Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão

Thảm họa thiên tai tự nhiên là trận siêu bão Harvey, cùng cơn địa chấn nhân tạo do vụ thử bom H của Triều Tiên là hai trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần vừa qua.
Triều Tiên thử bom H gây chấn động thế giới
Ngày 3/9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H.

Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố nước này đã sản xuất được một loại bom H có thể gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

KCNA cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kiểm tra loại bom H có thể gắn vào ICBM nói trên trong chuyến thăm Viện nghiên cứu Vũ khí hạt nhân. Theo KCNA, viện nghiên cứu nói trên đã thành công trong việc phát triển "một loại vũ khí hạt nhân hiện đại hơn", tạo ra "một bước ngoặt" đối với quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trước đó, Cơ quan địa chất Mỹ USGS và Cơ quan theo dõi Động đất Trung Quốc đo được độ địa chấn tại Triều Tiên vào cùng thời điểm là 6,3 độ Richter ở phía Đông Đông Bắc khu vực Sungjibaegam.

USGS cho biết tâm chấn của trận động đất trên chỉ nằm ở độ sâu 10km. Những trận động đất gần đây tại Triều Tiên đều đến từ các vụ thử hạt nhân.

Ngày 3/9, khi được hỏi liệu ông có ra lệnh tấn công Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không bác bỏ hay phủ nhận khả năng này.

Trên trang Twitter, hãng NBC News đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh ông Donald Trump rời nhà thờ cùng Đệ nhất phu nhân Melania.

Một phóng viên đã đặt câu hỏi từ xa: "Ngài Tổng thống, liệu Ngài có tấn công Triều Tiên không ?" Tổng thống Mỹ trả lời ngắn gọn: "Rồi chúng ta sẽ rõ."​

Tổng thống Trump đã tuyên bố trên trang Twitter rằng: "Hàn Quốc đang nhận ra, như tôi đã nói với họ, rằng sự nhượng bộ với Triều Tiên sẽ không có tác dụng."

Tuy nhiên, đáp lại lời chỉ trích này, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên thông qua các biện pháp hòa bình.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc trong một tuyên bố nêu rõ: "Đất nước đã trải qua một cuộc chiến tương tàn huynh đệ. Không thể để sự tàn phá của chiến tranh lặp lại trên mảnh đất. Vì vậy, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc và tiếp tục thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo bằng các biện pháp hòa bình cùng với các đồng minh của chúng tôi."

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã đe dọa có "hành động đáp trả quân sự quy mô lớn" đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hay các đồng minh, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Các nhà ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trong ngày 4/9 nhằm thảo luận về một phản ứng quốc tế trước vụ thử hạt nhân cùng ngày của Triều Tiên.

Phái bộ của Mỹ tại Liên hợp quốc trong một tuyên bố cho hay, các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc đề nghị tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào lúc 10 giờ (giờ địa phương, 21 giờ theo giờ Hà Nội).

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên "gây mất ổn định nghiêm trọng" tới an ninh khu vực, đồng thời một lần nữa kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động tương tự​.​

Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão ảnh 1Giám đốc Trung tâm núi lửa và động đất Hàn Quốc Lee Mi-Seon công bố hình ảnh biểu đồ sóng địa chấn sau vụ động đất được cho là thử hạt nhân của Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ lĩnh đảng đối lập Campuchia Kem Sokha bị bắt vì phản quốc
​Ngày 3/9, lãnh đạo đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập tại Campuchia, ông Kem Sokha đã bị bắt.

Một trang mạng ​của Campuchia cho biết ông này bị cáo buộc tội phản quốc.

Con gái của ông Kem Sokha đồng thời là một quan chức của đảng CNRP, bà Monovithya Kem viết trên mạng xã hội Twitter: "Ông Kem Sokha cùng tất cả các vệ sỹ bị 100-200 cảnh sắt bắt giữ mà không có lệnh, sau khi nhà riêng của ông bị đột kích. Chúng tôi không biết ông bị đưa đến đâu."

Trang mạng Fresh News cho biết ông Kem Sokha bị buộc tội phản quốc.

Trước đó, trang mạng này khẳng định đã sở hữu một đoạn video, trong đó có cảnh ông Kem Sokha thảo luận việc lật đổ Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.​

Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão ảnh 2Ngày 3/9, lực lượng chức năng Campuchia đã bắt giữ ông Kem Sokha (ảnh, trái), Chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập với cáo buộc có hành vi phản quốc và hoạt động gián điệp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nước Mỹ điêu đứng vì siêu bão Harvey
Siêu bão Havery​ tiến vào Houston bang Texas, thành phố lớn thứ tư tại Mỹ trong đêm 26/8 (giờ địa phương), biến đường phố thành sông, gây ngập lụt nhà cửa và buộc chính quyền phải tiến hành sơ tán hàng trăm người mắc kẹt.

Lượng mưa ​khoảng 1,27m đã gây ngập lụt ở thành phố này khiến khắp nơi chìm trong nước và hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Giao thông tê liệt, người dân bị mắc kẹt trong nhà hoặc lều tạm, cảng Houston bị đóng cửa và các chuyến bay tại sân bay quốc tế George Bush vẫn bị hạn chế.

Hãng dự báo Macroeconomic Advisers tính toán thiệt hại kinh tế do cơn bão có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 3 giảm 0,3-1,2 điểm phần trăm. Trước cơn bão, nền kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng khoảng 3% trong quý này.

Với những thiệt hại đã gây ra trong khi chưa dấu hiệu suy giảm cường độ, giới chuyên gia nhận định bão Harvey có thể lọt vào tốp 5 trận bão tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Dự báo siêu bão lịch sử này sẽ gây những hậu quả lâu dài đối với bang Texas nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung.

Với lượng mưa lên tới gần 2.000 mm, tương đương với 34.000 tỷ lít nước, Harvey được đánh giá là siêu bão gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Số người chết cho đến nay ghi nhận được là 42 người và thiệt hại vật chất ước tính lên tới 125 tỷ USD.

Tác động của siêu bão cũng khiến giá xăng tại Mỹ đã trở thành tâm điểm trên thị trường năng lượng thế giới tuần qua, khi mặt hàng này có thời điểm vọt lên mức cao nhất trong hơn hai năm.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ dành 1 triệu USD của cá nhân để ủng hộ nỗ lực khắc phục khó khăn sau trận bão ở bang Texas.

Đáng chú ý, chỉ 10 ngày trước khi bão Harvey đổ bộ vào Mỹ, Nhà Trắng đã bãi bỏ một trong những công cụ quản lý rủi ro do lũ lụt tiên tiến nhất hiện có, một sắc lệnh dưới thời Obama, trong đó bổ sung thêm những yêu cầu thận trọng khi xây dựng công trình ở những khu vực thường xảy ra lũ lụt.

Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão ảnh 3Cảnh ngập lụt do mưa lớn sau bão Harvey tại Houston, bang Texas ngày 27/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Iraq giải phóng hoàn toàn thành phố Tal Afar
Ngày 27-8-2017, các lực lượng chính phủ Iraq đã hoàn toàn giải phóng thành phố Tal Afar sau chiến dịch kéo dài 8 ngày truy quét lực lượng thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi thành phố này.

Thành phố Tal Afar thuộc tỉnh Nineveh, cách thành phố Mosul 80 km về phía Tây và cách biên giới Syria khoảng 150 km về phía Đông. Tal Afar có dân số khoảng 200.000 người, nằm trên tuyến đường tiếp tế quan trọng của IS giữa Mosul và các khu vực của Syria.

Tuy nhiên, từ tháng 6 vừa qua, thành trì này đã bị cô lập hoàn toàn với phần lãnh thổ còn lại do IS kiểm soát.

Sau khi đánh bật nhóm phiến quân IS ra khỏi thành phố Mosul trong một chiến dịch quân sự quy mô lớn kéo dài 9 tháng, các lực lượng an ninh Iraq coi Tal Afar là mục tiêu mới nhất trong cuộc chiến chống IS do Mỹ hỗ trợ.

Việc giải phóng thành phố này đã đánh dấu thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq đồng thời sẽ tiếp tục là một cú đòn nặng giáng vào cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" tự xưng của IS.

Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão ảnh 4Niềm vui của binh sỹ Iraq sau khi hoàn toàn giải phóng thành phố Tal Afar ngày 26/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trung Quốc và Ấn Độ rút quân khỏi khu vực cao nguyên Doklam
Ngày 28-8, mối lo ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực tranh chấp trên cao nguyên Doklam (mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng) có thể leo thang thành đối đầu quân sự đã được dập tắt, sau khi hai nước nhất trí rút quân đội khỏi khu vực này.

Nằm ở ngã ba chiến lược thuộc Himalaya, phía Bắc thung lũng Chum-bi ở Tây Tạng của Trung Quốc, phía Đông thung lũng Ha của Bhutan và phía Tây bang Sikkim của Ấn Độ, cao nguyên Doklam có vị trí quan trọng với cả ba nước.

Tuy không có tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc nhưng Ấn Độ ủng hộ lợi ích của Bhutan, cũng như quan ngại về các động thái của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ này.

Căng thẳng đã gia tăng sau khi Trung Quốc khởi công xây dựng và mở rộng các tuyến đường ở Doklam khiến Ấn Độ phản đối, dẫn đến việc hai bên triển khai lực lượng quân đội tới khu vực này.

Sau hơn hai tháng căng thẳng, việc Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý rút quân khỏi Doklam đã giải tỏa quan ngại về nguy cơ nổ ra xung đột giữa các lực lượng hai nước.

Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão ảnh 5Biên giới Ấn Độ-Trung Quốc. (Nguồn: AFP)
Facebook chính thức tung ra dịch vụ xem video cạnh tranh với YouTube
Facebook ngày 31/8 đã tung ra dịch vụ video Watch cho người dùng Mỹ với kế hoạch cho phép mọi người có thể theo dõi các chương trình truyền hình, trong một động thái được cho là nỗ lực cạnh tranh doanh thu quảng cáo của mạng xã hội lớn nhất thế giới với trang chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube.

Việc Facebook chuyển sang lĩnh vực video trực tuyến được đánh giá là tức thời trong bối cảnh các nhà quảng cáo đang chuyển đầu tư nhiều hơn từ truyền hình truyền thống sang trực tuyến khi người xem có xu hướng xem chương trình truyền hình trên điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Facebook đã bắt đầu chạy thử nghiệm Watch từ đầu tháng Tám.

Với Watch, người dùng có thể xem hàng trăm chương trình truyền hình trực tuyến từ Vox, Buzzfeed, Discovery Communications Inc, A & E Networks, ABC của Walt Disney, cũng như những giải thể thao trực tiếp.

Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: Seeking Alpha)
Phát hiện hơn 380 loài sinh vật mới tại rừng nhiệt đới Amazon
Các nhà nghiên cứu ngày 30/8 thông báo đã phát hiện 381 loại sinh vật mới tại rừng Amazon, song cảnh báo những sinh vật này đều sinh trưởng ở những khu vực bị đe dọa bởi hoạt động của con người.

Báo cáo của Quỹ Bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên hoang dã (WWF) và Viện Mamiraua của Brazil công bố cho thấy trong số những sinh vật trên, có 216 loại thực vật, 93 loài cá, 32 loài lưỡng cư, 19 loài bò sát, một loài chim và 20 loài động vật có vú, trong đó hai loài hóa thạch.

Những loài sinh vật này được tìm thấy ở khắp các vùng rừng Amazon trải trên khắp chín nước Nam Mỹ, trung bình hai ngày phát hiện một loài.

Đây là báo cáo thứ 3 của WWF về các sinh vật mới này. Tính đến nay, khoảng 2.000 sinh vật mới đã được phát hiện trong 17 năm qua. Tuy nhiên, cùng với tin vui là nỗi lo khi toàn bộ 381 loài trên đều sinh trưởng tại những khu vực đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi các hoạt động kinh tế của con người.

Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão ảnh 7Rừng Amazon thuộc bang Para, Brazil. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát hiện mới về nguồn gốc loại rượu vang cổ xưa nhất thế giới
Loại rượu vang cổ xưa nhất trên thế giới có thể có nguồn gốc từ Italy. Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện này sau khi tìm thấy dấu vết của nho lên men 6.000 năm tuổi tại đảo Sicily, miền Tây Italy. Phát hiện này đã được đăng trên tạp chí Microchemical.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phân tích chất cặn trong những chiếc bình đất nung được tìm thấy trong một hang động trên Núi Kronio, gần vùng Agrigento của Italy.

Các bình đất nung được để trong hang nên không bị chôn vùi và chất cặn trong bình được bảo quản qua nhiều thế kỷ dù đã đông cứng.

Các công nghệ phân tích, trong đó có phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân, cho thấy có thành phần axit tartaric, một axit cơ bản trong nho.

Các nhà nghiên cứu đã loại trừ đây là cặn chất béo có nguồn gốc từ thịt hay dầu, và do không có dấu vết của hạt hay vỏ nho, nhóm nghiên cứu kết luận đây là dấu vết của nho lên men. Sau đó. các nhà khảo cổ xác định niên đại của mẫu vật bằng cách so sánh với các bình gốm khác ở các địa điểm gần đó.

Phát hiện trên rất quan trọng vì nó chứng tỏ nho lên men đã có từ thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, tức là sớm hơn khoảng 3000 năm so với những vết tích đầu tiên của nghề trồng nho được ghi nhận trước đây tại Italy.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn thận trọng chưa khẳng định chắc chắn đây có phải là rượu vang cổ xưa nhất trên thế giới hay không.

Sự kiện quốc tế 28/8-3/9: Triều Tiên thử bom H, Mỹ đón siêu bão ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr.com)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục