Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga gần biên giới với Syria cùng chuyến thăm lần đầu tới Iran sau 8 năm của Tổng thống Nga Putin là hai trong số sự kiện nổi bật tuần qua.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga gần biên giới với Syria
Ngày 24/11, một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga đã bị phía Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ và rơi xuống khu vực vùng núi Turkmen, tỉnh Latakia thuộc phía Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, vụ việc đã tạo một bầu không khí căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã cảnh báo máy bay vi phạm 10 lần liên tục trong vòng 5 phút trước khi quyết định bắn hạ chiếc Su-24 này. Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, việc bắn hạ chiếc máy bay trên không nhằm vào bất cứ quốc gia nào mà chỉ là bước đi để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước này.

Phản ứng về vụ việc trên, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay của Nga là hành động phạm tội và làm tổn thương mối quan hệ láng giềng tốt lâu năm giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và nhân đạo. Hậu quả trực tiếp của thiệt hại đó là Nga sẽ hủy bỏ hàng loạt dự án hợp tác quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chịu tổn thất lớn tại thị trường Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong mọi trường hợp, các phi công và máy bay của Nga không đe dọa lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vì họ đang tiến hành hoạt động chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Tổng thống Putin nhận định, việc chiếc Su-24 bị bắn rơi tại Syria đã vượt ra ngoài cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố tình tấn công máy bay Nga, dù Nga đã ký thỏa thuận với Mỹ về báo trước các sự cố như vậy.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 1Máy bay chiến đấu của Nga bốc cháy sau khi bị bắn hạ gần khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trao trả Nga thi thể của phi công máy bay Su-24
GDP của Cộng đồng ASEAN sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020
Ngày 22/11/2015 đã đi vào lịch sử của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh dấu giai đoạn mới của khu vực với việc 10 nước thành viên ký Tuyên bố Kuala Lumpur về hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 - một văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hội nhập về kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội sâu rộng hơn của toàn khu vực.

Việc ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) thể hiện việc hoàn tất kế hoạch xây dựng cộng đồng trong hơn 10 năm kể từ khi ý tưởng về một Cộng đồng ASEAN lần đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bali (Indonesia) năm 2003.

Thủ tướng Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2015, chính thức tuyên bố Cộng đồng ASEAN được thành lập vào ngày 31/12/2015.

Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, dự kiến GDP của ASEAN sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020 và ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 2Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu tại lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: GDP của Cộng đồng ASEAN sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020
Timor Leste kỷ niệm 40 năm ngày Độc lập, 500 năm ngày ra đời dân tộc
Ngày 28/11, Cộng hòa Dân chủ Timor Leste đã long trọng kỷ niệm 40 năm ngày Tuyên bố Độc lập.

Lễ kỷ niệm được tổ chức tại quận Oecusse, một địa điểm nằm tách biệt với phần còn lại của Timor Leste về mặt địa lý nhưng mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Đây là nơi đầu tiên Bồ Đào Nha thiết lập thuộc địa trên đảo Timor. Vì vậy, Oecusse thường được coi là nơi khởi nguồn của Timor Leste ngày nay.

Sau 13 năm chính thức giành độc lập, quốc gia non trẻ này đang nỗ lực tái thiết đất nước, phát triển nền kinh tế và quyết tâm hướng tới việc chính thức trở thành thành viên thứ 11 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Timor Leste là quốc gia non trẻ ở Đông Nam Á với dân số khoảng 1,2 triệu người và diện tích hơn 15.000 km2.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 3Hàng nghìn thành viên các lực lượng vũ trang của Timor Leste tham gia buổi lễ. (Ảnh: Trung Sơn/Vietnam+)

Xem thêm tại đây: Timor Leste kỷ niệm 40 năm ngày Độc lập, 500 năm ngày ra đời dân tộc
Hai miền Triều Tiên bắt đầu cuộc họp cấp chuyên viên hiếm hoi
Ngày 26/11, các quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc họp cấp chuyên viên hiếm hoi nhằm mở đường cho một cuộc đối thoại cấp cao lâu dài vốn bị né tránh trong một thời gian dài giữa hai miền.

Cuộc họp trên, diễn ra lại làng đình chiến Panmunjom, bắt đầu lúc 13 giờ (4 giờ GMT) và đánh dấu lần đầu tiên diễn ra cuộc họp liên chính phủ kể từ hồi tháng Tám, thời điểm hai miền Triều Tiên gặp nhau để tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng vốn từng đẩy Hàn Quốc và Triều Tiên đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang.

Cuộc gặp đó kết thúc với việc thông qua một thỏa thận chung, trong đó hai bên cam kết nối lại các cuộc đàm phán cấp cao song thời điểm chưa được xác định.

Bất chấp việc tất cả các cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên nhìn chung được kỳ vọng là bước đi đúng đắn, song theo tiền lệ, có rất ít hy vọng về một kết quả thành công.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 4Quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc trong một cuộc gặp tại Panmunjom ngày 22/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Hai miền Triều Tiên bắt đầu cuộc họp cấp chuyên viên hiếm hoi
Đền Yasukuni của Nhật Bản bất ngờ phát nổ
Ngày 23/11, một vụ nổ đã xảy ra tại ngôi đền Yasukuni ở Tokyo, Nhật Bản. Lính cứu hỏa đang điều tra các dấu vết của vụ nổ tìm thấy trên trần và tường một nhà tắm công cộng dành cho nam giới ở gần khu vực cổng phía Nam của ngôi đền.

Vụ nổ xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng (giờ địa phương) và không có người bị thương trong vụ nổ trên. Tuy nhiên, cảnh sát đã điều một đội chuyên xử lý bom tới hiện trường vụ nổ và đang tích cực điều tra với nghi vấn đây có thể là một vụ tấn công mang động cơ chính trị.

Hơn 100 cảnh sát, lính cứu hỏa và những người quản lý đền Yasukuni đã có mặt gần hiện trường vụ nổ. Các điều tra viên cho biết vụ nổ làm thủng trần và cháy sàn nhà tắm công cộng nói trên, cùng với một số pin và các đồ vật khác được cho là bom chưa nổ rải rác xung quanh.

Tại thời điểm xảy ra vụ nổ, nhiều người đang tới đền dự một ngày lễ của đạo Shinto tổ chức từ 10 giờ sáng.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 5Cảnh sát và lính cứu hỏa làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ nổ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Một người đàn ông xuất hiện ngay trước vụ nổ ở đền Yasukuni
Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm lần đầu tới Iran sau 8 năm
Ngày 23/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm chính thức Iran lần đầu tiên trong tám năm qua. Diễn ra trong bối cảnh cánh cửa hợp tác với Iran rộng mở sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây chuẩn bị được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân với Tehran, chuyến thăm đánh dấu bước chuyển lớn trong quan hệ Nga-Iran, là cơ hội để hai bên thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ nhau củng cố vị thế ở khu vực Trung Đông chiến lược.

Hai bên tiếp tục khẳng định sự thống nhất, trong đó nhấn mạnh phản đối các mưu toan bên ngoài nhằm tạo ra những kịch bản giải quyết vấn đề chính trị ở Syria.

Hai bên cho rằng bất cứ sự thay đổi nào trong bộ máy lãnh đạo của Syria cần được tiến hành thông qua các cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai bên đã thảo luận việc mở rộng quan hệ ngân hàng giữa hai nước, coi đây là một trong các trụ cột của quan hệ song phương. Kết thúc chuyến thăm, Nga và Iran đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực và đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trị giá lên tới 25 tỷ USD.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 6Tổng thống Nga Putin và thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei. (Nguồn: Reuters)

Xem thêm tại đây: Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm lần đầu tới Iran sau 8 năm
EU-Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận lịch sử về giải quyết khủng hoảng di cư
Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất về một kế hoạch hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Theo đó, EU nhất trí hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro, đổi lại Ankara có trách nhiệm giảm bớt dòng người tị nạn từ nước này sang các nước EU.

Kết quả trên đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ tối 29/11 tại Brussels (Bỉ) với mục tiêu kiểm soát chặt hơn dòng người di cư và tị nạn vào các nước châu Âu hiện nay.

Tại hội nghị, EU cũng nhất trí sẽ đẩy nhanh quá trình xem xét cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập vào liên minh này, cũng như sớm nới lỏng thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào các nước EU với dự kiến dỡ bỏ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10/2016.

Về phần mình, Ankara sẽ thực hiện việc nhận trở lại người bị bác đơn tị nạn ở EU từ tháng 6/2016, đồng thời kiểm soát tốt hơn đường bờ biển của nước này và chống lại các đường dây buôn người.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 7Người tị nạn tìm cách đến các quốc gia châu Âu. (Nguồn: todayonline.com)

Xem thêm tại đây: EU-Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận lịch sử về giải quyết khủng hoảng di cư
Lần đầu tiên số người Anh muốn rời khỏi EU đã chiếm đa số
Kết quả thăm dò dư luận của hãng ORB International công bố ngày 24/11 cho thấy lần đầu tiên số người dân Anh ủng hộ việc ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) chiếm đa số.

52% trong tổng số 2.000 người tham gia cuộc thăm dò dư luận được tiến hành tuần qua nói rằng họ muốn Anh ra khỏi EU, và chỉ có 48% có quan điểm ngược lại.

Kết quả này cho thấy dư luận Anh đối với việc nước này ở lại hay ra khỏi EU đã có những thay đổi đáng kể. Trong các lần thăm dò dư luận hồi tháng 6, 7 và 9 vừa qua, vẫn có tới 55% số người được hỏi khẳng định rằng họ muốn Anh tiếp tục là thành viên EU.

Theo kết quả thăm dò dư luận hồi tháng 10, tỷ lệ này giảm nhẹ, xuống còn 53% ủng hộ Anh ở lại EU. Vì vậy, số liệu mà ORB International vừa công bố khiến giới hoạch định chính sách phải bất ngờ về những thay đổi trong quan điểm của người dân Anh đối với EU.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 8Toàn cảnh Tháp Shard ở London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Lần đầu tiên số người Anh muốn rời khỏi EU đã chiếm đa số
Pfizer và Allergan đạt thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành dược phẩm
Ngày 23/11, hãng dược phẩm lớn của thế giới là Pfizer của Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận mua lại đối thủ Allergan của Ireland trong hợp đồng có giá trị lên tới 160 tỷ USD. Đây là khoản tiền kỷ lục trong lịch sử các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành dược phẩm thế giới.

Theo thỏa thuận vừa đạt được, các cổ đông của Pfizer sẽ nắm giữ 56% cổ phần của công ty mới sáp nhập Pfizer plc, trong khi của Allergan là 44%.

Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer Ian Read sẽ đảm nhiệm chức vụ tương tự tại công ty hợp nhất, trong khi CEO của Allergan Brent Sauders sẽ là Giám đốc tác nghiệp phụ trách việc giám sát tất cả hoạt động kinh doanh thương mại, sản xuất và các chức năng chiến lược của Pfizer và Allergan.

Dự kiến, thương vụ này sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2016.

Sự kiện quốc tế tuần 23-29/11: Căng thẳng vụ bắn hạ máy bay Nga ảnh 9Ảnh minh họa. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Xem thêm tại đây: Pfizer và Allergan đạt thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành dược phẩm
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục