Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức trở thành di sản thế giới và CPI cả nước trong tháng 11 tăng 0,48% là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức trở thành di sản thế giới và CPI cả nước trong tháng 11 tăng 0,48% là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Chủ tịch Quốc hội sang Cuba dự lễ tang lãnh tụ Fidel Castro Ruz
Từ ngày 28 đến 30/11, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam sang Cuba tham dự Lễ tang cấp Nhà nước dành cho lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, đã từ trần ngày 25/11.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến đặt vòng hoa, viếng di hài đồng chí Fidel Castro Ruz tại Khu tưởng niệm José Martí ở trung tâm thủ đô La Habana. Chủ tịch Quốc hội đã thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chuyển đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba và gia quyến của đồng chí Fidel lời chia buồn chân thành và sâu sắc nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của cựu Tổng Tư lệnh Cuba tại Quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana trong lễ tưởng niệm của quần chúng nhân dân đối với Lãnh tụ Fidel Castro.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo, hội kiến với Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro; có cuộc gặp với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyateslav Volodin tại thủ đô La Habana của Cuba; đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, gặp mặt và nói chuyện thân mật với tập thể cán bộ các cơ quan đại diện và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Cuba.

Sáng 28/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã tới Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội viếng và ghi sổ tang, tưởng niệm đồng chí Fidel Castro Ruz. Nhiều người dân Việt Nam từ khắp nơi cũng đã đến viếng, ghi sổ tang và tưởng niệm đồng chí Fidel Castro Ruz tại Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Để tỏ lòng thương tiếc, biết ơn lãnh tụ Fidel Castro Ruz và xuất phát từ quan hệ đặc biệt Việt Nam-Cuba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định để tang Chủ tịch Fidel Castro Ruz với nghi thức Quốc tang vào ngày 4/12.

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Lễ míttinh tưởng niệm Lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Xem thêm: [Video] Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại lễ tưởng niệm Fidel Castro

Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập trên biển khu vực quần đảo Trường Sa
Ngày 29/11, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 28/11, phía Đài Loan tiến hành diễn tập trên biển tại khu vực Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Đài Loan tổ chức cuộc diễn tập trên biển mang tên “Nam Viện số 1” tại khu vực Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”./.

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 2Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: scmp.com)

Xem thêm: Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập trên biển khu vực quần đảo Trường Sa

WEF: Việt Nam thăng hạng về môi trường thương mại toàn cầu
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo đánh giá Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là thị trường rộng mở cho thương mại quốc tế hơn Mỹ và châu Âu, trong đó Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể về môi trường kinh doanh.

Trong báo cáo nhan đề "Môi trường thương mại toàn cầu 2016," WEF hoan nghênh các nước ASEAN ngày càng hội nhập hơn vào kinh tế toàn cầu.

Theo WEF, điều này đã giúp các nước dễ dàng tiếp cận và đưa hàng hóa vào thị trường các nước ASEAN hơn so với các nước châu Âu và Mỹ.

Đặc biệt, WEF đánh giá trong những năm qua, môi trường thương mại của Việt Nam đã cải thiện đáng kể và tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng "Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016," lên vị trí 73/136 nền kinh tế được đánh giá.

Thành tích này nhờ những cải thiện trong khâu quản lý biên giới, hiệu quả hải quan tăng và giảm thời gian thủ tục cho hàng hóa xuất, nhập khẩu. Theo báo cáo, những thay đổi này phản ánh các nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong việc thanh giản thủ tục biên giới và giảm gánh nặng kiểm tra qua nhiều cơ quan khác nhau.

Tuy nhiên, WEF cũng chỉ ra rằng Việt Nam còn cả chặng đường dài phía trước để vươn tới các chuẩn mực quốc tế. Việt Nam được nhận xét là đã cải thiện sự tiếp cận của hàng hóa nước ngoài đối với thị trường nội địa.

Theo WEF, khả năng Việt Nam xâm nhập các thị trường nước ngoài cũng đã cải thiện, nhờ vào thuế quan giảm. Thành tích của Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng không đều, có cải thiện về cơ sở hạ tầng vận tải nhưng suy giảm về các dịch vụ vận tải.

Ngoài ra, Việt Nam đã nỗ lực hơn trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước.

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 3Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò (Nghệ An). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Xem thêm: WEF: Việt Nam thăng hạng về môi trường thương mại toàn cầu

Hoạt động sản xuất tại Việt Nam ở mức cao nhất trong 18 tháng
Báo cáo Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) mới do IHS Markit công bố cho thấy, hoạt động sản xuất tại các nhà máy trong tháng 11/2016 ở Việt Nam đạt mức cao nhất trong 18 tháng qua, trong khi PMI của Indonesia và Malaysia đi xuống.

Cụ thể, PMI của Việt Nam trong tháng 11/2016 tăng lên 54 điểm, cao nhất trong vòng 18 tháng qua, phản ánh "sức khỏe" của lĩnh vực sản xuất cải thiện một cách vững chắc.

Số lượng đơn đặt hàng mới vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2011, giúp các nhà máy tại Việt Nam tăng sản lượng lên mức cao nhất trong vòng 16 tháng sau khi đã sụt giảm trong tháng trước đó.

Sự gia tăng các đơn đặt hàng mới khuyến khích các công ty ở Việt Nam tạo thêm công ăn việc làm trong tháng thứ tám liên tiếp, trong khi hoạt động mua sắm tiếp tục đà tăng trong tháng thứ năm liên tiếp.

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 4Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Hoạt động sản xuất tại Việt Nam ở mức cao nhất trong 18 tháng

Năm 2020: 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu “Gạo Việt Nam”
Đến năm 2020, sẽ có 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, con số này đến năm 2030 là 50%, trong đó có khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm, gạo đặc sản.

Đó là một trong những mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phổ biến tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2016, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 các tỉnh phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (29/11), tại Hà Nội.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, sau gần 2 năm nghiên cứu, khảo sát với sự đóng góp của nhiều tỉnh, thành, Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký quyết định phê duyệt.

Đề án đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 như giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống còn bình quân 80kg/ha; giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8%; diện tích lúa có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chiếm từ 20% trở lên. Đồng thời đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% tại các vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Đề án là tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản, phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu "Gạo Việt Nam" đồng thời quảng bá, giới thiệu thương hiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu. Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia.

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 5Đóng gói gạo ở Công ty Lương thực Trà Vinh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Xem thêm: Năm 2020: 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu “Gạo Việt Nam”

Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI cả nước trong tháng 11 tăng 0,48%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,48% so với tháng Mười đồng thời tăng 4,52% so với cùng kỳ và tăng 4,5% so với tháng 12 năm 2015. Như vậy, CPI bình quân ​11 tháng của năm so với cùng kỳ chỉ tăng 2,47%.

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức công bố các mức tăng này ngày 28/11.

Báo cáo thống kê cho thấy, 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có mức tăng giá. Trong đó, nhóm giao thông tăng giá cao nhất 1,63% và đồ uống và thuốc lá tăng thấp nhất 0,05%. Bên cạnh đó, giá tại nhóm giáo dục không thay đổi so với tháng trước, song nhóm bưu chính viễn thông lại giảm 0,02%.

Theo Báo cáo, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) trong tháng đã tăng 0,1% so với tháng Mười và tăng 1,87% so với cùng kỳ. Theo đó, lạm phát cơ bản mười một tháng của so cùng kỳ năm 2015 chỉ tăng 1,82%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê phân tích trong tháng 11, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao (đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục).

Theo bà Ngọc “mức tăng của lạm phát cơ từ tháng Một đến tháng 11 so cùng kỳ có biên độ dao động khá hẹp (từ 1,64% đến 1,88%), điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô”./.

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 6Giá xăng dầu điều chỉnh khiến nhóm giao thông tăng giá cao nhất 1,63%. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI cả nước trong tháng 11 tăng 0,48%

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trở thành di sản thế giới
Tối 1/12 (theo giờ Việt Nam), tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể họp tại Addis Ababa, Ethiopia, với sự thống nhất của toàn thể Hội nghị, Ủy ban đã chính thức ra nghị quyết công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở tỉnh Nam Định diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh).

Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.

Việc hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại một mặt sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại, mặt khác sẽ làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Các di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh trước đó bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng (2010), Hát Xoan (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử (2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015).

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 7Một buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trở thành di sản thế giới

Việt Nam có thể đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/12​, đến thời điểm này, khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt qua con số 9 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Đây là lượng khách quốc tế cao nhất từ trước đến nay, tạo dấu ấn và đà tăng trưởng cho thời gian tiếp theo, vượt qua mục tiêu ban đầu đề ra cho năm ​nay là đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế.

Tổng cục Du lịch dự báo, theo tốc độ tăng trưởng khách quốc tế từ tháng 9​-11 vừa qua, khả năng tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12​ này sẽ đạt mức cao.

Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm nay ước đạt 10 triệu lượt. Nếu khả năng này thành hiện thực, năm nay sẽ đánh dấu mốc du lịch Việt Nam đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu lần đầu tiên trong lịch sử.

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 8Cầu Tràng Tiền là điểm đến hấp dẫn nhất đối với khách du lịch nước ngoài khi đến Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam có thể đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay

Cả nước có trên 200.000 lao động trình độ đại học trở lên thất nghiệp
Trong số hơn 1,11 triệu người lao động thất nghiệp, có tới 456.100 người có chuyên môn kỹ thuật. Đáng lưu ý, nhóm lao động có trình độ đại học trở lên chiếm nhiều nhất, hơn 202.300 người.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội.

Tại buổi họp báo, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, thống kê thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ, nhất là ở nhóm thanh niên. Đặc biệt, số lượng lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp đang tăng, người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 11 quý 3 năm 2016, số người thất nghiệp quý 3 đã tăng 29.000 người so với quý 2. Tỷ lệ thất nghiệp của quý 3 là 2,34 %, trong đó nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 8,36%, tăng mạnh so với quý trước. Số người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng chiếm tới 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao (7,86%), tiếp tục tăng so với quý 2 và cùng kỳ năm ngoái. Riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 8,78%, gấp gần 4 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,34%).

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 9Lao động tìm kiếm việc làm qua Bảng thông tin thị trường lao động. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Xem thêm: Cả nước có trên 200.000 lao động trình độ đại học trở lên thất nghiệp

Thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng do mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hai đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên từ ngày 13​-18​/10 và từ ngày 30​/10​-7​/11 vừa qua đã làm 65 người chết và mất tích, hơn 191​.000 ngôi nhà bị ngập nước, hơn 22​.000 ha lúa bị ngập và hư hại.

Tổng thiệt hại ước tính lên đến trên 7​.000 tỷ đồng.

Đến nay, Chính phủ và các bộ ngành đã tập trung hỗ trợ địa phương, gần 4.500 tấn lương thực, 400.000 viên cloramin B, 200 cơ số thuốc để hỗ trợ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Các địa phương bị thiệt hại cũng đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.

Tại Hội nghị này, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, đã thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong công tác ứng phó mưa lũ vừa qua: số người chết và mất tích còn nhiều, việc dự báo mưa, lũ đòi hỏi phải chính xác và kịp thời hơn. Đồng thời phải đảm bảo và giám sát quy trình vận hành liên hồ chứa để đảm bảo an toàn cho người dân và đảm bảo trữ nước phục vụ phát điện và phòng chống hạn hán./.

Sự kiện trong nước 28/11-4/12: UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 10Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng do mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục