Sự kiện trong nước: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XIV và vụ lật nhà bè ở Ninh Thuận khiến 2 du khách tử vong là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XIV và vụ lật nhà bè ở Ninh Thuận khiến 2 du khách tử vong là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV
Ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Dự kiến, kỳ họp sẽ diễn ra từ 20-29/7.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 22-7, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên thệ nhậm chức, tái cử giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội đã bầu 4 Phó Chủ tịch Quốc hội (gồm các đồng chí Đỗ Bá Tỵ, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu) và các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội đã bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ông Hà Ngọc Chiến được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Ông Nguyễn Hạnh Phúc được bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIV. Ông Hồ Đức Phớc được bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 1Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Xem thêm: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV

WB: Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam sẽ được cải thiện
Tại buổi báo cáo điểm lại Tình hình kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 19/7 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể đạt khoảng 6% nhờ cầu trong nước tiếp tục được duy trì, thể hiện qua mức tăng tiêu dùng cá nhân và đầu tư.

Triển vọng kinh tế trung hạn sẽ cải thiện nhờ TPP và các hiệp định thương mại tự do khác. Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn đồng thời tăng thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp.

Tuy nhiên, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu chưa được mạnh cũng có tác động tới thị trường Việt Nam.

Mức tăng trưởng được dự báo giảm là do tình hình hạn hán, nhiễm mặn tác động lớn đến sản lượng nông nghiệp. Ngoài ra, tăng trưởng trong ngành chế biến cũng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, ông Sebastian Eckardt cũng cho rằng sự suy giảm của khu vực nông nghiệp được bù đắp bởi sự tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ. Cụ thể, nhu cầu trong nước tương đối ổn định, ngành xây dựng được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tín dụng.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá sự linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi chuyển cơ chế linh hoạt hơn trong quản lý tỷ giá. Tỷ giá tham chiếu được xác định hàng ngày và dựa trên giỏ tiền tệ. Đây là động thái quan trọng cho phép Ngân hàng Nhà nước có phản ứng nhanh hơn đối với thay đổi trong tình hình toàn cầu và quan trọng là ngăn ngừa tiền đồng không bị ảnh hưởng bởi biến động quá nhanh. Đấy là điểm tích cực, tăng cường khả năng chống chọi của đồng nội tệ./.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: WB: Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam sẽ được cải thiện

Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất 70 năm "không đúng quy định pháp luật"
Nhiều vấn đề "nóng" về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Thanh tra Chính phủ thông tin trong cuộc họp báo quý II năm 2016 diễn ra vào ngày 22/7, tại Hà Nội.

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo Hà Tĩnh trong việc cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa thuê đất trong 70 năm.

Về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết từ năm 2014, 2015, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và kết luận thanh tra về công tác chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có dự án Formosa.

Kết luận thanh tra thời điểm đó đã chỉ rõ, việc Hà Tĩnh phê duyệt cho Formosa thuê đất thời hạn 70 năm là không đúng các quy định pháp luật. Theo quy định pháp luật trước năm 2014, cấp tỉnh chỉ được cấp phép cho thuê đất trong 50 năm nhưng tỉnh Hà Tĩnh đã cho Formosa thuê 70 năm.

Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời gian hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm. Tuy nhiên, dự án Formosa thời điểm đó chưa có sự đồng ý của Thủ tướng.

"Nếu xem xét theo Luật đầu tư năm 2014, những trường hợp như của Formosa được phép cấp đến 70 năm. Nhưng thời điểm năm 2012, Hà Tĩnh cấp phép như vậy là trái thẩm quyền," ông Khánh khẳng định.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 3Cất bốc chất thải của Công ty Formosa lên ôtô để chuyển về tạm giữ tại kho của Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Xem thêm: Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất 70 năm "không đúng quy định pháp luật"

Việt Nam chưa đủ sẵn sàng cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới
Báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận GDP của Việt Nam sẽ thay đổi nhiều nhất vào năm 2025 với mức tăng 28,2%. Thu nhập trung bình của người Việt Nam sẽ tăng thêm 10,5%.

Việt Nam cũng sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn trong khu vực do sự tiếp tục phát triển mạnh mẽ của các ngành sản xuất truyền thống như dệt may và cũng như sự xâm chiếm thị trường nhanh chóng của các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như máy tính, điện tử, thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, tính đến thời điểm này, sự chuẩn bị của Việt Nam với tiến trình hội nhập vẫn còn chưa đủ, chưa đảm bảo được tính ổn định, lâu dài cho sự phát triển bền vững.

Vì thế, những đổi mới về chính sách đầu tư, chính sách thương mại và chính sách phát triển cho các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh cần phải được tính toán kỹ, xét trên nhiều bình diện. Để từ đó không những tạo thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, mà còn không vi phạm các cam kết quốc tế, cũng như không gây khó cho các doanh nghiệp nước ngoài thuộc các quốc gia thành viên của các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam cần triển khai nhiều chính sách tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; trong đó, có việc phát triển thêm nhiều phương thức và phương tiện vận chuyển mới. Hệ thống giao thông và vận chuyển hàng hóa tốt hơn sẽ giúp tăng năng suất và tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế nói chung, khi kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có hai hiệp định mà Việt Nam cần triển khai càng sớm, càng tốt, đó là Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO (TFA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, sẽ giúp Việt Nam tăng thu xuất khẩu lên 307 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, ngành may mặc/giày là 165 tỷ USD.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam chưa đủ sẵn sàng cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới

Ninh Thuận: Lật nhà bè ở vịnh Vĩnh Hy, 2 du khách chết đuối
Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 23/7, tại biển Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra tai nạn do lật bè và chìm xuống biển làm nhiều du khách rơi xuống biển.

Vụ tai nạn đã làm 2 du khách là chị Nguyễn Thị Liễu Chi (sinh năm 1993) và anh Đinh Công Duẩn (1987) cùng ở Thành phố Hồ Chí Minh chết đuối dưới biển, 1 du khách khác được người dân sơ cứu sống.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải cho biết, vào thời điểm trên có rất nhiều du khách đang chơi trên bè Vĩnh Tiến. Do số lượng khách quá nhiều, quá tải trọng đã làm cho bè bị nghiêng một bên, sau đó chìm hẳn xuống biển.

Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và các ban, ngành liên quan đã đến Bệnh viện để chia buồn với thân nhân người bị nạn. Đồng thời hỗ trợ phương tiện đưa thi thể hai nạn nhân trên về quê để gia đình lo hậu sự.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 5Một nhà nổi ở vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận bất ngờ bị sập do lượng khách quá tải. (Nguồn: CTV)

Xem thêm: Ninh Thuận: Xác nhận 2 du khách chết đuối dưới biển trong vụ lật bè

TTXVN bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Ngày 18/7, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được quyền tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật của báo chí Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14-7-2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ).

Sau cuộc gặp trên, nhiều cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trong đó có hãng thông tấn Tân Hoa xã, trang mạng chinadaily.com.cn (phiên bản đối ngoại tiếng Anh của tờ Trung Quốc Nhật báo) và tờ Nhân dân Nhật báo tiếng Trung Quốc, đã dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp nói rằng: “Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông” đồng thời cho biết: “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.”

Trên thực tế, trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10-2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Trước đó, ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7… Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 6Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp song phương Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: TTXVN bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Toàn bộ 120 cụm thi trung học phổ thông quốc gia công bố điểm thi
Theo đúng kế hoạch, ngày 20/7, toàn bộ 120 cụm thi trung học phổ thông quốc gia đã hoàn tất công tác chấm thi và công bố điểm trên các trang thông tin điện tử. Thông tin từ nhiều cụm thi cho thấy, phổ điểm năm nay không thấp, dự kiến điểm chuẩn của một số trường đại học sẽ giữ nguyên.

Năm nay, số thí sinh bị điểm liệt cũng ít hơn so với năm 2015. Đáng chú ý, với các môn thi tự chọn, thí sinh đã có sự lựa chọn phù hợp năng lực cho nên kết quả thi cơ bản đáp ứng trong việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nếu có băn khoăn về điểm thi, thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo tại nơi đã đăng ký dự thi. Các hội đồng thi phải hoàn thành việc chấm phúc khảo (nếu có) trước ngày 8/8. Chậm nhất ngày 27/7, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông phải cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Phổ điểm có tính phân hóa rõ rệt

Việt Nam và Hoa Kỳ ký thỏa thuận về chống bán phá giá tôm nhập khẩu
Ngày 18/7 (sáng 19/7 theo giờ Việt Nam), tại Washington, Hoa Kỳ, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký Thỏa thuận với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là vụ DS404 và DS429 (Việt Nam kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của WTO khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm của Việt Nam).

Trước đó, ngày 20/5, theo yêu cầu của Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã triển khai các bước thủ tục để thực thi các phán quyết của WTO.

Theo đó, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ để sửa lại biên độ phá giá của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú) và xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho Minh Phú. Biên độ phá giá của Minh Phú, theo kết luận sơ bộ của DOC, là 0%, có nghĩa là Minh Phú không bán phá giá sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ.

Đồng thời, DOC cũng đề xuất dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm cho Minh Phú vì Minh Phú đã thỏa mãn các tiêu chí về việc dỡ bỏ lệnh áp thuế riêng cho từng công ty.

Việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được giải pháp song phương để giải quyết vụ kiện tôm là kết quả của thiện chí và nỗ lực đàm phán từ cả 2 phía. Phía Việt Nam hoan nghênh tinh thần xây dựng, thái độ thiện chí và nỗ lực tìm kiếm giải pháp của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là của DOC và USTR.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 8Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam và Hoa Kỳ ký thỏa thuận về chống bán phá giá tôm nhập khẩu

Sáu tháng, xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn 30 tỷ đồng
Tin từ Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 21/7 cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục đã ban hành 225 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 30 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu cơ sở vi phạm khắc phục hậu quả gây ô nhiễm theo quy định.

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, trong số các vụ ô nhiễm môi trường đã tìm ra được thủ phạm và buộc thủ phạm phải khắc phục hậu quả. Vụ việc hải sản chết bất thường hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung là sự cố có tính chất dị thường, với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổng cục Môi trường đã hướng dẫn các địa phương thực hiện ngay một số biện pháp khẩn cấp để ứng phó với sự cố; theo dõi, quan trắc và công bố thường xuyên thông tin về chất lượng môi trường biển; triển khai việc chấp hành bảo vệ môi trường tại các cơ sở có nguồn thải lớn đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng...

“Sau hơn 2 tháng bền bỉ điều tra, đến ngày 28/6, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chính thức thừa nhận là thủ phạm gây ra sự cố, xin lỗi công khai Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 30/6, Chính phủ đã tổ chức họp báo công bố rộng rãi nguyên nhân và thủ phạm,” đại diện Tổng cục Môi trường nói.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 9Cá chết hàng loạt tại một hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Xem thêm: Sáu tháng, xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn 30 tỷ đồng

Hơn 54.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm
Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm là 54.131 lao động (19.792 lao động nữ), đạt 54.13% kế hoạch năm 2016 và bằng 96,36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 29.292 lao động (10.210 lao động nữ) chiếm tới 54,11%, tiếp theo là Nhật Bản với 15.662 lao động, Hàn Quốc: 4.040 lao động, Malaysia 1.624 lao động, Saudi Arabia 1.749 lao động, Macau 161 lao động và các thị trường khác.

Trong sáu tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu lao động đã có những tín hiệu tích cực về việc mở ra cơ hội việc làm ở các thị trường mới như Thái Lan, Australia và việc xem xét ký lại thoả thuận hợp tác lao động với Hàn Quốc.

Sự kiện trong nước 18-24/7: Nhân sự Quốc hội và vụ thanh tra Formosa ảnh 10Lao động Việt Nam làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Xem thêm: Hơn 54.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục