Singapore có hệ thống hưu trí đứng đầu trong khu vực châu Á

Singapore là quốc gia châu Á duy nhất được nhận mức xếp hạng B và đạt được 70,8 điểm theo các chỉ số nói chung, và đứng thứ bảy trong tổng số 37 hệ thống hưu trí được xếp hạng trên toàn cầu.
Singapore có hệ thống hưu trí đứng đầu trong khu vực châu Á ảnh 1Singapore cũng là quốc gia châu Á duy nhất được nhận mức xếp hạng B. (Nguồn: businesstech.co.za)

Báo cáo Chỉ số Lương hưu Toàn cầu năm 2019 của Melbourne Mercer (MMGPI) cho biết Singapore có hệ thống hưu trí đứng đầu trong khu vực châu Á, và đứng thứ bảy trong tổng số 37 hệ thống hưu trí được xếp hạng trên toàn cầu.

Singapore cũng là quốc gia châu Á duy nhất được nhận mức xếp hạng B và đạt được 70,8 điểm theo các chỉ số nói chung, tăng nhẹ so với con số 70,4 điểm năm 2018.

Đánh giá trên các chỉ số về tính đầy đủ, tính bền vững và tính toàn diện, Singapore cũng đứng đầu châu Á (và thứ sáu toàn cầu) với 73,8 điểm.

Trên toàn cầu, Hà Lan đứng thứ nhất đạt 81 điểm và xếp hạng A. Hà Lan cũng là quốc gia liên tục giữ một trong hai vị trí đứng đầu thế giới ở 10 trong tổng số 11 báo cáo của MMGPI gần đây. Sau Hà Lan là Đan Mạch.

Tại châu Á, xếp sau Singapore là Hong Kong (Trung Quốc) và Malaysia (thứ 16 toàn cầu). Hai nền kinh tế này đều được xếp hạng C+. Indonesia cũng được xếp vào hạng C- với 52,2 điểm.

Sáu hệ thống hưu trí được MMGPI xếp hạng D tại châu Á là Trung Quốc (48,7 điểm), Ấn Độ (45,8 điểm), Nhật Bản (48,3 điểm), Hàn Quốc (49,8 điểm), và hai nước mới được bổ sung là Philippines (43,7 điểm) và Thái Lan (39,4 điểm).

[10 quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới]

Tính theo khu vực, châu Á kém 10 điểm so với chỉ số trung bình toàn cầu 50,3 điểm. Tính trên chỉ số tính bền vững, châu Á cũng kém 2,3 điểm so với mức trung bình thế giới.

Bà Janet Li, trưởng bộ phận kinh doanh của Mercer tại châu Á, cho rằng chính phủ các nước châu Á cần phải tiếp tục tập trung vào yếu tố đầy đủ và yếu tố toàn diện của hệ thống hưu trí dù đã có những cải thiện nhất định để không làm gánh nặng cho các thế hệ tương lai.

Theo bà Li, mặc dù không có một mô hình hệ thống hưu trí phù hợp cho tất cả các nền kinh tế, nhưng có một số khuyến nghị chung để châu Á có thể cân nhắc.

Trong số các khuyến nghị này có việc “tăng cường mức độ tối thiểu hỗ trợ cho những người già nghèo khổ nhất” nhằm đảm bảo một phần lợi ích hưu trí được tiếp nhận như là một nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, tăng độ tuổi tối thiểu tiếp cận các khoản tiết kiệm hưu trí của người cao tuổi cũng là một khuyến nghị khác của Mercer./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục