Sự kiện trong nước: Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư Thành ủy TP.HCM

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư

Ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM và Việt Nam-EU hoàn tất đàm phán chống khai thác gỗ bất hợp pháp là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam-EU hoàn tất đàm phán chống khai thác gỗ bất hợp pháp là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh
Sáng 10/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác nhân sự.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã đọc Quyết định của Bộ Chính trị phân công đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ công bố các quyết định, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, cho biết để đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, liên tục của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng đối với Đảng bộ Thành phố; căn cứ vào quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã họp, thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, khách quan, toàn diện, cân nhắc nhiều mặt, nhiều chiều các phương án kiện toàn, phân công và đã biểu quyết đồng thuận 100% với phương án phân công đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 1Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Xem thêm: Ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Từ ngày 5-10/5, tại Thủ đô Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết nghị thông qua nội dung 3 Nghị quyết chuyên đề về kinh tế gồm  Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ban Chấp hành tán thành với Tờ trình và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; khẳng định việc kiểm điểm được tiến hành nghiêm túc, đúng nguyên tắc, bài bản, đạt yêu cầu đề ra.

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, thực hiện hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này.

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 2Toàn cảnh bế mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem thêm: Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Việt Nam-EU hoàn tất đàm phán chống khai thác gỗ bất hợp pháp
Ngày 11/5, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).

Hiệp định sẽ giúp cải thiện quản trị rừng, giải quyết khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp được xác nhận từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác.

Sau gần 6 năm đàm phán, hai trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam và EU là tiến sỹ Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Phát triển bền vững toàn cầu, Tổng cục Môi trường của Ủy ban châu Âu, đã ký tắt lời văn của Hiệp định VPA/FLEGT. Việc ký kết này đánh dấu việc kết thúc chính thức tiến trình đàm phán hiệp định.

Hai bên sẽ tiến hành rà soát pháp lý lời văn hiệp định đã được thỏa thuận, sau đó hiệp định sẽ được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của EU và tiếng Việt. Trước khi hiệp định có hiệu lực, mỗi bên sẽ phải hoàn thiện thủ tục ký kết và thông qua phù hợp với các quy trình nội bộ.

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam-EU hoàn tất đàm phán chống khai thác gỗ bất hợp pháp

Cán cân thương mại xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế
Trước thực tế các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu gần 5,8 tỷ USD và khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu gần 8,5 tỷ USD nhiều chuyên gia khẳng định, đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế.

Bởi, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng thể hiện sự phục hồi trong sản xuất. Với một nền sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu như Việt Nam, mức tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu trong giới hạn là có thể chấp nhận được.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Tư vừa qua đạt 16,7 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch hàng hóa 4 tháng lên 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016.Đây được đánh giá là mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Giới phân tích cho rằng, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng được doanh nghiệp nhập về phục vụ sản xuất chiếm tới gần 40%. Các loại hàng hóa nhập khẩu chiếm tới 11 tỷ USD cho thấy sự phục hồi trong khu vực sản xuất.

Cũng trong 4 tháng, nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm và Hàn Quốc đã vươn lên đứng đầu với mức 7,3 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam và nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có chọn lọc hơn về nhà đầu tư.

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 4Dây chuyền may áo sơmi. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Xem thêm: Cán cân thương mại xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế

Thị trường thịt lợn chuyển biến tích cực, giá lợn hơi tăng 7.000 đồng
Theo tổng hợp của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp… giá thịt lợn hơi đã tăng trung bình 5.000 – 7.000 đồng/kg. Đồng thời giá bán thịt lợn đến người tiêu dùng giảm 10-30%.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi cho biết “​nhờ sự vào cuộc của các đơn vị, giá đầu vào chăn nuôi đã giảm đáng kể, giá thức ăn chăn nuôi giảm bình quân 200 đồng/kg, lãi suất tín dụng giảm và tiếp tục cho vay mới.

Đặc biệt, thị trường tiêu thụ thịt lợn đã có những tín hiệu tích cực, giá thịt lợn hơi tăng trung bình 5.000-7.000 đồng/kg. Giá thịt lợn bán trên thị trường giảm 10-30%,” ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Chăn nuôi, mặc dù thị trường thịt lợn đã có những chuyển biến nhưng ngành chăn nuôi lợn vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị chức năng của các địa phương khẩn trương tổng hợp tình hình thực hiện và kết quả triển khai các giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn.

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thị trường thịt lợn chuyển biến tích cực, giá lợn hơi tăng 7.000 đồng

Thị trường lao động sẽ biến đổi thế nào trong thời đại công nghệ 4.0?
Công nghệ 4.0 được mô tả với các thành tựu của trí tuệ nhân tạo với máy móc tự động và thông minh như ôtô tự lái, robot… Trong cuộc cách mạng công nghệ này, thị trường lao động sẽ bị tác động mạnh mẽ khi hàng triệu công việc biến mất và được thay thế bằng máy móc.

Bên lề Đối thoại Chính sách cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được tổ chức từ ngày 11-15/5 tại Hà Nội, các chuyên gia đã cũng thảo luận để đặt ra mục tiêu tạo nền tảng, cơ sở tốt trong việc hoàn thiện sáng kiến này và đưa ra những khuyến nghị trong lĩnh vực liên quan.

Ông Phú Huỳnh, Chuyên gia về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ với tốc độ chưa từng thấy đối với thị trường lao động và các quốc gia thành viên APEC không ngoại lệ.

“Những công nghệ đang dần xâm nhập vào quá trình sản xuất và làm thay đổi cơ cấu thị trường lao động trong thời gian qua như tự động hoá robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật kết nối, công nghệ in 3D…. Trong quá trình này, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hoá cao nhất chỉ sau Trung Quốc, chiếm tới gần 70% vị trí việc làm,” ông Phú Huỳnh cho biết.

Theo báo cáo mới công bố của ILO, ước tính 86% lao động trong ngành dệt may, da giày và 75% lao động trong ngành điện tử của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao do những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật. Đây cũng là ngành đang sử dụng nhiều lao động nhất ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, phụ nữ và những lao động không có kỹ năng sẽ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tự động hóa.

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thị trường lao động sẽ biến đổi thế nào trong thời đại công nghệ 4.0?

Xuất khẩu nông, thủy sản vẫn còn bấp bênh trong 4 tháng đầu năm
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm ở mức hai con số, nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản vẫn bấp bênh do biến động cả về giá và lượng.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng Tư ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2016. Nâng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sau 4 tháng lên con số khoảng 61,34 tỷ USD (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 ở mức 6,5%.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do biến động không ổn định về giá nên nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản giảm mạnh, đơn cử mặt hàng gạo giảm 8,8%, hạt tiêu giảm 24,3%. Riêng mặt hàng sắn giảm 19,8% về lượng và giảm 1,2% về giá.

"Giá thị trường thế giới đối với hạt tiêu sụt giảm do cung thế giới vượt cầu. Trong khi đó, lượng xuất khẩu gạo sụt giảm do áp lực cạnh tranh và hàng rào kiểm dịch chất lượng của một số thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của Việt Nam như Malaysia, Ghana, HongKong," đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Xuất khẩu nông, thủy sản vẫn còn bấp bênh trong 4 tháng đầu năm

Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017
Trong 2 ngày 11 và 12/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) tại Phnom Penh, Campuchia.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất Diễn đàn WEF-ASEAN xem xét thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị chính sách về giáo dục, đào tạo nghề và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; hình thành thị trường ý tưởng khởi nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hoặc mua các ý tưởng startups của các tài năng trẻ ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh là một thành viên năng động của ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh và tiến lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Philipp Roesler, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần và Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Cisco (Mỹ) Goh Seow Hiong…

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 8Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Phiên thảo luận “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông minh”. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017

Tuyển sinh đại học năm 2017: Làm theo nhóm để "lọc ảo" hiệu quả
Ngày 8/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp của 41 trường đại học phía Bắc bàn về phương án xét tuyển năm 2017 theo nhóm.

Năm 2017 sẽ là năm đầu tiên các trường đại học ​ở Việt Nam thống nhất xét tuyển chung với 2 nhóm trường miền Bắc và miền Nam. Đây là điểm mới nhất trong mùa tuyển sinh năm nay, phương án xét tuyển chung có thể giúp các trường “lọc” thí sinh ảo hiệu quả nhất.

Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chủ trì nhóm trường miền Nam. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đảm nhiệm vai trò chủ trì tuyển sinh của nhóm miền Bắc.

Các trường trong nhóm sẽ sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp để thực hiện xét tuyển đợt 1. Các trường cũng sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do chủ trì chịu trách nhiệm quản lý; thống nhất chế độ ưu tiên tuyển sinh khi thực hiện xét tuyển theo quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh 2017...

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 9Hướng dẫn thí sinh làm thủ tục thi. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Xem thêm: Tuyển sinh đại học năm 2017: Làm theo nhóm để "lọc ảo" hiệu quả

Hành động khẩn cấp để ngăn chặn săn bắn, bảo tồn các loài linh trưởng
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, sẽ tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng; xây dựng ít nhất 3 trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn để thực hiện việc cứu hộ, tái thả các cá thể linh trưởng theo các quy trình.

Một trong các nhiệm vụ của Đề án là nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật để bảo vệ các loài linh trưởng và môi trường sống của chúng. Cụ thể, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hỗ trợ hoạt động kiểm soát và thu giữ các loại súng săn trong các khu dân cư gần với môi trường sống của các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các vườn quốc gia và khu bảo tồn có phân bố các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phân bổ ngân sách hàng năm để ưu tiên nghiên cứu, bảo vệ và giám sát các quần thể linh trưởng tại chỗ; có các hoạt động bảo vệ và ngăn chặn các hoạt động làm suy thoái rừng tại những khu vực là môi trường sống của các loài linh trưởng; tiến hành các hoạt động bảo vệ, phục hồi rừng và trồng rừng nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng môi trường sống cho các loài linh trưởng được ưu tiên bảo tồn tại chỗ.

Sự kiện trong nước 8-14/5: Thành ủy TP Hồ Chí Minh có tân Bí thư ảnh 10Ảnh minh họa. (Nguồn: Pinterest)

Xem thêm: Hành động khẩn cấp để ngăn chặn săn bắn, bảo tồn các loài linh trưởng

(TTXVN

Tin cùng chuyên mục