Sẽ không còn các phiên bản iPhone khóa mạng tại Mỹ?

Sắp tới, những chiếc điện thoại như iPhone “lock” ở Mỹ có thể sẽ không còn xuất hiện bởi tác động của một đạo luật cho phép người dùng được mở mạng điện thoại.
Sẽ không còn các phiên bản iPhone khóa mạng tại Mỹ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: newzfeed.org)

Một bước ngoặt mới với thị trường viễn thông và thiết bị di động ở Mỹ đã xuất hiện cuối tuần qua, khi một dự luật được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua, cho phép người tiêu dùng có quyền "unlock" mạng (tức mở khóa) thiết bị di động của mình mà không gặp phải bất cứ hạn chế nào.

Điều này có thể dẫn tới thời của những chiếc điện thoại như iPhone “lock” ở Mỹ sẽ chấm dứt.

Điện thoại di động bị khóa mạng là gì?

Hiện nay, hầu hết các thiết bị di động ở Mỹ được phân phối qua các nhà mạng di động và bị khóa mạng, tức là khách hàng chỉ có thể sử dụng thiết bị di động của mình với một nhà mạng cố định theo hợp đồng ràng buộc thời gian “trung thành.”

Theo quy định tại dự luật mới, chủ sở hữu điện thoại di động bị khóa mạng được phép chuyển đổi nhà mạng mà không phải mua điện thoại mới.

Dự luật sắp được Tổng thống Obama ký thành luật sẽ đảo ngược một quy định trong đạo luật có tên gọi Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ kỹ thuật số, của Thư viện Quốc hội Mỹ, cơ quan quản lý các vấn đề bản quyền ở Mỹ, coi việc can thiệp công nghệ để mở mạng điện thoại di động là bất hợp pháp.

Cứ ba năm, Thư viện Quốc hội Mỹ lại xem xét quy định này. Trước 2012, Thư viện Quốc hội Mỹ đã cho phép mở mạng điện thoại di động với điều kiện người chuyển sang mạng mới phải hoàn thành hợp đồng với nhà mạng cũ của họ.

Tuy nhiên, quy định “mở” trên đã không được Thư viện Quốc hội gia hạn từ năm 2012. Và điều này có nghĩa, về mặt lý thuyết, một người có thể bị phạt tù 5 năm nếu mở khóa điện thoại mà không có sự cho phép của nhà mạng.

Quy định trên của Thư viện Quốc hội Mỹ đã gây ra một phản ứng lớn trong cộng đồng người tiêu dùng ở Mỹ. Hơn 114.000 người đã ký vào một bản kiến nghị gửi Nhà Trắng để phản đối. Họ cho rằng nếu họ mua một thiết bị, họ sẽ có quyền sử dụng nó thế nào nếu họ muốn.

Nhà Trắng nói rằng chính quyền đồng ý: "Người tiêu dùng sẽ có thể mở khóa điện thoại di động của họ mà không sợ khởi tố hình sự hoặc các hình phạt khác."

Với việc dự luật được thông qua vào thứ Sáu tuần trước bởi Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát, và trước đó là Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát, Chính quyền Obama thông báo họ sẽ sớm phê chuẩn thành luật trước thời hạn xét lại định kỳ đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ kỹ thuật số của Thư viện Quốc hội vào năm tới.

Sẽ có thay đổi lớn ở thị trường viễn thông Mỹ?

Dự luật về cho phép mở mạng thiết bị di động ở Mỹ gần như chắc chắn sẽ thành luật và điều đó nhiều khả năng sẽ tạo ra những thay đổi trên thị trường viễn thông của nước này.

Thay đổi trước hết sẽ bắt đầu từ các nhà mạng di động Mỹ, những đối tượng trong suốt thời gian vừa qua đã hưởng lợi từ chính sách của Thư viện Quốc hội.

Hiện nay, ở Mỹ có 4 nhà mạng lớn chiếm đa số thị phần viễn thông là AT&T, T-Mobile, Verizon, và Sprint. Tuy nhiên, 4 nhà mạng này lại sử dụng các công nghệ và băng tần viễn thông di động khác nhau. Với đạo luật mới, người dùng của hai mạng AT&T, T-Mobile sẽ dễ dàng hơn trong chuyển đổi nhà mạng vì hai nhà mạng này đang hoạt động trên nền công nghệ GSM dùng thẻ SIM phổ biến trên thế giới còn Verizon và Sprint lại hoạt động trên nền công nghệ CDMA không dùng thẻ SIM.

Nếu đạo luật mở mạng di động có hiệu lực, các thuê bao di động Mỹ được tự do chuyển đổi nhà mạng thì đây cũng sẽ là cơ hội cho các nhà mạng nhỏ hơn phát triển, đặc biệt là các nhà mạng chạy trên nền GSM và đe dọa các nhà mạng hoạt động trên nền CDMA như Verizon, Sprint.

Giới phân tích công nghệ cho rằng, thời các nhà mạng viễn thông Mỹ “quyền sinh, quyền sát” quy định thuê bao sử dụng thiết bị nào và như thế nào sẽ chấm hết với dự luật sắp được ban hành.

Từ đây, các nhà mạng di động bắt buộc phải thay đổi chính mình và công nghệ 4G Lte sẽ là chiếc phao cứu sinh. Công nghệ truyền dữ liệu tốc độ cao thế hệ mới 4G Lte cho phép chuyển đổi linh hoạt với mạng GSM và CDMA.

Đó là những thay đổi về mặt công nghệ, tiếp theo, đạo luật mới cũng nhiều khả năng đưa tới sự thay đổi về giá thành sản phẩm. Hiện nay, với việc “bắt tay” với nhà sản xuất thiết bị di động cùng với chính sách hợp đồng thuê bao ràng buộc nên chi phí ban đầu để mua thiết bị di động như iPhone ở Mỹ khá rẻ.

Tuy nhiên, khi đạo luật mới có hiệu lực, “tuần trăng mật” giữa nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị có thể sẽ chấm dứt, đồng thời tính ràng buộc hợp đồng thuê bao cũng không còn, nhiều khả năng giá bán điện thoại di động ở Mỹ sẽ bằng, thậm chí cao hơn các nước khác.

Có thể nói, dự luật cho phép mở mạng thiết bị động đang khiến thị trường viễn thông di động ở Mỹ đứng trước bước ngoặt mới và trong tương lai có thể những khách du lịch sang Mỹ sẽ không còn phải khổ sở khi trót mua phải những chiếc iPhone “lock”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục