Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp và kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp và kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 19-25/10:

Nhiều địa phương tiếp tục tổ chức thành công Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020
Trong tuần, các tỉnh, thành phố: Long An, Trà Vinh, Bình Định, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Phú Yên, Cao Bằng, thành phố Đà Nẵng, Bắc Kạn, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Phước, Tuyên Quang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tổng Bí thư dự khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang

Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII
Sáng 20/10, tại Hà Nội, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc Kỳ họp thứ 10.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kỳ họp thứ 10 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật, nhiều Nghị quyết; cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và phê chuẩn Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng Thư ký Quốc hội.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 2Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII

Dư luận quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam trúng cử ECOSOC
Trưa 21/10 (tức đêm 21/10 giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 18 nước thành viên mới của Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.

Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao là 182 phiếu trong tổng số 187 phiếu và sẽ chính thức bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ thành viên ECOSOC từ ngày 1/1/2016.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào ECOSOC, song lần tái trúng cử này diễn ra vào thời điểm quan trọng, đó là Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030. Do đó bạn bè quốc tế đặt nhiều kỳ vọng vào những đóng góp của Việt Nam cùng 53 thành viên còn lại ECOSOC trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 3Một phiên họp của ECOSOC. (Nguồn: un.org)

Xem thêm tại đây: Dư luận quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam trúng cử ECOSOC

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,11% do yếu tố mùa vụ
Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười tăng nhẹ sau 2 tháng liên tiếp giảm, cụ thể tăng 0,11% so với tháng Chín, song lại bằng 100% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy so với tháng 12 của năm ngoái CPI chỉ tăng được 0,51% đồng thời CPI bình quân mười tháng của năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,67%.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể, cao nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,2%, tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng tăng chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 0,34%. Ngoài ra, biến động giá xăng dầu tăng và yếu tố mùa vụ, tháng Mười là tháng giao mùa ở miền Bắc nên nhu cầu về một số mặt hàng quần áo, giầy dép phục vụ Thu Đông tăng đã tác động tới chỉ số CPI.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,11% do yếu tố mùa vụ

Giá ôtô có thể giảm gần một nửa sau điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt?
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo dự thảo "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế," các loại ôtô có dung tích xilanh dưới 2.000cm3 sẽ có mức thuế tiêu thụ đặc biệt giảm.

Cụ thể, với dòng xe dung tích xilanh từ 1.000cm3 trở xuống, cơ quan chức năng đề xuất từ 1/7/2016 sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt là 40%, giảm 5% so với hiện hành. Từ năm 2018 và năm 2019, mức thuế sẽ lần lượt giảm về mức 30% và 20%.

Mức giảm tương tự cũng được áp dụng với dòng xe có dung tích xilanh trên 1.000cm3 đến 1.500cm3 và loại trên 1.500cm3 tới 2.000cm3. Tới năm 2019, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với các dòng xe này sẽ còn lần lượt là 25% và 30%.

Những thay đổi này theo lãnh đạo Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm. Với những lộ trình trên, ông Phạm Đình Thi cho rằng, việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện để người dân có thu nhập trung bình và trung bình khá tiếp cận được với ôtô. Theo tính toán của ông, giá xe ôtô trong những năm tới với những dòng xe có dung tích xilanh nhỏ có thể sẽ giảm gần một nửa.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: Giá ôtô có thể giảm gần một nửa sau điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt?

Ngành dệt may Việt Nam với bài toán khó về xuất xứ nguyên liệu
Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, nếu tất cả các FTA hiện nay và sắp tới của Việt Nam chính thức có hiệu lực, khoảng 80% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tới Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế quan, tạo lợi thế đáng kể so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác.

Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ các FTA, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ; trong đó, thách thức lớn nhất là phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Nếu như trong hiệp định ASEAN với các nước (trừ Hàn Quốc), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đều có quy tắc xuất xứ từ vải, với TPP, quy tắc xuất xứ là từ sợi.

Trong khi đó, hầu hết nguyên liệu sợi, vải phục vụ cho ngành dệt may Việt Nam phải nhập từ nước ngoài, phần lớn là từ Trung Quốc (không phải là thành viên của TPP). Do đó, nếu không sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc các nước trong TPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó có thể được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu hàng sang Mỹ và các nước trong TPP.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 6May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may 888 của Tổng công ty May 10 ở Quảng Xương, Thanh Hóa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Ngành dệt may Việt Nam với bài toán khó về xuất xứ nguyên liệu

2016: Thí sinh sẽ được tự do đăng ký xét tuyển vào đại học?
Từ bất cập trong tuyển sinh đại học năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự kiến sẽ trả việc xét tuyển cho các trường đại học, cao đẳng.

Cụ thể, Bộ sẽ không có phần mềm tuyển sinh chung mà việc tuyển sinh sẽ do các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức.

Với các thí sinh, Bộ sẽ không cấp hạn chế 4 giấy chứng nhận để thí sinh tham gia xét tuyển như năm 2015. Thí sinh sau khi có điểm có thể tự do đăng ký vào các trường mà mình mong muốn, nếu các em đáp ứng được yêu cầu xét tuyển của trường, không bị hạn chế số lượng.

Hình thức này sẽ giúp các trường và thí sinh chủ động hơn trong công tác tuyển sinh và đăng ký xét tuyển tuy nhiên cũng sẽ có nguy cơ trượt, đỗ ảo lớn. Các giả thuyết giải pháp đang được Bộ đưa ra như có thể chia các trường tuyển sinh theo từng nhóm và từng đợt khác nhau, hoặc các có thể thành lập các nhóm trường liên kết với nhau trong việc tuyển sinh.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 7Hình ảnh được ví như sàn chứng khoán trong ngày cuối xét tuyển nguyện vọng một tại Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Xem thêm tại đây: 2016: Thí sinh sẽ được tự do đăng ký xét tuyển vào đại học?

“Công chúa tóc mây” giành ngôi vị quán quân “Giọng hát Việt nhí”
Với lượng tin nhắn bình chọn cao nhất từ khán giả trong đêm chung kết diễn ra tối 24/10, “Công chúa tóc mây” Hồng Minh (đội Hồ Hoài Anh-Lưu Hương Giang) đã chính thức trở thành quán quân “Giọng hát Việt nhí 2015.”

Một lần nữa, học trò của “cặp đôi Giang Hồ” cho thấy khả năng biến hóa của mình trên sân khấu khi thể hiện “Chầu văn Huế.” Dù có những lúc chưa thực sự nhập được vào ca khúc (trong cả cách hát và diễn) nhưng cô bé 9 tuổi đến từ Đà Nẵng đã mang tới một màu sắc khác lạ cho đêm chung kết.

Hai thí sinh Tiến Quang và Công Quốc cùng xếp ở vị trí thứ hai.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 8Quán quân Giọng hát Việt nhí 2015 Hồng Minh. (Ảnh: BTC)

Xem thêm tại đây: “Công chúa tóc mây” giành ngôi vị quán quân “Giọng hát Việt nhí”

Du lịch Việt Nam đã sẵn sàng để hội nhập Cộng đồng ASEAN
Cuối năm 2015, theo lộ trình, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh các trụ cột an ninh-chính trị và văn hóa-xã hội tạo nên Cộng đồng ASEAN thì trụ cột kinh tế là hết sức quan trọng. Trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).

Trong khu vực hiện đã hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN cho 6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất gồm lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lý lữ hành.

Hiện nay, ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố đảm bảo cho MRA-TP có hiệu lực và chính thức áp dụng vào đầu năm 2016.

Tham gia vào quá trình này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của nước thành viên. Ngành du lịch cũng đã lựa chọn và đề cử nhân sự phù hợp tham gia các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ Đào tạo viên ASEAN và Đánh giá viên ASEAN đối với các nghề buồng, chế biến món ăn, lễ tân và phục vụ nhà hàng.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 9Du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe xíchlô. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Du lịch Việt Nam đã sẵn sàng để hội nhập Cộng đồng ASEAN

Việt Nam giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính nhờ quốc tế hỗ trợ
Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ thực hiện giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.

Việt Nam cũng sẽ triển khai các hoạt động thích ứng ưu tiên giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Là quốc gia đang phát triển không gây ra biến đổi khí hậu nhưng lại chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay và dự báo đến 2030, Việt Nam tin rằng đóng góp của Việt Nam là công bằng, thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia cùng cộng đồng quốc tế chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sự kiện trong nước 19-25/10: CPI tháng Mười tăng trở lại ảnh 10Trồng rừng phòng hộ ven biển tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Việt Nam giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính nhờ quốc tế hỗ trợ

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục