Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh

Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ đảng của bà Hồ Thị Kim Thoa và Việt Nam đã chính thức có thị trường chứng khoán phái sinh là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ đảng của bà Hồ Thị Kim Thoa và Việt Nam đã chính thức có thị trường chứng khoán phái sinh là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam tham gia ASEAN

Tối 8/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam tham gia ASEAN.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ASEAN đã trở thành một Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, hoạt động trên cơ sở luật lệ, gắn kết toàn diện và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; có vai trò và vị thế ngày càng tăng ở khu vực và thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN đang làm chủ vận mệnh của mình, giữ vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực đang định hình, Thủ tướng cho rằng ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội lực, đưa liên kết lên tầm mức cao hơn, xây dựng một Cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi ASEAN là một trụ cột ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình, ổn định và vững mạnh; thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột, tích cực đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển ở khu vực.

Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày hình thành và phát triển ASEAN. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Phát biểu của Thủ tướng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN

Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ đảng của bà Hồ Thị Kim Thoa
Ngày 8/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (số 87-BC/UBKTTW, ngày 04/8/2017) và ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc thi hành kỷ luật đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, căn cứ Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, Ban Bí thư quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với đồng chí Hồ Thị Kim Thoa./.

Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh ảnh 2Bà Hồ Thị Kim Thoa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ đảng của bà Hồ Thị Kim Thoa

Thuê tư vấn quốc tế xây dựng phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc thuê Tư vấn chuyên ngành quốc tế nghiên cứu, rà soát Quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương và phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 để thuê Tư vấn chuyên ngành quốc tế nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc sử dụng đất cho ngành hàng không, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Cảng hàng không, các quy hoạch liên quan tại khu vực Cảng hàng không-Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (cả về phía Bắc và phía Nam, không bị giới hạn về Quy hoạch sử dụng đất) nhằm nâng cao công suất khai thác kết cấu hạ tầng, phù hợp với tốc độ phát triển giao thông vận tải hàng không.

Bộ Giao thông Vận tải quyết định việc giao cơ quan chủ trì lập quy hoạch, đơn vị làm chủ đầu tư và chỉ đạo thực hiện việc lựa chọn nhà thầu tư vấn chuyên ngành quốc tế, bảo đảm các yêu cầu về uy tín, năng lực, kinh nghiệm theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật; đồng thời, tiếp thu ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ Đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để thực hiện.

Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh ảnh 3Một góc Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thuê tư vấn quốc tế xây dựng phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất

Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời đánh dấu mốc son mới
Sau 17 năm kể từ khi thị trường chứng khoán cơ sở ra đời, Việt Nam đã chính thức có thị trường chứng khoán phái sinh.

Tại Lễ khai trương Thị trường Chứng khoán phái sinh Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của thị trường chứng khoán cơ sở, qua đó làm tăng tính thanh khoản cùng quy mô thị trường, qua đó hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, trở thành kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.Thị trường cổ phiếu xuất hiện từ năm 2000, sau đó thị trường trái phiếu chuyên biệt có mặt vào năm 2009, đến nay thì thị trường chứng khoán phái sinh chính thức khởi động.

Theo Phó Thủ tướng, “đây là trụ cột quan trọng thứ ba trong cấu trúc của một thị trường chứng khoán hiện đại.”

Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh ảnh 4Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ khai trương Thị trường Phái sinh Việt Nam, ngày 10/8. (Ảnh: BTC)

Xem thêm: Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời đánh dấu mốc son mới

Từng bước đưa sản xuất ôtô trở thành ngành kinh tế quan trọng
Sáng 10/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Phát triển cụm công nghiệp ôtô thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, cho biết chủ trương và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng vẫn trong tình trạng “loay hoay," kém phát triển và chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân có nhiều, gồm cả chủ quan và khách quan nhưng chủ yếu do thị trường nhỏ, sức mua thấp trong khi lại thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển.

Trước tình hình này, Chính phủ giao các bộ, ngành tập trung nghiên cứu các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất ôtô, từng bước đưa ngành này trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp thiết thực vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế...

Bộ Công Thương đang xây dựng gói chính sách để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ôtô, trong đó yêu cầu đặt ra là làm sao giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp tham gia ngành này để nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của mỗi đơn vị.

Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh ảnh 5Lắp ráp xe tải tại Công ty Cổ phần Ôtô Đông Bản Việt Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Xem thêm: Từng bước đưa sản xuất ôtô trở thành ngành kinh tế quan trọng

Tăng trưởng tín dụng: Tốt nhưng vẫn cần kiểm soát
Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chính nhờ động thái tích cực của lãi suất khi lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần, tín dụng đã tăng trưởng tích cực. Ước tính đến cuối tháng Bảy, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,8%.

Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua, đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế.

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%. Cùng đó, những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.

Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Tăng trưởng tín dụng: Tốt nhưng vẫn cần kiểm soát

“Chốt” lương tối thiểu vùng năm 2018 chỉ tăng ở mức 6,5%
Ngày 7-8, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ 3 về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018.

Hội đồng tiền lương đã đưa ra 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là tăng trung bình 6,5% và 7% để bỏ phiếu. Kết quả phương án tăng 6,5% được chọn với 8/14 phiếu đồng ý. Phương án này sẽ được Hội đồng tiền lương Quốc gia trình Chính phủ để quyết định mức tăng lương năm 2018.

Đây là mức tăng thấp nhất từ trước tới nay. Cụ thể, vùng 1 mức lương tối thiểu là 3.980.000 đồng; vùng 2 là 3.530.000 đồng; vùng 3 là 2.900.000 đồng; vùng 4 là 2.580.000 đồng. Tính bình quân chung 4 vùng bằng 6,5% so với năm 2017. Mức tăng dao động từ 180.000-230.000 đồng.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức tăng 6,5%, thì lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020. Với phương án tăng lương trung bình 6,5% thì lương tối thiểu đáp ứng từ 92-96% mức sống tối thiểu. Bởi thực tế, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của cả quốc gia.

Xem thêm: “Chốt” lương tối thiểu vùng năm 2018 chỉ tăng ở mức 6,5%

Tập trung truyền thông vào 3 vấn đề chính phòng sốt xuất huyết
Chiều 10/8, tại Cuộc họp tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong; trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp.

Dự báo thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho véc-tơ phát triển. Do đó, cần tăng cường phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ cao để phòng bệnh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị: Trước tình hình trên, giải pháp hiện nay đầu tiên là phải tập trung truyền thông vào 3 vấn đề chính gồm cách phòng tránh muỗi đốt, sử dụng bình xịt muỗi tại các gia đình và biện pháp chính là diệt các ổ loăng quăng. Nếu đã bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất và chỉ nhập viện khi bác sỹ yêu cầu để tránh lây chéo các bệnh khác.

Đồng thời, ngành y tế cần huy động phun hóa chất diệt muỗi; tăng cường các máy phun và hóa chất. Hiện nay, biện pháp "hạ nhiệt" chính là phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao như trong nhà, chợ, bệnh viện, trường học... Trong đó, bệnh viện chính là ổ truyền nhiễm nguy hiểm nên 100% bệnh viện và trạm y tế phải được phun hóa chất diệt muỗi.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tăng cường tập huấn cho các đội phun hóa chất về cách pha và phun đúng theo hướng dẫn. Hệ thống điều trị cần tập trung cho các ca nặng, chuyển bệnh nhân nhẹ đến các bệnh viện vệ tinh để giảm quá tải hoặc hướng dẫn điều trị ngoại trú, tránh để người bệnh phải nằm ghép...

Xem thêm: Tập trung truyền thông vào 3 vấn đề chính phòng sốt xuất huyết

Việt Nam vào danh sách điểm đến đẹp và tiết kiệm nhất thế giới
Trang Business Insider vừa công bố những địa điểm du lịch mà du khách chỉ mất 20 USD chi phí một ngày, trong đó có Việt Nam.

Theo trang Business Insider, Việt Nam là một đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh và chi phí du lịch vô cùng tiết kiệm.

Từ Thủ đô Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều địa điểm ăn uống và vui chơi tuyệt vời mà khách du lịch chỉ mất khoảng 20 USD một ngày. Các nhà nghỉ ở Việt Nam cũng thường có giá 3 USD trở lên một đêm.

Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh ảnh 7Đại Nội Huế về đêm. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam vào danh sách điểm đến đẹp và tiết kiệm nhất thế giới

Kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao
Thời gian qua, nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chất lượng môi trường tiếp tục bị xuống cấp ở một số nơi, đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.

Đặc biệt, sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung thời gian vừa qua là bài học đắt giá. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Chánh Văn phòng Bộ tài nguyên và Môi trường Tăng Thế Cường cho biết Bộ cùng cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp đã đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế, công cụ, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường và đã đạt được những kết quả, bài học nhất định, góp phần phòng ngừa, hạn chế, làm giảm sự gia tăng ô nhiễm về ô nhiễm môi trường.

Sự kiện trong nước 7-13/8: Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh ảnh 8Bãi rác tại huyện Nga Sơn gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Xem thêm: Kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục