Sửa đổi Bộ luật Dân sự: Có chuyện luật này “bức tử” luật kia?

Một số vấn đề ở Bộ luật Dân sự đang được tranh luận khá gay gắt, thậm chí bị cho là "bức tử" luật khác, trong đó việc duy trì lãi suất cơ bản trong lĩnh vực tín dụng là một ví dụ.
Sửa đổi Bộ luật Dân sự: Có chuyện luật này “bức tử” luật kia? ảnh 1 Lãi suất cơ bản vẫn được coi là một trong những công cụ điều tiết chính sách tiền tệ của nước nhà. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được dư luận quan tâm bởi những bước tiến bộ vượt bậc trong nỗ lực bảo vệ quyền con người trong các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, vẫn có những sửa đổi đang được tranh luận khá gay gắt, thậm chí còn bị coi là bước lùi, là sự cản trở cho quá trình phát triển của đất nước, mà việc duy trì lãi suất cơ bản trong lĩnh vực tín dụng là một ví dụ.


Vẫn chuyện "vạch ra để đấy"

Từ trước đến nay, lãi suất cơ bản được coi là một trong những công cụ điều tiết chính sách tiền tệ của nước nhà, và trong thực tiễn, đã có một thời phát huy tác dụng. Nhưng từ năm 2009 đến nay, mức lãi suất cơ bản 9% đã nằm trong tình trạng “vạch ra để đấy” trong khi lãi suất trên thị trường vẫn biến đổi liên tục.

Vậy nhưng trong Dự thảo Bộ luật Dân sự tiếp tục lấy cơ sở để xác định trần lãi suất vay là lãi suất cơ bản, cụ thể tại khoản 3 Điều 491 quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng,trừ trường hợp luật có quy định khác."

Theo các nhà soạn thảo thì đây là một bước tiến mới, bởi Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng."

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng theo cơ chế thị trường mà quy định ra một mức lãi suất gọi là lãi suất cơ bản thì rất khó khăn cho quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng ông bày tỏ: “Quan điểm của tôi là, nên có lãi suất cơ bản để chúng ta có một cái khung, một khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh những chính sách liên quan đến vấn đề lãi suất, tránh xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi, hoặc lợi dụng để trốn thuế.”

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến: “Thực tế không có lãi suất cơ bản, các nước cũng không có... Về mặt từ ngữ, chúng ta phải xem lại. Về lãi suất cơ bản theo quy định tại Điều 483, đây là vấn đề khó. Hiện nay, chúng ta không có lãi suất cơ bản. Nói trung thực là như thế. Lãi suất cơ bản không có trên đời.”

Tuy thực tế trên thị trường không có lãi suất cơ bản, thế nhưng dường như lãi suất cơ bản vẫn cần thiết trong những trường hợp cụ thể trong cuộc sống.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối ca Tống Anh Hào lại yêu cầu phải có lãi suất cơ bản để Tòa án có cơ sở giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp. Ông phân tích: “Theo Điều 476 của Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất theo thỏa thuận quy định không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Ở Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng thì lãi suất theo thỏa thuận. Đối với các tranh chấp trong tổ chức tín dụng, hiện Tòa án giải quyết theo lãi suất thỏa thuận, còn ngoài tổ chức tín dụng thì giải quyết theo Điều 476. Hôm vừa rồi, chúng tôi hỏi thì Ngân hàng Nhà nước trả lời là vẫn theo lãi suất cơ bản cũ, tức là từ năm 2009 tới giờ áp dụng để giải quyết. Chúng tôi đề nghị phải quy định thường xuyên công bố hay như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tiễn, lúc nào và ở thời điểm nào thì chi phối lãi suất bao nhiêu phần trăm để làm cơ sở giải quyết. Xác định lãi suất nào cũng phải cụ thể. Như vừa rồi, có lúc thì nói lãi suất cơ bản, có lúc thì không, làm cho Tòa án hết sức lúng túng khi giải quyết sự việc.”

Có lẽ chính vì thế mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã có lý khi đề nghị rằng “về mặt từ ngữ, chúng ta phải xem lại.”

Dùng dằng nửa tiến nửa lùi?

Trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, một trong những tất yếu là môi trường kinh doanh phải tiến tới sự bình đẳng. Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo ra môi trường thuận lợi nhất có thể để các doanh nghiệp nước nhà “rộng chân rộng tay” để có thể cạnh tranh bình đẳng trên thị trường trong nước và trên thế giới.

Với các tổ chức tín dụng Việt Nam thì đã có hẳn một Bộ luật điều chỉnh là Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010, trong đó, Điều 91 nêu rõ: “2- Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. 3- Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.”

Vậy “quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng” đã được Quốc hội thông qua tại luật này liệu có bị “bức tử” bởi một Bộ luật Dân sự?

Nguyên tắc áp dụng Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan được quy định tại Điều 10 Dự thảo Bộ luật Dân sự, cụ thể: “1- Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. 2- Các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại mục 1 của Chương này; trường hợp các luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật này.”

Nguyên tắc cơ bản mà Dự thảo Bộ luật Dân sự đưa ra bao gồm: Nguyên tắc bình đẳng; Nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự; Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; Nguyên tắc thiện chí, trung thực; Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự và nguyên tắc hòa giải.

Như vậy, “quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng” có quy định ở Luật các tổ chức tín dụng đã được các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự thừa nhận và bảo đảm. Không có chuyện luật này “bức tử” luật kia.

Nguyên tắc thì rất tiến bộ mà sao cứ phải dùng dằng ở một cơ chế quản lý cũ?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục