Số học sinh là con em các gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc tăng mạnh

So với năm 2017, số học sinh năm nay đã tăng gần 30.000 người, trong đó học sinh tiểu học là 103.958 em, học sinh trung học cơ sở là 21.747 em và học sinh trung học phổ thông là 11.520 em.
Số học sinh là con em các gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc tăng mạnh ảnh 1Một lớp học tại Hàn Quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: chronicle.com)

Theo tài liệu do Bộ Giáo dục Hàn Quốc trình lên Ủy ban Giáo dục Quốc hội nước này ngày 16/10, trong năm nay, số học sinh là con em các gia đình đa văn hóa, tức có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, đã lên tới 137.222 em.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số đối tượng học sinh này đã tăng liên tục trong ba năm qua, từ mức 109.387 em trong năm 2017 lên 122.212 em trong năm 2018.

So với năm 2017, số học sinh năm nay đã tăng gần 30.000 người, trong đó học sinh tiểu học là 103.958 em, học sinh trung học cơ sở là 21.747 em và học sinh trung học phổ thông là 11.520 em.

Tính theo khu vực, số học sinh ở thủ đô Seoul là 17.929 em, số học sinh ở tỉnh Gyeonggi là 33.482 em, điều này có nghĩa là riêng tại khu vực Seoul và lân cận thủ đô có hơn 50.000 học sinh là con em các gia đình đa văn hóa.

[Số trẻ sơ sinh ở Hàn trong gia đình đa văn hóa năm 2017 tăng kỷ lục]

Tuy nhiên, theo thống kê chính thức của Chính phủ Hàn Quốc, số giáo viên ngôn ngữ đa văn hóa trên toàn quốc chỉ đạt 489 người, trong đó 402 người (82,2%) là giáo viên nữ và chỉ có 64 người có chuyên môn giáo dục ngoại ngữ (13,1%).

Theo quy định hiện hành, tiêu chuẩn đối với giáo viên ngôn ngữ đa văn hóa là người tốt nghiệp đại học, người có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở bậc 2 trở lên, song xét về điều kiện cung cầu nhân lực, các trường có thể tuyển dụng giáo viên ngôn ngữ đa văn hóa theo tiêu chuẩn do giám đốc của các sở giáo dục địa phương định ra.

Nghị sỹ Shin Kyung-min của đảng Dân chủ đồng hành, thành viên của Ủy ban Giáo dục Quốc hội Hàn Quốc, cho biết phần lớn các giáo viên ngôn ngữ đa văn hóa không có nghiệp vụ về giáo dục và ngoại ngữ.

Mặc dù cần phải nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên này, nhưng trong năm nay chỉ có 4 sở giáo dục tiến hành tập huấn cho các giáo viên ngôn ngữ đa văn hóa là các sở giáo dục ở thành phố Seoul, Daegu, Incheon và tỉnh Nam Chungcheong.

Ông Shin nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần nắm bắt chính xác thực trạng và tăng cường tập huấn cho giáo viên ngôn ngữ đa văn hóa, giúp các học sinh gia đình đa văn hóa vừa có thể ổn định cuộc sống tại xã hội Hàn Quốc, vừa phát triển thế mạnh là thông thạo hai thứ tiếng là tiếng Hàn và ngôn ngữ của bố hoặc mẹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục