Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump

Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo, khiến dư luận tập trung theo dõi động thái của chính quyền Donald Trump trước vụ phóng tên lửa đầu tiên kể từ khi ông nắm quyền.
Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump với vụ thử tên lửa đạn đạo
Ngày 13/2, hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng thử "thành công" một tên lửa đạn đạo.

Tin cho hay: "Một tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2... đã được phóng thử thành công vào ngày 12/2."

Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tên lửa trên đã được phóng từ căn cứ không quân Banghyon thuộc tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên, sau đó bay về phía Đông hướng ra Biển Nhật Bản.

Quân đội Hàn Quốc ngày 13/2 cho biết tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 12/2 đã sử dụng phương pháp phóng lạnh. Đây là loại tên lửa tầm trung mới sử dụng nhiên liệu rắn và sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Ngày 13/2, nhiều quan chức quân sự Hàn Quốc tiết lộ nước này đang xem xét phóng thử một tên lửa đạn đạo, sau khi Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm trung ngày 12/2.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo Il-ho ngày 13/2 nhận định rằng trong thời gian trước mắt, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 12/2 có thể làm gia tăng tính bất ổn trên thị trường tài chính, đồng thời tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp để đối phó với các diễn biến mới.

Phát biểu tại một cuộc họp với các nhân viên của bộ tại thành phố Sejong, ông Yoo nói: “Chính phủ sẽ tích cực đối phó với những tình huống bất định và, nếu cần, chúng ta sẽ áp dụng biện pháp ổn định thị trường một cách kịp thời.”

Quan chức này cho rằng ảnh hưởng của vụ phóng tên lửa đối với thị trường tài chính sẽ rất hạn chế và sớm qua đi như những lần trước đây.

Bất chấp những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử về việc sẽ áp dụng quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên, phản ứng dè dặt của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trước vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi ông nắm quyền cho thấy ông có rất ít lựa chọn để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Các biện pháp phản ứng đang được ông Trump cân nhắc - từ việc áp dụng thêm các lệnh trừng phạt tới việc phô trương lực lượng của Mỹ để tăng cường phòng thủ tên lửa, theo lời một quan chức chính phủ - dường như không khác nhiều so với các biện pháp đối phó với Triều Tiên của người tiền nhiệm Barack Obama.

Thậm chí, ý tưởng tăng cường sức ép với Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên “ngang ngạnh” đã được nhiều chính quyền thử nghiệm và gần như không mang lại kết quả nào.

Xem thêm tại đây: Ông Donald Trump có rất ít lựa chọn để đối phó với Triều Tiên

Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump ảnh 1Người dân Hàn Quốc theo dõi trên truyền hình về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại nhà ga ở Seoul ngày 12/2. (nguồn: AFP/TTXVN)
Tòa phúc thẩm Mỹ đóng băng lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump
Tòa phúc thẩm liên bang ở San Francisco (Mỹ) ngày 9/2 đã ra phán quyết duy trì việc đóng băng lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống nước này Donald Trump.

"Chúng tôi cho rằng chính phủ đã không chứng minh được những lợi ích trong đơn kháng cáo," thẩm phán liên bang tại tòa phúc thẩm San Francisco cho hay.

Tòa đã từ chối yêu cầu của chính quyền nhằm khôi phục sắc lệnh cấm nhập cư trên cơ sở dựa trên những trường hợp khẩn cấp, đồng nghĩa với việc phán quyết của tòa cấp dưới có hiệu lực ngay lập tức.

Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc soạn thảo một sắc lệnh mới cấm người nhập cư đến từ các quốc gia có đông người Hồi giáo sau khi sắc lệnh ban đầu vấp phải những trở ngại pháp lý.

Mặc dù trước đó đã gặp hai thất bại liên tiếp ở cấp tòa án liên bang, ông Trump khẳng định luật pháp đứng về phía mình.

Tổng thống Mỹ cho rằng ông còn rất nhiều lựa chọn khác, bao gồm việc ký một sắc lệnh hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, ông Trump cho hay bất cứ động thái nào cũng sẽ phải đợi sang tuần tới.

Theo luật pháp Mỹ, tòa án cấp bang không thể bãi bỏ mà chỉ có quyền ra phán quyết tạm ngừng sắc lệnh hành pháp mà ông Trump ban hành, chỉ có Tòa án Tối cao Mỹ mới được phép bãi bỏ nếu xác định nó vi hiến.

Tuy nhiên, quá trình khởi kiện lên Tòa án Tối cao có thể mất tới cả năm và trong thời gian đó, chính quyền của Tổng thống Trump hoàn toàn có thể thay đổi hệ thống nhập cư của Mỹ theo hướng những phán quyết của tòa liên bang gần như không còn phù hợp.

Xem thêm tại đây: Tổng thống Mỹ cân nhắc ban hành một sắc lệnh cấm nhập cảnh mới

Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đức chính thức có tổng thống mới
Với 931/1.239 phiếu ủng hộ, ngày 12/2, cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã được bầu làm Tổng thống mới của nước này, kế nhiệm ông Joachim Gauck.

Ông Steinmeier, 61 tuổi, thành viên của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), được cả đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền hiện tại gồm CDU/CSU và SPD ủng hộ.

Việc ông đắc cử đã được dự đoán do liên minh cầm quyền nắm giữ 923 trên tổng số 1.260 phiếu bầu.

Với chiến thắng này, chính khách này sẽ đảm nhiệm cương vị Tổng thống Đức trong 5 năm tới.

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây của tạp chí uy tín Der Spiegel, ông Steinmeier là chính trị gia được yêu thích nhất tại Đức hiện nay với tỷ lệ ủng hộ cao hơn cả Thủ tướng Merkel và ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Martin Schulz.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, ông Steinmeier được cho là có quan điểm "chống lại Donald Trump," và tờ Berliner Morgenpost đã gọi ông là "Tổng thống chống Trump."

Tại Đức, Tổng thống giữ vai trò nguyên thủ quốc gia, song có ít quyền lực hơn trong việc điều hành đất nước.

Xem thêm tại đây: Tổng thống Putin mời Tổng thống đắc cử Đức tới thăm Nga

Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump ảnh 3Tân Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Nga phê chuẩn Hiệp định Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/2 đã ký ban hành đạo luật về việc phê chuẩn Hiệp định "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ."

Tài liệu tương ứng đã được đăng trên cổng thông tin pháp luật chính thức.

Trước đó, ngày 1/2, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cũng đã phê chuẩn hiệp định về dự án đường ống dẫn khí đốt này.

Hiệp định trên được Chính phủ Nga và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ký kết tại Istanbul ngày 10/10/2016.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ủng hộ việc tái lập quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - một giải pháp "cân bằng" chính sách đối ngoại trong bối cảnh quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ bị đình trệ kéo dài.

Phát biểu trong một hội nghị tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 9/2, Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu khẳng định: "Chúng tôi cần phải cân bằng chính sách đối ngoại với các nước láng giềng phía Đông, phía Tây và phía Bắc."

Trong khuôn khổ chuyến thăm Kiev, ông Mevlut Cavusoglu ngày 10/2 nhấn mạnh dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" không nhằm chống lại Ukraine, ghi nhận rằng dự án này là phục vụ những lợi ích quốc gia của Ankara.

Trả lời báo chí khi được yêu cầu đưa ra nhận định đối với dự án mà mục tiêu của nó được cho là nhằm chống Ukraine, Ngoại trưởng Cavusoglu nêu rõ: "Chúng tôi xem xét tất cả dự án theo quan điểm về lợi ích quốc gia và an ninh năng lượng. Chúng tôi không hề có ý định tiến hành các cách thức nhằm chống lại bất kỳ nước nào thông qua những dự án này."

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố rằng Nga phản đối việc chính trị hóa các đường ống dẫn khí đốt.

Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump ảnh 4Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bức tranh thế kỷ 17 "Young Man as Bacchus" được tìm thấy sau 80 năm
Các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tìm thấy bức tranh sơn dầu "Young Man as Bacchus" của danh họa Hà Lan thế kỷ 17, Jan Franse Verzijl (1599-1647), sau hơn 80 năm biến mất.

"Young Man as Bacchus" là một trong hàng trăm tác phẩm của một nhà buôn nghệ thuật Đức bị phátxít Đức tịch thu trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Mặc dù chủ sở hữu bức tranh đã qua đời từ lâu, song bộ sưu tập bị thất lạc của ông đang dần được "săn lùng" trên khắp thế giới.

Max Stern là con trai của nhà buôn nghệ thuật Đức gốc Do Thái, người đã tạo dựng phòng trưng bày Stern trứ danh ở Dusseldorf trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Khi cha Stern qua đời năm 1934, ông đã trở thành chủ sở hữu của phòng trưng bày Stern, nhưng hai năm sau, phát xít Đức đã buộc ông và nhiều người Do Thái khác phải giao nộp các tác phẩm nghệ thuật và nhiều tài sản khác của họ.

"Young Man as Bacchus" là một trong 400 bức tranh mà ông Stern bị mất. Song phải nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập kỷ sau, FBI mới tìm lại được bức tranh này sau quá trình điều tra lâu dài.

Bức tranh đã lưu lạc khắp thế giới trong 80 năm kể từ khi bị buộc phải bán dưới sự giám sát của phátxít Đức.

Gần đây nhất, bức tranh thuộc quyền sở hữu của phòng trưng bày Luigi Caretto ở Turin, Italy.

Song phòng trưng bày này không hề biết gì về quá khứ của bức tranh và đã ký gửi để bán tại một hội chợ nghệ thuật ở thành phố New York hồi năm 2015.

Đặc vụ Michael McGarrity của FBI cho biết họ đã thu giữ bức tranh sau khi thấy nó tại hội chợ và trao trả cho chủ sở hữu đích thực - Tổ chức Stern.​

Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump ảnh 5Bức tranh Young Man as Bacchus. (Nguồn: AP)
Phát minh vật liệu có khả năng làm lạnh bề mặt đồ vật
Các nhà khoa học Mỹ vừa chế tạo ra một loại vật liệu mỏng có khả năng làm lạnh bề mặt các đồ vật chống lại sức nóng của ảnh sáng Mặt Trời mà không cần phải sử dụng năng lượng hoặc điều hòa nhiệt độ.

Vật liệu này được làm bằng polymer và thủy tinh, chỉ dày khoảng 50 micrômét, mỏng hơn lá nhôm và có chi phí sản xuất rẻ tiền.

Theo các nhà khoa học, vật liệu này có thể giữ lạnh cho các tòa nhà và những đồ vật khác, cũng như kéo dài tuổi thọ của các tấm pin Mặt Trời.

Ngoài ra, nó có thể giúp tiết kiệm năng lượng và chi phí cho các nhà máy nhiệt điện khi được sử dụng để làm lạnh máy móc.

Nghiên cứu cho thấy vật liệu trên làm giảm nhiệt độ các đồ vật bằng cách giải phóng năng lượng nhiệt của Mặt Trời dưới dạng bức xạ hồng ngoại.

Vật liệu này cho thấy có thể làm lạnh đồ vật tương đương lượng điện năng tiêu thụ trong cùng một diện tích do các tấm pin Mặt Trời tạo ra và cơ chế làm lạnh của nó là liên tục cả ngày lẫn đêm.

Theo ông Xiaobo Yin, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu, vật liệu siêu mỏng nói trên có thể sẽ được chuyển đổi để phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ làm lạnh bằng bức xạ trong cuộc sống.

Vật liệu này phù hợp với những bề mặt cong và dễ sản xuất hàng loạt.​

Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump ảnh 6Loại vật liệu mới đc chế tạo. (Nguồn: weather.com)
YouTube trao quyền phát trực tiếp video cho các nhà sáng tạo
Ngày 8/2, YouTube chính thức ra mắt tính năng phát sóng trực tiếp video trên thiết bị di động (mobile live streaming) dành cho các nhà sáng tạo, với hơn 10.000 người đăng ký.

Hãng cũng cho biết, những đối tượng còn lại sẽ sớm được sử dụng tính năng mới này.

YouTube phát triển tính năng phát video trực tiếp (video streaming) từ năm 2011. Tới năm 2016, người dùng được xem các video chủ đề về chính trị phát sóng trực tiếp có lượt theo dõi cao nhất từ trước đến nay, video các buổi tranh luận của ứng viên Tổng thống Mỹ 2016. Cũng trong năm 2016, YouTube ra mắt tính năng phát video trực tiếp 360 độ với định dạng 4K, ở quy mô rộng và miễn phí.

Đại diện YouTube cho biết việc việc “trao quyền" phát sóng trực tiếp trên thiết bị di động cho các nhà sáng tạo tài năng sẽ cho phép họ chia sẻ suy nghĩ, thông tin cuộc sống và sáng tạo một cách gần gũi, tự nhiên và ngẫu hứng hơn.

Tính năng này được cài đặt thẳng trong ứng dụng di động YouTube. Những đoạn video trực tiếp sẽ có những tính năng tương tự như các video thông thường. Người xem có thể tìm kiếm những video đó trên YouTube thông qua gợi ý, đề xuất hay danh sách và video cũng được bảo vệ khỏi những hành động sử dụng trái phép.

Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump ảnh 7Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: bidnessetc.com)
Cameroon lần thứ 5 vô địch châu Phi
Đội tuyển Cameroon đã trở thành nhà vô địch châu Phi 2017 (AFCON 2017) sau khi có chiến thắng ngược dòng 2-1 trước Ai Cập ở trận chung kết.

Nicolas N'Koulou và Vincent Aboubakar là những người đã lập công mang chức vô địch về cho Cameroon.

Đây cũng là chức vô địch châu Phi thứ 5 trong lịch sử Cameroon sau 15 năm dài chờ đợi. Trước đó, Cameroon đã từng lên ngôi vào các năm 1984, 1988, 2000 và 2002.

Với việc giành ngôi vô địch giải đấu này, Cameroon cũng sẽ đại diện châu Phi tham dự Confed Cup 2017 tại Nga.

Trước đó, 7 cái tên đã được xác định là chủ nhà Nga, nhà vô địch thế giới Đức, vô địch châu Âu Bồ Đào Nha, vô địch Nam Mỹ Chile, vô địch CONCACAF Mexico và vô địch châu Đại dương New Zealand.

Trong khi đó, kể từ chức vô địch vào năm 2010, Ai Cập vẫn chưa có thêm lần nào được bước lên bục cao nhất ở giải đấu này.

Ai Cập hiện đang là đội vô địch châu Phi nhiều nhất với 7 lần vào các năm 1957, 1959, 1986, 1998, 2006, 2008 và 2010.

Sự kiện quốc tế 6-12/2: Triều Tiên "nắn gân" ông Donald Trump ảnh 8Cameroon vô địch châu Phi. (Nguồn: Reuters)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục