Siemens muốn xây dựng 'con đường tơ lụa kỹ thuật số' ở châu Á

Theo ông Cedrik Neike, thành viên Ban điều hành Siemens, thì có ba cách để tập đoàn công nghệ Đức này tham gia hợp tác với các nước có nhu cầu phát triển lớn về cơ sở hạ tầng như Việt Nam.
Siemens muốn xây dựng 'con đường tơ lụa kỹ thuật số' ở châu Á ảnh 1Ông Joe Kaeser, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Siemens AG (giữa) tại buổi họp báo bên lề hội nghị (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những turbine điện khổng lồ, những dây chuyền lắp máy tự động, những mô hình và giải pháp xây dựng thành phố thông minh,… Hàng loạt công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng đã được Siemens AG trình diễn trong Hội nghị quốc tế về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tại Bắc Kinh hồi tháng Sáu, cho thấy tham vọng của tập đoàn công nghệ hàng đầu này trong việc sáng tạo ra “con đường tơ lụa kỹ thuật số.”

"BRI xoay quanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cầu đường, kết nối các cộng đồng, các nền kinh tế và nền văn hóa, đồng thời cũng là cây cầu nối giữa cơ sở hạ tầng thực tế và thế giới số. Siemens là công ty cơ sở hạ tầng hàng đầu trong việc kết nối các thế giới này và thiết lập một hệ sinh thái kỹ thuật số," ông Cedrik Neike, thành viên ban quản trị của Siemens AG, chia sẻ bên lề hội nghị.

Trước đó, ông Neike cùng các thành viên ban quản trị Siemens AG đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận với 10 đối tác hàng đầu của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa những cơ hội từ BRI. Siemens là tập đoàn toàn cầu đầu tiên hợp tác với các tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) của Trung Quốc. Các thỏa thuận bao gồm các lĩnh vực như sản xuất điện, quản lý năng lượng, công nghệ xây dựng và sản xuất thông minh, và nhắm tới các thị trường tiềm năng, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines.


[Siemens đẩy mạnh sự hiện diện tại thị trường Đông Nam Á]

“Châu Á là một khu vực trẻ trung và năng động, với khả năng thương mại rộng mở. Dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ là những thành phần tuyệt vời để xây dựng môi trường tốt cho sự phát triển. Nhưng vấn đề là để phát triển, bạn cần điện, đường, trường, trạm - những cơ sở hạ tầng cơ bản,” ông Cedrik giải thích thêm với mong mỏi những dự án này sẽ góp phần vào sự tăng trưởng chung cho khu vực.

Tuy vậy, vẫn có những ý kiến thận trọng, thậm chí là hoài nghi về sáng kiến đầy tham vọng này, bởi những thách thức như vấn đề nợ nước ngoài, hay những tai tiếng liên quan đến một số tổng thầu EPC của Trung Quốc.

Bảy tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Neike cho rằng: “BRI là một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ và thực tế mang lại những khả năng cho các quốc gia cần có cơ sở hạ tầng. Đó là lý do vì sao chúng tôi ủng hộ nó.”

Siemens muốn xây dựng 'con đường tơ lụa kỹ thuật số' ở châu Á ảnh 2Ông Cedrik Neike (trái) trao đổi với các phóng viên bên lề hội nghị (Nguồn: PV/Vietnam+)

“Đương nhiên, mỗi quốc gia có những sự lựa chọn riêng của mình và sẽ tự mình quyết định có tham gia BRI hay không. Chúng tôi muốn nó là một sân chơi minh bạch, cởi mở và thịnh vượng.”

Dẫn trường hợp của Indonesia, quốc gia tham gia ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác bên lề hội nghị, ông Neike nói rằng có ba cách để Siemens tham gia hợp tác với các nước có nhu cầu phát triển lớn về cơ sở hạ tầng như Việt Nam.

“Đầu tiên, nếu các công ty EPC Trung Quốc muốn đến kinh doanh tại Việt Nam như một phần của BRI, chúng tôi có thể cung cấp cho họ những công nghệ hiện có của mình để làm điều đó. Thứ hai, chúng tôi sẽ mang những gì mình đã làm được tại Indonesia đến Việt Nam và đề xuất các dự án cần thiết để phát triển đất nước; sau đó chúng tôi sẽ quay lại các công ty EPC Trung Quốc để xem những dự án này có thể trở thành một phần của BRI hay không.”

"Cách thứ ba là làm việc với chính phủ Đức, chính phủ Việt Nam hoặc chính phủ các nước khác để xây dựng các mối quan hệ liên chính phủ và đề xuất các lĩnh vực chiến lược mà chúng tôi có thể phát triển. Như vậy, chúng tôi có thể cung cấp công nghệ, nhắm tới các dự án trước đây chưa từng được thực hiện, hoặc kết nối các chính phủ lại với nhau để phát triển các dự án. Và chính phủ là người ra quyết định,” ông Neike nói.

Một trong những lĩnh vực mà Siemens có thế mạnh là xây dựng, phát triển các dự án năng lượng điện. Trong khi đó, nhu cầu điện năng ở các nước đang phát triển thường lớn hơn nhiều so với khả năng cung ứng. Nhưng trở ngại lại là việc lựa chọn giữa điện than, vốn gây nhiều khí thải, với điện gió và điện mặt trời, có quy mô đầu tư tốn kém hơn rất nhiều.

Với tư cách người phụ trách bộ phận quản lý năng lượng của Siemens AG cũng như của khu vực châu Á và Australia, ông Neike nói rằng mình có niềm tin mãnh liệt là thế giới đang dần loại bỏ việc sản sinh khí carbon.

“Những quốc gia như Việt Nam cần sản xuất năng lượng càng sạch càng tốt, và cố gắng thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và năng lượng khí đốt để phát triển bền vững. Các lưới điện cần được phát triển với công nghệ cao nhằm giúp năng lượng tái tạo dễ dự đoán hơn và ổn định hơn.”

Tuy vậy, ông Neike cũng nói rằng nếu chỉ xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió là không đủ, “và chúng ta cần phải xây dựng một khái niệm và một hệ thống cho cả nước để làm được điều đó.”

Theo ông Joe Kaeser, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Siemens AG cho rằng BRI tạo tạo ra những cơ hội thực tế ở mọi lĩnh vực, với giá trị đầu tư lên tới 1 nghìn tỷ euro vào cơ sở hạ tầng của khoảng 90 quốc gia, có tiềm năng cải thiện cuộc sống của 70% dân số thế giới. Ông Kaeser cũng dẫn ra hai dự án đã cho kết quả thành công, với sự hợp tác của Siemens. Một là nhà máy soda khan thuộc hàng lớn nhất thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, và hai là nhà máy điện khí ở Pakistan, với công suất bằng tổng tiêu thụ điện năng của 4 triệu hộ gia đình tại quốc gia Nam Á này.

  
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục