Sôi động "cuộc đua" trên công trường xây hầm đường bộ Đèo Cả

Những ngày này, mặc dù nắng như đổ lửa, điều kiện thi công rất khó khăn nhưng không làm chùn bước hàng trăm cán bộ, kỹ sư và công nhân trên công trường đang làm việc 3 ca/ngày.
Sôi động "cuộc đua" trên công trường xây hầm đường bộ Đèo Cả ảnh 1Lực lượng cơ giới của Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô khoan hầm Đèo Cả. (Ảnh : Thế Lập/TTXVN)

Trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, dự án hầm đường bộ Đèo Cả đang được thi công. Dự án gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn có tổng chiều dài hơn 13km.

Hầm Đèo Cả có hai ống hầm song song và cách nhau 30m, mỗi ống hầm dài 4.125m, rộng 9,75m gồm hai làn xe cùng với dải an toàn và hành lang bảo dưỡng dầm. Hầm Cổ Mã có mặt cắt tương tự như hầm Đèo Cả dài 500m. Đường dẫn dài 8.565m với mặt đường rộng 20,5m. Toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc 80km/giờ. Dự án bắt đầu xây dựng từ tháng 11/2013.

Đẩy nhanh tiến độ công trình

Những ngày này, mặc dù nắng như đổ lửa, điều kiện thi công rất khó khăn nhưng hàng trăm cán bộ, kỹ sư và công nhân trên công trường vẫn làm việc 3 ca/ngày. Đến thời điểm này, hầm Cổ Mã do Công ty cố phần Sông Đà 10 thi công đã hoàn thành khoan hai ống hầm và đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị trong đường hầm, thi công đường dẫn và sẽ khánh thành vào cuối tháng Chín.

Kỹ sư Phạm Quang Chín (Công ty cổ phần Sông Đà 10) phấn khởi nói: “Chúng tôi thi công trong cả những ngày lễ để đạt tiến độ dự án. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện đường dẫn phía Bắc và phía Nam rải thảm nhựa, đến 15/9 hoàn thành toàn tuyến.”

Sôi động nhất là thi công hai ống hầm Đèo Cả. Các đơn vị đào hầm chuyên nghiệp như Công ty cổ phần Sông Đà 10, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty cổ phần Vinavico đảm nhận đã huy động ​nhân lực giỏi, nhiều kinh nghiệm với các thiết bị khoan hầm chuyên dụng. Với bốn mũi “tiến công” từ hai đầu mỗi ống hầm vào sâu trong núi, các nhà thầu đang đạt tiến độ kỷ lục mỗi tháng đào khoảng 600m.

Đại úy Vũ Tiến Trung, Chỉ huy trưởng hầm phía đông thuộc Công ty Xây dựng công trình ngầm (Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô) cho biết: “Tổng công ty huy động tối đa nguồn nhân lực, máy móc thiết bị hiện đại nhất sẵn có như máy khoan, thiết bị phun robot cũng như công nhân vận hành có tay nghề cao. Trong dịp lễ 2/9, chúng tôi vẫn làm việc ba ca liên tục để đảm bảo hoàn thành các hạng mục đúng tiến độ."

Đến nay hầm Đèo Cả đã đào được hơn 4.200m, đạt 50% khối lượng. Các hạng mục đường dẫn đường dẫn và cầu cũng đáp ứng kế hoạch đề ra. ​Kể cả ngày lễ, đội ngũ các bộ, kỹ sư, công nhân của hàng chục đơn vị thi công vẫn làm việc ba ca. Tất cả đang chạy đua cùng với thời gian để đưa công trình sớm về đích.

Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, kiêm Giám đốc điều hành dự án hầm đường bộ Đèo Cả, cho biết: “Trong những ngày này, công trường rất sôi động, kể cả vào ban đêm. Đến nay, tất cả các gói thầu của dự án đều được triển khai; trong đó hai hạng mục chính là hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã được thi công tập trung, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ như đã cam kết với Bộ Giao thông Vận tải. Riêng hầm Cổ Mã sẽ hoàn thành vào cuối tháng Chín, còn hầm Đèo Cả sẽ thông vào cuối tháng 9/2016."

Theo kế hoạch, dự án hầm đường bộ Đèo Cả sẽ hoàn thành vào tháng 7/2017. Khi đó, các phương tiện qua lại trên Quốc lộ 1 đoạn qua Đèo Cả rút ngắn một nửa quãng đường đi và thời gian cũng chỉ bằng một phần tư trước đây. Chưa kể mỗi năm sẽ tiết kiệm được gần 10 triệu USD chi phí hao mòn phương tiện, ùn tắc giao thông, duy tu đường đèo...

Dự án này còn đóng vai trò bảo đảm giao thông thuận lợi giữa miền Trung và khu vực phía Nam; kết nối hai khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Mở rộng hình thức đầu tư theo hợp tác công tư

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả có tổng mức đầu tư ban đầu 15.603 tỷ đồng và được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựngkinh doanh-chuyển giao), BT (xây dựng-chuyển giao). Các chuyên gia kinh tế nhận định, hình thức hợp đồng mà dự án hầm đường bộ Đèo Cả đang áp dụng là mô hình hợp tác công tư (PPP) đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Chính phủ cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước. Đây được xem là hình thức tối ưu nhất, phù hợp với tình hình hiện nay.

Để thực hiện mô hình trên cộng với sự hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư đã thực hiện hàng loạt giải pháp như đàm phán với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) để có nguồn tài chính từ trong nước cho toàn bộ dự án. Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu thi công trong nước có đủ năng lực kết hợp với việc sử dụng nhà thầu tư vấn nước ngoài (Công ty Nippon Koei, Nhật Bản); tạo điều kiện tạm ứng vốn để nhà thầu mua sắm máy móc hiện đại, huy động chuyên gia và kỹ sư có trình độ cao; điều chỉnh thiết kế cơ sở của dự án trên nguyên tắc bảo đảm quy mô kỹ thuật không thay đổi.

Nếu như trước đây tại hầm đường bộ Hải Vân, việc đào hầm do công nhân, kỹ sư nước ngoài đảm nhận, thì nay tại hầm Đèo Cả, đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam làm chủ và sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại trong quá trình thi công và mỗi tháng khoan sâu vào lòng núi khoảng 600m là một tiến bộ vượt bậc...

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, cùng với sự ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư của dự án xuống còn 11.378 tỷ đồng, giảm 4.225 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Ngày 2/7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kiểm tra thực tế tại công trường hầm đường bộ Đèo Cả. Phó Thủ tướng kết luận: “Đối với công trình này, chúng ta đã phát triển một mô hình mới, mô hình hợp tác công tư. Chính phủ cũng đã có các kế hoạch hành động; trong đó có tái cơ cấu đầu tư công và thực hiện các mô hình PPP, tức là kêu gọi các thành phần kinh tế khác tham gia vào phát triển nền kinh tế nhiều hơn thì mới có nguồn lực. Nếu tất cả hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng chỉ nhìn vào nguồn vốn ngân sách thì không bao giờ đáp ứng được yêu cầu. Nếu làm tốt công trình này thì nó trở thành một “thương hiệu” rất tốt…”

Trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung dự án hầm Cù Mông qua tỉnh Bình Định-Phú Yên và dự án mở rộng hầm Hải Vân qua tỉnh Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng vào dự án hầm Đèo Cả.

Quy mô hầm Cù Mông tương tự như hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã. Đầu tư phân kỳ giai đoạn một xây dựng hai ống hầm, hoàn thiện một ống phía Tây để khai thác hai chiều, hoàn thiện đường dẫn với nền đường rộng 20,5m, mặt đường hai làn xe, xây dựng hoàn chỉnh công trình thoát nước và các công trình phục vụ khai thác vận hành.

Đối với hầm Hải Vân, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) để đánh giá hiện trạng, thiết bị vận hành khai thác, cơ sở vật chất hiện tại để nghiên cứu việc tiếp nhận và quản lý hầm Hải Vân; đồng thời đề xuất giải pháp sửa chữa và quản lý khai thác, đảm bảo an toàn giao thông... Bộ Giao thông Vận tải đồng ý sử dụng khung tiêu chuẩn của dự án hầm Đèo Cả để áp dụng cho hầm Cù Mông và hầm Hải Vân.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: “Để đạt được mốc như hiện nay, rõ ràng là có sự hợp lực của nhiều bên; đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, sự hỗ trợ của hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa và người dân. Từ nỗ lực của dự án hầm đường bộ Đèo Cả, ngày 26/9 tới chúng tôi sẽ khởi động dự án hầm Cù Mông và khánh thành giai đoạn 1 của dự án hầm đường bộ Đèo Cả”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục