Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết

"Nóng bỏng" cuộc họp báo dị thường 8 phút của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung là sự kiện nổi bật nhất tuần qua.

"Nóng bỏng" cuộc họp báo dị thường 8 phút của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung là sự kiện nổi bật nhất tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 25/4-1/5:

Nga hạ thủy chiến hạm Gepard đóng cho Hải quân Việt Nam
Ngày 27/4, tại nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở Zelenodolsk của Nga đã diễn ra lễ hạ thủy tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, đóng cho Hải quân Việt Nam.

Tham gia sự kiện có Thủ tướng Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga Ildar Khalikov, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh, đại diện công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport và nhiều đại biểu khác.

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh là người thực hiện phong tục đập chai champange hạ thủy con tàu.

Chiến hạm Gepard 3.9 được đóng theo đơn đặt hàng của Hải quân Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Trước đó, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã đóng 2 tàu hộ vệ, và tháng 10/2012 ký hợp đồng cung cấp thêm 2 chiến hạm khác cho Việt Nam. Con tàu trên được đặt ki tháng 9/2013.

Tàu Gepard-3.9 có lượng rẽ nước gần 2.200 tấn, trang bị tên lửa, pháo, máy bay, vũ khí chống tàu ngầm và vũ khí tác chiến điện tử hiện đại, cũng như thủy lôi và vũ khí chống biệt kích, phương tiện thông tin bên ngoài và trong tàu, thiết bị truyền, giám sát hình ảnh và âm thanh.

Tàu chiến lớp Gepard được thiết kế để đối phó với máy bay, tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, hỗ trợ và bảo vệ các đoàn tàu trong xung đột, bảo vệ và tuần tra biên giới./.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 1Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 được Nga đóng cho Hải quân Việt Nam. (Nguồn:business-gazeta.ru)

Xem thêm: Nga hạ thủy chiến hạm Gepard đóng cho Hải quân Việt Nam

Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,9% trong hai năm tới
Ngày 28/4, tại Hà Nội, Ủy ban kinh tế​-xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc công bố Báo cáo điều tra kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016.

Theo Báo cáo điều tra kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016, dự báo trong các năm 2016 và 2017 Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,8-6,9%.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho kinh tế Việt Nam trong việc tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn về môi trường, lao động, đồng thời cũng có thể sẽ phải nâng chi phí sản xuất trong thời gian ngắn hạn.

Việt Nam cần tiếp tục và kiên trì đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng xuất lao động, trong đó chú trọng cải cách dài hạn; nới lỏng điều kiện gia nhập thị trường và quyền sở hữu tài sản cho các doanh nghiệp; đổi mới cách tiếp cận cải cách trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, gắn nâng cao chất lượng đào tạo với nhu cầu sử dụng người lao động của các doanh nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò trọng tâm của doanh nghiệp và người lao động, kết hợp thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước.../.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 2(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,9% trong hai năm tới

Cuộc họp báo “dị thường” của Bộ Tài nguyên-Môi trường về vụ cá chết
Trước sức ép dư luận và sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan thông tấn báo chí, tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định tổ chức cuộc họp báo chớp nhoáng, chỉ kéo dài trong vòng 8 phút để công bố thông tin về vụ việc cá chết bất thường hàng loạt ở ven biển miền Trung.

Ngay sau khi cuộc họp báo bắt đầu, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã thông báo về cuộc họp kín diễn ra buổi chiều cùng ngày. Sau đúng 8 phút đọc xong bài phát biểu” in kín 2 mặt giấy, ông liền rời khỏi phòng họp trong sự ngỡ ngàng, hụt hẫng của hàng trăm phóng viên.

Trong cuộc họp này, rất nhiều phóng viên muốn đặt câu hỏi nhưng không còn ai để trả lời. Các phóng viên thất vọng cho rằng đây hoàn toàn không phải là một cuộc họp báo mà chỉ là sự kiện “chữa cháy” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bằng thông báo dài 8 phút được Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đọc tại buổi họp.

Trong thông báo đọc tại buổi họp, ông Nhân cho rằng, vụ việc cá chết hàng loạt ven biển miền Trung có 2 nhóm nguyên nhân chính là do tác động của các độc tố hóa học do hoạt động của con người thải ra và do hiện tượng thủy triều đỏ. Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt./.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 3Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, có 2 nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do con người xả thải và do thủy triều đỏ. (Ảnh: Lê Minh Sơn)

Xem thêm: Cuộc họp báo “dị thường” của Bộ Tài nguyên-Môi trường về vụ cá chết

Tôm hùm sẽ là sản phẩm trọng điểm của các tỉnh miền Trung
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm đưa ngành nuôi tôm hùm trở thành ngành kinh tế trọng điểm của các tỉnh miền Trung.

Cụ thể, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1 triệu m3 thể tích lồng nuôi tôm hùm nuôi bằng lồng, bè trong vịnh kín và biển hở ven bờ, sản lượng ước tính đạt 1.940 tấn/năm, với giá trị hàng hóa tôm hùm ước tính khoảng 3.200 tỷ đồng/năm.

Định hướng đến năm 2030, cả nước có khoảng hơn 1,41 triệu m3 thể tích lồng nuôi tôm hùm nuôi bằng lồng, bè trong vịnh kín và biển hở ven bờ, sản lượng đạt 2.200 tấn/năm. Nuôi trên bờ với khoảng 160ha và sản lượng đạt 480 tấn/năm. Giá trị hàng hóa đạt 4.300 tỷ đồng/năm và sản xuất được 1 triệu con giống nhân tạo đảm bảo chất lượng cho nuôi thương phẩm.

Đối tượng nuôi bao gồm 4 loài tôm hùm tại miền Trung trong đó có hai đối tượng chủ lực là tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm xanh (P. hormarus). Các đối tượng nuôi khác là tôm hùm đỏ (P. longipes) và tôm hùm tre (P.polyphagus)./.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 4Nuôi tôm hùm bằng lồng tại Phú Yên. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Tôm hùm sẽ là sản phẩm trọng điểm của các tỉnh miền Trung

Australia bắt đầu xem xét nhập khẩu thanh long tươi của Việt Nam
Theo thông cáo được Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố ngày 27/4 cho biết thanh long tươi là một trong những mặt hàng nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận thị trường Australia.

Trước đây, phía Australia đã thực hiện xong phần đánh giá sơ bộ gồm đánh giá dịch hại và bệnh trên quả, thông qua một quá trình hợp tác trao đổi giữa hai Chính phủ Australia và Việt Nam.

Trong những tháng tới, hai bên sẽ tiến hành bước đánh giá rủi ro; trong đó, sẽ có nội dung chuyên gia Australia tham quan vùng trồng thanh long và đánh giá quy trình sản xuất và xuất khẩu. Dự thảo báo cáo đánh giá rủi ro sẽ được công bố cho các bên đối tác tham gia đóng góp ý kiến vào khoảng cuối năm nay.

Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng cho biết Australia cũng đang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho các loại quả tươi khác của Việt Nam vào thị trường Australia./.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 5Thu hoạch thanh long tại trang trại của Công ty Cát Tường ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Xem thêm: Australia bắt đầu xem xét nhập khẩu thanh long tươi của Việt Nam

Đề xuất gia hạn miễn thị thực 5 năm với khách 5 nước Tây Âu
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/4 có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số biện pháp nhằm phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn nữa chính sách thu hút khách từ 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ xem xét, gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy từ 1 lên 5 năm; tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu.

Bộ cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại tờ trình số 40/TTr-BVHTTDL ngày 16/3/2016, về việc đề nghị miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước đến Việt Nam du lịch theo chương trình tour trọn gói do các công ty lữ hành quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục trình Thủ tướng xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam; áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu và cấp thị thực điện tử để tạo điều kiện đi lại thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đánh giá, sau gần 10 tháng thực hiện việc miễn thị thực (visa) cho Cộng hòa Belarus và 5 nước Tây Âu, lượng khách đến từ các thị trường này tăng liên tục.

Tổng lượng khách du lịch từ 5 nước trong 9 tháng được miễn thị thực nhập cảnh đạt 554.242 lượt, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm 2014 và 2015./.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 6Du khách nước ngoài ở sân bay quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Xem thêm: Đề xuất gia hạn miễn thị thực 5 năm với khách 5 nước Tây Âu

4,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong bốn tháng
Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 20/4, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đăng ký xấp xỉ 6,9 tỷ USD đồng thời tổng vốn thực hiện đạt 4,7 tỷ USD, tăng tương ứng 85% và 12% so với cùng kỳ năm ​trước.

Cụ thể, tổng số dự án cấp phép mới là 697 chứng nhận với số vốn đăng ký gần 5,9 tỷ USD, tăng 55,6% về số dự án và tăng 89,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 314 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đã đăng ký tăng vốn thêm đạt 1,8 tỷ triệu USD.

Hiện ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất, trong bốn tháng có số vốn đăng ký đạt 5,2 tỷ triệu USD, chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký.

Trong cả nước, Hải Phòng dẫn đầu với số vốn đăng ký lớn nhất với 1,6 tỷ USD, chiếm 31,3% tổng vốn đăng ký cấp mới, tiếp đến là Hà Nội 595 triệu USD, chiếm 11,7% và Bình Dương 329 triệu USD, chiếm 6,5%.

Hiện, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 2,4 tỷ USD, chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng kế tiếp là Singapore 502 triệu USD, chiếm 9,9% và Đài Loan (Trung Quốc) là 430 triệu USD, chiếm 8,5%./.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: 4,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong bốn tháng

Thủ tướng kêu gọi "Cuộc cách mạng" vệ sinh an toàn thực phẩm
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành đã diễn ra sáng 27/4, tại Hà Nội.

Hội nghị tập trung có sự tham gia của lãnh đạo ba bộ có liên quan gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và ​Phát triển ​Nông thôn, Bộ Công Thương nhằm siết chặt công tác thanh kiểm tra và đề xuất các giải pháp.

Phát biểu khai mạc ​Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề nhân dân cả nước rất quan tâm. Thời gian qua các bộ ngành đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả còn hạn chế, giờ phải thay đổi cách tiếp cận. Cùng với những cuộc vận động, phải làm rõ trách nhiệm của địa phương, của người đứng đầu, không thể để vấn đề lớn như thế mà không ai chịu trách nhiệm.

Thủ tướng yêu cầu: “Phải tăng cường giám sát của mọi cấp mọi ngành để có được chuyển biến đồng bộ. Phải đồng tâm hiệp lực để có những cách làm rõ nét nhất chứ không phải báo cáo thành tích.”

Nổi bật trong số những vấn đề "nóng" được thảo luận tại hội nghị có việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi, sử dụng chất vàng ô, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Phân tích rõ thực trạng về việc mất an toàn trong thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát chỉ rõ, ​công tác thanh kiểm tra của ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy, thịt nhiễm vi sinh bình quân cả nước trong mức khoảng 15-16%, thậm chí có lúc lên đến 40%. Thịt nhiễm vi sinh cao ​chủ yếu là do khâu giết mổ và bán lẻ chưa an toàn​. Thứ hai là nhiễm chất cấm, thứ ba là nhiễm kháng sinh, thứ tư là sử dụng các chất bảo quản.

Trong số nhiều mặt hàng thực phẩm đang lưu hành trên thị trường hiện nay, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần trước mắt ưu tiên kiểm soát an toàn các mặt hàng tươi sống tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.

Thủ tướng chỉ rõ, nếu sự việc liên quan tới an toàn thực phẩm xảy ra ở xã, phường thì địa phương phải chịu trách nhiệm, ở Trung ương thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Công tác giáo dục, tuyên truyền đã nhiều nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được. Do vậy, thời gian tới phải đẩy mạnh công tác xử lý nghiêm, trong đó các lực lượng như công an, quản lý thị trường phải vào cuộc. Để bảo vệ mạng sống của nhân dân, phải xử lý hình sự những vi phạm nghiêm trọng.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 8Các mặt hàng tươi sống sẽ được ưu tiên đảm bảo an toàn trong thời gian tới. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Xem thêm: Thủ tướng kêu gọi "Cuộc cách mạng" vệ sinh an toàn thực phẩm

S&P xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam mức triển vọng ổn định
Bộ Tài chính vừa cho biết cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P) khẳng định mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-/B, triển vọng ổn định, không thay đổi so với mức xếp hạng do S&P đã công bố vào tháng 3/2015.

Triển vọng ổn định phản ánh tăng trưởng kinh tế và các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được cơ quan này cũng như cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá tốt và có triển vọng cải thiện.

Các yếu tố được S&P đánh giá tích cực, góp phần duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bao gồm: Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng nền kinh tế tương đối đa dạng và có tính linh hoạt. Thu nhập bình quân đầu người ước tính là 2.200 USD vào năm 2016. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định ở mức tương đối cao là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong 2 năm qua, các kế hoạch, chính sách về phát triển kinh tế xã hội là phù hợp nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả ở mức thấp.

Một số yếu tố mà S&P cho rằng cần có sự quan tâm trong thời gian tới là kiểm soát bội chi ngân sách, tốc độ gia tăng nợ công mặc dù mức độ nợ công của Việt Nam là không lớn và vấn đề nợ xấu của khu vực ngân hàng.

Đây cũng chính là những vấn đề mà Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã nhìn nhận và có kế hoạch cải thiện trong giai đoạn từ nay đến 2020, trong đó đặt mục tiêu và có giải pháp để kiểm soát và đưa bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 4% GDP, kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công để đảm bảo trong giới hạn trần 65% GDP./.

Sự kiện trong nước tuần 25/4-1/5: Cuộc họp báo dị thường về vụ cá chết ảnh 9(Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)

Xem thêm: S&P xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam mức triển vọng ổn định

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục