Singapore triển khai chính sách ngoại giao cân bằng với các nước

Singapore tiếp tục triển khai chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn đồng thời đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc và các nước ASEAN.
Singapore triển khai chính sách ngoại giao cân bằng với các nước ảnh 1Một góc Singapore. (Nguồn: ds-lands.com)

Trong bối cảnh tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn biến phức tạp và có nhiều bất ổn, Singapore tiếp tục triển khai chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Trong khi kêu gọi Mỹ tăng cường sự hiện hiện cả về quân sự và kinh tế tại khu vực, Singapore tiếp tục đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Trong vòng hai tháng, cả Thủ tướng và Phó Thủ tướng của Singapore đã có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 11-18/9, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Đông, thành phố Thâm Quyến, Hong Kong và Quế Lâm; dự và phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 11 được tổ chức tại thành phố Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 27-31/7, Phó Thủ tướng Teo Chee Hean và người đồng cấp Trung Quốc Trương Cao Lệ đã tái khẳng định cam kết của hai chính phủ Singapore và Trung Quốc về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương về kinh tế và xã hội.

Ngoài các dự án hợp tác cấp quốc gia, Singapore và Trung Quốc có rất nhiều dự án hợp tác theo kiểu “Doanh nghiệp đi đầu, chính phủ hỗ trợ phía sau” nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong lĩnh vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Trong lĩnh vực tài chính, hai ngân hàng trung ương của hai nước gần đây đã đồng ý thực hiện chính sách thí điểm giao dịch đồng nhân dân tệ qua biên giới tại Khu công nghiệp Tô Châu và thành phố sinh thái Thiên Tân.

Singapore đồng thời đóng vai trò tích cực trong các hoạt động liên quan tới ASEAN nhằm nâng cao vị thế của mình.

Trong hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Arun Jaitley tại thủ đô New Delhi ngày 19/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho rằng Singapore và Ấn Độ có thể đóng vai trò tích cực đối với an ninh khu vực và hai Bộ trưởng Quốc phòng công nhận vai trò của Hội nghị ADMM+ trong việc thúc đẩy đối thoại và đồng thuận trong khu vực.

Trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 7-10/9, Bộ trưởng Danh dự Cao cấp Goh Chok Tong hối thúc Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - hiệp định có sự tham gia của cả 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu nước đối tác gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Ông Goh Chok Tong cho rằng tham gia vào RCEP sẽ giúp Ấn Độ giao thương với ASEAN - một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới - từ đó hỗ trợ nền kinh tế 2.000 tỷ USD của Ấn Độ tăng thêm 3%.

Quan hệ Singapore-Việt Nam tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa giáo dục, nhất là trong bối cảnh năm đầu tiên hai nước triển khai mối Quan hệ Đối tác Chiến lược đã được lãnh đạo cấp cao hai nước ký vào tháng 9/2013.

Quan chức cấp cao nhất của Singapore sang thăm Việt Nam trong năm 2014 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Danh dự Cấp cao Singapore Goh Chok Tong.

Trong các buổi làm việc với lãnh đạo Việt Nam trong các ngày 23-24/9, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong cho biết mục đích chuyến thăm là củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và hiện thực hóa mối quan hệ này bằng những dự án cụ thể.

Cựu Thủ tướng Goh Chok Tong đề nghị hai nước đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác về hàng không, giáo dục, du lịch.

Ông cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đào tạo nguồn nhân lực; tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án phát triển.

Hai bên bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác để thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tại cuộc Tham vấn Chính trị Singapore-Việt Nam lần thứ 8 diễn ra tại Singapore hồi tháng Bảy, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh và các lĩnh vực khác (giáo dục, tài chính, ngân hàng, thông tin-truyền thông, xây dựng, văn hóa-du lịch-thể thao) như đã được cụ thể hóa trong nội hàm Quan hệ Đối tác Chiến lược.

Hai bên cũng đã trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; đề cao sự đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực và trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Hai bên thống nhất rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trên cơ sở đó, hai bên đề cao vai trò tích cực của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Quan hệ thương mại giữa Singapore và Việt Nam tiếp tục phát triển. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Singapore, tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong tám tháng năm 2014 đạt 13,538 tỷ đôla Singapore (SGD - tương đương 10,830 tỷ USD), tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2,573 tỷ SGD (tương đương 2,058 tỷ USD), tăng 22,4%, và Việt Nam nhập khẩu 10,965 tỷ SGD (tương đương 8,772 tỷ USD), tăng 22,2%.

Quý 3 vừa qua cũng chứng kiến sự chuyển dịch của một số quỹ đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Quỹ đầu tư Government of Singapore Investment Corporation PteLtd (GIC) chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (VNS) từ ngày 14/8/2014 khi mua thành công 4,5 triệu cổ phiếu VNS, tương đương tỷ lệ sở hữu 7,96% vốn.

GIC do Chính phủ Singapore thành lập từ năm 1981 để quản lý nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia. Năm 2013, 44% danh mục của Quỹ đầu tư vào Mỹ, 25% vào châu Âu và 28% vào châu Á.

Trong khi đó, tập đoàn Temasek, quỹ đầu tư lớn nhất Singapore thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore, đã bán 10,7% vốn, tương ứng 37,8 triệu cổ phiếu tại Vietnam Infrastructure Limited (VNI) - một quỹ của VinaCapital - và đầu tư vào 3 triệu cổ phiếu của Vinamilk với giá trị trên thị trường vào thời điểm đầu tư là gần 370 tỷ đồng.

Kinh tế trong nước

Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của tầng lớp người dân có thu nhập thấp và người già trong những tháng qua.

Trong diễn văn nhân dịp Quốc khánh Singapore (17/8), Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề cập tới ba vấn đề lớn, đó là định hướng giáo dục và việc làm, tương lai của người dân khi nghỉ hưu và cải cách hoạt động của các cơ quan chính phủ.

Để đạt được những định hướng nói trên, Chính phủ đã thành lập một ủy ban gồm đại diện của Chính phủ, giới chủ lao động và người lao động và do Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam đứng đầu.

Ủy ban này có nhiệm vụ thúc đẩy hỗ trợ nghề nghiệp, tạo thêm cơ hội cho những người lao động chưa có bằng cấp và yêu cầu giới chủ lao động đánh giá người lao động dựa vào kĩ năng của họ chứ không phải bằng cấp.

Một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm vinh danh các vị “lão thành” - những người đã cùng dựng xây đất nước Singapore 50 năm về trước - là nâng cấp Quỹ lương hưu (CPF) để đáp ứng nhu cầu của mọi người lao động khi đến tuổi về hưu (65 tuổi), đặc biệt là những người già, có thu nhập thấp; và thực hiện kế hoạch Hỗ trợ Bạc dành trợ cấp hằng năm cho những người thu nhập thấp trên 65 tuổi.

Chính phủ cũng sẽ mở rộng chính sách mua lại nhà ở của những vị “lão thành.”

Về cải cách hoạt động của các cơ quan chính phủ, Văn phòng Dịch vụ Thành phố được thành lập do Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Grace Fu đứng đầu để điều phối hoạt động của các cơ quan chính phủ.

Văn phòng này là đầu mối duy nhất tiếp nhận ý kiến và thông tin phản hồi của các cơ quan, tổ chức, công ty và công chúng về các dịch vụ cung cấp cho người dân.

Các biện pháp mà Chính phủ tiến hành để tăng năng suất lao động và giảm phụ thuộc vào lao động nước ngoài đã nhận được đánh giá tích cực từ các nhà kinh tế trong và ngoài nước.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick nhận định rằng với những nỗ lực của chính phủ, nền kinh tế Singapore sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi các doanh nghiệp Singapore có ý thức hơn về vấn đề cạnh tranh và cách tác động đến tiền lương.

Tuy nhiên, xuất khẩu, ngành đem lại nguồn thu lớn cho Đảo quốc Sư tử, lại liên tục giảm.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore giảm 4,7% trong tháng 8/2014 so với mức giảm 2,5% của cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ giảm 3,3% trong tháng Bảy, 4,6% trong tháng Sáu và 6,6% trong tháng Năm và chỉ tăng nhẹ trong tháng Tám vừa qua.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2014 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2013 và thấp hơn mức giảm 1,2% trong tháng Bảy.

Dự kiến CPI sẽ tăng nhẹ trong các tháng cuối năm do chi phí giao thông giảm và số lượng lớn nhà ở được tung ra thị trường vào những tháng cuối năm.

Một hoạt động kinh tế được báo giới trong và ngoài Singapore phản ánh nhiều là việc Singapore vừa khai trương khu dự trữ dầu mỏ Jurong Rock Caverns, nằm ở độ sâu 150m dưới đáy biển.

Đây được coi là khu dự trữ dầu mỏ ngầm đầu tiên tại Đông Nam Á. Khu dự trữ này nằm dưới đáy vịnh Banyan, trên đảo Jurong ở phía Tây Nam đảo chính của Singapore và có sức chứa 1,47 triệu m3 dầu.

Tổng chi phí xây dựng công trình này vào khoảng 1,7 tỷ USD, tốn hơn nhiều so với việc xây dựng khu dự trữ trên mặt đất, nhưng nó lại giúp giải quyết vấn đề khan hiếm đất tại quốc gia có diện tích khoảng 700km2 này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục