Sự thật khủng khiếp về người lùn bị nhốt với khỉ ở New York

Trong một chương gây sốc của lịch sử New York, một người đàn ông nhỏ bé đã trở thành một vật triển lãm, trong một chiếc chuồng cùng đười ươi, và được quảng cáo là một người lùn Congo nguyên thủy.
Sự thật khủng khiếp về người lùn bị nhốt với khỉ ở New York ảnh 1Ota Benga phải sống cùng đười ươi. (Nguồn: Daily Mail)

Trong một chương gây sốc của lịch sử thành phố New York, một người đàn ông nhỏ bé, da màu, chỉ nặng hơn 46kg và cao 1,5m đã trở thành một vật triển lãm, trong một chiếc chuồng, cùng với một con đười ươi, và được quảng cáo là một người lùn Congo nguyên thủy (hay còn được gọi là người lùn Pích-mê).

Triển lãm về người đàn ông này đã thu hút hàng ngàn du khách hiếu kỳ từ khắp nơi trên thế giới đến với Hội chợ Thế giới St. Louis tổ chức năm 1904, cùng với một bộ tộc người Ainu đến từ một hòn đảo phía bắc Nhật Bản.

Hai năm sau, người đàn ông thấp bé đã phải ở chung chuồng với đười ươi tại Vườn Bách thú New York - vương miện của thành phố New York lúc bấy giờ, ngày nay được biết tới với tên gọi sở thú Bronx.

Ota Benga, ở tuổi 23, đã trở thành cư dân mới nhất của nhà khỉ ở Bronx. Anh chơi đùa cùng đười ươi, ôm ấp và lăn lộn trên sàn nhà để chơi đấu vật với chúng, và nói bằng một thứ ngôn ngữ nào đó mà có lẽ chỉ chú đười ươi mới hiểu.

Theo một tục lệ làm đẹp của bộ tộc mình ở Congo, Ota có hàm răng được mài sắc nhọn. Sở thú đã sử dụng đặc điểm này để quảng cáo rằng anh là một người hoang dã, có thể xé nát con mồi của mình.

Không đi giày, nhưng mặc quần áo hiện đại, Ota mua vui cho đám đông bằng việc dùng cung bắn tên vào một mục tiêu có sẵn.

25 xu lệ phí, cộng thêm 5 xu đi tàu điện - đó là cái giá của một buổi chiều thư giãn và cơ hội được ngắm nhìn “một kẻ hoang dã chính cống đến từ châu Phi.” Các ngày Chủ Nhật đều được miễn phí.

Dòng tít trên tờ New York Times viết “Người hoang dã chung chuồng với khỉ ở công viên Bronx.”

Một bài trên tờ Bản tin Hiệp hội Động vật đã miêu tả anh như một con thú kỳ lạ.

Anh không phải là người nguyên thủy, cũng không phải một người đàn ông hoang dã. Ota Benga chỉ là một người đến từ một bộ lạc sống trong rừng ở Congo.

Những giáo sỹ da đen, hết sức phẫn nộ vì sự phân biệt chủng tộc trắng trợn, cuối cùng cũng đã đóng cửa được triển lãm. Nhưng số phận của Ota vẫn chẳng được cải thiện.

Trong cuốn sách mang tên “Spectacle: The Astonishing Life of Ota Benga” của mình được Amistad xuất bản, nhà báo Pamela Newkirk đã khám phá câu chuyện đau lòng phía sau số phận nghiệt ngã của Ota Benga.

Vào thứ Bảy, ngày 8/9/1906, những người đàn ông và phụ nữ ăn mặc chỉnh tề từ các biệt thự ở đại lộ số 5 và đại lộ Madison, cũng như những người dân từ các khu ổ chuột, đã “chen chúc dọc theo hành lang tối tăm chật hẹp, với mùi hôi thối của phân người và lông khỉ” ở vườn thú Primate House để xem người đàn ông da màu “được bọc trong quần trắng và áo khoác kaki.”

“Liệu anh ta có phải là mối liên kết đã mất, giống loài nằm giữa người và khỉ đã làm bận tâm các nhà khoa học hàng đầu không?” - tác giả cuốn sách viết.

“Con người nhỏ bé với làn da nâu mịn màng và đôi mắt nhỏ buồn bã ngồi thẳng lưng, không đu từ trên trần nhà xuống và cũng không có cử chỉ kinh khủng nào."

“Anh ta bình tĩnh, nhưng hơi buồn. Ngoại trừ vóc dáng nhỏ bé và hàm răng mài nhọn, trông anh ta không khác gì một ‘tên mọi’ bình thường."

“Nhưng nếu anh ta hoàn toàn là người, liệu anh ta có ở trong chuồng, trong một nhà nuôi khỉ hôi thối hay không?”

William Temple Hornaday, giám đốc vườn thú, đã tạo nên hiệu ứng mang phong cách P.T Barnum, và tin rằng Benga chỉ hơn những loài linh trưởng trong sở thú một bậc mà thôi.

Hàng ngày, số người đến xem Ota có thể lên đến 40.000. Cùng một lúc, 500 người chen chúc nhau để được nhìn rõ hơn người đàn ông nhỏ bé ấy, trong khi anh ta chơi với một con vẹt, nhắm bắn bằng cung tên, hoặc biểu diễn kỹ năng dệt của mình bằng cách sử dụng những bó sợi xe được để trong chuồng để làm một tấm thảm và một chiếc võng.

“Trẻ em cười khúc khích trong vui sướng, còn người lớn thì cười to, nhiều người tỏ ra bứt rứt.”

Ota cũng chỉ chịu đựng được những chỉ trỏ bàn tán đó trong một thời gian, rồi anh cũng xin các nhân viên sở thú đừng đưa anh ra trưng bày nữa.

Đằng sau số phận cay đắng của Ota khi bị đưa ra khỏi Congo là Samuel Phillips Verner, một nhà truyền giáo, nhà thám hiểm, nhưng đồng thời cũng là một ông bầu sốt sắng, giả tạo, vì cái tôi cá nhân, mong muốn tìm thấy tiền tài và danh vọng ở châu Phi. Verner hy vọng hắn sẽ kiếm được tiền bằng cách đưa các hiện vật về các bảo tàng ở Mỹ.

Verner xin tài trợ để đi tới châu Phi, bỏ lại vợ con ở nhà và qua lại với những người phụ nữ khác trên đường tới châu Phi.

Hắn đã dựng nên vô số câu chuyện kỳ quái về việc hắn mua Ota như thế nào, nhưng luôn có một yếu tố không thay đổi, đó là sự thật “rằng cuộc chinh phạt châu Phi của vua Bỉ Leopold II, một vùng rộng lớn của châu Phi mà vị vua này đã giành được năm 1885, đã đẩy Benga và những người khác tới nguy cơ bị bán cho các thương nhân nô lệ và các nhà thám hiểm Mỹ tự phong.”

Trong một câu chuyện của Verner, hắn viết rằng hắn đã giải cứu Benga khỏi bị giam giữ bởi bộ lạc ăn thịt người Baschilele, và rằng bộ lạc này đã giết hại vợ và con của Benga trong một lần tấn công làng của họ, và đang chuẩn bị ăn thịt Benga.

Sự thật khủng khiếp về người lùn bị nhốt với khỉ ở New York ảnh 2

Hội Địa lý Hoàng gia Anh cho biết người Baschilele là tộc người thân thiện nhất mà họ gặp trong tất cả những lần thám hiểm ở châu Phi, và người Baschilele coi ăn thịt người là tà thuật.

Trong một câu chuyện khác, Verner khẳng định rằng hắn đã đổi một cân muối và một súc vải để mua Benga từ tay người Baschilele.

Còn rất nhiều phiên bản khác nhưng mục đích của Verner khi đưa Benga tới Mỹ là để nhận tiền từ các nhà tổ chức Hội chợ Thế giới St. Louis năm 1904, những kẻ muốn có một người lùn để trưng bày.

Điều kiện sống tại Congo khi đó là hết sức nguy hiểm đối với người bản địa.

“Trong thời gian cai trị man rợ của Leopold II từ năm 1885-1905, có ít nhất 10 triệu người cùng một tộc người với Benga đã bị sát hại một cách có hệ thống, và số người bị tra tấn, hay bị bắt làm nô lệ còn nhiều hơn nữa, trong khi mọi tài nguyên của nước này đều bị cướp mất,” Newkirk viết.

“Leopold ép buộc lao động thông qua những vụ hiếp dâm, hành hình, tra tấn và giết người được thực hiện thường xuyên, nhằm làm giàu cho bản thân từ nhu cầu về cao su, đồng và các khoáng chất khác.”

Sự tàn bạo của chế độ Leopold ban đầu được George Washington Williams phát hiện. Williams là một mục sư da màu nổi tiếng ở Cincinnati, được bầu vào cơ quan lập pháp bang Ohio.

Williams đã đề xuất một chuyến đi đến Congo với tổng thống Benjamin Harrison vào năm 1889 để điều tra về điều kiện sống tại đây. Chuyến đi đã được tài trợ bởi Collis Huntington, con trai của tài phiệt ngành đường sắt, một giám sát viên của Hiệp hội Động vật.

Các quan chức Bỉ đã cố gắng ngăn cản chuyến đi, nhưng Williams đã rất kiên quyết. Ông đã tới các làng, các trạm truyền giáo, và các cơ quan của chính phủ trong vòng 6 tháng.

Ông đã rất sốc trước sự ngược đãi tàn bạo người Congo dưới sự bảo trợ của Bỉ. Họ đã bị sát hại, “bị cưỡng bức lao động, bị hãm hiếp, tra tấn, và phải chịu nhiều sự tàn bạo khác.”

Leopold đã tuyên bố rằng ông ta đang xây dựng bệnh viện, trường học và các dịch vụ công cộng khác tại đây, nhưng Williams đã phát hiện “hoạt động mua bán nô lệ, cả bán lẻ lẫn bán buôn.” Nếu những người bản xứ không chịu làm việc, họ sẽ phải “chịu đựng những sự hành hạ kinh khủng nhất.”

Họ bị chặt tay, bị đuổi khỏi nơi ở, còn nhà cửa của họ thì bị phá hủy.

“Người Bakuba ở Kasai đã chẳng còn là gì ngoài những lao động tuyệt vọng và đói khát.”

Williams miêu tả “sự cai trị kinh hoàng của Leopold ở Congo” như một “tội ác chống lại loài người.”

Sự phẫn nộ quốc tế đã kết thúc chế độ của Leopold vào năm 1908 - nhưng hậu quả thì vẫn còn đó. Congo đã bị tước đoạt hết tài nguyên, còn người dân Congo thì bị bắt làm nô lệ.

Không còn nhà để Ota trở về, gia đình anh cũng không còn. Bộ tộc của Ota hoặc đã chết, hoặc đã trốn vào rừng rậm.

Mệt mỏi vì sự tiêu cực sôi sục trong dư luận, Hornaday đã quyết định gửi Ota tới nhà thương điên dành cho người da màu không nơi nương tựa Brooklyn Howard. Tại đây Ota được dạy cách ăn uống theo kiểu phương tây, và dạy nói tiếng Anh. Điểm dừng chân cuối cùng của Ota Benga là ở Lynchburg, Virginia, nơi anh được một gia đình cưu mang và chăm sóc.

Anh vui vẻ chơi đùa với những đứa trẻ và cho chúng xem những điều anh học được ở quê nhà, nhưng tinh thần của anh đã sụp đổ. Anh muốn trở lại Congo, nhưng ở đó không còn mái ấm nào cho anh, không còn gia đình nào chờ đợi anh.

Vào tháng 3 năm 1916, “anh đã bắn một phát đạn xuyên qua trái tim tan vỡ của mình.”

“Và trong sự im lặng đau đớn, anh đã được tự do.”

Ota Benga được chôn cất trong một ngôi mộ không tên ở Lynchburg.

“Đây có vẻ chỉ là câu chuyện về một người đàn ông - một màn triển lãm đáng xấu hổ - nhưng nếu xem cho kỹ, đây cũng là câu chuyện về một thời đại, về khoa học, về những tổ chức và con người quyền cao chức trọng, và về tư tưởng phân biệt chủng tộc còn tồn tại đến ngày nay,” Newkirk viết.

“Câu chuyện nói lên nhiều điều về vị thế của chúng ta trong lịch sử trước vấn đề chủng tộc. Khi nghĩ về New York, người ta thường nghĩ rằng nơi này là một thành phố tiến bộ. Câu chuyện đã cho thấy rằng chúng ta không tiến bộ như mình tưởng,” Newkirk nói với một phóng viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục