Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp

Nhiều hoạt động kỷ niệm 71 năm Quốc khánh và Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng điểm đến ưa thích nhất là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 71 năm Quốc khánh và Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng điểm đến ưa thích nhất là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng tám 1945 và Quốc khánh 2/9
Trong tuần, kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9 trên khắp cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động tri ân những đóng góp của các thế hệ đi trước, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ…

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 347 mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 40 mẹ. Triển lãm ảnh “71 năm vang mãi hào khí Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9” đã được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã có điện mừng gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2016).

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 1(Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Nhiều hoạt động kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9

Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam và Singapore
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam và Cộng hòa Singapore từ ngày 26​-30/8, theo lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah và Tổng thống nước Cộng hòa Singapore Tony Tan Keng Yam.

Kết quả nổi bật của các chuyến thăm chính là việc củng cố và tăng cường thêm một bước quan hệ với Brunei Darussalam và Singapore trên cả bình diện song phương và đa phương, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới trên các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, phù hợp với lợi ích thiết thực của mỗi nước.

Các nhà lãnh đạo Brunei Darussalam và Singapore đều hết sức coi trọng và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm, góp phần nâng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Brunei Darussalam, Singapore lên tầm mới cao hơn, tin cậy, sâu sắc và toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực.

Cũng qua các chuyến thăm lần này, có thể thấy rõ quan điểm gần gũi giữa Việt Nam và Brunei Darussalam, Singapore trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN.

Đây là các cơ sở thuận lợi để Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Brunei Darussalam và Singapore trong việc thúc đẩy Cộng đồng ASEAN./.

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 2Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến với Thủ tướng Singagore Lý Hiển Long. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Xem thêm: Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam và Singapore

Thủ tướng Ấn Độ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam
Chiều 3/9, Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2-3/9 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm và chứng kiến lễ ký kết văn kiện giữa hai nước.

Thủ tướng Narendra Modi đã chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Các cuộc hội đàm, tiếp xúc diễn ra trong không khí ấm áp, chân tình và hữu nghị, lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong thời gian qua.

Hai bên hoan nghênh việc hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (6/7/2007-6/7/2017) trong năm 2017; khẳng định đây là mốc quan trọng mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ nhất trí nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược hiện nay lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Thủ tướng Narendra Modi công bố trao gói hỗ trợ 5 triệu USD để xây dựng Công viên Phần mềm Quân đội tại Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang. Hai bên nhất trí sớm ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ và Bộ Công An Việt Nam.

Hai bên đề nghị các Bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020.

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng Ấn Độ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn hơn 2.920 tỷ đồng
Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết tính đến ngày 20/8/2016, đã có 48 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó có 6 tổng công ty.

Tổng giá trị thực tế của 48 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 31.905 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.280 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 48 đơn vị là 23.019 tỷ đồng; trong đó Nhà nước nắm giữ 11.092 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỷ đồng, bán cho người lao động 342 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.103 tỷ đồng.

Về thoái vốn, Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng, trong đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực là chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng-tài chính, bất động sản và quỹ đầu tư. Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nêu trên. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng.

Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, thời gian qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao. Số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên trong 8 tháng năm 2016, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng. Thời gian tới, Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và theo lộ trình hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất.

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 4Hoạt động tại một doanh nghiệp sau cổ phần hóa. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn hơn 2.920 tỷ đồng

4.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng công viên đẳng cấp quốc tế tại Hà Nội
Lần đầu tiên, Thủ đô Hà Nội có một công viên đẳng cấp quốc tế mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Đây là thông tin được đưa ra trong Lễ động thổ Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (Công viên Kim Quy) tổ chức vào sáng 2/9 tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Lễ động thổ do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) tổ chức vào đúng dịp Chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2016).

Phát biểu tại lễ động thổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Dự án Công viên Văn hóa Kim Quy có vị trí đặc biệt, nằm cạnh vùng đất Cổ Loa - di tích có ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa của nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, đây cũng là dự án nhằm thực hiện chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đảng, Nhà nước.

Dự án Công viên Kim Quy là hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050; từng bước hiện thực hóa chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, xây dựng thêm 25 công viên, trong đó có từ 3 đến 5 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới và khu vực của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng, Công viên Kim Quy trải rộng trên diện tích hơn 100ha, được thiết kế kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc ngàn đời của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu.

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 5Quang cảnh lễ động thổ.(Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Xem thêm: 4.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng công viên đẳng cấp quốc tế tại Hà Nội

Tăng cường kiểm soát vốn vay dự án bất động sản cao cấp
Trước dự báo thị trường bất động sản có khả năng sẽ dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp và thiếu nguồn cung nhà bình dân, Bộ Xây dựng nêu đề xuất kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tăng cường kiểm soát việc cho vay đối với các dự án đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng, Điều này vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn để triển khai dự án, đồng thời phải kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, kiểm soát dư nợ tránh tăng nợ xấu vượt ngưỡng cho phép.

Tính đến hết quý 2/2016, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khoảng 425.025 tỷ đồng, tăng 35,99% so với thời điểm kết thúc năm 2014, tăng 8,2% so với cuối năm 2015 và giảm nhẹ ở mức 0,61% so với cuối tháng 5/2016.

Về nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chốt số liệu đến hết quý 2/2016 thì dư nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là 15.726 tỷ đồng trên tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 425.025 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này.

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 6Một góc khu chung cư Trung Hòa-Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm: Tăng cường kiểm soát vốn vay dự án bất động sản cao cấp
Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng điểm đến ưa thích nhất
Trong kết quả khảo sát Expat Insider vừa được công bố, Việt Nam đã có một bước tiến vượt bậc và có mặt trong nhóm những nước đứng đầu danh sách "điểm đến được ưa thích nhất" đối với người nước ngoài.

Các nước trong khu vực châu Á có nhiều sự thay đổi về thứ bậc trong bảng xếp hạng năm nay. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 11 trên tổng số 67 nước và vùng lãnh thổ được khảo sát, cao hơn các nước như Canada, Singapore, Tây Ban Nha.

Đây được xem là một bước nhảy vọt của Việt Nam vì "Đất nước hình chữ S" chỉ đứng thứ 35 trong cuộc khảo sát năm 2015.

Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu danh sách trên, tiếp theo lần lượt là Malta, Ecuador, Mexico, và New Zealand. Singapore đứng thứ 13, trong khi đó, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) "lao dốc" từ vị trí thứ 10 năm 2014 xuống vị trí 44 trong năm nay.

Cuộc khảo sát "Expat Insider" do InterNations - cộng đồng expat (những người sinh sống và làm việc tại nước ngoài) lớn nhất thế giới, đặt trụ sở tại Munich (Đức) - thực hiện thường niên.

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 7Du khách bơi thuyền khám phá vẻ đẹp trên sông Chày, Quảng Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng điểm đến ưa thích nhất

Hà Nội khai trương tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm
Đúng 6 giờ tối 1/9, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức thí điểm tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Thời gian hoạt động từ 19 giờ thứ Sáu đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần, từ ngày 1/9 đến hết năm 2016.

Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, trường Cao đẳng nghệ thuật, Sở Du lịch và các đơn vị nghệ thuật xây dựng các chương trình văn hóa nghệ thuật theo từng tuần cụ thể phục vụ thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Thời gian tới, khu vực không gian này sẽ trở thành không gian đặc biệt.

VNPT Hà Nội đã lắp đặt 31 trạm phát WiFi miễn phí quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Tuyến phố đi bộ kết hợp thương mại và du lịch đầu tiên gồm Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường lên đến chợ Đồng Xuân được Hà Nội triển khai vào năm 2004. Sau đó 10 năm, Hà Nội mở thêm 6 tuyến phố đi bộ gồm Hàng Buồm-Mã Mây-Hàng Giầy-Lương Ngọc Quyến-Tạ Hiện-Đào Duy Từ.

Với việc đưa thêm khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Hà Nội có 26 phố với khoảng 6,5km đường dành cho việc đi bộ./.

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 8Cảm giác thư thái khi đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xem thêm: Hà Nội khai trương tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm

Thi THPT quốc gia 2017: Sẽ làm bài thi trắc nghiệm tổng hợp
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 có cải tiến để đảm bảo tính toàn diện, tránh học tủ, học vẹt là sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức bài thi tổng hợp. Cụ thể, thí sinh sẽ làm bài thi tổng hợp trắc nghiệm đối với môm toán, khoa học xã hội, khoa học nhân văn.

Đây là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chính thứ công bố tại buổi họp báo trước thềm năm học mới chiều nay, 4/9.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đề thi năm 2016 được đánh giá tốt, kỳ thi nghiêm túc, nhưng vẫn có hiện tưọng học tủ, học vẹt. Trong quá trình thi vẫn còn nhìn bài nhau. Chấm thi theo barem nên có sự du di.

“Bây giờ có công nghệ thông tin tốt, kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội đã chứng minh là tốt. Thi trắc nghiệm, chấm trên máy nên khắc phục tốt những tiêu cực,” ông Nhạ nói.

Về phuơng thức tổ chức thi, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ chủ trương tiếp tục như năm 2016. Việc tổ chức thi tại cụm đại học tại tỉnh như năm 2016 đã cho thấy, địa phưong hoàn toàn có thể thực hiện được.

Liên quan đến xét tuyển vào các trường đại học, Bộ trưởng Nhạ cho biết vẫn thực hiện như năm 2016 là kỳ thi hai mục đích: kết quả thi vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào các trường đại học.

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 9Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Xem thêm: Thi THPT quốc gia 2017: Sẽ làm bài thi trắc nghiệm tổng hợp

Virus Zika hoành hành ở Singapore, Bộ Y tế họp bàn ứng phó
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Khánh Hòa nhằm tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm virus Zika tại các điểm có nguy cơ cao.

Tính đến ngày 31/8, tại Singapore đã có 115 trường hợp nhiễm virus Zika. Kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại quốc gia này được công bố hôm 27/8, các ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận. 

Hiện nay trên thế giới đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người.

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh trước tình hình đó, để tăng cường giám sát bệnh do virus Zika, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya. Test Trioplex được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ.

Tại buổi họp trực tuyến, các đại biểu tại 4 điểm cầu đã tập trung thảo luận, thống nhất cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ Zika, đưa ra các tiêu chí lấy mẫu xét nghiệm để tránh bỏ sót nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm Zika nếu có; sử dụng kỹ thuật xét nghiệm mới cùng lúc phát hiện 3 tác nhân gây bệnh để có thể tổ chức phòng chống bệnh kịp thời. 

Các đại biểu cùng thống nhất về tiêu chí chọn mẫu, địa điểm triển khai giám sát trọng điểm căn cứ trên tình hình thực tiễn của các địa phương. Kế hoạch triển khai giám sát sẽ mở rộng ra các phòng khám ngoại trú, nơi bệnh nhân thường có biểu hiện các triệu chứng nhẹ tới khám để lấy được đúng đối tượng giám sát, hạn chế việc bỏ sót đối tượng.

Quy trình chọn mẫu, thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm... được thực hiện theo quyết định của Bộ Y tế về “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do virus Zika.”

Sự kiện trong nước 29/8-4/9: Kiểm soát tín dụng bất động sản cao cấp ảnh 10

Xem thêm: Virus Zika hoành hành ở Singapore, Bộ Y tế họp bàn ứng phó

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục