Số vụ bắt cóc thủy thủ tại vùng biển Tây Phi gia tăng đột biến

Các nhóm tội phạm cướp biển trước đây thường cướp các thùng dầu nhưng ngày nay, do dầu không được giá nên chúng chuyển chiến thuật sang bắt cóc thủy thủ để đòi tiền chuộc.
Lực lượng thực thi pháp luật bắt giữ một toán cướp biển trên vịnh Guinea thuộc khu vực Tây Phi. (Ảnh: TTXVN phát)
Lực lượng thực thi pháp luật bắt giữ một toán cướp biển trên vịnh Guinea thuộc khu vực Tây Phi. (Ảnh: TTXVN phát)

Năm 2019, số thủy thủ bị bắt cóc tại khu vực ngoài khơi Tây Phi tăng hơn 50%, báo động tình trạng cướp biển diễn biến phức tạp tại khu vực này.

Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát hàng hải quốc tế (IMB), có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia), các vụ hải tặc tấn công bắt cóc diễn ra ở khu vực Vịnh Guinea, vùng biển kéo dài hàng nghìn km từ Nam Angola tới phía Bắc Senegal.

Đây là tuyến đường biển nạn cướp biển diễn biến nguy hiểm nhất.

Năm 2018, số thủy thủ bị bắt cóc trên tuyến đường biển này ở mức 78 người, đã tăng lên 121 người trong năm 2019, chiếm hơn 90% tổng số thủy thủ bị bắt cóc trên toàn thế giới.

Giám đốc IMB Michael Howlett nhận định tần suất các vụ bắt cóc thủy thủ gia tăng đột biến tại khu vực này trong năm qua đồng thời kêu gọi các tàu thuyền, cơ quan giám sát và ứng phó tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác.

Nếu như trước đây Vịnh Aden là khu vực mà các tàu thuyền phải dè chừng thì trong nhiều năm gần đây, Vịnh Guinea lại trở thành điểm nóng cướp biển.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã nỗ lực tăng cường các biện pháp can thiệp và hợp tác nhằm ngăn chặn tình trạng này.

[Cướp biển tấn công tàu chở dầu Hy Lạp neo đậu ở cảng biển Cameroon]

Các vụ tấn công cướp biển tại đây làm gián đoạn nghiêm trọng các tuyến vận tải biển quốc tế và gây thiệt hại kinh tế nặng nề vì đây là tuyến vận tải chính qua hai quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở phía Nam sa mạc Sahara là Nigeria và Angola.

Chỉ riêng trong năm 2017, vùng Tây Phi tiêu tốn khoảng hơn 818 triệu USD cho các hoạt động tàu thuyền, dịch vụ an ninh để ngăn ngừa cướp biển.

Các nhóm tội phạm trước đây thường cướp các thùng dầu nhưng ngày nay, do dầu không được giá nên chúng chuyển chiến thuật sang bắt cóc thủy thủ để đòi tiền chuộc.

Các băng nhóm tội phạm hầu hết có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Niger ở Nigeria.

Cũng theo báo cáo trên, tuy số người bị bắt cóc tăng nhưng số vụ cướp biển và tấn công có vũ trang nhằm vào tàu thuyền trên toàn thế giới trong năm 2019 đã giảm xuống 162 vụ từ mức 201 vụ trong năm 2018.

Vùng eo biển Singapore trong năm 2019 cũng chứng kiến số vụ cướp biển gia tăng với 12 vụ xảy ra nhưng báo cáo cũng cho biết các vụ việc ở cấp độ thấp và thường chỉ mang tính chất cướp bóc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục