Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ?

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã "chấp nhận thực tế" khi đồng ý với kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tiến hành tấn công mạng nhằm quấy rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Trump chấp nhận kết luận của tình báo rằng Nga can thiệp bầu cử
Ngày 8/1, Chánh Văn phòng Nhà trắng của chính quyền Mỹ sắp nhậm chức Reince Priebus cho biết, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đồng ý với kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tiến hành tấn công mạng nhằm quấy rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời cho biết "các biện pháp có thể được đưa ra" để phản ứng.

Phát biểu trên chương trình Fox News Sunday, ông Priebus nói rằng ông Trump "chấp nhận thực tế rằng trong trường hợp cụ thể này, các thực thể ở Nga" đã đứng sau hành động xâm nhập vào các tổ chức và cá nhân của đảng Dân chủ.

Theo ông Priebus, Tổng thống đắc cử Trump dự kiến sẽ chỉ thị cộng đồng tình báo đưa ra các đề xuất cần phải làm gì và dựa trên những đề xuất này, "các hành động có thể được tiến hành."

Trước đó, ngày 5/1 vừa qua, giới chức tình báo Mỹ đã công bố báo cáo khẳng định Nga đứng sau vụ tấn công mạng và làm rò rỉ các tài liệu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Trump từng thừa nhận khả năng Nga liên quan tới các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ, song ông đã lập tức phản đối báo cáo trên của giới chức tình báo Mỹ kết luận Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Chính phủ Nga luôn bác bỏ những thông tin nói rằng Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Mỹ, khẳng định những cáo buộc này là "vô căn cứ."

Tổng thống Nga Vladimir Putin coi việc Chính phủ Mỹ lôi kéo Moskva vào bầu cử tổng thống là nhằm đánh lạc hướng cử tri Mỹ.​

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 1Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)
2016 phá kỷ lục, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử
Ngày 5​/1/2016, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, năm 2016 đã vượt qua năm 2015 để thiết lập kỷ lục là năm nóng nhất kể từ khi nhân loại bắt đầu lưu giữ các hồ sơ đáng tin cậy về nền nhiệt trên Trái Đất.

Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất năm 2016 cao hơn năm 2015 khoảng 0,2 độ C, ở mức 14,8 độ C, tức là cao hơn 1,3 độ C so với giai đoạn trước cuộc Cách mạng công nghiệp - đánh dấu bằng việc sử dụng rộng rãi các loại nhiên liệu hóa thạch vốn được xem là nguyên nhân thúc đẩy hiện tượng Trái Đất nóng lên.

So với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được tại Paris năm 2015 với đề xuất hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp, thì con số 1,3 độ C được xem là đã sát ngưỡng nguy hiểm.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ Trái Đất liên tục tăng lên là hậu quả của một quá trình tích lũy lâu dài của khí nhà kính, chủ yếu là CO2 và metan.

Những khí này khi được thải vào bầu khí quyển sẽ giữ hơi nóng của ánh Mặt Trời bên trong bầu khí quyển, làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên khiến khí hậu trên toàn cầu bị biến đổi.

Ngoài ra, nhiệt độ Trái Đất năm 2016 tăng còn do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino tại Thái Bình Dương.

Biến đổi khí hậu đã và đang làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên Trái Đất khiến các hệ sinh thái bị phá hủy, làm thiếu hụt nguồn nước ngọt, không khí bị ô nhiễm nặng, năng lượng và nhiên liệu khan hiếm…

Do đó, các nhà khoa học cho rằng, việc ứng phó với các tác động do biến đổi khí hậu gây ra đang trở thành thách thức mang tính toàn cầu.

Việc hợp tác giữa các nước để hạn chế sự thay đổi của thời tiết cũng như ảnh hưởng của nó đến đời sống con người phải được xem là ưu tiên hàng đầu./.

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 2Cảnh khô cạn ở hồ chứa nước Ajuankota ở thủ đô La Paz, Bolivia ngày 21/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một nhà sư ở Hàn Quốc tự thiêu để phản đối Tổng thống
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin cảnh sát Hàn Quốc cho biết một nhà sư nước này ngày 8/1 vẫn đang ở trong tình trạng nguy kịch sau khi tự thiêu trong cuộc biểu tình hằng tuần phản đối Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye diễn ra ngày 7/1 tại thủ đô Seoul.

Cảnh sát xác nhận nhà sư 64 tuổi mang họ Seo này bị bỏng độ 3 trên 70% diện tích cơ thể, trong khi nhiều cơ quan nội tạng như phổi và tim cũng bị thương nghiêm trọng.

Họ cho rằng người này đã tìm cách tự sát vì đã tìm thấy một bức thư, trong đó ông kêu gọi cảnh sát bắt giữ bà Park do đã gây ra tình trạng lộn xộn trong nước.

Theo các quan chức cảnh sát, nhà sư này đã bị kết án 8 tháng tù, nhưng cho hoãn thi hành án trong 2 năm, vì đã ném một quả lựu đạn cháy tự chế vào một văn phòng của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trong một hành động được cho là để phản đối thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về việc giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui.”

Hiện nhà sư đang được điều trị tại Bệnh viện trường Đại học quốc gia Seoul.​

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 3Nhà sư bị thương sau khi tự thiêu được đưa vào bệnh viện ở Seoul ngày 7/1. AFP/TTXVN
Cuba lần đầu tiên xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ sau nửa thế kỷ
Sau một thời gian dài đàm phán, ngày 5/1 tại thủ đô La Habana (Cuba), đại diện của hai công ty CubaExport (Cuba) và Coabana Trading LLC (Mỹ) đã ký thỏa thuận về việc xuất khẩu than củi marabú từ Cuba sang Mỹ.

Phóng viên TTXVN tại La Habana dẫn thông báo của Bộ Ngoại thương và đầu tư nước ngoài Cuba cho biết chuyến hàng đầu tiên của hợp đồng này gồm 40 tấn than dự kiến sẽ cập cảng Mỹ vào ngày 18/1 tới và đây cũng là hoạt động xuất khẩu trực tiếp đầu tiên từ Cuba sang Mỹ sau hơn nửa thế kỷ.

Theo hợp đồng giữa Giám đốc CubaExport Isabel O’Reilly và Chủ tịch Coabana Trading LLC Scott Gilbert, giá mỗi tấn than malabú Cuba xuất khẩu vào Mỹ là 420 USD. Bà O’Reilly cho biết đây là mức giá cao hơn mức giá thông thường (từ 340-380 USD/tấn) mà Cuba xuất khẩu cho các nước khác và bày tỏ hi vọng hợp đồng đầu tiên này sẽ mở cánh cửa xuất khẩu các hàng hóa khác của Cuba sang Mỹ như mật ong và cà phê.

Về phần mình, ông Gilbert bày tỏ vinh dự là người ký kết hợp đồng mang tính khai phá này và nhận định đây là một bước tiến nữa trong quá xây dựng cây cầu hợp tác nối liền hai đất nước bên bờ eo biển Florida.

Marabú (dichrostachys cinerea) là loại cây bụi gai rễ chùm có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh trong nhiều địa hình, chịu được nhiều loại điều kiện thời tiết khắc nghiệt và mọc rất phổ biến tại Cuba.

Tại quốc đảo Caribe này, các hợp tác xã nông nghiệp là những đơn vị chặt và sơ chế cây malabú thành than, sau đó bán lại cho một doanh nghiệp nhà nước khác để chế biến thành thành phẩm xuất khẩu và với cơ chế này, các doanh nghiệp Mỹ được nhập khẩu sản phẩm trên theo gói biện pháp nới lỏng cấm vận mới đây của Tổng thống Barack Obama.

Hiện tại, mỗi năm Cuba xuất khẩu khoảng 80.000 tấn than marabú cho từ khoảng 5-7 nước. Ngoài Mỹ, Cuba cũng đang xúc tiến xuất khẩu than củi malabú sang Đức và Anh./.

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 4Lễ ký hợp đồng giữa CubaExport và Coabana Trading LLC về xuất khẩu than sang Mỹ. (Nguồn: Cubadebate.cu)
Syria thông qua kế hoạch tái thiết Aleppo từ đống đổ nát chiến tranh
Truyền thông địa phương đưa tin Chính phủ Syria ngày 7/1 đã thông qua một kế hoạch nhằm khôi phục các dịch vụ, ngành công nghiệp và an ninh của thành phố Aleppo bị chiến tranh tàn phá.

Theo nguồn tin, Chính phủ Syria có kế hoạch khôi phục việc cung cấp điện, nước và nhiên liệu, đánh giá xem những tòa nhà nào có thể sửa được và mở đường để giúp mang lại cuộc sống bình thường cho người dân.

Bên cạnh đó, chính phủ nước này đã thông qua một kế hoạch khẩn cấp do Bộ Giáo dục đệ trình nhằm khôi phục 50 trường học tại khu vực phía Đông thành phố này trong vòng 6 tháng.

Kế hoạch cũng bao gồm việc phục hồi 5 trung tâm y tế và 2 bệnh viện cũng như trùng tu sân bay quốc tế của Aleppo và 18 km đường ray xe lửa.

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 5Binh sỹ quân đội Chính phủ Syria sau khi giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo ngày 23/12. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Binh biến tại Cote d'Ivoire do binh sỹ đòi lương cao
Hãng thông tấn nhà nước AIP của Cote d'Ivoire cho biết một cuộc binh biến đã xảy ra vào sáng 6/1 ở thành phố Bouake, miền Trung nước này.

Tin cho biết những tiếng súng đầu tiên được nghe thấy vào khoảng 1 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 6/1.

Tuyến đường hành lang phía Nam của thành phố đã bị những người làm binh biến phong tỏa, không cho các phương tiện giao thông qua lại.

Hiện chưa có báo cáo thương vong cũng như lý do của vụ binh biến này.

Hãng tin Reuters của Anh cho biết giao tranh đã nổ ra trong đêm tại thành phố Bouake khi các binh sỹ xuất ngũ thu giữ vũ khí từ các đồn cảnh sát và cố thủ tại các chốt ở cửa ngõ dẫn vào thành phố.

Một nguồn tin quân đội nêu rõ: "Thành phố hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các cựu quân nhân, những người đã nổ súng vào khảng 2 giờ sáng (giờ GMT) khi chiếm kho vũ khí từ các đồn cảnh sát trong thành phố."

Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại 2 thành phố khác là Daloa và Korhogo.

Các nhân chứng cho biết các tay súng vũ trang hạng nặng đang tuần tra khắp thành phố và các lực lượng an ninh đã rời bỏ vị trí.

Một binh sỹ giấu tên cho biết cuộc binh biến này do các binh sỹ vốn trước đây là các tay súng nổi dậy gia nhập quân đội tiến hành với yêu sách đòi thưởng mỗi người 5 triệu CFA franc (tương đương 8.000 USD) cùng với một căn nhà.

Tổng thống Cote d'Ivoire Alassane Ouattara ngày 7/1 thông báo tại thủ đô Abidjan rằng chính quyền của ông đã đạt được thỏa thuận với các binh sỹ tiến hành binh biến.

Trong một tuyên bố ngắn được phát trên truyền hình Nhà nước, Tổng thống Ouattara khẳng định hai bên đã đạt được thỏa thuận liên quan đến những yêu sách tăng lương và cải thiện điều kiện sống của số binh sỹ này.

Ông Ouattara nhấn mạnh cách thức biểu tình của các binh sỹ là không phù hợp và làm xấu hình ảnh của đất nước Cote d'Ivoire. Ông Ouattara yêu cầu các binh sỹ quay lại doanh trại, nhằm tạo điều kiện thực hiện những quyết định này trong sự yên bình. 

Ông Ouattara đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng đặc biệt để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Thỏa thuận đạt được sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Alain Richard Donwahi​ và phái đoàn của các binh sỹ tiến hành binh biến tại Bouaké.

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 6Phát ngôn viên của nhóm binh sỹ tiến hành binh biến Issiaka Ouattara (giữa) trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Alain Richard Donwahi tại Bouake ngày 7/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ba ứng cử viên Tổng thống Pháp đuổi nhau sát sao trong thăm dò dư luận
Kết quả cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ các ứng cử viên tổng thống Pháp, được nhật báo Les Echos (Tiếng vang) công bố ngày 6/1, cho thấy cựu Thủ tướng Francois Fillon, đại diện cho phe cánh hữu và trung hữu, vẫn là ứng cử viên số một cho vị trí tổng thống Pháp, song khoảng cách giữa ông với lãnh đạo đảng cựu hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen đã thu hẹp, còn 2-4%, tùy theo kịch bản.

Người nổi lên vị trí số ba là ứng cử viên trẻ, cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, ra tranh cử độc lập, có khả năng được từ 16-24% phiếu ủng hộ, tức là có thể lọt vào vòng hai.

Cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls, ứng cử viên sáng giá đại diện cho đảng Xã hội (PS) cầm quyền, hiện chỉ ở vị trí thứ 5, và bị xem là hoàn toàn không có cơ hội lọt vào vòng hai.

Phe cánh tả sẽ tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 1/2017 để chọn đại diện tham gia cuộc đua vào Điện Elysée, diễn ra vào tháng 4 và 5/2017.

Trong khi đó, báo Le Figaro chú ý đến một ứng cử viên khác của đảng Xã hội, cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, với dự báo nhân vật ít được chú ý này có khả năng trở thành một bất ngờ trong cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng viên chính thức của phe cánh tả ra tranh cử tổng thống, giống như ông François Fillon đối với phe cánh hữu.


Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 7Cựu Thủ tướng Francois Fillon. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Phát hiện quan trọng về hóa thạch sinh vật sống cách đây 545 triệu năm
Ngày 4/1, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu địa chất Argentina (CIG) cho biết đã tìm thấy hóa thạch của các sinh vật sống cách đây 545 triệu năm trước tại thành phố Olavarría.

Theo phóng viên TTXVN tại Argentina, các chuyên gia chưa xác định được các hóa thạch trên là động vật hay thực vật. Tuy nhiên, đây là một phát hiện có ý nghĩa quan trọng. Vì trong thời đại đó, sinh vật duy nhất tồn tại chỉ là những tảo đơn bào sống trôi nổi trong nước.

Hàng trăm hóa thạch được tìm thấy trên đá là sinh vật (gồm những loài động vật, thực vật và các loài khác) sống ở một khu vực nhất định cách đây 545 triệu năm. CIG đánh giá các sinh vật này là mẫu hóa thạch cổ nhất Nam Mỹ.

Chuyên gia của CIG Maria Julia Arrouy bày tỏ ấn tượng về sinh vật có cấu trúc mà chưa xác định được đó là động vật hay thực vật ở trong thời đại đó.

Bà Maria cho biết giới khoa học đã nhất trí đây là những sinh vật sống đầu tiên và cổ nhất trong lịch sử Trái Đất thuộc Kỷ Ediacara kéo dài khoảng 635 đến 542 triệu năm trước.

Các nhà địa chất đã tìm thấy "các cơ thể hóa thạch" có cấu trúc phức tạp hơn bình thường, được hình thành bởi các tế bào nhân chuẩn, chẳng hạn gồm màng, tế bào chất, hạt nhân và mô.

Các đại hóa thạch trên rất hiếm trên thế giới, chỉ xuất hiện ở Canada, Australia, Namibia, Trung Quốc, Nga và Vương quốc Anh.

Các chuyên gia tin rằng những hóa thạch được tìm thấy tại thành phố Olavarría là mẫu cổ nhất trong Kỷ Ediacara được phát hiện cho đến nay và chúng thuộc nhóm các sinh vật biển trong Kỷ Ediacara.

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 8Mãu khảo cổ học được phát hiện ở Olavarría. (Nguồn: elmarplatense)
Iraq giành lại 60% lãnh thổ phía Đông Mosul từ IS
Ngày 1-1-2017, chỉ huy Lực lượng Chống khủng bố (CTS) của Iraq, Trung tướng Abdulwahab al-Saadi​ cho biết các lực lượng nước này đã giành lại khoảng 2/3 lãnh thổ phía Đông của thành phố Mosul từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kể từ khi mở màn chiến dịch tiến công giành lại thành phố này cách đây gần 3 tháng.

Mosul được xem là “thành trì cuối cùng” của IS, là thành phố lớn thứ hai của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km và có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, kết nối phía Bắc Iraq và phía Đông Syria.

Với sự trợ giúp của liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, quân chính phủ Iraq từ ngày 17​/10​/2016 đã phát động chiến dịch quân sự được coi là có quy mô lớn nhất kể từ năm 2003 nhằm giành lại Mosul.

Chiến dịch có sự tham gia của khoảng 100.000 người, bao gồm các lực lượng quân đội và cảnh sát Iraq, các tay súng người Kurd​ và lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shi'ite.

Tuy nhiên, càng tiến sâu vào Mosul, khó khăn đối với quân chính phủ càng lớn do vấp phải sự kháng cự điên cuồng của các tay súng IS.

IS còn tăng cường các cuộc tấn công khủng bố ở những khu vực khác của Iraq nhằm trả đũa cho những gì đang diễn ra ở Mosul.

Chỉ trong vòng một tuần lễ qua, thủ đô Baghdad đã liên tiếp phải chứng kiến 3 vụ đánh bom kinh hoàng khiến gần 100 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.

Các nhà phân tích cho rằng, việc quân đội Iraq vừa giành được 2/3 lãnh thổ phía Đông của thành phố Mosul sẽ đặt ra thêm những nguy cơ về an ninh cho khu vực ở thủ đô Baghdad.

Không những thế, khó khăn lớn nhất mà quân đội Iraq đang phải đối mặt trong trận chiến này là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân.

Hiện hàng trăm nghìn dân thường vẫn còn mắc kẹt tại Mosul, khiến các lực lượng của Iraq và đồng minh chậm đà tiến quân và phải thận trọng.

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 9Lực lượng quân đội Iraq bắt giữ một đối tượng bị nghi thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở khu vực Al-Intisar, phía đông Mosul. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trung Quốc cảnh báo “đỏ” về ô nhiễm không khí
Ngày 3​/1, Trung tâm Khí tượng học quốc gia Trung Quốc đã ban bố cảnh báo “đỏ” về tình trạng ô nhiễm không khí nặng do sương mù dày đặc ở một số khu vực miền Bắc và miền Đông nước này.

Đây là báo động đỏ đầu tiên được đưa ra trong năm 2017 - cũng là năm thứ 3 của “cuộc chiến chống ô nhiễm” do Bắc Kinh phát động (từ năm 2014).

Trước đó, ngày 31​/12​/2016, cảnh báo tương tự đã được đưa ra cho vùng Đông Bắc Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh. Báo động đỏ là mức cảnh báo cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 mã màu là xanh, vàng, cam và đỏ.

Tình trạng ô nhiễm không khí đã gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên quy mô lớn ở Trung Quốc khi hàng loạt sân bay ngưng hoạt động trong khi các tuyến quốc lộ phải đóng cửa do tầm nhìn chưa tới 50m.

Ba cảng chính ở phía Bắc Trung Quốc đều phải ngưng hoạt động vào ngày 3/1 do tầm nhìn kém.

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí trên được cho là do lượng bụi phát tán ra môi trường từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, cũng như trong việc sử dụng than trong sản xuất công nghiệp nặng ở Trung Quốc.

Ngoài ra, lượng khí thải từ xe cộ cũng đóng góp lớn vào tình trạng ô nhiễm đáng báo động ở thủ đô Bắc Kinh…

Trước tình trạng khói bụi, chính quyền các thành phố ở Trung Quốc đã cấm toàn bộ các loại xe có lượng khí thải lớn, tạm dừng hoạt động nhiều công trình xây dựng, yêu cầu các trường trung học và tiểu học căn cứ tình hình cụ thể trong khu vực bố trí lịch học cho phù hợp.

Sở Giáo dục thành phố Bắc Kinh tối 5/1 thông báo triển khai việc lắp đặt hệ thống làm sạch không khí tại một số trường học và nhà trẻ trong thành phố. Chính quyền thành phố đã hỗ trợ để các trường học trang trải chi phí lắp đặt hệ thống trên.

Trong bốn năm qua, kể từ khi tuyên chiến với ô nhiễm không khí, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các kế hoạch hành động đầy tham vọng, nhằm mục đích cuối cùng là thoát khỏi biệt danh “kẻ gây ô nhiễm nhất thế giới.”

Tuy nhiên, người ta vẫn lo ngại rằng vấn đề này sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới bất chấp những nỗ lực của chính quyền trung ương, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ sự phát triển kinh tế quá nhanh.

Sự kiện quốc tế 2-8/1: Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ? ảnh 10Sương mù dày đặc bao trùm sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 4/1/2017. (Nguồn: THX/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục