Sức sống mới của các buôn làng nơi đại ngàn Tây Nguyên

Những ngày tháng Tám lịch sử này, thăm các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk, dễ thấy sức sống mới của đại ngàn Tây Nguyên.
Sức sống mới của các buôn làng nơi đại ngàn Tây Nguyên ảnh 1Lễ cúng Bến nước, một sinh hoạt cộng đồng đậm chất văn hóa của người Tây Nguyên cầu cho nước sạch, nước trong, mang lại sức khỏe cho buôn làng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Những ngày tháng Tám lịch sử này, thăm các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk, dễ thấy sức sống mới của đại ngàn Tây Nguyên.

Đâu đâu cũng thấy ngút ngàn màu xanh của cây càphê, cao su, hồ tiêu…; bộ mặt của các buôn làng không ngừng thay da, đổi thịt.

Về Cư Pơng (huyện Krông Búk) - xã vùng sâu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,” chúng tôi được lãnh đạo xã cho biết Cư Pơng là địa phương có gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số Êđê, M’nông, với 2.205 hộ gia đình, trên 10.300 khẩu.

Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người dân ở đây một lòng đi theo Đảng, đứng lên đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ buôn làng.

Ngày nay, đồng bào ở đây càng phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau đẩy lùi nghèo đói, lạc hậu. Được Nhà nước hỗ trợ khai hoang phục hóa, hỗ trợ đất sản xuất, đồng bào đã yên tâm định canh, định cư đầu tư phát triển sản xuất.

Cư Pơng hiện có 5.534ha càphê, gần 70ha hồ tiêu, hàng trăm ha cao su và hàng ngàn ha cây trồng ngắn ngày khác.

Đồng bào đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất cây trồng tăng cao; chỉ riêng hai loại cây công nghiệp mũi nhọn là càphê, hồ tiêu đã cho năng suất bình quân 3,4 tấn càphê nhân/ha, hồ tiêu đạt 3 tấn/ha nên đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Gần 90% số hộ trong xã đã có thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó có 20% số hộ có thu nhập mỗi năm từ 500 triệu đồng trở lên.

Anh Ama Hậu, ở buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng cho biết​ trước đây đời sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.

Được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thâm canh các loại cây trồng nhất là cây càphê, hồ tiêu nên giờ đây gia đình anh không những thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ giàu của buôn, của xã.

Gia đình Ama Hậu hiện có trên 900 trụ tiêu (gần 1ha), hơn 4,5ha càphê đang trong thời kỳ thu hoạch.

Với thời giá như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm Ama Hậu thu lãi từ 500 triệu đồng trở lên.

Hiện nay ở Cư Pơng, các tuyến giao thông như đường trục liên xã, đường từ xã về các thôn, buôn đều được nhựa hóa hoặc bêtông hóa; 18/18 thôn, buôn của xã đều có điện lưới quốc gia.

Các điểm trường trên địa bàn xã ở các cấp học trung học cơ sở, tiểu học, mẫu giáo đều được xây dựng khang trang, thu hút hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường.

Trạm y tế xã chăm lo bảo vệ sức khỏe người dân, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện đạt hiệu quả cao.

Còn tại xã vùng sâu Ea Tul (huyện Cư M’gar), nơi người dân hầu hết là đồng bào dân tộc Ê Đê, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Tul Nguyễn Công Văn cho biết trước đây đồng bào sống du canh du cư, đói cơm, nhạt muối, ốm đau bệnh tật quanh năm.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng bào nghe theo lời Đảng, Nhà nước đi vào định canh định cư.

Địa phương cũng thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đưa vùng đất quanh năm chỉ sản xuất lúa nương rẫy bấp bênh trở thành vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày như càphê, cao su, điều, hồ tiêu. Hiện nay, Ea Tul có hơn 4.510ha càphê, 410ha cao su, hàng trăm ha cây hồ tiêu, 64ha điều…

Nhờ tăng cường công tác khuyến nông nên năng suất cây trồng đạt khá; số hộ dân giàu có ngày càng tăng.

Các hộ gia đình như Y Siêm, Y Khắc Niê, Ma Ren, Y Jer Ktha, Ma Thơm... từ hộ nghèo nay đã trở thành tỷ phú từ sản xuất cây càphê, hồ tiêu. Đặc biệt, ở Ea Tul đã có 1.485 hộ dân tham gia vào 24 tổ hợp tác sản xuất càphê bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Cũng theo Chủ tịch xã Ea Tul Nguyễn Công Văn, mấy năm trở lại đây, Ea Tul đã có bước tiến vượt bậc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được củng cố vững chắc, văn hóa phát triển, đặc biệt là kinh tế có bước phát triển rõ rệt.

Bộ mặt các thôn, buôn khang trang chẳng kém gì phố phường, 100% số hộ gia đình ở xã có điện thắp sáng; đường thôn, buôn được láng nhựa; cửa hàng tạp hóa, vật tư phân bón, xăng dầu tập nập người mua…

Ông Y Ring Adrơng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk khẳng định, chưa bao giờ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại được quan tâm, đầu tư toàn diện như bây giờ. Các chương trình, chính sách, dự án thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm thay đổi diện mạo nhiều buôn làng.

Nhờ những chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư, tháo gỡ khó khăn. Đời sống ở vùng đồng bào dân tộc đã được cải thiện rõ rệt. Tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ngoài việc đầu tư ổn định định canh định cư cho hàng vạn đồng bào, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Đắk Lắk còn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nâng cao đời sống.

Tỉnh đã hỗ trợ đất sản xuất cho gần 7.740 hộ gia đình dân tộc thiểu số tại chỗ nghèo, thiếu đất sản xuất với diện tích 2.772ha, hỗ trợ đất ở cho hơn 5.530 hộ dân với diện tích gần 145ha, với mức bình quân 260m2 đất ở/hộ.

Tỉnh Đắk Lắk còn có những hình thức hỗ trợ, tạo việc làm cho người dân như đưa đồng bào vào làm công nhân ở các nông, lâm trường, giao khoán quản lý bảo vệ hàng chục ngàn ha rừng hoặc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phát triển chăn nuôi bằng hình thức hỗ trợ bò giống...

Tỉnh Đắk Lắk cũng hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với gần 28.760 ngôi nhà, trong đó, làm mới gần 12.000 ngôi nhà cho đồng bào.

Tỉnh cũng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 14 công trình cấp nước tập trung để đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho đồng bào.

Chỉ riêng từ chương trình 135, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn trên 389 tỷ đồng; hướng dẫn người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi…

Nhờ vậy, hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3%.

Hiện nay, tại Đắk Lắk, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ôtô đến được trung tâm xã trong cả hai mùa mưa, nắng; đa số các xã đã có điện lưới quốc gia, 90% xã và trên 70% số hộ dân được dùng điện sinh hoạt, 100% số xã có trạm y tế…

Để tiếp tục nân cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thêm các chính sách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn với mức kinh phí hỗ trợ thỏa đáng; tăng định mức hỗ trợ đầu tư đặc thù cho khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục