Sẽ khởi tố các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón giả

Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi tố các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả để có tính răn đe cao.
Sẽ khởi tố các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón giả ảnh 1Thu giữ tang vật tại một cơ sở sản xuất phân bón giả. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)

Ngày 13/1, tại Hội nghị kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh), ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần rút kinh nghiệm nghiêm túc trong việc buông lỏng quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thời gian tới thành phố sẽ có kế hoạch hành động cụ thể trong phối hợp phòng chống sản xuất kinh doanh phân bón giả.

Trong đó, tập trung cảnh báo với các lực lượng quản lý nhà nước trên địa bàn về tác hại của phân bón về kinh tế và sức khỏe. Cảnh báo người sản xuất không thể vì lợi nhuận mà kinh doanh trái phép. Đồng thời, sẽ khởi tố các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả để có tính răn đe cao.

Theo ông Đàm Thanh Thế, tình trạng sản xuất, sử dụng phân bón giả gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người nông dân, gây nên tình trạng xơ cứng đất đai, ô nhiễm môi trường…

Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón giả của cả nước.

Tuy nhiên, thời gian qua chính quyền địa phương còn coi nhẹ công tác quản lý. Đặc biệt, quá tùy tiện trong việc cấp phép sản xuất kinh doanh, thành phố chỉ quy hoạch khoảng 10 cơ sở nhưng hiện có đến mấy chục cơ sở đang hoạt động.

Vì vậy, thành phố cần đánh giá toàn diện công tác quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, từ quy hoạch đến thực trạng sản xuất để tăng cường công tác kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2016 Chi cục quản lý thị trường thành phố kiểm tra 103 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính với gần 2,5 tỷ đồng.

Lực lượng cơ quan chức năng 24 quận, huyện cũng thực hiện kiểm tra 56 cơ sở sản xuất phân bón; trong đó có 20 cơ sở không được cấp phép.

Riêng địa bàn huyện Bình Chánh có đến 10/25 cơ sở sản xuất phân bón không phép. Qua kiểm tra cho thấy, hành vi vi phạm chủ yếu trong sản xuất, gia công phân bón đa phần là không có giấy phép, hàng hóa giả mạo nhãn hàng, giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất phân bón không công bố hợp quy, chất lượng phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố…

Đáng lo ngại, nhãn hàng hóa đối với phân bón hiện nay của một số doanh nghiệp in ấn hết sức phức tạp gây ngộ nhận người tiêu dùng, như tăng trưởng nhanh, quả to, chắc hạt, chống được các bệnh vàng lùn xoắn lá…

Chất lượng thì quảng cáo trên bao bì là sản phẩm sản xuất theo công nghệ EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Đông…

Hoặc đặt tên sản phẩm hàng hóa gần giống với các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài và trong nước gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.

Không những thế, hiện nay còn có tình trạng một số doanh nghiệp vừa sản xuất vừa nhập khẩu phân bón. Trong quá trình sản xuất, những doanh nghiệp này lại sản xuất sản phẩm phân bón lấy nhãn hiệu và thông tin của phân bón nhập khẩu nhằm đánh lừa người tiêu dùng là phân bón nhập khẩu.

Những sản phẩm sau khi sản xuất thường được chuyển đi tiêu thụ nhanh nhằm trốn tránh sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là hành vi sản xuất hàng giả mới mà các cơ quan kiểm tra kiểm soát cần đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh cho biết, có nhiều nguyên nhân tạo điều kiện cho các cơ sở phân bón giả còn tồn tại.

Lý do khách quan do quá trình thực hiện công tác này gặp không ít khó khăn vì thẩm quyền bị giới hạn, bất cập trong thực thi pháp luật về phối hợp.

“Chỉ mỗi giấy phép hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh mà có đến hai bộ có thể cấp là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Việc quản lý chồng chéo trong cấp phép làm khó cho công tác kiểm tra,” ông Hồng phân trần.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, công tác kiểm soát địa bàn thành phố còn chưa được chặt chẽ, các đơn vị còn buông lỏng quản lý.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Trung ương và các Bộ, ngành còn hạn chế.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu huyện Bình Chánh phải kiểm điểm trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, vai trò tham mưu của cấp ủy các xã để xảy ra vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón không phép, không đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương trên địa bàn cần tăng cường kiểm tra, chấm dứt mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón không phép, không đảm bảo về điều kiện sản xuất như chất lượng thiết bị, vệ sinh, môi trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục