Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong

Pháp phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU và vụ nổ lớn ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Pháp phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU và vụ nổ lớn ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 14-20/3 :

Tổng kết dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam-Lào
Ngày 16/3, tại Hà Nội, Lễ tổng kết cấp Nhà nước việc hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã được tổ chức với tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thammavong cùng đại diện các Bộ, ngành trung ương và các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước.

Tại lễ tổng kết, ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam-Lào cho biết bắt đầu từ năm 2008, hai bên đã phối hợp triển khai cắm mốc đồng loạt trên toàn tuyến, tăng dày số cột mốc ở những khu vực cần thiết nhằm làm rõ hướng đi của biên giới trên thực địa.

Với việc hoàn thành Dự án, đường biên giới quốc gia giữa 2 nước dài 2.340 km đã được bổ sung và cắm mới 1.002 cột mốc và cọc dấu, tăng gấp 4,5 lần so với trước khi có dự án, toàn bộ đường biên giới giữa hai nước chỉ có 199 cột mốc.

Dự án này không chỉ mang lại một diện mạo mới, dễ nhận biết hơn, dễ quản lý hơn cho đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào mà còn góp phần xây dựng nên cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc hợp tác và phối hợp giữa hai bên trong vấn đề bảo vệ và quản lý biên giới lãnh thổ.

Dự án này còn mang lại nhiều cơ hội cho việc hợp tác phát triển qua biên giới, đặc biệt là việc giao lưu hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch cho các tỉnh biên giới giữa hai nước.

Xem thêm: Tổng kết dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam-Lào

Pháp phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU
Ngày 17/3, Quốc hội Pháp (Hạ viện) đã chính thức phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên minh châu Âu (PCA).

Trước đó, ngày 17/12/2015, Thượng viện Pháp cũng đã phê chuẩn văn bản này với 100% ý kiến tán thành.

Hiệp định này cho phép Việt Nam tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn trên cơ sở phát triển quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng, lâu dài, ổn định và hợp tác toàn diện.

PCA đã được hai bên ký kết ngày 27/6/2012 và sẽ có hiệu lực sau khi được tất cả các thành viên EU phê chuẩn.

Hiện, trong số 28 nước thành viên EU, chỉ còn Italy và Hy Lạp là chưa phê chuẩn hiệp định.

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 1(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Pháp phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU

Nổ lớn do cưa vật liệu nổ ở Hà Nội, nhiều người thương vong
Chiều 19/3, tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, thành phố Hà Nội xảy ra một vụ nổ lớn làm 4 người chết, 10 người bị thương.

Vụ nổ cũng khiến 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.

Theo thông tin từ Bộ Công an, nguyên nhân vụ việc ban đầu xác định là do sự cố liên quan vật liệu nổ.

Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ cũng là loại thường sử dụng để chế tạo bom, mìn.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, anh Phạm Văn Cường (sinh năm 1975), quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15​-TT 19, khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu.

Ngày 19/3, anh Phạm Văn Cường có nhờ một nam thanh niên hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa (nơi xảy ra vụ nổ) một khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40​-45 cm, dài khoảng 80cm, khối lượng ước khoảng trên 100kg.

Trong quá trình anh Cường cắt phá khối kim loại này bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 2Hiện trường vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xem thêm: Vụ nổ ở Văn Phú: Thu được nhiều mảnh kim loại dùng để chế tạo bom

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 17/3, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các hoạt động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như cho tàu Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ tải trọng 10.000 tấn đưa 300 khách ra đảo Ốc Hoa; xây dựng cảng hàng không với đường băng 3.500m ở Đảo Cây; lấn biển ở khu vực cụm đảo An Vĩnh…, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam một lần nữa khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa.

Việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, mở rộng, xây dựng, làm thay đổi nguyên trạng quần đảo Hoàng Sa và tổ chức du lịch ra quần đảo này, bất chấp sự quan ngại của phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Những hành động này không chỉ đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương; mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN-Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế; có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung, cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 3Tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép trong các vùng nước xung quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)

Xem thêm: Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

Chứng khoán Việt Nam chưa đủ lớn để hấp thụ vốn nước ngoài
Ngày 17/3, tại hội thảo "Đối thoại TPP: Cơ hội nào cho Doanh nghiệp tại Việt Nam," ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) nhận định, dưới tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), HOSE rất kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi tích cực.

Dựa trên nền tảng phát triển chung, chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán cũng sẽ được cải thiện đáng kể, không chỉ đối với chứng khoán của các ngành hưởng lợi như dệt may, da giày, thủy sản, mà còn cộng hưởng đến các ngành phụ trợ khác.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường - ông Sinh dự báo

Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các cơ hội thì TPP cũng mang lại nhiều khó khăn, thách thức.

Điển hình, quy mô hiện nay của thị trường chứng khoán chưa đủ lớn để có thể hấp thụ hết lượng vốn khổng lồ từ nước ngoài; sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp là không nhỏ trên sân chơi chung của quốc tế.

Để chuyển cơ hội thành lợi ích kinh tế, không chỉ doanh nghiệp tích cực chuyển mình thay đổi mà các cơ quan quản lý, điều hành cũng cần đổi mới. Doanh nghiệp phải là chủ thể phản ánh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 4Giao dịch chứng khoán tại sàn Maybank KIM ENG, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Xem thêm: Chứng khoán Việt Nam chưa đủ lớn để hấp thụ vốn nước ngoài

Vụ nhà 8B Lê Trực: Hoài nghi sự “vào cuộc" của chính quyền
Vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội, đã khiến người dân Thủ đô rất bức xúc và đồng tình với chỉ đạo cưỡng chế của thành phố Hà Nội, yêu cầu phá dỡ phần sai phạm.

Tuy nhiên, đến ngày 18/3, tức là sau 2 tuần các lực lượng chức năng của Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên trực tiếp chỉ đạo đơn vị được thuê phá dỡ triển khai việc phá dỡ, phóng viên TTXVN dù đã đặt lịch hẹn trước nhưng vẫn không thể tiếp cận được lãnh đạo chính quyền phường cũng như đơn vị phá dỡ để nắm bắt, phản ánh tiến độ phá dỡ công trình.

Mới đây, thông tin chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực đã có văn bản gửi Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất thay đổi phương án xử lý sai phạm; hay việc người dân mua nhà tại dự án này sáng 18/3 đã đến Bộ Xây dựng "cầu cứu" mong được bảo vệ quyền lợi của mình, đã cho thấy có những dấu hiệu về việc “bưng bít” thông tin tiến độ phá dỡ của công trình.

Theo cam kết của Ủy ban Nhân dân phường, việc cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm phải hoàn thành muộn nhất vào ngày 29/4. Điều này khiến dư luận hoài nghi có hay không việc chính quyền phường và quận đang chậm trễ trong việc tiến hành phá dỡ để chờ kết quả “cầu cứu” của chủ đầu tư cùng người mua nhà dự án đã và đang được gửi đến Chính phủ, thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng?

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 5Lực lượng nhân công và máy móc thực hiện phá dỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực khá mỏng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Xem thêm: Vụ nhà 8B Lê Trực: Hoài nghi sự “vào cuộc" của chính quyền

Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016-2030.

Theo đó, đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện.

Quy hoạch cũng nêu rõ phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu; phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt.

Tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT) giai đoạn 2016-2030 khoảng 3.206.652 tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD).

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 6Thi công, lắp đặt thiết bị trạm biến áp 500kV Pleiku 2. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Xem thêm: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

Cải thiện năng suất lao động để hướng đến mục tiêu tăng trưởng 7%
Theo “Báo cáo Việt Nam 2035," Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7%/năm. Tốc độ tăng trưởng này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định để đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 15.000-18.000 USD/người vào năm 2035, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động.

Năng suất lao động tổng hợp năm 2015 đã được cải thiện lên đến khoảng hơn 29%, nhưng rõ ràng để đạt được các mục tiêu trong 5 năm tới, năng suất này phải đạt mức ở mức 35%.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương đã đề xuất một số biện pháp thực hiện tăng năng suất lao động như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; tận dụng lợi ích của quá trình đô thị hóa; nuôi dưỡng một nền kinh tế sáng tạo và dựa trên đổi mới sáng tạo, và chú ý giải quyết sức ép về môi trường.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ tham gia một “sân chơi chung” có trình độ cao. Tuy nhiên, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là cần thiết, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam sẽ mất việc làm ngay trên sân nhà. Những vị trí đó, trước đây chỉ được chọn trong nước thì nay được chọn ở tất cả các nước ASEAN, đó là thách thức hiện hữu.

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 7(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Cải thiện năng suất lao động để hướng đến mục tiêu tăng trưởng 7%

Báo cáo quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2030
Ngày 18/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị Báo cáo quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE), vấn đề quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã được đề cập nhưng chưa triệt để, chưa gắn kết với quy hoạch cấp nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn đang gia tăng và diễn biến phức tạp.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng kết hợp với các nhà máy nước hiện có và các nhà máy nước xây mới tại các tỉnh, đáp ứng cho 100% dân số khu vực nội thị và 90% dân số khu vực ngoại thị, 25% dân số nông thôn sẽ được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung đô thị, hạn chế sử dụng nước dưới đất, ưu tiên khai thác nước mặt, chủ yếu lấy từ sông Tiền và sông Hậu.

Tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2030 của toàn vùng khoảng từ 3,2-3,4 triệu m3/ngày trong khi đến năm 2030 công suất các nhà máy nước hiện có được sử dụng lại chỉ đáp ứng được 918.000 m3. Do đó cần công suất phát triển các nhà máy nước mới là 2.359.000 m3.

Nguồn vốn thực hiện dự kiến được kêu gọi đầu tư từ xã hội hóa, hợp tác công tư PPP, vốn ODA từ các nước, các tổ chức tín dụng quốc tế và vốn Trái phiếu Chính phủ.

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 8Đắp đập ngăn mặn xâm nhập vào vùng sản xuất xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Xem thêm: Báo cáo quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2030

Mở đường bay thẳng Hà Nội-Prague vào 2017 nhằm phát triển du lịch
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, đang ở thăm làm việc tại Cộng hòa Séc từ 13-16/3, cho biết hãng hàng không Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở đường bay thẳng Hà Nội-Prague và ngược lại vào năm 2017.

Việc mở đường bay thẳng là một trong những phương hướng chính nhằm phát triển hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn đã có cuộc hội đàm với bà Klara Dostalova, Thứ trưởng Bộ Phát triển địa phương của Cộng hòa Séc chuyên trách về du lịch.

Hai bên nhất trí chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam và Séc; hàng năm tổ chức hội thảo-hội chợ để giới thiệu tiềm năng du lịch của mỗi nước. Phía Séc hỗ trợ việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ du lịch Việt Nam.

Sự kiện trong nước 14-20/3: Nổ lớn ở Hà Đông gây nhiều thương vong ảnh 9(Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN)

Xem thêm: Mở đường bay thẳng Hà Nội-Prague vào 2017 nhằm phát triển du lịch

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục