Singapore đưa ra 7 chiến lược thúc đẩy phát triển nền kinh tế

Một hội đồng 30 thành viên đứng đầu các cơ quan kinh tế chủ chốt tại Singapore đã công bố một báo cáo bao gồm 7 chiến lược đệ trình lên Thủ tướng Lý Hiển Long để thúc đẩy nền kinh tế nước này.
Singapore đưa ra 7 chiến lược thúc đẩy phát triển nền kinh tế ảnh 1Vịnh Marina ở Singapore. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 9/2, Ủy ban Kinh tế tương lai (CFE), một hội đồng 30 thành viên đứng đầu các cơ quan kinh tế chủ chốt tại Singapore đã công bố một báo cáo bao gồm 7 chiến lược đệ trình lên Thủ tướng Lý Hiển Long để thúc đẩy nền kinh tế nước này tiếp tục tiến lên phía trước.

7 chiến lược mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Đào sâu và đa dạng hóa các kết nối quốc tế nhằm tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; Hình thành các kỹ năng chuyên sâu cho người lao động; Tăng cường năng lực doanh nghiệp để đổi mới và mở rộng quy mô; Tạo lập một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ; Xây dựng một thành phố sôi động và kết nối các cơ hội; Chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy các ngành công nghiệp; Xây dựng các quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển và đổi mới.

Đáng chú ý, CFE khuyến nghị chính phủ cần thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư tận dụng việc giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan thông qua các sáng kiến như Cộng đồng kinh tế ASEAN hay các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực; thành lập một Liên minh Đổi mới toàn cầu để tạo sự gắn kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy sự đổi mới.

Bên cạnh đó, những lộ trình phát triển các ngành công nghiệp cụ thể cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng ngành, nhóm lại thành các cụm sao cho sự chuyển đổi của một ngành công nghiệp có thể có tạo ra sự tác động lan tỏa tích cực đến những ngành, lĩnh vực khác.

Chính phủ cần thúc đẩy tạo lập một môi trường để hỗ trợ đổi mới và chấp nhận rủi ro trong khu vực tư nhân và công cộng.

Mặt khác, CFE cũng kêu gọi xem xét lại hệ thống thuế hiện hành, dựa trên hai nguyên tắc là đảm bảo áp dụng trên diện rộng, tiến bộ và công bằng cũng như duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng.

Lý giải về việc đưa ra các chiến lược mới này, CFE lưu ý rằng sự tăng trưởng trên toàn thế giới bị chững lại cùng với chuỗi giá trị toàn cầu đang thay đổi, công nghệ mới có thể thay thế toàn bộ các ngành công nghiệp, thay thế công nhân thậm chí nhiều cơ hội mới được tạo ra, trong đó đáng lo ngại nhất là chính sách bảo hộ ngày càng tăng ở châu Âu và Mỹ.

Báo cáo của CFE nhấn mạnh xu hướng chống toàn cầu hóa sẽ làm suy yếu thương mại quốc tế, gây tổn thương cho các nền kinh tế, đặc biệt là đối với Singapore-một nền kinh tế nhỏ nhưng lại có độ mở lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường toàn cầu đầy thách thức, CFE cho rằng vẫn có nhiều cơ hội để Singapore đổi mới, phát huy được tiềm năng, duy trì kết nối và giữ được sự gắn kết với thế giới.

Bản báo cáo này đã nhận được sự đồng tình của Thủ tướng Lý Hiển Long và ông cho biết Chính phủ sẽ theo đuổi tất cả các mục tiêu mà bản báo cáo đề cập tới.

Song, người đứng đầu chính phủ Singapore cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện việc chuyển đổi nền kinh tế một cách thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục