Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp

Ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron đã đi vào lịch sử nước Pháp khi trở thành chủ nhân trẻ tuổi nhất của Điện Elysee là sự kiện nổi bật nhất của thế giới tuần qua.
Ông Macron trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp
Ngày 7/5, kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp cho thấy ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron đã giành chiến thắng vang dội trước đối thủ Marine Le Pen.

Ở tuổi 39, ông Macron đã đi vào lịch sử nước Pháp khi trở thành chủ nhân trẻ tuổi nhất của Điện Elysee.

Gánh trên vai trách nhiệm chèo lái con thuyền đất nước, ông Macron được kỳ vọng sẽ mang lại “luồng sinh khí mới” để vực dậy một nước Pháp chia rẽ sâu sắc và đang vật lộn với những khó khăn kinh tế lẫn những thách thức an ninh.

Chiến thắng áp đảo của nhà lãnh đạo trẻ tuổi thuộc phong trào chính trị mới “Tiến bước” theo đường lối trung dung trước đối thủ “đáng gờm” Marine Le Pen mang tư tưởng cực hữu cho thấy cử tri Pháp vẫn tin tưởng vào việc xây dựng một quốc gia cởi mở và hội nhập.

Cả Liên minh châu Âu (EU) cũng đã “quẳng được gánh lo” bởi sự lựa chọn của cử tri Pháp có thể coi là “lời tuyên cáo” mạnh mẽ cho làn sóng hoành hành của chủ nghĩa dân túy cực đoan và chống toàn cầu hóa ở châu Âu.

Theo kết quả sơ bộ, ông Macron giành được khoảng 65,5-66,1% số phiếu ủng hộ, trong khi bà Le Pen giành được khoảng 33,9-34,5% số phiếu.

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã thừa nhận thất bại trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp trước đối thủ Emmanuel Macron, đồng thời khẳng định đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cần phải có nhiều cải cách sâu rộng.

Lễ ăn mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron đã được tổ chức tối ngày 7/5 ở bên ngoài khuôn viên Bảo tàng nghệ thuật Louvre, ở trung tâm Paris.

Phát biểu trước đám đông hàng chục nghìn người, ông Macron đã cảm ơn những người ủng hộ đã đi cùng ông trong chặng đường gian khó vừa qua. Ông xúc động nói: “Chúng ta đã làm được điều chưa từng có tiền lệ, với một mức độ chưa từng có. Tất cả mọi người đều nói rằng điều đó là không thể. Nhưng họ chưa biết thế nào là nước Pháp. Cảm ơn các bạn vì sự quyết tâm và cả những khó khăn mà các bạn đã vượt qua. Các bạn đã chiến thắng. Nước Pháp đã chiến thắng.”

Theo các nhà phân tích, sau khi đắc cử chức Tổng thống Pháp, chính trị gia theo đường lối trung dung Emmanuel Macron sẽ phải tập hợp một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, phải giành chiến thắng áp đảo sau hai vòng bầu cử Quốc hội cũng như phải xử lý những hồ sơ lớn, từ thất nghiệp, khủng bố cho đến xây dựng lại châu Âu.

Tổng thống đắc cử Pháp kế thừa một đất nước bị chia rẽ khi có tới gần 50% số cử tri bỏ phiếu ủng hộ các phe phái chính trị cực đoan-chống châu Âu, chống toàn cầu hóa và giới tinh hoa trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/4.

Ngoài ra, việc phân tích kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy một nước Pháp bị chia rẽ, các vùng đô thị, sung túc, thuận lợi, có tư tưởng cải cách hơn trong khi các vùng nghèo khó lại ủng hộ phe cực hữu.

Như vậy với việc đắc cử tổng thống, ông Macron biết rằng rất nhiều cử tri ủng hộ ông để cản đường phe cực hữu.

Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Macron cam kết vượt lên trên các đảng phái truyền thống để tạo ra được một đa số mới trung dung sau các cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6.

Thị trường châu Á sáng 8/5 đã lập tức có những phản ứng tích cực sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng hai ngã ngũ với chiến thắng thuộc về ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron.

Tại sàn giao dịch Tokyo sáng 8/5, đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng qua so với đồng USD sau khi ứng cử viên Macron đắc cử tổng thống Pháp, điều đã giúp làm giảm những quan ngại về tương lai của nước Pháp trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cụ thể, ngay khi mở phiên giao dịch, đồng euro bất ngờ chạm mốc 1,1023 USD đổi 1 euro, mức cao nhất kể từ tháng 11/2016 và tăng so với mức 1,0998 USD/1 euro chốt phiên giao dịch tuần trước (ngày 5/5).

Ngoài ra, đồng euro cũng tăng lên 124,59 yen từ mức 124,05 yen khi chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ảnh 1Tổng thống Pháp mới đắc cử Emmanuel Macron phát biểu sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai được công bố. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thỏa thuận về các vùng giảm căng thẳng tại Syria có hiệu lực
Thỏa thuận về thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng tại Syria, được các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết và bảo trợ, đã chính thức có hiệu lực, theo đó từ 0 giờ ngày 6/5 giờ Syria (4 giờ sáng giờ Hà Nội) chấm dứt mọi hoạt động quân sự tại 4 khu vực này.

Lệnh cấm bay tại 4 khu vực giảm căng thẳng cũng được áp dụng đối với máy bay quân sự, kể cả của Syria với mục đích chống khủng bố.

Các nước bảo trợ sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chống khủng bố tại các khu vực này cũng như các khu vực khác bên ngoài.

Tại ranh giới các vùng giảm căng thẳng sẽ là các vùng an toàn, trong đó bố trí các trạm kiểm soát để giám sát hoạt động ra vào của dân thường cũng như cứu trợ nhân đạo, trong khi các trạm giám sát cũng được thiết lập để theo dõi việc thực hiện lệnh ngừng bắn.

Ba nước đảm bảo lệnh ngừng bắn ngày 14/5 sẽ thành lập Nhóm công tác hỗn hợp về giảm căng thẳng để xác định ranh giới các khu vực giảm căng thẳng và vùng an toàn, đồng thời soạn thảo bản đồ các khu vực này trước ngày 27/5.

Trong một văn kiện chi tiết của thỏa thuận vùng an toàn tại Syria được Bộ Ngoại giao Nga đăng tải ngày 6/5, bản ghi nhớ được ký giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng tại Syria sẽ có hiệu lực ít nhất trong vòng 6 tháng.

Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ảnh 2Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích tại Ghouta ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus ngày 4/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mỹ: Hệ thống THAAD tại Hàn Quốc bắt đầu đi vào hoạt động
Ngày 1/5, truyền thông Mỹ đưa tin Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Washington triển khai tại Hàn Quốc đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Kênh NBC News dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hệ thống THAAD đã bắt đầu đi vào hoạt động và đạt được những khả năng đánh chặn ban đầu.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, dự kiến việc triển khai THAAD sẽ hoàn tất sớm nhất vào tháng 6/2017.

Ngày 2/5, Trung Quốc đã kêu gọi dừng ngay lập tức Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc, vài giờ sau khi Washington thông báo THAAD đã đi vào hoạt động tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Quan điểm của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán: Chúng tôi phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, hối thúc các bên liên quan dừng ngay lập tức việc triển khai này."

Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.

Cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều sẽ phải hứng chịu thiệt hại về mặt kinh tế do những hệ quả tiêu cực từ việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quôc.

Đây là cảnh báo được nhóm chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hyundai (HRI) đưa ra hôm 2/5.

Theo HRI, sự trả đũa của Bắc Kinh đối với quyết định của chính quyền Seoul cho phép lắp đặt Hệ thống THAAD tại Hàn Quốc có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á thiệt hại khoảng 8.500 tỷ won (7,5 tỷ USD) trong năm 2017, làm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sụt giảm khoảng 0,5%.

Trong khi đó, phía Trung Quốc có thể tổn thất khoảng 1.100 tỷ won, tương đương 0,01% GDP.

Theo ước tính của lãnh đạo tập đoàn Lotte, doanh thu của tập đoàn Hàn Quốc này có thể bị thiệt hại 300 tỷ won (264 triệu USD) nếu các cửa hàng tại Trung Quốc tiếp tục bị đóng cửa trong ba tháng.

Dự kiến, mức thiệt hại của Lotte có thể lên tới 500 tỷ won nếu tính cả tổn thất từ mảng kinh doanh thực phẩm, hàng miễn thuế,...

Tập đoàn Lotte cho biết gần 90% trong số 99 cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc ngưng hoạt động, trong đó 74 cửa hàng bị buộc đóng cửa với lý do liên quan đến vấn đề cháy nổ.

Trong khi đó, 13 cửa hàng khác của Lotte bị đóng cửa tạm thời do các cuộc biểu tình liên quan đến kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ảnh 3Các trang thiết bị cần thiết cho việc lắp đặt THAAD được vận chuyển tới Seongju, đông nam Hàn Quốc ngày 27/4. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Hội nghị thường niên ADB lần thứ 50 khai mạc tại Nhật Bản
Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các sự kiện liên quan đã khai mạc tại thành phố cảng Yokohama, gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và thảo luận cách thức đạt tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.

Khoảng 5.000 đại biểu, trong đó có các thống đốc ngân hàng trung ương, quan chức chính phủ và chủ doanh nghiệp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu tham gia sự kiện này.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lo ngại về các chính sách hướng nội và nguy cơ địa chính trị ngày càng gia tăng có thể tác động xấu đến hoạt động kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hợp tác khu vực cũng đang thu hút sự chú ý bởi năm 2017 đánh dấu mốc 20 năm xảy ra cuộc khủng hoảng châu Á 1997, từng khiến động baht của Thái Lan và nội tệ nhiều nước khác mất giá thảm hại, gây rối loạn các nền kinh tế khu vực.

Ngân hàng ADB, có trụ sở tại Manila (Philippines), dự báo các nền kinh tế trong khu vực, bao gồm cả một số nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm 2017.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự không chắc chắn liên quan đến các chính sách kinh tế và thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), và cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp.

Thông qua các cuộc thảo luận, dự kiến kéo dài tới ngày 7/5, các phái đoàn tham dự sẽ đề cập các nguy cơ tiềm ẩn đối với tăng trưởng kinh tế và tìm cách thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng chống dịch bệnh và cải thiện chăm sóc y tế.

Dự kiến, một loạt cuộc gặp đa phương sẽ diễn ra bên lề hội nghị thường niên của ADB. Ngày 5/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ gặp nhau để trao đổi quan điểm về các diễn biến tài chính gần đây trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang sau khi Triều Tiên liên tục phóng tên lửa.

Cùng ngày, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhật Bản và ASEAN sẽ nhóm họp để thảo luận hợp tác trong các tình huống khủng hoảng.

Sáng kiến Chiang Mai, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương ký kết sau cuộc khủng hoảng năm 1997, dự kiến là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa các lãnh đạo tài chính của ASEAN với các đồng cấp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ảnh 4(Nguồn: pbs.twimg.com)
Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa
Chính phủ Mỹ đã thoát được nguy cơ phải ngừng hoạt động khi ngày 5​/5, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật phân bổ ngân sách chính phủ. Trước đó, ngày 3/3, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này.

Bản dự luật phân bổ ngân sách trị giá 1.200 tỷ USD dành cho các cơ quan chính phủ liên bang được hai viện quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh các nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã phải mất nhiều tuần đàm phán căng thẳng.

Điểm đáng chú ý của dự luật phân bổ ngân sách mới lần này là nghị sĩ hai đảng đã bác nội dung tài trợ tiền xây tường ngăn biên giới với Mexico, cũng không đồng ý kế hoạch cắt giảm các chương trình đối nội của tổng thống Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại đạt được thắng lợi khi thỏa thuận ngân sách chính phủ đã cấp cho Nhà Trắng gần 600 tỷ USD chi tiêu quốc phòng (tăng 4,5% so với tài khóa 2016) và 1,5 tỷ USD để tăng cường an ninh biên giới.

Các nhà phân tích cho rằng, bản dự luật chi tiêu ngân sách được hai viện thông qua được xem là một chiến thắng với các nghị sỹ đảng Dân chủ khi họ loại bỏ được nhiều đề xuất chi tiêu theo mong muốn của Tổng thống Trump.

Trên thực tế, dù kiểm soát lưỡng viện quốc hội, nhưng các nghị sỹ đảng Cộng hòa vẫn phải có những nhượng bộ quan trọng với các nghị sỹ Dân chủ để tránh cảnh chính phủ phải đóng cửa.

Vì nếu phải đóng cửa chính phủ thì đây sẽ là một cú giáng mạnh với đảng Cộng hòa trong bối cảnh đảng này nắm ưu thế ở cả Quốc hội và Nhà Trắng./.

Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ảnh 5(Nguồn: Mashable)
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thay thế Obamacare
Phóng viên TTXVN tại Mỹ đưa tin Hạ viện Mỹ ngày 4/5 đã tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật chăm sóc y tế mới do chính quyền tổng thống Donald Trump đề xuất thay thế cho Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, hay còn gọi là Obamacare của chính quyền tiền nhiệm.

Với tỷ lệ 217 phiếu thuận, 213 phiếu chống, Dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) đã chính thức bước qua khe cửa hẹp tại Hạ viện.

Sau khi cuộc bỏ phiếu có kết quả, Tổng thống Donald Trump đã có buổi lễ ăn mừng chiến thắng tại Vườn Hồng cùng các lãnh đạo Hạ viện của đảng Cộng hòa.

Tổng thống Donald Trump đánh giá cao kết quả bỏ phiếu và sự ủng hộ của các nghị sỹ Cộng hòa, cho rằng điều này sẽ giúp phí bảo hiểm và các khoản khấu trừ “giảm xuống."

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng bày tỏ sự vui mừng về việc dự luật được thông qua tại Hạ viện.

Tuy nhiên, dự luật chăm sóc y tế mới còn phải chờ được Thượng viện thông qua trước khi trở thành đạo luật đi vào cuộc sống.

Nếu dự luật này được Thượng viện thông qua, nó sẽ chính thức thay thế cho đạo luật Obamacare, khi đó các quy định và trợ giúp đối với người mua bảo hiểm sẽ thay đổi. Chương trình hỗ trợ y tế (Medicaid) hỗ trợ cho người nghèo và người khuyết tật cũng sẽ bị cắt giảm.

Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ảnh 6Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan giới thiệu dự thảo AHCA hồi tháng Ba. (Nguồn: Reuters)
Vụ máy bay MH17 bị bắn hạ: Gia đình Australia đầu tiên được đền bù
Hãng hàng không Malaysia (MAS) đã đạt được thỏa thuận đền bù với một gia đình người Australia có bốn thành viên bị thiệt mạng trong vụ máy bay MH17 bị bắn hạ tại Ukraine ba năm trước đây.

Những người được đền bù là Anthony Maslin và Marite Norris đến từ thành phố Perth của Australia. Họ đã bị mất ba người con tuổi từ 8-12 cùng người cha của Marite đi cùng các cháu trên chuyến bay nói trên. Đây là gia đình Australia đầu tiên đạt được thỏa thuận giải quyết với MAS.

Trong thông báo ngày 2/5, MAS không cho biết chi tiết của thỏa thuận nói trên với lý do nhằm đảm bảo sự riêng tư. Vụ việc diễn ra sau khi gia đình Maslin đệ đơn kiện hãng hàng không này. Đơn kiện đã được rút sau khi hai bên đạt được thỏa thuận.

Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 thực hiện chuyến bay số hiệu MH17 trên hành trình bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur đã bị rơi ở miền Đông Ukraine, khu vực đang trong tình trạng xung đột vũ trang. Toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã bị thiệt mạng, trong đó có 38 công dân Australia.

Nhà chức trách Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, các tay súng ở miền Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn máy bay MH17./.

Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ảnh 7Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 ở gần Donetsk, Ukraine. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Máy bay ném bom B-52 Mỹ liên tục xuất hiện trên bầu trời Bán đảo Triều Tiên
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ lực lượng không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương ngày 2/5 xác nhận 2 máy bay ném bom chiến lược loại B-1B của họ đã thực hiện các chuyến bay trên bầu trời Bán đảo Triều Tiên một ngày trước đó.

Người phát ngôn của lực lượng trên, Trung tá Lori Hodge cho biết những chiếc máy bay này xuất phát từ Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để thực hiện một số nhiệm vụ huấn luyện với các đối tác của Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh đây là hoạt động thường kỳ và “không liên quan đến tình hình hay đất nước cụ thể nào."

Yonhap dẫn lời một nguồn tin quân sự Hàn Quốc tiết lộ các máy bay này tham gia tập trận riêng rẽ với chiến đấu cơ Hàn Quốc và những máy bay thuộc tàu sân bay Carl Vinson trong khoảng 2-3 giờ đồng hồ nhằm phô trương sức mạnh với Triều Tiên.

Trước đó, ngày 2/5, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã cho máy bay ném bom chiến lược B-1B thực hiện nhiều chuyến bay tại khu vực Bán đảo Triều Tiên hôm 1/5 trong một hoạt động tập ném bom hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh Mỹ phải chịu lên án vì đã làm gia tăng tình trạng căng thẳng tại đây.

Một bài viết của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) được trích dẫn có đoạn nêu rõ các máy bay B-1B xuất phát từ Guam đã lén lút bay trên bầu trời vùng biển phía Đông và tham gia các hoạt động chung với các phương tiện tấn công chiến lược, trong đó có cả chiếc tàu sân bay và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiện chưa thể xác minh lời cáo buộc của Triều Tiên có chính xác không do Hàn Quốc và Mỹ chưa đưa ra thông tin liên quan.

Bản tin của KCNA còn nhấn mạnh: "Nắm trong tay thanh bảo kiếm là các loại vũ khí hạt nhân, chúng ta đang theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của kẻ thù với sự sẵn sàng chiến đấu cao độ."

Sự kiện quốc tế 1-7/5: Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ảnh 8Máy bay ném bom chiến lược B-1B. (Nguồn: U.S. Air Force)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục