Số phận bé trai và cô dâu gốc Việt ở phà SEWOL vẫn là bí ẩn

Qua tra cứu tại bảng danh sách cập nhật tên các nạn nhân đã tử nạn, phóng viên không thấy tên nạn nhân nào là chị Phan Ngọc Thanh và con trai.
Số phận bé trai và cô dâu gốc Việt ở phà SEWOL vẫn là bí ẩn ảnh 1Các lực lượng cứu trợ nhân đạo sẵn sàng ở bờ biển Bengmuk. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+)

Trong ngày 20/4, các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ các hành khách còn đang bị mất tích của chiếc phà SEWOL bị nạn ở Hàn Quốc tiếp tục diễn ra với cường độ cao khi mà hy vọng cứu thêm được các hành khách đang còn bị mất tích đang cạn dần.

Tại buổi họp báo cuối ngày 20/4, cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp về vụ chìm phà SEWOL của Hàn Quốc cho biết trong ngày 20/4 đã huy động 212 tàu, 36 máy bay và 641 thợ lặn tham gia vào công tác tìm kiếm tại hiện trường vụ tai nạn và trên khu vực biển xung quanh.

Tính đến 18 giờ cùng ngày đã phát hiên thêm 6 thi thể các nạn nhân từ trong khoang của chiếc phà và trên mặt biển, nâng tổng số người thiệt mạng lên 58 người.

Theo Đài truyền hình YTN, trong ngày hôm nay đã tìm thấy thi thể của bé trai Kwon Hyuk-kyu 6 tuổi là con trai gia đình cô dâu người Việt là chị Phan Ngọc Thanh (tên tiếng Hàn là Han Yun Ji).

Tuy nhiên, qua tra cứu tại bảng danh sách cập nhật tên các nạn nhân đã tử nạn đặt tại bãi biển Bengmok, quận Chindo, phóng viên không thấy tên nạn nhân nào là Kwon Hyuk-kyu và Han Yun Ji. Hơn nữa, do áp lực của gia đình thân nhân các hành khác và người dân địa phương, phóng viên các hãng truyền thông nước ngoài rất khó có thể quay phim hay chụp ảnh được danh sách này.

Sau khi các đội cứu hộ phá được cửa kính tầng 3 và tầng 4 của chiếc phà SEWOL vào đêm qua 19/4, mọi nỗ lực cứu hộ trong ngày hôm nay dường như tập trung vào việc tìm kiếm và trục vớt thi thể các hành khách xấu số. Trong ngày hôm nay, thời tiết tại khu vực này khá thuận lợi cho công tác cứu hộ.

Theo quan sát của phóng viên TTXVN tại hiện trường Nhà thi đấu quận Chindo và tại bãi biển Bengmok thuộc quận Chindo, nơi đặt trụ sở cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp về vụ chìm phà SEWOL, chính quyền tiếp tục tăng cường thêm các lực lượng cảnh sát, y tế và tình nguyện viên để trợ giúp thân nhân của các hành khách còn đang bị mất tích và người dân từ nhiều nơi khác trên đất nước Hàn Quốc đổ về đây trong ngày cuối tuần.

Các hãng thông tấn và truyền thông quốc tế cũng tập trung ngày càng nhiều và lập trung tâm truyền hình và đưa tin lưu động ngay tại bờ biển SEWOL để nhanh chóng cập nhật và tiếp tục đưa tin về thảm họa trên cho đến hết ngày 26/4 là thời gian mà Chính phủ Hàn Quốc dự kiến kết thúc công tác tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân và có thể chuyển sang giai đoạn trục vớt phà và xử lý các sự cố phát sinh.

Trong buổi chiều cùng ngày, tại Trung tâm hành chính quận Chindo, tỉnh Chonlanam-do, đã diễn ra cuộc họp của Cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp về tai nạn chìm phà SEWOL do Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won chủ trì với sự tham gia của người đứng đầu các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Thủy sản và Nghề cá, Bộ An ninh và Hành chính công, Bộ Phúc lợi xã hội, Bộ Quốc phòng, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Cảnh sát biển…

Kết thúc cuộc họp, Ủy ban đối phó khẩn cấp đã quyết định đề nghị Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố bố quận Jindo, tỉnh Chonlanam-do và quận Ansan, tỉnh Kyongki-do là những “khu vực thảm họa đặc biệt" qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc đền bù thiệt hại trong vụ chìm phà cũng như tăng cường chi viện và hỗ trợ cho các khu vực này sau thảm họa nêu trên.

Theo dự kiến ban đầu, Thủ tướng Chung Hong-won sẽ đến thăm hỏi và đối thoại với gia đình các nạn nhân còn đang bị mất tích hiện vẫn đang tập trung rất đông tại Nhà thi đấu quận Chindo theo yêu cầu của các gia đình này, tuy nhiên đến 15h cùng ngày, buổi gặp trên đã không diễn ra như dự định.

Một số tình nguyện viên người Hàn Quốc có mặt tại địa điểm trên cho biết, rất có thể buổi gặp trên không diễn ra như dự định là do Chính phủ Hàn Quốc lo ngại phản ứng mạnh của gia đình các nạn nhân, nhất là khi hy vọng mong manh thay đổi hoàn cảnh cuối cùng đã không còn, trong khi số lượng thi thể các nạn nhân trục vớt được từ đêm hôm qua đã tăng lên nhanh chóng.

Thậm chí cuối buổi chiều cùng ngày, do quá đau buồn và tuyệt vọng, một số thân nhân các gia đình hành khách còn đang bị mất tích hiện đang ở tại Nhà thi đấu quận Chindo đã có những phản ứng rất mạnh, đổ lỗi cho phản ứng chậm trễ, lúng túng trong công tác cứu hộ của Chính phủ và gây ra tình trạng lộn xộn trong một thời gian nhất định tại Nhà thi đấu này.

Theo tin mới nhất mà phóng viên mới nhận được tại hiện trường Nhà thi đấu quận Chindo, đến 23 giờ cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chấp thuận đề xuất của chính phủ tuyên bố hai quận Chindo và Ansan thành “khu vực thảm họa đặc biệt"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục