Sóc Trăng hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng cho hộ nuôi tôm

Sóc Trăng đã quyết định xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng cho gần 3.000 hộ nghèo của tỉnh tái đầu tư sản xuất.
Trước thực tế tôm nuôi bị thiệt hại liên tiếp qua nhiều đợt thả giống trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã quyết định xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng cho gần 3.000 hộ nghèo của tỉnh tái đầu tư sản xuất.

Chính sách hỗ trợ người nghèo nuôi tôm bị thiệt hại lần này được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để hộ nuôi tự chọn biện pháp khắc phục làm sao phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn.

Chính vì vậy, tùy theo điều kiện từng vùng mà cũng với số tiền hỗ trợ ấy, các địa phương, ngành chuyên môn đã khuyến cáo và hướng dẫn bà con nên chọn tiếp tục thả nuôi tôm sú hay đối tượng thủy sản, cây trồng khác thay thế.

Mức hỗ trợ được tính bình quân 3 con tôm giống/1m2, với mật độ này nếu vùng nuôi có điều kiện thì hộ nghèo cũng có khả năng tăng thu nhập, thu hồi số vốn đã mất từ đầu vụ và phù hợp với khả năng chăm sóc.

Ở các huyện Vĩnh Châu, Trần Đề độ mặn còn khá cao, khả năng thả giống tôm sú còn thuận lợi, người dân đã tích cực cải tạo ao vuông để thả, riêng với địa bàn vùng tôm-lúa, vùng nuôi quảng canh cải tiến ở huyện Mỹ Xuyên và vùng sâu trong nội đồng ở một số địa phương khác, độ mặn đã giảm thì khả năng thả lại tôm sẽ bất lợi do mùa vụ thả nuôi đã kết thúc.

Theo ông Trần Minh Trí, Trưởng Trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện Vĩnh Châu, hiện nay tình hình vùng nuôi vẫn còn bị ô nhiễm, ở vùng nuôi có điều kiện, người nuôi tôm đã khắc phục lại bằng cách cải tạo ao vuông và thả lại tôm sú, còn đối với vùng nuôi quảng canh hay vùng tôm-lúa, bà con nên làm lúa, thả cá thay thế để cải tạo môi trường vùng nuôi vì trên kênh rạch đã bị nhiễm mầm bệnh.

Xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, địa phương có tới trên 2.000 ha thả nuôi tôm sú mỗi vụ, vừa qua bị thiệt hại đã được Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã thống nhất khuyến cáo cho hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ nuôi tôm bị thiệt hại trước đây không nên thả tôm tiếp tục mà nên tập trung mua lúa giống để chuẩn bị cho vụ lúa mùa hoặc Thu Đông sắp tới.

Thực tế, qua khảo sát của xã đối với hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ vừa qua, đa số bà con không thả tôm nữa mà chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khác như chờ trồng lúa, trồng màu hoặc nuôi cá vì theo bà con, chuyển đổi sẽ có khả năng thu nhập an toàn, chắc chắn hơn./.

Trung Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục