Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia

Bầu cử tổng thống Mỹ vào giai đoạn nước rút, Tổng thống Hàn Quốc mất uy tín, Liban lần đầu bầu được tổng thống trong 2 năm là những sự kiện nổi bật về những người đứng đầu trong tuần qua.
Ba ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ, 2 ứng cử viên chạy đua ráo riết
Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia ảnh 1Bà Hilary Clinton và ông Donald Trump. (Nguồn: theatlantic.com)

Trong thời điểm chỉ còn ba ngày nữa chính thức diễn ra cuộc bầu cử, hai ứng cử viên đang nỗ lực vận động tại các bang chiến địa.

Tại bang Florida, đã có hơn 5 triệu cử tri đi bầu trong cuộc bỏ phiếu sớm. Kết quả thăm dò do Real Clear Politics tiến hành cho thấy hiện bà Clinton đang dẫn trước đối thủ 1% tại bang này. Trong khi đó, tại bang Bắc Carolina, ngày 6/11 là ngày cuối cùng của đợt bỏ phiếu sớm tại đây.

Hiện cả hai ứng cử viên đều đang chạy đua để tăng thêm những điểm vận động tranh cử vào phút chót. Với ứng cử viên Clinton, sáng 6/11 (giờ Hà Nội), bà đã tiến hành vận động tại Philadelphia, và dự kiến sẽ tới Michigan, Bắc Carolina vào ngày 7/11.

Trong khi đó, danh sách di chuyển của ông Trump lại dày đặc với Florida, North Carolina, Nevada, Iowa, Minnesota, Michigan, Pennsylvania và Virginia.

Dự kiến vào đêm trước ngày bầu cử, ông Trump sẽ trở lại Florida, ​Bắc Carolina và Pennsylvania trước khi có mặt tại New Hampshire.

Đáng chú ý, tại sự kiện ở Reno, Nevada, ông Trump đã phải dừng phát biểu và được các đặc vụ Mỹ hộ tống vào trong khán đài do có báo cáo về một đối tượng mang súng trong đám đông người ủng hộ. Đối tượng này sau đó đã bị dẫn đi và ông Trump đã trở lại hoàn thành bài vận động tranh cử.

Trong diễn biến liên quan, đa số cử tri Mỹ, 52%, cho rằng truyền thông Mỹ thiên vị ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Đây là kết quả điều tra mới đươc viện Gallup tiến hành ngày 27-28/10 vừa qua.

Xem thêm tại đây: Ba ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ, 2 ứng cử viên chạy đua ráo riết

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc xuống mức thấp nhất trong lịch sử
Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia ảnh 2Người dân Hàn Quốc biểu tình đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. (Nguồn: Reuters)

Ngày 6/11, các công tố viên Hàn Quốc đã chính thức bắt giữ hai cựu trợ lý cấp cao của Tổng thống Park Geun-Hye do liên quan đến vụ bê bối chính trị đang gây rúng động Hàn Quốc khiến hàng chục nghìn người dân nước này xuống đường biểu tình đòi bà Park Geun-Hye từ chức.

Cựu cố vấn của Tổng thống Park Geun-Hye, ông Jeong Ho-seong, đã bị tạm giữ từ đêm 3/11 với những cáo buộc làm rò rỉ thông tin mật.

Ông này được biết đến là “cánh tay phải” của bà Park Geun-hye và đã trợ giúp bà kể từ năm 1998, bị tình nghi chuyển giao các bài phát biểu và tài liệu nhà nước cho bà Choi Soon-sil, bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye.

Trước đó cùng ngày, ông Ahn Jong-beom, nguyên là Thư ký phụ trách vấn đề phối hợp chính sách của Tổng thống Park Geun-hye, cũng đã chính thức bị bắt với các cáo buộc về lạm dụng quyền hạn.

Trước đó, bà Choi Soon-sil cũng đã bị bắt giữ.

Thủ tướng mới được chỉ định của Hàn Quốc Kim Byong-joon cho biết theo quan điểm của ông, Tổng thống nước này Park Geun-hye có thể bị các công tố viên điều tra liên quan vụ bê bối chính trị hiện nay.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất ngày 4/11, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Park đã giảm xuống còn 5%. Đây là mức thấp nhất đối với bất kỳ tổng thống Hàn Quốc và điều này phản ánh rõ tác động của vụ bê bối chính trị hiện nay.
Tòa án Tối cao Anh phủ quyết việc khởi động quá trình rời khỏi EU
Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia ảnh 3(Nguồn: PA)

Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết rằng Quốc hội Anh phải bỏ phiếu về việc liệu nước này có thể bắt đầu quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit, hay không.

Điều này có nghĩa là Chính phủ nước này không thể tự kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - một bước đi chính thức khởi động cuộc đàm phán cho tiến trình rời bỏ "ngôi nhà chung" EU.

Ba thẩm phán cấp cao của tòa trên nói rằng Chính phủ Anh không có quyền hạn để kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon. Tuy nhiên, tòa cho phép Chính phủ Anh kháng cáo phán quyết này.

Phản ứng trước phán quyết trên, cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho biết Chính phủ Anh sẽ phải đợi kháng cáo trước khi có thể tiến hành các kế hoạch kích hoạt Điều khoản 50 nhằm rời khỏi EU.

Ngày 4/11, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, hạn chót vào tháng 3/2017 để khởi động các cuộc thương thuyết về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit "vẫn không thay đổi" bất chấp phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh yêu cầu hoạt động này trước hết phải được quốc hội thông qua.

Theo kế hoạch, cuối tháng 3/2017, Anh sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên EU, dự kiến kéo dài 2 năm để có thể hoàn toàn rời khỏi khối.

Xem thêm tại đây: Chính phủ Anh phản đối Quốc hội quyết định tiến trình rời EU
Nga và Mỹ tìm giải pháp tránh va chạm trên không phận Syria
Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia ảnh 4Khói lửa bốc lên sau một vụ không kích của Nga nhằm vào mục tiêu IS tại Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại diện bộ Quốc phòng của Nga và Mỹ ngày 3/11 đã tiến hành cuộc họp trực tuyến, thảo luận các biện pháp bổ sung nhằm bảo đảm an toàn hơn nữa cho các chuyến bay của Không quân Nga và lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria.

Cục Thông tin truyền thông Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc họp trực tuyến được tiến hành theo đề xuất của Mỹ, nhằm đánh giá việc thực hiện thỏa thuận ký ngày 20/10/2015 giữa hai bên về ngăn ngừa va chạm và đảm bảo an toàn cho các chuyến bay trong không phận Syria của các lực lượng quốc tế tham gia chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này.

Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi quan điểm về việc các sự vụ liên quan kể từ thời điểm tiến hành hội nghị trực tuyến lần trước vào hôm 22/9 vừa qua; thảo luận về các biện pháp bảo đảm và tăng cường an ninh hơn nữa cho các chuyến xuất kích trong không phận Syria cho máy bay Nga, cũng như của lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu.

Đại diện Nga và Mỹ đồng thời ghi nhận tầm quan trọng của các cuộc tiếp xúc theo mô hình hội nghị trực tuyến và thống nhất sẽ tiến hành hội nghị tiếp theo với thể thức này vào tháng 12 tới.

Cuộc họp diễn ra sau vụ chiến đấu cơ của Mỹ và Nga suýt va chạm trên bầu trời gần thành phố Deir al-Zor của Syria hôm 17/10 vừa qua, được coi là vụ việc xảy ra trên không trung trong cự ly gần nhất giữa lực lượng không quân hai nước.

Sau đó, Washington đã liên lạc với Moskva qua đường dây nóng và hai bên đều xác nhận vụ việc là sự cố ngoài ý muốn, không phải là hành động thù địch có chủ đích./.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực
Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia ảnh 5Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời New Delhi, Ấn Độ ngày 28/10 vừa qua. (Ảnh: AP/TTXVN)

Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris của Pháp vào năm ngoái hay còn gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11.

Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đã đề ra.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa nhấn mạnh ngày này đánh dấu mốc quan trọng để các quốc gia cùng với thiện chí và thái độ nghiêm túc hướng tới hoàn thành các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Dự kiến từ ngày 7-18/11 tới, tại Marrakesh của Maroc sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 22 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) với sự tham dự của đại diện của gần 200 quốc gia.

Tại sự kiện này, các nước sẽ tập trung thảo luận các điểm chính của Hiệp định Paris, cũng như các chính sách công nghệ và tài chính cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu của văn kiện này.

Xem thêm tại đây: Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực
Liban lần đầu tiên bầu được tổng thống trong hơn hai năm qua
Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia ảnh 6Tân Tổng thống Michel Aoun tuyên thệ nhậm chức tại Beirut ngày 31/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 31/10, Quốc hội Liban đã bầu cựu chỉ huy quân đội Michel Aoun làm Tổng thống, chấm dứt 29 tháng vị trí này để trống.

Theo kết quả kiểm phiếu, ông Aoun, 81 tuổi, đã được bầu làm Tổng thống sau khi giành được sự ủng hộ của 83 nghị sỹ, cao hơn con số cần thiết là 65 nghị sỹ, trong quốc hội gồm 128 thành viên. Ngay sau phiên bỏ phiếu, ông Aoun đã tuyên thệ nhậm chức.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại Liban nêu rõ tổng thống là người thuộc cộng đồng Thiên Chúa giáo dòng Maronite, thủ tướng là người Hồi giáo theo dòng Sunni và chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shi'ite.

Tuy nhiên, việc bầu tổng thống mới rơi vào bế tắc do các phe phái chính trị ở Liban bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là các lực lượng được Mỹ và Saudi Arabia ủng hộ, phản đối chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở nước Syria láng giềng và phong trào Hezbollah; với một bên là các lực lượng do Hezbollah đứng đầu, được chính quyền Syria và Iran hậu thuẫn.

Liban đã không có người đứng đầu đất nước kể từ ngày 25/5/2014 khi Tổng thống Michel Suleiman kết thúc nhiệm kỳ mà không tìm được người kế nhiệm. Từ đó đến nay, Quốc hội Liban đã triệu tập nhiều cuộc họp song vẫn không bầu được tổng thống mới do không triệu tập đủ nghị sỹ cần thiết. Cuộc khủng hoảng đã khiến chính phủ bị tê liệt, nhiều dịch vụ cơ bản bị ngừng trệ và nguy cơ nội chiến tái diễn.

Xem thêm tại đây: Tân Tổng thống Liban cam kết nhổ tận gốc nạn tham nhũng
Những âm thanh bí ẩn xuất hiện tại Bắc Cực
Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Quân đội Canada đã điều một máy bay do thám đến Bắc cực để điều tra về những âm thanh lạ mới xuất hiện gần đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, quân đội nước này đã điều máy bay CP-140 Aurora tới do thám Eo Fury và Hecla ở Tây Bắc vùng Igloolik.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dan Le Bouthillier, chiếc máy bay trên đã sử dụng các đa cảm biến trong quá trình tìm kiếm kéo dài 1,5 giờ nhưng đến nay vẫn chưa bắt được bất kỳ âm thanh bất thường nào. Đội bay cũng không phát hiện ra có hoạt động khả nghi trên mặt băng hay ngầm dưới đại dương.

Trước đó, chính quyền vùng Nunavut đã nhận được thông tin về sự xuất hiện của những âm thanh lạ nói trên từ các thợ săn trên băng.

Các nhân chứng cho biết những âm thanh này dường như phát ra từ đáy đại dương, có lúc nghe như tiếng bíp, có lúc giống tiếng máy gầm.

Nghị sỹ aul Quassa thuộc Nghị viện Nunavut cho biết thêm là những thợ săn băng và thủy thủ trong khu vực nhận thấy khu vực này không còn xuất hiện các động vật biển có vú và việc săn bắt các loài động vật khác cũng khó hơn trước.

Trong các năm qua đã có một số báo cáo về dấu hiệu xuất hiện những vật thể bí ẩn ở vùng Bắc cực thuộc quyền kiểm soát của Canada./.
NASA công bố kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới
Sự kiện quốc tế 31/10-6/11: Tuần của những vị trí lãnh đạo quốc gia ảnh 8(Nguồn: NASA)

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố sau hai thập kỷ nghiên cứu và phát triển, các chuyên gia của cơ quan này đã hoàn tất công đoạn cuối cùng để cho ra đời kính viễn vọng James Webb - kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới hiện nay.

Dự kiến NASA sẽ đưa kính viễn vọng này lên quỹ đạo vào tháng 10/2018 bằng tên lửa Ariane 5, phóng lên từ Guiana, một tỉnh hải ngoại của Pháp nằm ở phía Bắc khu vực Nam Mỹ.

Phát biểu với báo giới ngày 2/11, nhà khoa học John Mather, từng đoạt giải thưởng Nobel và là chủ nhiệm của dự án chế tạo kính viễn vọng James Webb, bày tỏ vui mừng trước sự kiện này, khẳng định James Webb sẽ mở ra một "lãnh địa hoàn toàn mới" trong lĩnh vực thiên văn học.

Ông cho biết các nhà khoa học đang tiến hành kiểm tra, thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi đưa kính viễn vọng này vào không gian.

Xem thêm tại đây: NASA công bố kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục