Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam

Xét xử hai nữ nghi phạm liên quan đến vụ sát hại ông Kim Jong-nam, Syria giành lại Palmyra từ tay IS, tiếp tục vụ bê bối chính trị Hàn Quốc nằm trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
Hai nghi phạm vụ Kim Jong-nam có thể đối mặt án tử hình
Ngày 1/3, hai nữ nghi phạm liên quan đến vụ sát hại ông Kim Jong-nam, người được cho là anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã bị buộc tội giết người tại Tòa án sơ thẩm Sepang, bang Selangor, Malaysia.

Theo tờ The Star, hai nghi phạm, gồm Đoàn Thị Hương mang quốc tịch Việt Nam và Siti Aisyah, người Indonesia, bị buộc tội theo điều 302, Bộ luật Hình sự, vì tội giết người.

Hai nghi phạm bị buộc tội riêng rẽ.

Hai phụ nữ này đã được đưa tới một tòa án ở Malaysia để nghe cáo trạng chống lại họ. Cả hai có thể đối mặt với án tử hình nếu bị cho là có tội.

Đây là lần đầu tiên hai nữ nghi phạm này công khai xuất hiện kể từ khi bị bắt sau vụ ông Kim Jong-nam bị sát hại trong ngày 13/2.

Thẩm phán Harith Sham Mohamed Yasin đã quyết định chuyển vụ này lên Tòa án tối cao Shah Alam để xét xử vào ngày 13/4.

Cả hai nghi phạm đã được chuyển đến nhà tù Kajang.

Xem thêm tại đây: Anh trai Kim Jong-Un bị sát hại

Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam ảnh 1Hai nữ nghi phạm sát hại Kim Jong Nam (Nguồn: Cảnh sát Hoàng gia Malaysia)
Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ
Ngày 1​/3 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump​ đã có bài phát biểu lần đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức trước lưỡng viện Quốc hội và các thành viên chính phủ, trong đó gửi gắm một thông điệp về đoàn kết và sức mạnh.

Nội dung bài phát biểu quan trọng này đề cập đến nhiều vấn đề trong chương trình hành động mà người đứng đầu nước Mỹ cam kết sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, như chính sách nhập cư, y tế, an ninh, chống khủng bố…

Theo thăm dò dư luận, bài phát biểu của tổng thống Trump đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng nước này.

Theo CNN/ORC, có 69% số người theo dõi bài phát biểu của ông Trump tin rằng các chính sách mà tổng thống Trump liệt kê sẽ đưa nước Mỹ phát triển đúng hướng.

70% ủng hộ các biện pháp chống khủng bố của ông. 64% lạc quan về chính sách thuế. 62% đồng tình với chính sách nhập cư. 61% chấp nhận chính sách y tế mà tổng thống Mỹ dự định theo đuổi.

Nhìn chung dư luận đánh giá cao bài phát biểu của ông Trump và cho rằng ông đã dịu giọng hơn và không còn thể hiện thái độ “hiếu chiến” như trước.

Trước đó, ngày 27​/2, ông Donald Trump​ trở thành tâm điểm chú ý cả trong và ngoài nước Mỹ khi tuyên bố sẽ tăng cường một khoản ngân sách khổng lồ để thực hiện chiến dịch củng cố sức mạnh quân sự lớn nhất lịch sử nước Mỹ.

Theo ông, khoản tăng ngân sách quốc phòng này là một trong những bước đi hiện thực hóa cam kết của ông về đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ.

Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội ở Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát hiện dấu vết cổ xưa nhất về sự sống trên Trái Đất
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra dấu vết cổ xưa nhất về sự sống trên Trái Đất ở tỉnh Quebec của Canada.

Nhóm các nhà khoa học nói trên đã đến khu vực Vành đai Đá xanh Nuvvuagittuq ở phía Bắc tỉnh Quebec, nơi có các tảng đá cổ nhất trên Trái Đất, để tìm kiếm dấu vết hình thành sự sống.

Qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ phân tích đặc biệt, nhóm khoa học phát hiện ra rằng các trầm tích đá BIF (đá ghi dấu sự hình thành các dải tầng sắt) ở Nuvvuagittuq có niên đại tối thiểu là 3,8 tỷ năm và có thể lên tới 4,3 tỷ năm.

Ngoài ra, trên các trầm tích đá này còn có vết tích của một số loài vi sinh vật có thể được coi là dấu vết cổ xưa nhất về sự sống trên Trái đất được phát hiện đến nay.

Vành đai Đá xanh Nuvvuagittuq được coi là nơi hình thành lớp vỏ đại dương đầu tiên trên Trái Đất.

Xem thêm tại đây: Phát hiện dấu vết cổ xưa nhất về sự sống trên Trái Đất

Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam ảnh 3(Nguồn: sciencedaily.com)
Quân đội Syria tuyên bố giành lại thành phố cổ Palmyra từ tay IS
Ngày 2/3, quân đội Syria tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lần thứ 2 trong vòng 1 năm, với sự trợ giúp của lực lượng đồng minh và các máy bay chiến đấu của Nga.

Trong một thông cáo, quân đội Syria khẳng định đã giành lại thành phố Palmyra với sự hỗ trợ từ lực lượng không quân Syria và Nga cùng với sự hợp tác của các đồng minh.

Trước đó, Điện Kremlin cũng xác nhận thông tin quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn bởi máy bay chiến đấu Nga đã hoàn tất việc giành lại thành phố cổ Palmyra từ tay IS.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskovcho hay Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã thông báo với Tổng thống Vladimir Putin về sự hoàn thành chiến dịch trên.

Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam ảnh 4Một binh sĩ Syria hạ lá cờ IS tại thành phố cổ Palmyra (Nguồn: Independent)
Huyền thoại bóng đá Pháp và Real Madrid Raymond Kopa qua đời
Huyền thoại bóng đá Pháp và câu lạc bộ Real Madrid Raymond Kopa đã qua đời ở tuổi 85 sau một thời gian dài chống chọi với bạo bệnh.

Kopa được coi là ngôi sao đẳng cấp thế giới đầu tiên của bóng đá Pháp, mà sau đó được các thế hệ hậu bối như Michel Platini, Eric Cantona hay Zinedine Zidane tiếp nối.

Trong một tuyên bố phát đi chiều nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande ca ngợi Kopa là "một trong những nhà thể thao đáng ngưỡng mộ nhất nước Pháp," còn Real Madrid gọi ông là "cầu thủ vĩ đại."

Liên đoàn bóng đá Pháp đã thông báo sẽ dành 1 phút mặc niệm Kopa trước các trận đấu ở giải vô địch nước này vào cuối tuần.

Trong những năm 1950, Kopa cùng với Alfredo di Stefano và Ferenc Puskas đã tạo nên bộ ba huyền thoại tại Real Madrid, giúp đội bóng áo Trắng thống trị bóng đá châu Âu.

Ông đã giành được Quả bóng Vàng châu Âu năm 1958, năm đỉnh cao trong sự nghiệp của mình khi giúp Real giành cúp C1 và đưa đội tuyển Pháp lọt vào bán kết World Cup, nơi họ dừng bước trước Brazil của Pele.

Xem thêm tại đây: Huyền thoại bóng đá Pháp và Real Madrid Raymond Kopa qua đời

Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam ảnh 5Raymond Kopa đã cùng Real Madrid giành 3 chiếc Cúp C1 (Nguồn: AFP)
Hàn Quốc: Bà Park Geun-hye bị xác định là nghi phạm tham nhũng
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Park Geun-hye ngày 28/2 đã bị xác định là một nghi phạm tham nhũng, trong bối cảnh các công tố viên đặc biệt vào cuối ngày sẽ chấm dứt cuộc điều tra kéo dài suốt 4 tháng qua về vụ bê bối liên quan đến nhà lãnh đạo này.

Người phát ngôn Lee Kyu-chul của nhóm công tố viên đặc biệt được dẫn lời phát biểu tại một cuộc họp báo rằng nhóm trên xác định bà Park đã cấu kết với người bạn thân lâu năm là bà Choi Soon-sil để nhận hối lộ từ Tập đoàn Samsung - tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc - nhằm đổi lấy những ưu đãi đối với hoạt động của mình.

Bà Park, người hiện đang chờ đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp về vụ Quốc hội luận tội bà tháng 12/2016, sẽ không phải đối mặt ngay lập tức với các lời buộc tội nhờ những quy định về việc tổng thống đương nhiệm được miễn trừ truy tố.

Trước đó, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tối 27/2 đã kết thúc phiên xem xét cuối cùng về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye, trong khi các cuộc biểu tình phản đối và ủng hộ nhà lãnh đạo này diễn ra bên ngoài trụ sở của tòa.

Bà Park không trực tiếp tham dự nhưng đã gửi một bản tuyên bố tới phiên xem xét này, trong đó nêu bật những nỗ lực phục vụ đất nước của mình và nhấn mạnh bà chưa hề làm bất kỳ điều gì vì lợi ích cá nhân.

Nhà lãnh đạo này cũng xin lỗi vì đã gây ra “nỗi đau to lớn” cho người dân và cam kết sẽ làm hết sức mình để đoàn kết dân tộc và vượt qua tình trạng hiện nay.

Xem thêm tại đây: Bê bối của Tổng thống Hàn Quốc

Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam ảnh 6Bà Park Geun-hye. (Nguồn: AFP/TTXVN)
YouTube cán mốc 1 tỷ giờ xem mỗi ngày
Tổng thời lượng xem các video được chia sẻ trên YouTube hiện đã đạt mức 1 tỷ giờ mỗi ngày, đánh dấu cột mốc lớn trên chặng đường phát triển của trang mạng đăng tải video lớn nhất thế giới này trong hơn một thập kỷ qua.

Trong thông báo ngày 27/2, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật của YouTube, Cristos Goodrow, đã thực hiện một phép quy đổi thú vị và cho biết: "Nếu bạn ngồi và xem 1 tỷ giờ các video trên Youtube, bạn sẽ phải mất tới hơn 100.000 năm."

YouTube đón nhận tin vui trong bối cảnh trang mạng này đang nỗ lực chạy đua với các đối thủ Facebook và Twitter trong mảng truyền hình trực tiếp thông qua Internet, còn gọi là "livestream."

Từ ngày 7/2 vừa qua, YouTube đã chính thức cho phép những tài khoản sở hữu hơn 10.000 người theo dõi được thực hiện "livestream."

Đây không phải lần đầu tiên YouTube cho phép người dùng đăng tải hình thức truyền hình trực tiếp bằng thiết bị di động này.

Trong 6 năm qua, thương hiệu thuộc quyền sở hữu của Google đã nhiều lần hỗ trợ việc phát video trực tuyến trên, bao gồm nhiều sự kiện lớn như các cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, trước đó người dùng chỉ có thể thực hiện tính năng này trên nền tảng máy tính.

"Livestream" đã trở thành một xu thế sau khi các mạng xã hội ăn khách như Facebook và Twitter đua nhau tích hợp tính năng mới này vào nền tảng của mình nhằm đón đầu xu thế truyền hình video trực tuyến.

Việc YouTube "nhảy" vào sân chơi mới này hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều điều lý thú cho người dùng YouTube, cũng như tăng tính cạnh tranh của "người khổng lồ video" trước các đối thủ.

Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam ảnh 7(Nguồn: Getty Images)
3 kiến trúc sư Tây Ban Nha đoạt giải Pritzker 2017
Ngày 1/3, 3 kiến trúc sư không mấy tên tuổi của Tây Ban Nha là Rafael Aranda, Carme Pigem và Ramon Vialta đã được công bố là chủ nhân của giải kiến trúc danh giá Pritzker 2017.

Đây là lần đầu tiên giải thưởng được coi là Nobel trong lĩnh vực kiến trúc được trao cho 3 người.

Cả ba kiến trúc sư trên đều làm việc cho Hãng kiến trúc RCR đặt trụ sở tại khu vực Catalonia của Tây Ban Nha.

Ông Tom Pritzker, Chủ tịch Qũy Hyatt tài trợ cho giải thưởng Pritzker, nhấn mạnh những công trình của nhóm kiến trúc sư này, từ các không gian công cộng và tư nhân tới các công trình văn hóa, các viện giáo dục cho thấy tài năng của họ trong việc hòa quyện môi trường xung quanh vào các công trình của họ.

Giải thưởng kiến trúc Pritzker là giải thưởng thường niên của Quỹ Hyatt để vinh danh một kiến trúc sư còn sống với những đóng góp của họ.

Giải thưởng này được Jay A. Pritzker lập ra từ năm 1979 và được điều hành bởi dòng họ Pritzker. Đây là giải thưởng cao quý nhất trên thế giới về kiến trúc.

Người nhận giải thưởng sẽ được nhận 100.000 USD, nhưng quan trọng hơn, họ sẽ nhận được sự công nhận trên toàn thế giới.

Chủ nhân của giải Pritzker 2016 là kiến trúc sư Alejandro Aravena của Chile.

Aravena đã đi tiên phong trong việc thực hành kiến trúc nhằm giải quyết những thách thức quan trọng của thế kỷ 21.

Các công trình của anh đã mang lại cơ hội kinh tế cho những đối tượng thiệt thòi trong xã hội, giảm nhẹ tác động của thiên tai, giảm tiêu thụ năng lượng, và cung cấp không gian công cộng.

Sáng tạo và cảm hứng, Alejandro cho thấy cách thức tốt nhất mà kiến trúc có thể cải thiện cuộc sống của người dân.

Sự kiện quốc tế 27/2-5/3: Xét xử vụ sát hại Kim Jong-nam ảnh 8(Nguồn: architecturaldigest.in)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục