Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa

Nga trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ, Triều Tiên thử tên lửa ICBM lần 2, 24 giờ đứng đầu thế giới của giám đốc Amazon nằm trong những sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và đòn đáp trả của Nga
Ngày 27/7, với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, Thượng viện Mỹ đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa có biện pháp trả đũa.

Đây là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Tổng thống Trump.

Với số phiếu áp đảo 98-2, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt 3 nước trên với sự ủng hộ của cả các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa.

Tổng thống Putin ngày 28/7 đã phê chuẩn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra nhằm đáp lại việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/7 cũng đã ra thông báo cho biết tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya ở thủ đô Moskva từ ngày 1/8.

Ngày 30/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin​ tuyên bố 755 nhà ngoại giao Mỹ sẽ phải rời khỏi nước này, sau khi Moskva thông báo sẽ trục xuất các nhân viên Mỹ nhằm đáp trả lại các lệnh trừng phạt cứng rắn mới của Washington.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng khẳng định không thể sớm kỳ vọng vào sự cải thiện trong quan hệ giữa Moskva với Washington.

Ông Putin cho rằng ngay cả khi tình hình thay đổi, việc cải thiện quan hệ giữa hai nước cũng sẽ không sớm xảy ra.

Ngày 30/7, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã chỉ trích quyết định "đáng tiếc" của Nga đối với việc yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao, đồng thời khẳng định Washington đang cân nhắc các phương án.

Quan chức này nói: "Đây là hành động đáng tiếc và không cần thiết. Chúng tôi đang đánh giá ảnh hưởng của việc giới hạn này và cách phản ứng lại."

Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: RT)
Triều Tiên có thể đã đưa được ICBM quay trở lại tầng khí quyển
Ngày 29/7, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã khẳng định thông tin về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của nước này ngày 28/7.

Tuyên bố của KCNA khẳng định vụ thử lần thứ 2 tên lửa ICBM Hwasong-14 đã thành công.

Theo thông báo của KCNA, tên lửa đã bay được 47 phút 12 giây, đạt tầm bắn tối đa 3.724,9 km, bay xa 998 km và đã bắn trúng mục tiêu trên biển.

KCNA nhấn mạnh vụ phóng đã thử nghiệm thành công khả năng quay trở về khí quyển trái đất của ICBM.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc Kim Young-woo ngày 31/7 nhận định rằng Triều Tiên được cho là đã sở hữu công nghệ đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) quay trở lại tầng khí quyển, một yếu tố chủ chốt để hoàn tất chương trình vũ khí này.

Trả lời một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, ông Kim cũng chỉ ra rằng nếu Bình Nhưỡng phóng ICBM theo đường bắn tiêu chuẩn thì các thành phố ở miền Đông nước Mỹ như New York và Washington D.C. sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa.

Ngoài ra, việc tên lửa mà Triều Tiên đã phóng đêm 28/7 rơi cách Hokkaido của Nhật Bản khoảng 170km cho thấy Bình Nhưỡng hiện đã có thể điều chỉnh chính xác đường bắn của tên lửa tầm xa.

Theo ông Kim, vụ phóng ICBM lần thứ hai của Triều Tiên là một biểu hiện rõ ràng của việc nước này mong muốn thảo luận vấn đề hạt nhân của mình cũng như các chủ đề khác liên quan đến Bán đảo Triều Tiên với Mỹ chứ không phải là với Hàn Quốc.

Nhiều nhà phân tích cho rằng vụ phóng ICBM vừa qua cần phải được coi là một đòn mạnh giáng vào nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc theo đuổi đối thoại liên Triều và hòa giải.

Trong khi đó, ngày 30/7, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc​ Nikki Haley cho biết Washington không muốn kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc​ họp khẩn về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới đây của Triều Tiên, cho rằng việc làm này là vô ích.

Trong một tuyên bố, bà Haley nhấn mạnh: "Một nghị quyết bổ sung của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, điều không làm gia tăng đáng kể sức ép của quốc tế đối với Triều Tiên, là không có giá trị"./.

Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa ảnh 2Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 được phóng thử tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 4/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)
"Cuộc chiến" thú vị quanh danh hiệu người giàu nhất thế giới
Chưa đầy 24 tiếng sau khi soán ngôi vị người giàu nhất thế giới của tỷ phú Bill Gates, giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos lại một lần nữa quay về vị trí người giàu thứ hai thế giới, sau khi kết quả kinh doanh quý hai của Amazon được công bố ngày 27/7.

Báo cáo lợi nhuận quý hai của Amazon cho thấy lợi nhuận chỉ là 197 triệu USD trên doanh số bán hàng mạnh mẽ là 38 tỷ USD. Sự sụt giảm lợi nhuận này, giảm 77% so với mức 857 triệu USD thời điểm này một năm trước, chủ yếu là do các khoản đầu tư mạnh mẽ của Amazon vào hoạt động kinh doanh của mình.

Điều đó có nghĩa là tài sản cá nhân của Bezos, với 80 triệu cổ phiếu của ông ở Amazon, sẽ đạt được một bước tiến đáng kể để đưa ông leo lên vị trí dẫn đầu.

Tuy nhiên, Bezos đã trở lại vị trí người giàu thứ hai thế giới vào thời điểm thị trường đóng cửa ngày 27/7. Cổ phiếu của Amazon giảm 2% vào cuối giờ giao dịch, do sự sụt giảm lợi nhuận, qua đó tạo điều kiện cho nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates trở lại vị trí người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản cá nhân là 90,8 tỷ USD.

Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa ảnh 3Tỷ phú Bill Gates và giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos. (Nguồn: AFP)
Ukraine khai tử tập đoàn chế tạo máy bay Antonov
​Ngày 25/7, Hội đồng Bộ trưởng Ukraine đã thông qua quyết định đóng cửa tập đoàn chế tạo máy bay Antonov, một trong những cái tên nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực chế tạo máy bay, được thành lập từ năm 1946 và đóng góp cho ngành hàng không những mẫu máy bay vận tải với thương hiệu nổi tiếng An.

Theo quyết định được đăng tải trên trang web của chính phủ, Ukraine đã thành lập một hội đồng phụ trách vấn đề khai tử tập đoàn Antonov, đứng đầu hội đồng là Thứ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Yuri Brovchenko.

Trước đó, từ hồi tháng 6/2015, một số doanh nghiệp nhà nước đã ra khỏi thành phần tập đoàn và được chuyển sang tập đoàn nhà nước Ukroboronprom.

Theo đánh giá của phía Ukraine, sau khi Liên Xô tan vỡ, tập đoàn đã hoạt động không thành công trong 25 năm qua. Đa số các sản phẩm của tập đoàn chỉ phục vụ cho hợp tác với Nga và xuất khẩu sang thị trường Nga.

Tháng 9/2016, Chủ tịch Antonov Aleksander Kotsiuba cho biết tập đoàn đã không thực hiện được việc sản xuất hàng loạt máy bay vì vấn đề kinh tế cũng như không nhận được hỗ trợ từ nhà nước.

Do chủ yếu chỉ thực hiện đơn đặt hàng của các công ty Nga, bán hàng thông qua công ty Iliushin Finance cũng của Nga nên khi quan hệ 2 nước xấu đi, Anotonov đã không còn thị trường. Cho đến ngày bị đóng cửa, Antonov gánh khoản nợ 706 triệu hryvnia (khoảng 27 triệu USD) và được Quốc hội Ukraine cho phép tái cơ cấu.

Tập đoàn Antonov từng chế tạo những máy bay vận tải nổi tiếng như An-22 “Antey”, An-12, An-124, cũng như loại máy bay vận tải siêu nặng An-125 “Mria”./.

Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa ảnh 4Máy bay của tập đoàn chế tạo máy bay Antonov. (Nguồn: The Economic Times)
Facebook "khai tử" một hệ thống trí tuệ nhân tạo
Các nhà khoa học của Facebook mới đây đã dừng nghiên cứu phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) sau khi họ phát hiện ra hệ thống này không còn luyện tập tiếng Anh và thay vào đó, nó tự phát triển một hệ thống từ mã giao tiếp riêng.

Việc hệ thống AI tự tạo ra ngôn ngữ giao tiếp riêng cho phép nó giao tiếp với một hệ thống AI khác mà các nhà khoa học không thể biết được chúng đang chia sẻ gì với nhau.

Điều này gợi lên trong suy nghĩ của các nhà khoa học Facebook về cảnh báo máy móc có thể nổi lên và quay lưng lại với con người.

Xem thêm tại đây: [Facebook "khai tử" một hệ thống AI tự phát triển ngôn ngữ riêng]

Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa ảnh 5(Nguồn: mshcdn.com)
Ca nhiễm virus HIV được chữa khỏi thứ 3 trên thế giới
Hy vọng về việc chữa khỏi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS một lần nữa được thắp lên khi một bé gái Nam Phi, chín tuổi trở thành ca bệnh được chữa khỏi thứ ba trên thế giới.

Các nhà khoa học ngày 24/7 đã công bố thông tin trên tại Hội nghị quốc tế về bệnh AIDS đang diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp.

Theo giới nguyên cứu, bé gái nói trên đã bị chẩn đoán nhiễm HIV khi mới 32 ngày tuổi. Sau đó, bé đã tiếp nhận một liệu trình kéo dài 10 tháng theo chương trình thử nghiệm thuốc kháng HIV. Toàn bộ liệu trình điều trị kết thúc lúc cô bé 1 tuổi.

Tại thời điểm kết thúc liệu trình, kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng virus HIV trong máu của bệnh nhi từ mức "rất cao" đã xuống còn "không thể phát hiện."

Sau thời gian 8 năm 9 tháng, HIV trong cơ thể cô bé đã rơi vào trạng thái "ngủ đông" và sức khỏe hiện nay của cô bé hoàn toàn bình thường mà không cần tiếp nhận thêm bất cứ liệu trình điều trị nào.

Các nhà khoa học cho rằng đây là ví dụ điển hình của phương thức chữa bệnh không cần dùng thuốc liên tục, tương tự như "chữa bệnh chức năng"./.

Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa ảnh 6Virus HIV. (Nguồn: independent.co.uk)
Bạo lực leo thang giữa Israel và Palestine
Làn sóng bạo lực giữa người Palestine và Israel xung quanh việc các tín đồ Hồi giáo Palestine phản đối các biện pháp an ninh của Israel ở khu vực đền thờ Al-Aqsa đã lên đến đỉnh điểm trong tuần qua.

Đụng độ đã lan khắp khu vực Bờ Tây và Dải Gaza khiến 6 người chết và hàng trăm người bị thương. Tâm lý chống Israel còn lan tới Jordan khiến Đại sứ quán Israel ở Jordan bị tiến công, nhân viên ngoại giao của Israel đã phải về nước.

Trước nguy cơ đụng độ ở Jerusalem như một “mồi lửa mới” châm ngòi bạo lực lan rộng với hậu quả vượt ra ngoài khu vực Trung Đông, ngày 25​/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên đoàn Arab đã phải họp khẩn, yêu cầu các bên kiềm chế, tìm giải pháp chấm dứt xung đột.

Ngày 27/7, chính quyền Israel đã phải có những biện pháp “hạ nhiệt” khẩn cấp như dỡ bỏ một số thiết bị an ninh gây tranh cãi tại khu vực cổng ra vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, dỡ bỏ các hàng rào gắn camera tại khu vực lối vào Quần thể Haram al-Sharif.

Ngay sau đó, hàng nghìn người Hồi giáo Palestine đã xếp hàng vào cầu nguyện bên trong ngôi đền Al-Aqsa thay vì phải cầu nguyện ở trên phố bên ngoài ngôi đền trong suốt hai tuần qua.

Dư luận thế giới hy vọng rằng, việc Israel gỡ bỏ các biện pháp an ninh tại đền thờ Al-Aqsa sẽ giúp xoa dịu tình hình căng thẳng ở Trung Đông cũng như làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột sâu hơn giữa Israel và Palestine.

Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa ảnh 7Binh sỹ Israel phun hơi cay giải tán người biểu tình Palestine tại thành phố Bethlehem , khu Bờ Tây. (Nguồn: THX/TTXVN)
Venezuela khẳng định bầu cử Quốc hội lập hiến đúng dự kiến
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 31/7 đã tuyên bố chiến thắng sau khi cơ quan bầu cử nước này thông báo bất chấp sự phản đối của phe đối lập, số cử tri đi bầu quốc hội lập hiến lên tới hơn 8 triệu người, tương đương 41,5%.

Ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến, những căng thẳng chính trị tại Venezuela vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, bất chấp việc phe đối lập tuyên bố tẩy chay cuộc bỏ phiếu và ráo riết lên kế hoạch tổ chức biểu tình và đình công phản đối, ngày 23​/7, Tổng thống Nicolas Maduro​ vẫn khẳng định, cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến ở nước này sẽ được tiến hành đúng dự kiến vào ngày 30​/7.

Tổng thống Maduro kêu gọi phe đối lập kiềm chế bạo lực, đồng thời bác bỏ mọi đe dọa từ bên ngoài, nhất là Mỹ.

Trước đe dọa của Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Venezuela nếu Caracas không hủy bỏ cuộc bầu cử, Tổng thống Maduro nhấn mạnh: "Người duy nhất có quyền ra lệnh ở Venezuela là nhân dân."

Trong cuộc bầu cử sắp tới, đã có hơn 6.200 ứng cử viên đăng ký tranh cử vào Quốc hội lập hiến Venezuela gồm 545 ghế, cơ quan có nhiệm vụ sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999, nhằm đưa Venezuela vượt qua khủng hoảng chính trị hiện nay.

Hội đồng bầu cử quốc gia (CNE) bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi, trong khi quân đội khẳng định tuân thủ hiến pháp và triển khai khoảng 232.000 binh sỹ tham gia bảo đảm an ninh cho cuộc bỏ phiếu.

Sự kiện quốc tế 24-30/7: Căng thẳng Mỹ-Nga, Triều Tiên thử tên lửa ảnh 8Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại Caracas ngày 23/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục