Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia

Kim Jong-nam, người anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã đột tử tại Malaysia hôm 13/2 là sự kiện gây chấn động nhất trong tuần qua.
Anh trai Kim Jong Un chết bất thường tại Malaysia
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 14/2 dẫn nguồn tin từ quan chức chính phủ nước này cho biết, Kim Jong-nam, người anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đột tử tại Malaysia hôm 13/2.

Ngày 15/2, báo chí địa phương đã thi nhau đăng các hình ảnh trích từ camera giám sát về một người phụ nữ được cho là nghi phạm có liên quan tới cái chết của Jong-nam, khi cô này đang đứng bên ngoài sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2.

Cô gái này có mái tóc dài chấm vai, đang mặc một chiếc áo phông sáng màu in chữ “LOL” ở trên cùng một chiếc váy ngắn và mang theo một chiếc túi xách.

Ngày 16/2, Malaysia tiếp tục bắt giữ người phụ nữ thứ 2 liên quan đến cái chết của ông Kim Jong​-nam. Ngay sau đó, nghi phạm thứ 3 cũng bị bắt. Nhân vật này được cho là bạn trai của nữ nghi phạm thứ 2.

Nghi phạm thứ tư bị bắt tại một tòa chung cư ở đường Kuchai Lama, Kuala Lumpur, vào lúc 23 giờ tối 17/2.

Báo chí Malaysia dẫn lời cảnh sát nước này cho biết còn ít nhất 3 nghi can người Triều Tiên khác hiện đang lẩn trốn.

Đại diện cảnh sát Malaysia khẳng định cả 4 nghi can người Triều Tiên đều tìm cách trốn khỏi Malaysia vào đúng ngày ông Kim Jong-nam trút hơi thở cuối cùng.

Ngày 17/2, Triều Tiên tuyên bố sẽ "thẳng thừng bác bỏ" việc khám nghiệm do Malaysia thực hiện với tử thi của một công dân Triều Tiên thiệt mạng tại Kuala Lumpur trong tuần qua, đồng thời yêu cầu Malaysia trao trả thi thể ngay lập tức.

Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol tối 17/2 nói rằng việc Malaysia không phản hồi yêu cầu trao trả thi thể của người được cho là Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chứng tỏ nước này đang cố che đậy điều gì đó.

Ông Kang cũng cảnh báo Chính phủ Malaysia cần trao trả thi thể ngay lập tức, nếu không Bình Nhưỡng sẽ đưa vấn đề này ra Tòa án công lý quốc tế.

Xem thêm tại đây: ANH TRAI KIM JONG-UN QUA ĐỜI

Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia ảnh 1Truyền hình đưa tin về cái chết của ông Kim Jong-nam. (Nguồn: Fortune)
Khoảnh khắc cựu đại sứ Nga bị ám sát giành giải World Press Photo 2017
Phóng viên ảnh của AP Burhan Ozbilici đã đoạt giải thưởng World Press Photo 2017 với bức ảnh chụp khoảnh khắc cựu đại sứ Nga Andrey Karlov bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 12/2016.

Ozbilici đang tham dự một cuộc triển lãm ảnh trong ngày 19/12 ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ thì xảy ra vụ xả súng nhằm vào đại sứ Nga Karlov. Trong lúc tất cả mọi người đều hoảng loạn tìm chỗ trú thân, Ozbilici vẫn giữ được bình tĩnh để chụp lại bức ảnh để đời.

Chia sẻ cảm nhận về bức ảnh đoạt giải, Mary F. Calvert, thành viên ban giám khảo cho biết: “Đây thực sự là một quyết định khó khăn nhưng chúng tôi vẫn trao giải cho bức ảnh trên bởi nó làm nổi bật sự hận thù trong thời đại của chúng ta. Mỗi lần nhìn thấy nó chúng ta sẽ phải xem đi xem lại.”

João Silva, một thành viên khác thuộc ban giám khảo cho biết: “Hình ảnh này cho chúng ta biết những điều tội tệ đang xảy ra khắp thế giới. Bức ảnh này phản ánh cả những gì đang xảy ra ở Mỹ, vùng Viễn Đông, Trung Đông, Syria. Bức ảnh phản ánh rõ bộ mặt của sự hận thù."

Cuộc thi ảnh World Press Photo 2017 quy tụ được 5.034 nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. Hơn 80.000 tác phẩm đã được gửi về. Ban giám khảo gồm 45 nhiếp ảnh gia đến từ 25 nước.

Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia ảnh 2Bức ảnh của hãng tin AP đã được lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều tờ báo sử dụng lại. (Nguồn: CNN)
Ấn Độ phóng 104 vệ tinh chỉ bằng một tên lửa đẩy
Ngày 15​/2, từ bãi phóng ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, 104 vệ tinh trên đã được phóng bằng tên lửa đẩy PSLV-C37.

Sau 28 phút, các vệ tinh đã được đưa thành công vào quỹ đạo định sẵn.

Với lần phóng này, Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số lượng vệ tinh được phóng nhiều nhất chỉ trong một lần phóng, phá vỡ kỷ lục phóng 37 vệ tinh trong một lần phóng của Nga vào năm 2014.

104 vệ tinh này được sử dụng để vẽ bản đồ trái đất, theo dõi tàu bè nhằm giám sát nạn đánh bắt cá trái phép và cướp biển, hỗ trợ những cuộc thử nghiệm về vi trọng lực...

Đây là lần thứ hai Ấn Độ đưa thành công nhiều vệ tinh vào quỹ đạo chỉ trong một lần phóng.

Trước đó, vào tháng 6/2015, nước này đã phóng thành công 23 vệ tinh vào quỹ đạo chỉ bằng một tên lửa đẩy.

Cho đến nay, Ấn Độ đã phóng 79 vệ tinh từ 21 quốc gia, kể cả vệ tinh từ các công ty lớn như Google và Airbus, thu về lợi nhuận ít nhất là 157 triệu USD.

Hiện nước này đang gia tăng chi tiêu cho chương trình không gian trong giai đoạn 2017-2018 lên hơn 20%, từ khoảng 1,1 tỷ USD lên 1,4 tỷ USD, với 2 sứ mệnh đầy tham vọng sẽ được cấp kinh phí ban đầu đầu là thám hiểm sao Hỏa và sao Kim.

Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia ảnh 3Tên lửa đẩy PSLV-C37 mang theo các vệ tinh được phóng từ bãi phóng ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ. (Nguồn: hindustantimes.com)
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từ chức
Ngày 14​/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn​ đã bất ngờ tuyên bố từ chức, chỉ 3 tuần sau khi ông được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào cương vị này trong chính quyền mới.

Việc từ chức này đã khiến ông Flynn trở thành một trong những Cố vấn An ninh Quốc gia có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại.

Theo kênh truyền hình CNN và các trang mạng tin tức tại Mỹ, ông Flynn đã quyết định từ chức trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông không trung thực với Phó Tổng thống Mike Pence​ và giới chức Nhà Trắng về mối quan hệ với Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Sergey Kislyak.

Vào tháng 1​, các báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo chính quyền của Tổng thống Trump rằng ông Flynn đã bí mật liên lạc với Đại sứ Nga Sergey Kislyak về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Ngay sau khi ông Flynn từ chức, ngày 15-2, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Phó Đô đốc Robert Harward, cựu Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM), giữ chức Cố vấn An ninh quốc gia, tuy nhiên ông Harward đã từ chối lời đề nghị này.

Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia ảnh 4Ông Michael Flynn tại một sự kiện ở Washington, DC ngày 10/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các thủ lĩnh IS đang kéo nhau tháo chạy khỏi căn cứ địa ở Raqqa
Ngày 17/2, Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại úy Jeff Davis cho biết các thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt đầu tháo chạy khỏi căn cứ địa ở Raqqa, cách thành phố Aleppo của Syria khoảng 160 km về phía Đông.

Phát biểu với các phóng viên, ông Davis nói: "Rất nhiều nhân viên quản lý và thủ lĩnh của IS hiện đang bắt đầu quá trình rời Raqqa và chuyển hoạt động xuống phía hạ nguồn sông Euphrates."

Ông Davis không nói cụ thể có bao nhiêu thành viên IS đang rút đi hoặc chính xác vai trò của họ là gì, nhưng cho biết việc rút lui này dường như là có tổ chức và bao gồm những người không làm nhiệm vụ chiến đấu."

Cùng ngày, lực lượng liên minh do Mỹ hậu thuẫn gồm các chiến binh Arab và người Kurd cho biết họ đang phát động các đợt tấn công mới nhằm vào IS sau khi đã chiếm được hàng chục ngôi làng ở Syria.

Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia ảnh 5Khói bốc lên sau các cuộc không kích vào các mục tiêu của phiến quân IS tại Raqqa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Toshiba đang đứng trước nguy cơ phá sản
Tập đoàn điện tử Toshiba - vốn được đánh giá là đại diện cho nền kinh tế Nhật Bản, đang đứng trước nguy cơ phá sản, buộc tập đoàn này phải gấp rút đưa ra chiến lược tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dẫn báo Yomiuri, phóng viên TTXVN tại Tokyo cho biết theo số liệu kế toán từ tháng 4 đến tháng 12/2016, Toshiba đã thua lỗ 712,5 tỷ yên (gần 6,3 tỷ USD) liên quan đến lĩnh vực kinh doanh điện hạt nhân tại Mỹ.

Trong khi đó, cổ phiếu của Toshiba chốt phiên giao dịch ngày 17/2 tiếp tục đà lao dốc, giảm tới 9,2% do các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ cổ phiếu này bị loại khỏi danh sách các cổ phiếu chủ lực của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo.

Các cổ phiếu của Toshiba đã mất giá khoảng 60% kể từ tháng 12/2016 khi tập đoàn này lần đầu tiên công bố báo cáo tài chính trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Cùng ngày 17/2, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) của Mỹ cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Toshiba, trong khi Tập đoàn công nghiệp hàng đầu Nhật Bản Mitsubishi cũng bác bỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận giúp vực dậy lĩnh vực điện hạt nhân của "gã khổng lồ" thiết bị điện tử.

Trong bối cảnh tình hình tài chính liên tục đón nhận tin xấu, giới phân tích dự báo nhiều khả năng vào tháng 3 tới, Toshiba sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng với số nợ hơn 1,3 tỷ USD.

Ban lãnh đạo Toshiba đang xem xét hàng loạt biện pháp tái cơ cấu. Ngoài việc giảm quy mô hoạt động kinh doanh điện nguyên tử, lĩnh vực được cho là “hái ra tiền” của Toshiba là thiết bị bán dẫn cũng bị phân tách để bán bớt, sau đó tập đoàn này dự kiến sẽ gây dựng lại từ việc thành lập doanh nghiệp mới.

Xem thêm tại đây: Tập đoàn điện tử Toshiba đang đứng trước nguy cơ phá sản

Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia ảnh 6Toshiba đứng trước nguy cơ phá sản. (Nguồn: post-gazette.com)
Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong chính thức bị bắt giữ
Ngày 17/2, Tòa án quận Trung tâm Seoul cho biết Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã chính thức bị bắt giữ nhằm phục vụ công tác điều tra vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống đang bị luận tội Park Geun-hye.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn tòa án cho biết việc bắt giữ Lee Jae-yong ở thời điểm hiện tại là cần thiết do những cáo buộc và bằng chứng mới trong vụ việc.

Ông Lee Jae-yong trước đó đã bị giữ tại một trung tâm tạm giam sau khi xuất hiện tại tòa ngày 16/2 để nghe phán quyết của các thẩm phán về việc bắt giữ mình.

Trong khi đó đó, Tòa án quận Trung tâm Seoul cũng bác yêu cầu ban hành lệnh bắt Chủ tịch Samsung Electronics Park Sang-jin - người cũng đứng đầu Liên đoàn Cưỡi ngựa Hàn Quốc.

Đảng Dân chủ đối lập chính ở Hàn Quốc ngày 17/2 đã lên tiếng hoan nghênh việc bắt giữ Phó Chủ tịch Lee Jae-yong của Samsung, tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc, đồng thời bày tỏ hy vọng việc này sẽ góp phần xóa bỏ các mối quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và chính phủ.

Ông Lee đã bị bắt giữ trước đó cùng ngày theo quyết định của Tòa án quận trung tâm Seoul với nhiều cáo buộc, trong đó có cả cáo buộc về hối lộ trong vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân của bà.

nhiều nhà quan sát thị trường ngày 17/2 nhận định rằng Tập đoàn Samsung, tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc, có thể sẽ ngừng hầu hết các kế hoạch đầu tư và kinh doanh mới của họ, ít nhất là trong thời gian trước mắt, sau khi nhà lãnh đạo Lee Jae-yong của họ bị bắt giữ trước đó cùng ngày.

Theo các nhà quan sát thị trường, sau khi ông Lee bị bắt theo quyết định của Tòa án quận trung tâm Seoul với các cáo buộc hối lộ trong vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil, Samsung có thể sẽ ngừng tiến trình tái cơ cấu hiện đang được thực hiện cũng như tạm dừng việc sáp nhập và mua lại các công ty khác.

Nhiều quan chức của Samsung được dẫn lời cho rằng tập đoàn này có thể sẽ gặp phải một số hạn chế khi không có sự hiện diện của ông Lee.

Xem thêm tại đây: Samsung có thể ngừng hầu hết kế hoạch đầu tư sau khi lãnh đạo bị bắt

Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia ảnh 7Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong. (Nguồn: EPA)
Diện tích băng ở Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục
Các dữ liệu vệ tinh của Mỹ công bố ngày 14/2 cho thấy băng ở Nam Cực đã giảm xuống mức thấp nhất sau nhiều năm cố gắng "cầm cự" trước xu hướng ấm lên trên toàn cầu do con người gây ra.

Các tảng băng nổi xung quanh lục địa băng thường tan xuống mức nhỏ nhất trong năm vào cuối tháng 2 - thời điểm mùa hè ở Nam bán cầu, trước khi mở rộng trở lại khi cái lạnh của mùa Thu bắt đầu.

Theo dữ liệu cập nhật hàng ngày từ Trung tâm dữ liệu băng, tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC), năm 2017, diện tích băng đã giảm xuống còn 2.287 triệu km2 trong ngày 13/2. Diện tích này nhỏ hơn so với mức 2.290 triệu km2, mức thấp nhất trước đó được ghi nhận ngày 27/2/1997, theo số liệu được ghi lại từ năm 1979.

Ông Mark Serreze, Giám đốc NSIDC, cho biết sẽ chờ đợi dữ liệu của một số ngày nữa để xác nhận mức thấp kỷ lục này. Ông Serreze nhấn mạnh:"Trừ phi có gì bất thường xảy ra, chúng tôi sẽ xem đây là mức băng thấp kỷ lục ở Nam Cực."

Sự kiện quốc tế 13-19/2: Anh ông Kim Jong-un đột tử ở Malaysia ảnh 8

Xem thêm tại đây: Diện tích băng ở Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục