Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Hành trình cuối cùng của phà Sewol

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa

Phà Sewol được trục vớt với hy vọng tìm được 9 thi thể mất tích, tấn công khủng bố tại Anh, thế giới tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất nằm trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
Gần 3 năm sau thảm họa, Hàn Quốc đã vớt được phà Sewol
Sáng sớm ngày 23/3, lực lượng chức năng của Hàn Quốc đã trục vớt được chiếc phà Sewol, gần 3 năm sau khi xảy ra vụ chìm phà làm hơn 300 người thiệt mạng.

Yonhap dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Đại dương và Ngư nghiệp Hàn Quốc cho biết cho tới 3 giờ 45 phút sáng (giờ địa phương), một phần của phà Sewol, được cho là bộ phận thăng bằng, đã nổi lên trên mặt nước.

Lực lượng chức năng Hàn Quốc ngày 24/3 đã bắt đầu lai dắt phà Sewol ra khỏi vùng biển gặp nạn, bắt đầu hành trình cuối cùng của chiếc phà này, gần 3 năm sau thảm họa đắm phà làm hơn 300 người thiệt mạng.

Ngày 25/3, Chính phủ Hàn Quốc cho biết phà Sewol đã được đưa an toàn lên tàu nửa chìm để chở về cảng Mokpo ở bờ biển miền Tây Nam nước này, hoàn tất một trong những công đoạn phức tạp nhất của dự án trục vớt con phà xấu số.

Bộ Đại dương và Nghề cá Hàn Quốc cho biết phà Sewol đã được đưa lên tàu nửa chìm vào lúc 4 giờ 10 phút (giờ địa phương, 2 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 25/3.

Công việc tiếp theo là tháo dây nối phà với hai xà lan vốn có nhiệm vụ nâng phần đầu con phà lên cao 13 mét so với mặt nước biển, đủ cao để đưa phà lên tàu nửa chìm.

Thảm họa chìm phà kinh hoàng làm hơn 300 người thiệt mạng và giáng một đòn mạnh vào uy tín của Tổng thống vừa bị phế truất Park Geun-hye.

Sau khi bị đắm, phà Sewol nằm ở độ sâu hơn 40, dưới biển ở Tây Nam Hàn Quốc. Hoạt động trục vớt phà Sewol ban đầu dự kiến được tiến hành vào năm ngoái, song đã phải lùi lại vài lần do thời tiết xấu.

Người ta tin rằng 9 thi thể mất tích trong thảm họa chìm phà Sewol có thể vẫn đang bị mắc kẹt bên trong chiếc phà đắm và việc trục vớt chiếc phà nguyên vẹn là một trong những yêu cầu chính của các gia đình nạn nhân.

Nhiều gia đình nạn nhân đã có mặt tại nơi phà Sewol bị đắm và cầu nguyện cho việc trục vớt phà diễn ra thành công./.

Xem thêm tại đây: Hàn Quốc bắt đầu lai dắt phà Sewol đến cảng trên đất liền

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa ảnh 1Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ trục vớt phà Sewol trên vùng biển gần Jindo, cách Seoul 472km về phía tây nam ngày 23/3. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Nổ súng bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh
Chiều 22/3, một người đàn ông đã lao xe qua cầu Wesminster, London, Anh, đâm vào nhiều người đi đường trước khi xông thẳng vào phía tòa nhà quốc hội và dùng dao đâm nhân viên cảnh sát bảo vệ ở cửa.

Giới chức xác nhận 5 người, trong đó có thủ phạm đã tử vong trong khi khoảng 40 người khác bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ 8 người và lục soát nhiều địa điểm tại London và một số thành phố khác tại Anh để phục vụ điều tra.

Đây được coi là vụ khủng bố lớn nhất ở London kể từ sau vụ đánh bom tự sát làm 52 người thiệt mạng hồi tháng 7/2005 và cũng là vụ tấn công khủng bố mới nhất ở châu Âu, diễn ra đúng một năm sau vụ đánh bom tự sát tại sân bay và tàu điện ngầm ở Brussels (Bỉ). Vụ tấn công ở London ngày 22/3 được cho là có tính chất tương tự vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, hồi năm ngoái khi đó làm 84 người thiệt mạng.

Hãng tin Reuters ngày 23/3 cho biết cảnh sát Anh đã xác định được danh tính thủ phạm là Khalid Masood, 52 tuổi, sinh ra tại Kent, Đông Nam thủ đô London, gần đây đã sinh sống tại khu vực miền Trung nước Anh. Trong một thông cáo, cảnh sát London cho biết Masood không phải đối tượng của bất cứ cuộc điều tra hiện tại nào và không có bất cứ tin tức tình báo nào trước đó về ý định gây ra vụ tấn công của hắn. Tuy nhiên, cảnh sát đã biết đối tượng này từng có một loạt tiền án, trong đó có tội gây tổn thương nghiêm trọng cho thân thể của người khác, sở hữu vũ khí tấn công và gây rối trật tự công cộng.

Cảnh sát cũng cho biết 8 người bị bắt trong khuôn khổ cuộc điều tra toàn diện sau vụ tấn công bên ngoài tòa nhà quốc hội nước này đều bị tình nghi âm mưu khủng bố.

Ngay sau đó, Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ngày 23/3 đã thừa nhận gây ra vụ tấn công khủng bố tại London. Hãng tin Amaq có liên hệ với IS ngày 23/3 dẫn một "nguồn tin an ninh" cho biết người tiến hành vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh là một chiến binh IS và "chiến dịch này được tiến hành nhằm hưởng ứng lời kêu gọi tấn công nhằm vào các quốc gia đồng minh chống IS".

Một ngày sau vụ tấn công bạo lực, hàng trăm người dân London đã thắp nến bên ngoài tòa nhà quốc hội để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số. Thị trưởng London Saliq Khan cũng tham gia lễ tưởng niệm tại quảng trường Trafalgar với khẳng định người dân London sẽ không bao giờ khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố. Nhiều quốc gia và các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã đồng loạt lên án vụ tấn công . Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng dành một phút tưởng niệm các nạn nhân ngay tại cuộc họp diễn ra ngày 23/3.

Xuất hiện tại nhà số 10 phố Downing sau khi chủ trì cuộc họp của Cobra, ủy ban của chính phủ chuyên về đối phó với những vấn đề khẩn cấp, Thủ tướng Anh Theresa May lên án vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Cung điện Westminster xảy ra tối ngày 22/3 (theo giờ Việt Nam). Bà khẳng định đây là vụ tấn công “bệnh hoạn và xấu xa” nhằm vào trái tim của thủ đô London.

Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích vụ tấn công này.​

Xem thêm tại đây: KHỦNG BỐ Ở ANH

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa ảnh 2Một nạn nhân được cấp cứu tại hiện trường vụ tấn công. (Nguồn: Getty Images)
Giờ Trái Đất kêu gọi hành động tích cực từ mỗi cư dân trên hành tinh
Tối 25/3, bắt đầu từ thành phố Sydney, Australia, sự kiện Giờ Trái Đất 2017 đã chính thức được khởi động với mục tiêu tăng cường nhận thức và kêu gọi hành động để bảo vệ Trái Đất trước những tác hại của biến đổi khí hậu.

Tại Sydney, Nhà hát Opera và Cầu Cảng, hai công trình biểu tượng của Australia, đã đồng loạt tắt đèn để hưởng ứng Giờ Trái Đất. Từ Australia, chiến dịch Giờ Trái Đất sẽ di chuyển tới châu Á.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), khu vực Cảng Victoria quy tụ các tòa nhà cao nhất Hong Kong, sẽ đồng loạt tắt đèn trong khi tại Myanmar, ngôi chùa thiêng Shwedagon sẽ thắp lên 10.000 ngọn đèn dầu.

Chiến dịch này cũng nhận được sự hưởng ứng tại châu Phi, châu Âu và châu Mỹ.

Các di tích và các công trình nổi tiếng như tháp Eiffel (Pháp), Điện Kremlin (Nga), Tháp Big Ben (Anh), Tháp nghiêng Pisa (Italy), tòa nhà Empire State (Mỹ) cùng các kim tự tháp của Ai Cập sẽ chìm vào bóng tối trong vòng 60 phút bắt đầu từ 20 giờ 30 giờ địa phương.

Nhiều nước cũng tổ chức nhiều sự kiện hưởng ứng Giờ Trái Đất. Tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha sẽ diễn ra một buổi hòa nhạc dưới ánh nến, Singapore tổ chức một buổi chạy bộ trong khi Tanzania tổ chức lễ trồng cây.

Xem thêm tại đây: Giờ Trái Đất kêu gọi hành động tích cực từ mỗi cư dân trên hành tinh

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa ảnh 3Người dân Colombia thắp nến hưởng ứng Giờ Trái Đất. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa 5 ứng cử viên tổng thống Pháp
Ngày 20/3, 5 ứng cử viên đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Elysée đã tham gia tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình TF1 và LCI.

5 ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận gồm: cựu Thủ tướng François Fillon đại diện cho cánh hữu và đảng Những người Cộng hòa (LR), cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon đại diện cho cánh tả và đảng Xã hội (PS), bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), ứng cử viên trung dung- cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, và nhà lãnh đạo phong trào cực tả "Nước Pháp bất khuất" Jean-Luc Mélenchon.

Cuộc tranh luận được chia thành ba phần với các chủ đề: mô hình xã hội, mô hình kinh tế và vị trí của Pháp trên trường quốc tế. Tại cuộc tranh luận, các ứng cử viên đã so sánh, tranh luận về từng vấn đề cụ thể như giải pháp cho nạn thất nghiệp, tuổi nghỉ hưu, tuần làm việc 35 giờ, chăm sóc y tế, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề tước quốc tịch, quan hệ với các nước lớn như Nga và Mỹ…

Có thể thấy rõ, kể từ đầu mùa bầu cử tổng thống đến nay, dư luận Pháp đã bị cuốn theo cơn bão truyền thông liên quan đến các cáo buộc gian lận, tham nhũng, các cuộc điều tra, khởi tố nhằm vào hai ứng cử viên là cựu Thủ tướng François Fillon và bà Marine Le Pen.

Chính vì vậy, cuộc tranh luận trên truyền hình lần này có ý nghĩa quan trọng không chỉ giúp các ứng cử viên trình bày nội dung tranh cử, mà còn tạo cơ hội để họ ghi điểm về nội dung và về phong thái trong con mắt của cử tri.

Xem thêm tại đây: BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa ảnh 45 ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp. (Nguồn: Reuters)
EU và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lại được các bên tiếp tục “đổ thêm dầu” trong những ngày gần đây. Ngày 22/3, trong bài phát biểu tại thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nói bóng gió rằng người dân châu Âu có thể sẽ bị đối xử tương tự như người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hồi giáo bị đối xử khi đi trên các đường phố ở châu Âu.

Ngay lập tức, ngày 23/3, EU đã triệu Đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ để giải thích về tuyên bố của Tổng thống nước này Erdogan.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước EU những ngày gần đây đã trở nên căng thẳng và bị đẩy xuống mức khó có thể hàn gắn khi một số quốc gia như Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc míttinh ở những nước này nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc trưng cầu ý dân sắp diễn ra vào ngày 16​/4 tới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chỉ trích lãnh đạo Hà Lan và Đức hành xử “như những kẻ phát xít” đồng thời tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan.

Trước những tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel​ cho rằng ông Erdogan đã đi quá giới hạn và Ancaka đang ngày càng xa cách với EU.

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa ảnh 5Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Brazil chấn động vì bê bối thịt bẩn xuất khẩu
Dư luận Brazil đang chấn động mạnh bởi vụ bê bối thịt bẩn ngày càng lan rộng. Sự việc này đã đe dọa ngành xuất khẩu thịt và ảnh hưởng đến nền kinh tế mới nổi nhưng đang trong cơn suy thoái trầm trọng này.

Vụ bê bối thịt bẩn Brazil đã gây rúng động thế giới khi cảnh sát nước này phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất gây ung thư để tạo mầu đẹp và mùi thơm.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp giữa Tổng thống M.Temer​ và 33 đại sứ nước ngoài tại thủ đô Brasilia, Chủ tịch Hiệp hội Ngoại thương Brazil J.Castro​ thừa nhận vụ bê bối này có ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới, và sẽ rất khó khăn để lấy lại uy tín trong tương lai.

Ngay sau khi vụ bê bối thịt bẩn bị phanh phui, Trung Quốc đã quyết định đình chỉ ngay lập tức việc nhập khẩu thịt từ Brazil nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hàn Quốc cũng cho biết tăng cường giám sát thịt nhập khẩu từ Brazil, đồng thời cấm nhập khẩu sản phẩm của Tập đoàn BRF, đang bị cáo buộc liên quan vụ bê bối. Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các nước thành viên tăng cường giám sát và sẽ đình chỉ việc nhập khẩu thịt của tất cả những công ty có liên quan vụ bê bối này./.

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa ảnh 6Ngành nông nghiệp Brazil lâm vào cuộc cuộc khủng hoảng thịt bẩn. (Nguồn: AFP)
Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2017 tại Trung Quốc
Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 đã chính thức khai mạc sáng 25/3 tại Bác Ngao, thị trấn duyên hải thuộc tỉnh Hải Nam (Hainan), miền Nam Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã tham dự lễ khai mạc và có bài phát biểu mang tính định hướng. Ngoài ra, còn có lãnh đạo 5 quốc gia, hơn 80 quan chức cấp bộ trưởng phụ trách vấn đề kinh tế các nước và những người phụ trách các tổ chức quốc tế, cùng nhiều doanh nhân, học giả, phóng viên đến từ 50 nước và khu vực tham dự diễn đàn.

Sau lễ khai mạc diễn ra một hội nghị toàn thể giữa chính khách các nước với các chuyên gia, học giả, doanh nhân nhằm rút ngắn khoảng cách giao lưu giữa lãnh đạo chính quyền và các giới nêu trên.

Xem thêm tại đây: Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2017 tại Trung Quốc

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa ảnh 7Toàn cảnh Diễn đàn. (Nguồn: THX/TTXVN)
Mexico phát minh ra pin vĩnh cửu
Mới đây, nhà khoa học Mexico Arturo Solis Herrera đã chế tạo ra một loại pin có thể dùng để bật sáng đèn pin trong vòng 100 năm bằng cách sử dụng nước và chất melanin.

Ông Herrera, chuyên gia về mắt và hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển thuộc Trung tâm nghiên cứu quá trình quang hợp của Mexico, cho biết khi thực hiện một nghiên cứu về phân tử trên da, tóc và màng che võng mạc của mắt người, ông đã phát hiện ra chất melanin có khả năng phá vỡ phân tử nước, tách oxy và hydro, qua đó sinh ra điện năng và điều đặc biệt hơn là chính phân tử này còn có khả năng tập hợp lại oxy và hydro, tạo ra nước để sản sinh ra một nguồn điện năng mới.

Nhà khoa học Herrera đã đặt tên cho phát minh trên la Bat - Gen, một bộ pin có khả năng sản xuất điện không hạn chế, luôn tự nạp đầy, đồng thời còn là một máy phát điện.

Ông nhấn mạnh, quá trình nghiên cứu kéo dài 4 năm đã giúp ông phát hiện ra một vòng tuần hoàn liên tục, tách phân tử nước rồi sản sinh ra điện năng mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào vì chất melanin tự giúp hấp thụ các tia sáng trong môi trường, cũng như trong các bức xạ điện từ ở xung quanh.

Sự kiện quốc tế từ 20-26/3: Vớt phà Sewol 3 năm sau thảm họa ảnh 8Nhà khoa học Mexico Arturo Solis Herrera và loại pin vĩnh cử mà ông chế tạo. (Nguồn: facebook./pages/Arturo-Solis-Herrera)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục