghiệp “phù phiếm” này:
 
Đằng sau thời kỳ tươi đẹp là sự khước từ nghiệt ngã
 
Khác với môi trường người mẫu tại châu Âu, công việc người mẫu tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa mang lại thu nhập đáng kể cho các người mẫu. Có lẽ đó chính là nguyên nhân tác động đến áp lực cạnh tranh của nghề, và cũng là sự phát triển chuyên môn và công nghệ của người mẫu tại Việt Nam.
 
Trở lại câu chuyện của cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam, tôi hiểu rằng đằng sau danh hiệu và pháo hoa, các em sẽ hầu như ngay lập tức đương đầu với mọi luồng dư luận khen chê, mà với xu hướng viết “hot” như hiện nay, ắt hẳn “chê” không hề ít so với “khen”. Các em sẽ ngay lập tức trở thành cái bia vô tội cho mọi sự bình luận, săm soi và đôi khi cả xúc phạm của công luận.
 
Các nhà báo nghiêm túc sẽ phỏng vấn và quan sát em như những giám khảo khắt khe nhất, môi trường viết tự do (như các blog chẳng hạn) sẽ mở cửa để ghi nhận và phát tán cả những lời miệt thị từ những người mà chỉ một ngày trước đó, nếu em ngã trên đường, họ sẽ dừng lại hỏi thăm, giúp đỡ như những người xa lạ thân thiện. Em sẽ đối mặt ra sao?
 
Hình thể - lợi thế hay cạm bẫy?
 
Áp lực đối đầu lớn nhất của một người mẫu quốc tế lại chính là với người đại diện của mình, được gọi là những booker. Thật may mắn nếu chúng tôi có được những booker, hầu hết là các cựu người mẫu, biết thông cảm và thật sự dìu dắt, hỗ trợ cho mình.
 
Nhưng thường xuyên hơn, là các vụ chơi khăm, là việc ém nhẹm hồ sơ của người mẫu mình không ưa trước khách hàng, và nặng nề nhất, là khi họ liên tục tạo áp lực về tiêu chuẩn ngoại hình của người mẫu. “Bạn không có công việc mùa này vì bạn béo quá! Hãy giảm cân nếu bạn muốn lọt vào hợp đồng sắp tới!” là câu mà ngay cả những người mẫu gầy đến bất thường luôn phải nghe.
 
Tệ hại hơn nữa là nạn các người mẫu lao vào bất cứ việc gì để giảm cân, và ma túy là giải pháp rất phổ biến khi ấy. Một cô bạn của tôi đã chết ngay tại phòng tập thể hình sau một thời gian tập luyện với cường độ quá sức và khẩu phần dinh dưỡng là một quả táo/ngày để giảm cân.
 
Môi trường người mẫu ở Việt Nam vẫn là một mảnh đất thanh bình so với những gì mà tôi vừa trải qua. Các em vẫn rất hồn nhiên và nhẹ nhõm. Vài vụ “không ưa nhau” được đồn thổi sau hậu đài, một hình xăm dại dột bốc đồng nào đó... và luôn có ánh mắt khắt khe của công chúng, báo giới theo dõi, lên tiếng và cảnh tỉnh.
 
Đôi khi ta thấy thật phiền nhiễu và cho rằng ấy là “cái giá” của sự vinh quang và nổi tiếng. Nhưng xét ở một mặt khác, tôi cho rằng đây cũng có thể được xem là một sự may mắn. Từ chuẩn mực thuần phong xã hội, cho đến quan điểm thẩm mỹ truyền thống của người phương Đông với cái đẹp tiêu chuẩn là một cơ thể khỏe mạnh, “có da có thịt” và những đường cong “phồn thực” khiến các em không phải trở thành một sự mảnh mai phi tự nhiên.
 
Nhưng gần đây, tôi lại thấy dấy lên hiện tượng áp lực từ các bạn người mẫu nữ về số đo vòng một. Tràn lan ở mọi nơi là hình ảnh những bộ ngực nhân tạo, khiến cho ngay cả một người mẫu mới vào nghề cũng phải “tậu” cho bằng được một bộ ngực tương tự, đôi khi chỉ để “giống người mẫu”.
 
Cá nhân tôi không phản đối phẫu thuật thẩm mỹ, nếu trên khuôn mặt hay cơ thể thật sự có những chi tiết thiếu cân đối thật sự rõ rệt và cần can thiệp. Tôi chỉ cực lực phản đối cái tư tưởng phẫu thuật thẩm mỹ theo trào lưu, như một sự bỉ báng và phủ nhận cái đẹp tự nhiên nhất mà một người mẫu may mắn có được.
 
“Sáng tạo” hay “học đòi”?
 
Là người mẫu châu Á duy nhất tại thời điểm của mình ở Paris, tôi đã trải qua cảm giác, hay thậm chí mặc cảm về sự khác biệt. Thay vì hòa mình, hay “chìm” lẫn, tôi vin vào sự khác biệt của mình mà đứng lên. May thay, tôi đã làm đúng. Sự khác biệt ấy đã giúp tôi trở thành một người mẫu mà bộ sưu tập nào cũng cần tới, một khi thương hiệu và nhà thiết kế muốn khẳng định thị phần quốc tế của họ, bao gồm cả thị trường châu Á.
 
Và hơn nữa, bản chất của thời trang là luôn tìm đến sự khác lạ, mới mẻ. Tôi đã may mắn hiểu được điều này và “mặc cảm khác biệt” được chuyển hóa thành “thế mạnh của sự độc đáo”.
 
Có thể bạn sẽ vẫn là một người mẫu, nhưng sẽ không bao giờ là một “siêu mẫu” nếu những gì bạn có chỉ là việc cố giống với một siêu mẫu - vốn là một người mẫu có khả năng biến hình ảnh riêng của mình thành một trào lưu, một phong cách độc lập, và siêu mẫu cũng phải là một trendsetter (người tạo ra trào lưu) chứ không phải là một trend-follower (người đi theo trào lưu). Trong suốt những ngày tập luyện, tôi đã luôn nhắc các em về điều này.
 
Cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam bản thân trong ý nghĩa của nó là tính định hướng, và tính định hướng này phải được hướng tới sự sáng tạo, sự mới mẻ vốn luôn là bản chất của thời trang.
 
Có thể đã có những tư thế tạo dáng ngô nghê, thậm chí “phản cảm” trên sàn diễn, nhưng một mặt nào đó, tôi thà nhìn thấy sự cố gắng tìm tòi và thể nghiệm, hơn là sự nhàm chán, lặp lại và sáo mòn.
 
Sự sáo mòn xảy ra khi người ta cạn nguồn ý tưởng và muốn rút vào cảm giác an toàn khi nương theo trào lưu sẵn có, đó chính là dấu hiệu ngấm tắt của sự sáng tạo, vốn phải được xem là một dấu hiệu đe dọa cho bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và thời trang./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục