Sông Hàn lộng lẫy sắc Xuân trong đêm Giao thừa

Khác với mọi năm, Giao thừa năm nay, thành phố Đà Nẵng thêm rực rỡ khi thành phố lần đầu tiên tổ chức đường hoa bên dòng sông Hàn thơ mộng.
Đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người dân Đà Nẵng khi mỗi độ Xuân về và người người đều náo nức đợi chờ thời điểm Giao thừa, khoảnh khắc thiêng liêng nhất của sự giao thoa đất trời và cũng là sự chuyển giao giữa năm cũ và mới.

Chính trong giờ phút thiêng liêng này, ai ai cũng muốn được tận hưởng sự thăng hoa cùng vạn vật và dòng sông Hàn thơ mộng là không gian lý tưởng nhất để tận hưởng sự thăng hoa đó.

Với thời tiết rất lý tưởng và thật đúng nghĩa thời tiết Xuân,không mưa, không lạnh và cũng không nóng nên chỉ mới hơn 22 giờ, dòng người đổ về đường Bạch Đằng đã đông nghịt, bởi họ muốn được tận mắt chiêm ngưỡng sự rực rỡ của đường Hoa Xuân Bạch Đằng trước khi thưởng thức bầu trời Đà Nẵng rực sáng xuất phát từ bốn điển bắn pháo hoa dọc sông Hàn. Đây là lần đầu tiên, Đà Nẵng quyết định tổ chức đường hoa Xuân với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Với chủ đề "Trăm hoa khoe sắc," đường hoa kéo dài từ ngã 3 đường Bạch Đằng- Phan Đình Phùng đến ngã 3 đường Bạch Đằng- Lê Văn Duyệt, với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng khoảng 11,7m, tổng diện tích là 11.508 m2. Công trình sử dụng hơn 100.000 giỏ hoa, cây xanh các loại, với hơn 100 loại hoa; với tổng kinh phí gần 17 tỷ được huy động từ các nguồn lực xã hội.

Ấn tượng của đường hoa Bạch Đằng bắt đầu từ cánh cổng với vòm mai lớn uốn quanh thành hình bán nguyệt rực rỡ sắc vàng, mang đến không khí Tết vừa rộn ràng, nhộn nhịp, vừa ấm áp, thân quen. Sau cánh cổng, đường hoa Bạch Đằng sẽ được tiếp nối bởi 6 phân đoạn với các tiêu đề: Xuân ký ức, xuân sung túc, xuân non nước, trăm hoa khoe sắc, mùa tình yêu và mùa tụ hội. Hoa mai, đào cùng hơn 100 loài hoa khác rực rỡ sắc màu quần tụ, đua sắc để tô điểm con đường bên bờ Tây sông Hàn.

Biểu tượng chính của đường hoa chính là tạo hình biểu vật năm Tỵ- Rắn vui xuân với hình rắn nhả ngọc; ngọc rắn là vật quý hiếm, chỉ có trong tích xưa với nhân vật cứu rắn được rắn nhả ngọc trả ơn và hưởng phép màu mà viên ngọc đó mang lại. Thông điệp của hình ảnh rắn nhả ngọc là mong muốn mọi người hưởng cái Tết năm rắn nhiều điều tốt đẹp, viên mãn.

Ngoài đại cảnh Rắn vui xuân được đặt tại phân đoạn “Trăm hoa khoe sắc”, tiểu cảnh Rắn nhà nông vui vẻ gồm 5 chú rắn nhỏ xinh trong dáng điệu ông đồ với câu đối, người nông dân với bông lúa… được tạo hình ngộ nghĩnh khiến linh vật của năm trở nên gần gũi...như phát biểu của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Xuân Anh, từ nay, mỗi độ Xuân về, thành phố lại có thêm đường hoa tô điểm thêm cho sắc Xuân của quê hương Đà Nẵng, mang thêm niềm vui và tin yêu đến với mọi người mọi nhà; đường Hoa cũng là một địa chỉ, một điểm đến mới để nhân dân thành phố và du khách dạo chơi, ngắm cảnh...

Cùng thời đíêm này, chương trình văn nghệ đón giao thừa miễn phí tại Nhà hát Trưng Vương và chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “Chào Xuân Quý Tỵ 2013” diễn ra tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng đã thật sự mang lại cho người dân những cảm xúc thăng hoa trong đêm giao thừa.

Ông Trần Hưng Đại, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu vừa bước sang tuổi 70 và bảo con cháu chở đến đường Hoa Xuân Bạch Đằng để đón giao thừa và ông tâm sự: thật hạnh phúc khi được tận mắt nhìn đường hoa và thưởng thức màn bắn pháo hoa, đẹp quá và thật tự hào khi mình là người dân Đà Nẵng... tôi xem đây như là một món quà vô giá mừng sinh nhật lần thứ 70 trong đời.

Bác sỹ Đoàn Hữu Phương Nam, kiều bào ở Mỹ về thăm quê trong dịp này và cũng đã hoà cùng dòng người để đón giao thừa đã không dấu sự xúc động: "Tôi thật sự bất ngờ trước sự đổi thay kỳ diệu của quê hương, tôi đã đi lạc trong thành phố của tôi. Với tôi giao thừa năm nay thật có ý nghĩa và sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên, bởi trong đêm "trừ tịch" mà dòng sống hàn đã rực sáng bởi pháo hoa và lung linh sắc màu của các loài hoa và thực sự đã mở ra một không gian nghệ thuật đặc sắc, kết hợp một cách khéo léo giữa âm nhạc, thiên nhiên và con người. Quê hương muôn đời vẫn đẹp và ấm áp làm sao...và còn biết bao lời xuýt xoa ca ngợi của người dân và du khách trước vẻ đẹp của dòng sống Hàn trong đêm giao thừa năm nay..."

Sau giờ phút thăng hoa trong lung linh sắc màu của hoa và pháo hoa, dòng người lại bắt đầu đi đến các chùa để lạy Phật đầu năm, hầu cho lòng một khoảng tịnh tâm, cầu mong mọi sự an bình cho bản thân cùng gia đình khi bắt đầu một năm mới. Đây cũng là một nét văn hoá tâm linh có từ bao đời này của những người con Phật.

Trước đó, tại Chợ hoa trước Quảng trường 2/9 thật sự là phiên chợ cuối năm, khi những người chưa có thời gian để sắm sửa chậu hoa đón Xuân, thì đổ dồn về hầu lựa mua vài chậu hoa để cùng thiên hạ đón Xuân, một khung cảnh nhộn nhịp và rất khẩn trương; vì thế chỉ một thời gian ngắn các loại hoa Cúc, vạn thọ đã hầu như không còn bao nhiêu và giá thì chỉ bằng một nữa thậm chí một phần ba so với trước đó khoảng 5 ngày.

Cùng lúc đó, đội ngũ công nhân Công ty Vệ sinh Môi trường thành phố đã sẳn sàng để dọn dẹp tất cả để trả lại một không gian sạch đẹp, họ đã làm thâu đêm giao thừa, chỉ nghĩ vài phút khi các đồng chí lãnh đạo thành phố đến thăm và chúc tết ngay tại hiện trường, tất cả vì mục đích để sáng mồng Một khi người dân thức dậy đón chào một ngày đầu năm thì không khí thật trong lành và sạch đẹp đúng nghĩa là thành phố môi trường.

Tết đã gõ cửa từng nhà, một năm mới đã đến, dù còn đó những lo toan, vất vã nhưng trong tâm tưởng của mình, nhiều người dân vẫn luôn mong muốn đón một cái Tết vui tươi, ấm cúng và rộn ràng. Đường hoa Xuân với sức sống mãnh liệt của trăm hoa, sự dũng mãnh, dẻo dai của rắn ngọc sẽ là không gian thư giãn, cũng là lời chúc an khang, thịnh vượng đến với mọi người dân thành phố./.


Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục