"Siết" quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam

Bộ LĐTB&XH đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, cấp giấy phép, gia hạn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài.
Bộ Lao động Thương binh và  Xã hội  vừa có công văn số 3178/LĐTBXH-VL gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường quản lý người lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và  Xã hội đề nghị các địa phương cần tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra về việc tuyển dụng, cấp giấy phép và gia hạn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, nếu phát hiện những trường hợp cố tình vi phạm, cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đối với nhà thầu nước ngoài, phải có phương án sử dụng lao động Việt Nam và nước ngoài trong hồ sơ dự thầu và hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Đối với chủ đâu tư phía Việt Nam phải quy định nội dung sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong đó phải yêu tiên lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà lao động Việt Nam có khả năng thực hiện.

Trường hợp cần sử dụng lao động nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.

Đối với công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp thị thực cho lao động nước ngoài sau khi được cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động hoặc cấp lại giấy phép lao động. Không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại địa phương khi chưa được cấp phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu.

Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh đối với người nước ngoài làm việc tại địa phương khi chưa có giấy phép lao động, hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu.

Bộ Lao động Thương Binh và  Xã Hội cũng đề nghị Sở Kế hoạch đầu tư các tỉnh và thành phố, cần kiểm tra, giám sát thực hiện quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng. Đối với chủ đầu tư của gói thầu EPC phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu (Mời thầu, lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng…) và người nước ngoài làm việc tại các gói thầu EPC.

Các nội dung kiểm tra gửi về Bộ LĐTBXH trước 31/10/2011 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục