Số phận chính trị của Tổng thống Iran đứng trước rủi ro cao

Nếu muốn giành thêm ghế trong bầu cử quốc hội, Tổng thống Rouhani cần đạt thỏa thuận hạt nhân, nếu không ông sẽ hứng chịu tổn thất to lớn.
Số phận chính trị của Tổng thống Iran đứng trước rủi ro cao ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: www.telegraph.co.uk)

Theo hãng AP, trong cuộc đàm phán kéo dài về tương lai chương trình hạt nhân của Iran, Tổng thống Hassan Rouhani đã trụ vững trước làn sóng chỉ trích gay gắt của những người theo đường lối cứng rắn trong nước, bằng việc kiên trì quan điểm của ông rằng một thỏa thuận với các kẻ thù lâu nay của Tehran sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng.

Bởi vậy, số phận chính trị của vị tổng thống theo đường lối ôn hòa này đang đứng trước rủi ro cao trong bối cảnh cuộc đàm phán đang ở vào giai đoạn đầy chông gai khi thời hạn chót sắp đến (vào tháng 6 tới).

Nếu ông Rouhani thành công trong việc đạt được một thỏa thuận, Iran có thể được chứng kiến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt vốn đang khiến kinh tế nước này trì trệ, đúng lúc Tehran phải chật vật ứng phó với tình trạng giá dầu lao dốc nghiêm trọng.

Một sự khởi sắc trong nền kinh tế Iran có thể trở thành cú huých mạnh giúp gia tăng sự ủng hộ trong nước đối với ông Rouhani và nâng cao thành tích của phe ôn hòa trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới.

Những người theo đường lối ôn hòa đang thúc đẩy mối quan hệ ít đối đầu hơn giữa Iran với Phương Tây - một sự đoạn tuyệt với chính sách được áp dụng trong nhiệm kỳ 8 năm của người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad - và tìm kiếm nhiều quyền tự do hơn trong nước, trong đó có quyền tự do ngôn luận lớn hơn và nới lỏng những hạn chế trong xã hội.

Tuy nhiên, thất bại trong đàm phán sẽ nâng cao vị thế của phe đối lập theo đường lối cứng rắn vốn phản đối tất cả những chính sách của ông Rouhani.

Nhà phân tích chính trị Theodore Karasik ở Dubai nhấn mạnh nếu không có thỏa thuận hạt nhân, vị trí tổng thống sẽ rơi trở lại vào tay một nhà lãnh đạo bảo thủ cực đoan hơn, đứng đầu một nhà nước Iran trang bị hạt nhân.

Hiện chính quyền của Tổng thống Rouhani có khả năng chống lại làn sóng chỉ trích, bởi họ vẫn nhận được sự hậu thuẫn quan trọng của lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong tất cả những quyết định lớn ở nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Nhà phân tích chính trị Saeed Leilaz ở Tehran lưu ý nếu không có sự tán thành của ông Khamenei thì phái đoàn đàm phán của Iran sẽ không thể ngồi lâu hơn 10 phút trong bàn thương lượng.

Theo giới phân tích, số phận chính trị của ông Rouhani gắn liền với một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Nhiều người dân nước này sẽ thất vọng nếu các nhà thương thuyết không thể đạt được một thỏa thuận lâu dài, điều có nghĩa là sẽ có thêm trừng phạt và thử thách.

Bởi vậy, nếu muốn giành thêm ghế trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, ông Rouhani sẽ thực sự cần một thỏa thuận. Nếu không làm được như vậy, nhà lãnh đạo này hứng chịu tổn thất to lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục