Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc

Cùng với sự kiện chấn động khi Mỹ bắn 59 tên lửa Tomahawk vào Syria, thế giới tuần qua được đánh dấu bằng một loạt những vụ tấn công, tấn công khủng bố, đánh bom liều chết.
Mỹ bất ngờ bắn 59 tên lửa hành trình vào Syria
Sáng 7/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh không kích quân sự một căn cứ không quân tại Syria, vốn bị Mỹ cho là nơi tiến hành vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học.

59 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã được nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria.

Quân đội Syria xác nhận đã có 6 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong các vụ tấn công trên. Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết 6 dân thường đã thiệt mạng, một phi công của quân đội Syria hy sinh và một số phi công khác bị thương.

Một nhân viên tại căn cứ không quân của Syria ở thành phố Homs, miền Trung nước này, cho hay căn cứ bị Mỹ tấn công này đã bị hư hỏng nghiêm trọng và toàn bộ các máy bay không còn khả năng hoạt động. Tuy nhiên, một nguồn tin khác lại cho biết Bộ chỉ huy quân đội Syria đã sơ tán hầu hết các máy bay khỏi căn cứ không quân ở thành phố Homs trước khi căn cứ này bị Mỹ tấn công.

Đô đốc Hải quân Mỹ Michelle Howard khẳng định việc nước này phóng tên lửa hành trình nhằm vào một căn cứ không quân ở Syria đã đạt được mục tiêu phá hủy phương tiện phát tán vũ khí hóa học và quân đội Mỹ sẵn sàng thực hiện các đợt tấn công tiếp theo nếu cần thiết.

Hành động quân sự bất ngờ của Mỹ nhằm vào chế độ Assad đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng ở Syria sau sáu năm quốc gia này chìm trong nội chiến và là một sự thay đổi thái độ đột ngột của ông Trump. Nó đã diễn ra bất chấp sự cảnh báo của Nga về những “hậu quả tiêu cực” nếu Washington tấn công Syria.

Ngày 7/4, Mỹ đã đe dọa có thêm hành động quân sự ở Syria. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley nêu rõ: "Đêm qua, Mỹ đã có một bước đi có chừng mực. Chúng tôi sẵn sàng có thêm hành động, nhưng hy vọng sẽ không cần phải làm vậy. Mỹ sẽ không đứng nhìn khi vũ khí hóa học được sử dụng. Ngăn chặn sự phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học là lợi ích an ninh quốc gia sống còn của chúng tôi."

Các nước đã có những phản ứng trái chiều trước cuộc tấn công của Mỹ vào Syria. Iran chỉ trích động thái mới nhất của Washington tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố hoạt động trong khi các nước phương Tây như Anh, Pháp, Australia... hoan nghênh biện pháp đáp trả "phù hợp."

Bộ Ngoại giao Nga coi vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ nhằm vào Syria là một hành động phô trương sức mạnh, gây chiến với quốc gia đang đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ: “Phía Nga ngừng thực hiện thỏa thuận về ngăn ngừa va chạm và đảm bảo an toàn bay trong các chiến dịch ở Syria đã được ký kết trước đó với Mỹ.” Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga đã triệu tùy viên quân sự Sứ quán Mỹ tại Moskva để trao công hàm về việc Moskva ngừng đường dây nóng với Lầu Năm góc tại Syria.

Ngày 7/4, viết trên mạng xã hội, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố vụ không kích bằng tên lửa hành trình của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria là bất hợp pháp và chỉ cách viễn cảnh đụng độ với quân đội Nga "một bước chân."

Trong khi đó Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã gọi vụ tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào một căn cứ không quân Syria một ngày trước đó là “hành động gây hấn không thể tha thứ,” cho thấy quyết định phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn.

Trung tâm chỉ huy chung của các lực lượng Nga, Iran và liên minh dân quân đồng minh ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố vụ tấn công của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria đã vượt các giới hạn đỏ và từ nay họ sẽ đáp trả bất cứ hành động gây hấn mới nào cũng như tăng mức độ ủng hộ đồng minh của họ.

Hôm qua 8/4, người dân thủ đô Damascus của Syria đã xuống đường biểu tình phản đối vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ nhằm vào căn cứ của quân chính phủ ở tỉnh Homs. Những người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ phản đối Mỹ đã tập trung trước trụ sở Liên hợp quốc tại thủ đô Damascus, hô vang các khẩu hiệu phản đối vụ tấn công của Mỹ một ngày trước đó. Người dân yêu cầu Mỹ chấm dứt việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Syria, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch chống khủng bố của chính phủ.

Nhiều người biểu tình bày tỏ ủng hộ Tổng thống B.Assad, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước, đồng thời nêu rõ “Syria không phải là một Iraq thứ hai. Người Mỹ đã phát động cuộc chiến tại Iraq với lý do Baghdad sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, và rồi không tìm thấy gì. Mỹ sẽ thất bại nếu có hành động tương tự tại Syria.”

Sau khi Mỹ tấn công tên lửa vào Syria rạng sáng 7/4, trong khi các thị trường chứng khoán đều đồng loạt "đỏ sàn" thì các "kênh trú ẩn an toàn" như vàng và dầu lại tăng giá. Theo đó, giá vàng giao ngay đã tăng 1,2% lên mức 1.266,01 USD/ounce - mức cao nhất kể từ tháng 11/2016.

Xem thêm tại đây: MỸ BẮN TÊN LỬA VÀO SYRIA

Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc ảnh 1Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Porter (DDG 78) bắn tên lửa từ Địa Trung Hải ngày 7/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tấn công khủng bố gây chấn động tại thành phố St Petersburg
Ngày 3​/4, một vụ đánh bom nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm ở hai nhà ga Quảng trường Sennaya và ga Đại học công nghệ của thành phố St. Petersburg đã khiến 14 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn ngăn chặn được một vụ nổ ở nhà ga Quảng trường Khởi nghĩa nhờ kịp thời phát hiện thiết bị nổ tự chế được ngụy trang dưới dạng bình chữa cháy di động.

Kết quả điều tra cho thấy đối tượng khủng bố đánh bom liều chết là Akbarzhon Jalilov, sinh năm 1995, người Kyrgystan mới nhập quốc tịch Nga, đồng thời cũng chính là kẻ đã đặt quả bom được ngụy trang tại nhà ga Quảng trường Khởi nghĩa.

Cũng trong vụ án hình sự đánh bom ở ga tàu điện ngầm tại thành phố St.Petersburg, lực lượng chức năng Nga đã bắt giữ 8 đối tượng tình nghi, trong đó có một phụ nữ.

Theo giới phân tích, việc Nga tiến hành chiến dịch không kích chống IS tại Syria kể từ tháng 10/2015 là một trong những nguyên nhân khiến tổ chức Hồi giáo cực đoan tăng cường các hoạt động khủng bố tại Nga và đặt nước Nga trước thách thức an ninh lớn.

Trước những thách thức an ninh này, các chuyên gia cho rằng lực lượng an ninh Nga cần phải tăng cường hoạt động để đối mặt với thực tế hiện nay là công dân Nga trở về từ các “điểm nóng” đang được sử dụng như một phương tiện để truyền cảm hứng cho phong trào chống chính phủ và các hoạt động khủng bố.

Hôm 3/4, Facebook đã mở tính năng Kiểm tra an toàn sau khi xảy ra vụ khủng bố tàu điện ngầm ở St Petersburg.

Xem thêm tại đây: NỔ GA TÀU ĐIỆN Ở NGA

Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc ảnh 2Hiện trường vụ nổ tại ga tàu điện ở St. Petersburg. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tấn công nghi bằng vũ khí hóa học thảm khốc tại Syria
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ngày 4​/4, ít nhất 100 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em, và hơn 500 người bị thương trong các vụ không kích nhằm vào thị trấn Khan Sheikhun thuộc tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, do quân nổi dậy kiểm soát.

Theo SOHR, nhiều người tử vong là do ngạt khói, còn những người bị thương gặp vấn đề về hô hấp, bất tỉnh, nôn mửa và sùi bọt mép. Tổ chức này dẫn các nguồn tin y tế nhận định đây là một vụ tấn công khí độc.

Ủy ban Điều tra Syria của Liên hợp quốc cho biết cơ quan này đã khởi động một cuộc điều tra đối với cuộc tấn công tại thị trấn Khan Sheikhun. Trong khi đó, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) cũng đã thu thập các mẫu phẩm để nghiên cứu tại trụ sở ở La Hay (Hà Lan).

Ngày 6/4, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một báo cáo phân tích ban đầu đối với những nạn nhân trong vụ tấn công nghi dùng vũ khí hóa học ở Syria được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ để chữa trị, theo đó những người này bị nhiễm chất độc thần kinh sarin.

Tuyên bố nêu rõ: “Theo kết quả phân tích ban đầu, các thông tin điều tra cho thấy những người bị thương đã nhiễm chất hóa học sarin.”

Ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích quân sự một căn cứ không quân tại Syria, vốn bị Mỹ cho là nơi tiến hành vụ tấn công.

Đô đốc Hải quân Mỹ Michelle Howard khẳng định việc nước này phóng tên lửa hành trình nhằm vào một căn cứ không quân ở Syria đã đạt được mục tiêu phá hủy phương tiện phát tán vũ khí hóa học và quân đội Mỹ sẵn sàng thực hiện các đợt tấn công tiếp theo nếu cần thiết.

Ngày 8/4, một ngày sau vụ không kích, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng cần phải thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra các cáo buộc liên quan tới vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hôm 4/4 vừa qua.

Trước đó, ngày 6/4, nhiều nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đề xuất một dự thảo nghị quyết mang tính thỏa hiệp mới, trong đó yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra toàn diện vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria mới đây.

Tuy nhiên, nỗ lực này tiếp tục gặp thất bại sau khi 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an không đạt được đồng thuận.

Cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc đã tiến hành thảo luận về ba dự thảo nghị quyết riêng rẽ liên quan đến vụ tấn công trên tại Syria, trong đó có dự thảo mang tính thỏa hiệp mới nhất trên. Tuy nhiên, cả ba văn bản này đều không được đem ra bỏ phiếu trong bối cảnh các thành viên vẫn còn bất đồng quan điểm.

Theo một số phân tích, khu vực bị tấn công bằng vũ khí hóa học Khan Sheikhun là một trong những thành trì cuối cùng của phe đối lập ở Syria và là mục tiêu không kích thường xuyên của lực lượng chính quyền Syria cũng như máy bay quân sự Nga và cũng bị cả liên quân chống “Tổ chức Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu tấn công.

Chính vì vậy, Khan Sheikhun được xem là trọng điểm cần nắm giữ đối với bất kỳ phe nào. Không loại trừ khả năng vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại đây lại trở thành nguy cơ gây đối đầu trực tiếp giữa các bên liên quan khiến triển vọng hòa bình của Syria ngày càng thêm mờ mịt.

Xem thêm tại đây: VỤ TẤN CÔNG HÓA HỌC Ở SYRIA

Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc ảnh 3Trẻ em được điều trị trong bệnh viện ở thị trấn Maaret al-Noman, tỉnh Idlib, sau khi bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Xe tải đâm vào đám đông tại Stockholm
Ngày 7/4, một chiếc xe tải đã lao vào một cửa hàng bách hóa ở trung tâm thủ đô Stockholm, Thụy Điển, làm ba người thiệt mạng và một số người bị thương.

Vụ việc xảy ra vào khoảng gần 13 giờ 00 GMT, tức khoảng 20 giờ theo giờ Việt Nam tại khu phố tập trung khách bộ hành đông nhất tại Stockholm, phía trên một ga tàu điện ngầm.

Cùng ngày, Kênh truyền hình SVT của Thụy Điển đưa tin cảnh sát Thụy Điển đang xem vụ việc có thể là một vụ tấn công khủng bố. Trong khi đó, hãng tin Skynews đưa tin cảnh sát địa phương đang điều tra theo hướng đây là một vụ tấn công "có chủ ý."

Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 đã bày tỏ tình đoàn kết và đề nghị giúp đỡ Thụy Điển. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh rằng bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào một nước thành viên EU cũng được coi là tấn công nhằm vào tất cả các nước thành viên EU.

Ông Juncker cho rằng các nước nên sát cánh để bày tỏ tình đoàn kết với người dân Thụy Điển, đồng thời cho rằng Chính phủ Thụy Điển có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của EC. Theo ông Juncker, vụ tấn công này dường như nhằm vào "mọi mặt của đời sống."

Facebook ngày 7/4 đã kích hoạt tính năng Kiểm tra an toàn (Safety Check) sau vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Thụy Điển Jonas Hysing, xác nhận nghi phạm chính trong vụ việc là một người đàn ông Uzbekistan 39 tuổi song không công bố danh tính.

Cảnh sát cho biết tên này là một kẻ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Năm 2016, Chính phủ Thụy Điển từng từ chối đơn xin cấp quyền cư trú của nghi phạm này. Từ đó đến nay, đối tượng sống lẩn lút tại Stockholm.

Cho đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng cộng 3 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công.

Trong khi đó, ngày 9/4, nhiều tờ báo Thụy Điển đã công bố danh tính của kẻ tình nghi chính là Rakhmat Akilov, một công nhân xây dựng người Uzbekistan.

Xem thêm tại đây: ĐÂM XE KHỦNG BỐ Ở THỤY ĐIỂN

Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc ảnh 4Cảnh sát Thụy Điển phong tỏa hiện trường vụ xe tải lao vào đám đông ở Stockholm, ngày 8/4. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đánh bom đẫm máu tại Ai Cập làm hàng trăm người thương vong
Bộ Y tế Ai Cập cho biết ngày 9/4 đã xảy ra một vụ đánh bom bên trong một nhà thờ ở thành phố Tanta thuộc vùng châu thổ sông Nile của nước này, làm ít nhất 27 người thiệt mạng và gần 80 người khác bị thương.

Theo Đài truyền hình Nhà nước Ai Cập, thiết bị nổ được đặt ở hàng ghế đầu trong nhà thờ của người Cơ đốc giáo Ai Cập ở thành phố Tanta, nằm cách thủ đô Cairo chưa tới 100km.

Các nhân chứng cho biết thiết bị nổ được kích hoạt vào thời điểm có đông người bên trong nhà thờ khi họ đang tiến hành lễ Chủ Nhật Lễ lá (Palm Sunday).

Chỉ vài giờ sau đó, một vụ đánh bom liều chết thứ hai đã xảy ra gần một nhà thờ Cơ Đốc giáo ở thành phố duyên hải Alexandria của nước này, khiến 17 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành hai vụ đánh bom trên. Đây là những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào cộng đồng Cơ đốc giáo chiếm thiểu số tại nước này trong thời gian gần đây.

Trong một thông cáo được công khai trên các tài khoản truyền thông xã hội, hãng thông tấn Amaq tự xưng của IS đã xác nhận thông tin này.
Ngày 9/4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, sau vụ đánh bom kép tại hai nhà thờ.

Ngày 9/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án các vụ tấn công đẫm máu trên.

Xem thêm tại đây: Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ vụ đánh bom nhà thờ tại Ai Cập

Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc ảnh 5Chuyển người bị thương trong vụ nổ bom ở nhà thờ thành phố Tanta ngày 9/4. (Ảnh: The Sun/TTXVN)
Viên kim cương đắt giá nhất lịch sử
Viên kim cương hồng Pink Star, nặng 59,60 carat, đã phá vỡ kỷ lục thế giới với giá bán 71,2 triệu USD trong phiên đấu của hãng Sotheby tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 4/4.

Đây là giá bán kỷ lục đối với các viên đá quý từng được bán đấu giá.

Tại buổi đấu giá, giá khởi điểm của Pink Star là 56 triệu USD. Phiên đấu giá diễn ra trong 5 phút trước khi giá bán cuối cùng được chốt bởi một người mua trả giá qua điện thoại.

Pink Star là viên kim cương hồng lớn nhất từng được chứng nhận bởi Viện Đá quý Mỹ.

"Pink Star" có hình ô-van, vốn được mài giũa và đánh bóng từ một viên kim cương thô nặng 132,5 carat, từng được Tập đoàn kim cương De Beers phát hện tại châu Phi vào năm 1999.

Viên kim cương đặc biệt này có kích thước 2,69 cm x 2,06 cm và nặng 11,92 gram, nhiều người so sánh Pink Star với kích cỡ một quả mận. Theo Sotheby, các nghệ nhân đã làm việc trong gần hai năm trời để cho ra đời tuyệt phẩm Pink Star.​

Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc ảnh 6Viên kim cương hồng Pink Star. (Nguồn: AFP)
Cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trong hai ngày 6 và 7​/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bên bờ biển Palm, thuộc bang Florida, Mỹ.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về vấn đề chính sách thương mại và tiền tệ, tình hình bán đảo Triều Tiên và an ninh tại Đông Bắc Á. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã hối thúc hợp tác với Mỹ về đầu tư, cơ sở hạ tầng và năng lượng.

Trong khuôn khổ cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẵn sàng phối hợp để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước tiến về phía trước từ một khởi đầu mới.

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời Tổng thống Donald Trump thăm Trung Quốc trong năm 2017. Về phần mình, nhà lãnh đạo Mỹ đã đồng ý nhận lời mời và bày tỏ hy vọng sẽ thăm Trung Quốc trong một ngày không xa.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác lập và định hình lại tính chất quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Xem thêm tại đây: Hai cuộc gặp Trump-Tập Cận Bình định hướng mối quan hệ Mỹ-Trung

Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc ảnh 7Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cuộc tranh luận lần thứ hai giữa 11 ứng cử viên Tổng thống Pháp
Ngày 4​/4, cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ hai giữa các ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp đã diễn ra. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Pháp, có đến 11 ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận này.

Trong hơn 3 giờ đồng hồ, các ứng cử viên đã tập trung trả lời các câu hỏi liên quan đến ba chủ đề chính là tạo công ăn việc làm, bảo vệ người dân Pháp và các giải pháp thực hiện mô hình xã hội đã cam kết.

Đây là những thách thức đặt ra đối với nhà lãnh đạo tương lai của nước Pháp, yêu cầu các ứng cử viên phải đưa ra câu trả lời và giải pháp cụ thể.

Dù diễn ra căng thẳng song các nhà phân tích vẫn cho rằng, cuộc tranh luận lần 2 này lại không có sự đột phá. Quan điểm của các ứng cử viên rất khác nhau về các giải pháp cho các vấn đề nan giải của nước Pháp hiện nay.

Diễn ra vào thời điểm mà cuộc bầu cử vòng một chỉ còn cách chưa đầy 3 tuần (vào ngày 23-4), cuộc tranh luận trên truyền hình lần này được xem là có ý nghĩa sống còn đối với các ứng cử viên để thuyết phục cử tri về chương trình tranh cử.

Xem thêm tại đây: BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP

Sự kiện quốc tế 3-9/4: Những vụ tấn công, khủng bố tàn khốc ảnh 8Các ứng cử viên Tổng thống Pháp tại phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình. (Nguồn: AFP)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục