Số trẻ em nghèo tại Italy tăng gấp đôi trong vòng hai năm qua

Trong vòng ba năm, số trẻ em nghèo ở Italy đã tăng gấp đôi, từ 723.000 cháu năm 2011 lên 1,43 triệu cháu năm ngoái.
Số trẻ em nghèo tại Italy tăng gấp đôi trong vòng hai năm qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: presstv.ir)

Trong vòng ba năm, số trẻ em nghèo ở Italy đã tăng gấp đôi, từ 723.000 cháu năm 2011 lên 1,43 triệu cháu năm ngoái. Số trẻ em nghèo đặc biệt cao trong các gia đình có đông thành viên và phần lớn số trẻ này còn rất nhỏ.

Đó là con số mà Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) đưa ra trong việc kỉ niệm 25 năm ngày ra đời Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Theo Bộ trưởng Bộ cải cách Italy Marina Elena Boschi, đây là "một bức tranh đáng lo ngại" của trẻ em nước này, trong hoàn cảnh cuộc suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các gia đình Italy, nhất là những gia đình có trẻ em nhỏ. Do đó, theo bà Boschi, điều quan trọng đối với chính phủ Italy là "tạo thêm nhiều công ăn việc làm", "thúc đẩy cải cách thị trường, lao động."

Những tuyên bố này được bà Boschi đưa ra trong phiên họp của đại diện các bộ Bình đẳng, Bộ lao động và chính sách xã hội Italy với Ủy ban trẻ em và nhi đồng thuộc hai viện Quốc hội ở Thượng viện Italy hôm 20-11.

Tuy nhiên, ông Vincenzo Spadafora, Chủ tịch Ủy ban thiếu niên và nhi đồng Italy cho rằng, những chính sách xã hội mà các chính phủ Italy đã áp dụng trong nhiều năm qua đã gây ra tình trạng gia tăng số lượng trẻ em đói nghèo. Theo ông, các chính sách hỗ trợ kinh tế đối với các gia đình nghèo "không có tác dụng", và yêu cầu một sự "can thiệp ngay tức khắc" của chính phủ hiện tại trong công tác kinh tế và xã hội, nhằm giảm bớt tỷ lệ trẻ em nghèo, nhất là ở miền Nam Italy, vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ suy thoái kinh tế.

Ông Spadafora cho rằng, việc thiếu một chính sách dài hạn từ cấp chính phủ trong nhiều năm qua là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo trong thiếu niên Italy.

Các số liệu thống kê cho thấy, Italy hiện đang đứng thứ 18 trên 27 nước thuộc Liên minh Châu Âu trong việc đầu tư cho thiếu niên nhi đồng, với chỉ 1,1% GDP hàng năm được chi ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục