Sửa đổi Luật Du lịch là cần thiết để thúc đẩy du lịch phát triển

Việc hoàn thiện Luật Du lịch sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy tối đa nguồn lực và chủ động hội nhập cho ngành du lịch.
Sửa đổi Luật Du lịch là cần thiết để thúc đẩy du lịch phát triển ảnh 1Du khách nước ngoài tham quan nhà cổ ông Kiệt tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch 2005 và đề xuất nội dung xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) ngày 10/11 tại Hà Nội. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn và Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ chủ trì hội nghị. Trước đó, hội nghị này đã được tiến hành tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết Luật Du lịch được Quốc hội thông qua trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch vào tháng 6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006.

Sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch 2005 đã thực sự phát huy vai trò đối với sự phát triển của ngành du lịch nhưng đến nay đã xuất hiện nhiều yếu tố mới tác động đến việc thực hiện. Luật Du lịch sửa đổi sẽ tiếp tục thể chế hóa đường lối đổi mới và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch trong thời kì mới; tiếp tục chinh sách phát huy tối đa các nguồn lực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong 10 năm qua, bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế với nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế phải thực thi. Gần đây nhất là TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), trong đó có cam kết mở cửa theo lộ trình về nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Ở trong nước, tác động từ thay đổi trong quan hệ xã hội khi đất nước phát triển và hội nhập đã dẫn đến việc thực hiện Luật Du lịch 2005 gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện thực tế. Những vướng mắc này không thể giải quyết được bằng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Du lịch 2005 do trong Luật chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp.

Những vấn đề phát sinh gây khó khăn cho hoạt động du lịch trong thực tế. Do đó, việc hoàn thiện Luật Du lịch mới (Luật Du lịch sửa đổi) – khung pháp lý gốc của ngành du lịch sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch phát triển. Luật Du lịch sửa đổi sẽ đảm bảo phù hợp với hệ thống luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và không xung đột với hệ thống pháp luật nước ta đã ban hành.

Tổng cục Du lịch đã rà soát các quy định Luật Du lịch năm 2005 và tiến hành bổ sung, sửa đổi một số nội dung. Trong đó có một số nội dung mới chưa có trong Luật Du lịch năm 2005: Quy định về du lịch bền vững, nguồn nhân lực, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, thống kê du lịch.

Trong Luật Du lịch sửa đổi cũng có các quy định về hành vi nghiêm cấm khách du lịch vi phạm quy định sở tại khi đi du lịch nước ngoài; xếp hạng chất lượng vận chuyển; kinh doanh và bảo hiểm lữ hành nội địa; quyền được lựa chọn một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch của khách du lịch…

Ngoài ra trong Luật Du lịch sửa đổi cũng có 10 nội dung được sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay, trong đó có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, xúc tiến du lịch, quy hoạch du lịch, điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…

Tại hội nghị này, các đại biểu đến từ các doanh nghiệp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh, thành phố phía Bắc đã cho ý kiến về nhiều vấn đề liên quan đến Luật Du lịch sửa đổi. Trong đó có nội dung về kiểm soát chất lượng cơ sở lưu trú; vai trò, trách nhiệm của địa phương trong duy trì an toàn cho du lịch, đảm bảo môi trường du lịch; phát triển du lịch bền vững; xếp hạng các cơ sở lưu trú; cấp thẻ cho hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục