Sự kiện trong nước: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước

Bộ Chính trị trình nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo Nhà nước và WB đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Bộ Chính trị trình nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo Nhà nước và WB đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 7-13/3:

Bộ Chính trị trình nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo Nhà nước
Sáng 10/3, tại Hà Nội, hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc .

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bàn về chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 201-2020; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị đã khẩn trương chỉ đạo việc hoàn chỉnh các văn kiện của Đại hội để sớm công bố; chuẩn bị ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chuẩn bị xây dựng các quy chế làm việc, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Bộ Chính trị cũng đã thông qua chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016; tiến hành phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bước đầu bố trí và sắp xếp lại nhân sự một số cơ quan Trung ương; đồng thời tích cực chuẩn bị giới thiệu nhân sự thuộc diện Trung ương quản lý ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; bàn việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem thêm: Bộ Chính trị trình nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo Nhà nước

WB đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam cùng 5 nền kinh tế đang nổi khác là những nước sẽ có tăng trưởng cao trong năm nay và nhiều năm tiếp theo.

Trong báo cáo trên, WB đánh giá Việt Nam đã đẩy mạnh những nỗ lực phát triển, thúc đẩy tư nhân hóa, đồng thời bắt kịp một số quốc gia láng giềng.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy tư nhân hóa và khu vực nhà nước hiện chỉ chiếm 40% nền kinh tế.

Nông nghiệp Việt Nam cũng đã giảm tỷ trọng trong toàn nền kinh tế khi chỉ chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hồi năm ngoái, trong khi ngành sản xuất và dịch vụ chiếm tới 82%.

Bên cạnh đó, khu vực tư nhân của Việt Nam đang tăng trưởng nhờ vào dân số và lực lượng lao động ngày một đông đảo; lương thực tế cũng tăng và giá cả ổn định ở mức thấp.

Tuy có một số khó khăn, nhưng trong bối cảnh đầu tư vào hạ tầng và công nghiệp ngày một lớn, WB vẫn dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng hàng năm 6%.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 2Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của Việt Nam. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

Xem thêm: WB đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Vẫn còn tâm lý dựa vào Nhà nước, nợ công có thể sẽ vượt trần
Huy động vốn vay của Chính phủ năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm 2011 trong đó huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ tăng gần 3,5 lần.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ Chính phủ tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua. Vấn đề này được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) lý giải sau khi báo cáo bộ này mới đây có thống kê dư nợ Chính phủ đã vượt trần cho phép 0,3%.

Theo ông Long, các giới hạn trần nợ cho phép giai đoạn năm 2011-2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua trong đó có nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Tuy nhiên, tới ngày 31/12/2015, ước tính nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, vượt 0,3% so với mức trần.

Khẳng định việc giữ các chỉ tiêu nợ trong mức trần cho phép là cần thiết, ông Long cho rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.
Theo ông, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được xây dựng trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa, không thực hiện đầu tư vượt quá khả năng bố trí trả nợ của ngân sách.

Một giải pháp được ông nhắc tới là thu hẹp đầu tư của Nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có tác dụng lan tỏa rộng. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công, siết chặt phạm vi, đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh của Chính phủ.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 3Việc huy động vốn vay ngắn hạn trong những năm 2011-2013 đã tạo áp lực trả nợ vào các năm 2015-2017. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Vẫn còn tâm lý dựa vào Nhà nước, nợ công có thể sẽ vượt trần

Các tỉnh phía Nam kiệt quệ vì hạn hán, xâm nhập mặn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến đầu tháng Ba này, có khoảng 139.000ha lúa Đông Xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại từ 30-70% do hạn hán, xâm nhập mặn.

Tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... nhiều diện tích lúa Đông Xuân bị chết cháy do nhiễm mặn, hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền các tỉnh này đang nỗ lực chống hạn như khoan giếng cấp nước sinh hoạt cho người dân, nạo vét kênh mương lấy nước cứu lúa.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, với hiện tượng El Nino hoạt động mạnh, mùa hạn có thể kéo dài đến tháng 7-8 tới và dẫn đến nhiều hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.

Để giảm thiệt hại lớn về sản xuất lúa cũng như nuôi trồng thủy sản của khu vực này, mỗi địa phương đều phải tự tìm giải pháp ứng phó mới có thể cứu lúa, cứu tôm khi mùa hạn kéo dài.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 4Cán bộ huyện và người dân ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau trên mảnh ruộng bị chết khô vì hạn, mặn. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

Xem thêm: Các tỉnh phía Nam kiệt quệ vì hạn hán, xâm nhập mặn

Khánh thành Cảng quốc tế Cam Ranh
Ngày 8/3, tại Căn cứ quân sự Cam Ranh, Quân chủng Hải quân tổ chức lễ khai trương Cảng Quốc tế Cam Ranh.

Cam Ranh có vị trí chiến lược bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông, là vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến hàng hải quốc tế và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các khu vực dầu khí tại thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam.

Với vị trí địa lý nằm trong vịnh Bình Ba kín sóng, kín gió, vùng nước rộng, độ sâu ổn định trên 20m nước, khu vực này ít chịu ảnh hưởng của giông bão, địa chất tốt phù hợp cho việc xây dựng các cầu cảng tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự cỡ lớn; sửa chữa, đóng mới các công trình biển như giàn khoan.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về sử dụng căn cứ Cam Ranh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Cảng-Petro Cam Ranh (TCP Cam Ranh) đã được chính thức thành lập với tổng vốn đầu tư là 2.000 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) góp 1.500 tỷ (chiếm 75%) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam góp 500 tỷ (chiếm 25%).

Cảng Quốc tế Cam Ranh là một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu với tải trọng tàu tối đa đến 110.000 DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 5Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự Lễ khánh thành Cảng Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Xem thêm: Chủ tịch nước dự lễ khánh thành Cảng Quốc tế Cam Ranh

Tăng lãi suất huy động chỉ là tạm thời, không phải xu hướng chung
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã “chạy đua” tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn và dài.

Theo Ngân hàng Nhà nước, diễn biến này không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016 có 15 tổ chức tín dụng tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1-0,2%/năm, trong khi có 6 tổ chức tín dụng lại giảm, bình quân từ 0,1-0,3%/năm.

Vì vậy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5-5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5-7,2%/năm.

Ở góc độ điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 6(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Xem thêm: Tăng lãi suất huy động chỉ là tạm thời, không phải xu hướng chung

Miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất nước
Ngày 10/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết các địa phương đã cơ bản hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, chỉ còn 5 địa phương chưa hoàn thành cuộc điều tra này.

Theo kết quả sơ bộ, miền núi Tây Bắc là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất với trên 55% tổng số hộ dân, tiếp đến là miền núi Đông Bắc với hơn 29%. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là dưới 10%. Các khu vực khác có tỷ lệ này từ 12-24%.

Tới cuối tháng Ba này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp xong về số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới để báo cáo Chính phủ.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất nước

Cảnh báo về biến tướng của hoạt động bán hàng đa cấp
Cục Quản lý Cạnh tranh vừa lên tiếng chính thức cảnh báo về hình thức bán hàng đa cấp sau một loạt các vụ việc doanh nghiệp lợi dụng mô hình này để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Việc biến tướng của mô hình bán hàng đa cấp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng xã hội và đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự như vụ việc MB 24, Colony Invest, Tâm mặt trời và gần đây nhất đang nổi lên là Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Việt Phát. Đây là những vụ việc gây hậu quả lớn đối với cộng đồng xã hội.

Do đó, để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người dân cần tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp mà mình dự định định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp như tình trạng đăng ký, uy tín của doanh nghiệp, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Thông tin về các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh (www.vca.gov.vn).

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 8Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra sản phẩm tại Công ty VietNet, số 15 Đặng Thùy Trâm, Cầu Giấy (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xem thêm: Cảnh báo về biến tướng của hoạt động bán hàng đa cấp

Quảng bá du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch lớn nhất thế giới
Khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch và lữ hành đã tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế (ITB) lớn nhất thế giới, khai mạc ngày 9/3 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (ICC) ở Berlin, Đức.

Năm nay, khu gian hàng Việt Nam được bài trí khá quy củ và bắt mắt với quy mô lớn nhất trong các lần tham dự hội chợ ITB cho tới nay.

Gian hàng Việt Nam nổi bật với mô hình chủ đạo được dựng lên ở chính giữa là hình ảnh Đoan Môn thuộc quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long, một công trình kiến trúc đồ sộ, được nhiều triều đại xây dựng và hiện là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống di tích lịch sử của Việt Nam.

Phát biểu khi tới thăm các gian hàng Việt Nam, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Taleb Rifai đã ca ngợi vẻ đẹp của phong cảnh, đất nước và con người Việt Nam, quốc gia có rất nhiều di sản thế giới. Ông cũng cho biết, ngành du lịch Việt Nam những năm qua đã phát triển mạnh mẽ và số du khách quốc tế tới Việt Nam đã tăng lên trên 8 triệu lượt người, gấp bốn lần trong hơn 10 năm qua.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết so với các năm trước, Việt Nam đã có một bước tiến lớn khi tham gia ITB năm nay với một khu vực riêng và tập trung để quảng bá về du lịch đất nước, góp phần khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 9Gian hàng Việt Nam dự Hội chợ. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Xem thêm: Quảng bá du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch lớn nhất thế giới

Báo động tình trạng cháy rừng trên cả nước trong mùa khô hạn
Trong các ngày 8 và 9/3, tại núi Cậu trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã xảy ra 3 đám cháy lớn gây thiệt hại hơn 4ha rừng tự nhiên.

Ngày 9/3, trên địa bàn các huyện Phù Yên, Bắc Yên, tỉnh Sơn La xảy ra cháy rừng và đã cháy lan sang rừng thuộc các xã Bản Mù, Làng Nhì, Tà Si Láng của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, trải dài trên 3km.

Tại xã Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi khu rừng tràm đang cho thu hoạch.

Trong khi đó, tại tỉnh Sơn La xảy ra vụ cháy rừng ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên trên diện tích khoảng 10km; còn ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Điện Biên rừng phòng hộ tự nhiên và rừng trồng thuộc địa phận cũng bị "bà hỏa" hỏi thăm.

Theo nhận định từ các địa phương, tình trạng cháy rừng có nguyên nhân do đợt rét kỷ lục hồi cuối tháng 1/2016. Hiện tượng băng giá khiến thảm thực vật chết, cây bị chết đứng, cành và lá rụng xuống tạo nên vật liệu cháy dày và dễ bắt lửa.

Trong khi đó, hiện đang là mùa nương rẫy, nhiều người dân địa phương vẫn đốt nương làm rẫy, cộng với thời tiết hanh khô, gió Lào thì nguy cơ cháy rừng là rất cao. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng giờ đây càng cấp thiết.

Sự kiện trong nước từ 7-13/3: Trình nhân sự ứng cử lãnh đạo Nhà nước ảnh 10Các lực lượng khẩn trương dập lửa vụ cháy rừng Nà Tấu, Điện Biên. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Xem thêm: Báo động tình trạng cháy rừng trên cả nước trong mùa khô hạn

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục