Số người ủng hộ và phản đối Serbia gia nhập EU đều giảm

Kết quả thăm dò dư luận tiến hành cuối tháng Sáu cho thấy số người ủng hộ và phản đối nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đều giảm nhẹ.

Ngày 5/8, Văn phòng hội nhập châu Âu của chính phủ Serbia công bố kết quả thăm dò dư luận tiến hành cuối tháng Sáu cho thấy số người ủng hộ và phản đối nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đều giảm nhẹ.

Thông báo của văn phòng trên cho biết nếu Serbia tiến hành trưng cầu ý dân tại thời điểm này về việc có nên gia nhập EU hay không thì sẽ có 46% cử tri bỏ phiếu ủng hộ, 19% phản đối, 20% không tham gia và 15% chưa có câu trả lời cuối cùng. So với cuộc thăm dò cuối năm trước, số người ủng hộ giảm 5%, số người phản đối giảm 3%. Trên thực tế, tỷ lệ người ủng hộ việc Serbia gia nhập EU liên tục giảm kể từ khi nước này tiến hành cuộc thăm dò đầu tiên năm 2002.

Cũng theo cuộc thăm dò, 35% số người được hỏi cho rằng gia nhập EU sẽ tốt cho Serbia, 22% ngả về phương án xấu và 43% không cho biết ý kiến. Khoảng 47% số người được hỏi cho rằng việc Serbia gia nhập EU là "cửa ngõ" để thanh niên nước này hướng tới tương lai tươi sáng hơn, 36% tin có thêm cơ hội tìm việc làm và 36% hy vọng có cơ hội đi lại tự do trong EU.

Cuộc thăm dò còn cho thấy 5% số người được hỏi lo ngại Serbia có thể mất bản sắc văn hóa và dân tộc, ngôn ngữ Serbia sẽ ít được sử dụng hơn khi nước này hòa vào "mái nhà chung châu Âu."

67% số người được hỏi tin rằng Serbia cần thực hiện các cải cách theo tiêu chí gia nhập EU, không phải vì tư cách hội viên tổ chức này mà vì hạnh phúc của người dân và một đất nước Serbia mạnh hơn, có trật tự hơn.

61% số người được hỏi tin rằng Belgrade và Pristina cần giải quyết những vấn đề nảy sinh từ khi nước Cộng hòa Kosovo thuộc Serbia đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008, cho dù EU muốn hay không.

Khoảng 70% ủng hộ Belgrade tiếp tục đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Kosovo và sẵn sàng đi đến những giải pháp lâu dài trong vấn đề này thông qua hợp tác và đối thoại.

Trả lời câu hỏi điều gì quan trọng nhất đối với Serbia hiện nay, 58% số người được hỏi nhắc đến cuộc chiến chống tham nhũng, 41% đề cập đến cải cách hệ thống y tế và 37% nói đến bảo vệ quyền con người. Chỉ 29% số người được hỏi coi cải cách hệ thống tư pháp và cải thiện hệ thống giáo dục là quan trọng nhất. 25% đề cập đến cải thiện sản lượng nông nghiệp. 10% nghĩ đến bảo vệ người tiêu dùng và 15% nhắc đến bảo vệ môi trường.

Cũng trong cuộc thăm dò, hầu hết những người được hỏi không hề biết nước nào là nhà tài trợ lớn nhất cho Serbia trong hơn 13 năm qua, trong khi EU và các nước thành viên của tổ chức này đã giúp Belgrade hơn 3,5 tỷ euro từ năm 2000-2013 để phát triển đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục