Sunny Korea hỗ trợ 17 triệu USD cho trẻ VN bị tim bẩm sinh

Từ năm 2014-2020, tổ chức Sunny Korea sẽ tài trợ gần 17 triệu USD cho trẻ em Việt Nam bị bệnh tim bẩm sinh sang phẫu thuật tại Hàn Quốc.
Sunny Korea hỗ trợ 17 triệu USD cho trẻ VN bị tim bẩm sinh ảnh 1Lễ ký tài trợ phẫu thuật tim cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2014-2020 giữa Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Tổ chức Sunny Korea của Hàn Quốc. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Bệnh tim bẩm sinh là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất nhanh. Tuy nhiên, do chi phí phẫu thuật quá cao, gia đình nghèo không có khả năng chi trả, hàng nghìn trẻ em Việt Nam bị bệnh tim bẩm sinh đang phải chờ đợi sự giúp đỡ của cộng đồng.

Vì vậy, việc huy động các nguồn lực để phẫu thuật cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh là việc làm cần thiết, góp phần giành lại sự sống cho những mầm non tương lai.

Hàng chục nghìn trẻ chờ phẫu thuật

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tổng số trẻ em sinh ra sống, có khoảng 0,5-0,8% trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Hiện tại, Việt Nam chưa có số liệu chính xác về tần suất mắc bệnh tim bẩm sinh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương đến cuối năm 2012, cả nước có 17.783 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; trong đó đã phẫu thuật được hơn 5.000 em, số còn lại cần phẫu thuật khoảng hơn 12.700 em và hàng năm có thêm hàng nghìn em bị bệnh tim bẩm sinh phát sinh mới.

Mỗi năm, trung bình cả nước phẫu thuật được từ 2.000-2.500 trường hợp. Với tốc độ trên, để đảm bảo phẫu thuật được hết số trẻ em bị tim bẩm sinh còn lại của năm 2012 và số trẻ bị tim bẩm sinh mới phát sinh năm 2013, phải mất 5-6 năm. Như vậy, sẽ có nhiều trẻ không thể còn sống để chờ được đến lượt được phẫu thuật. Đặc biệt, trong tổng số trẻ em hiện bị bệnh tim bẩm sinh theo báo cáo của các địa phương, có 38,8% em dưới 6 tuổi, 58,8% em thuộc hộ nghèo và cận nghèo trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi.

Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em chưa được phẫu thuật là do chi phí cho một ca khám, điều trị bệnh tim bẩm sinh khá lớn (từ 35-40 triệu đồng, có trường hợp lên tới 100 triệu đồng). Mặc dù theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, nhưng thực tế Quỹ Bảo hiểm y tế cũng chỉ đáp ứng được gần 55% tổng chi phí cho cuộc phẫu thuật.

Đối với trẻ em trên 6 tuổi, nếu có thẻ Bảo hiểm y tế học sinh sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 80% nhưng trên thực tế, có nhiều loại thuốc, nhiều khoản chi ngoài danh mục được thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, cộng thêm các chi phí đi lại, sinh hoạt khi trẻ được phẫu thuật và nằm hậu phẫu… Chính vì vậy, nhiều gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tài chính để đưa con đi khám và phẫu thuật.

Ông Nguyễn Trọng An cũng chia sẻ: Sự thiếu hụt về đội ngũ bác sỹ phẫu thuật có trình độ và cơ sở phẫu thuật đáp ứng yêu cầu cũng là một thách thức. Các cơ sở điều trị ngoại khoa trong cả nước gồm có 19 trung tâm phẫu thuật tim nhưng không phải tất cả các trung tâm này đều thực hiện được phẫu thuật tim bẩm sinh.

Nếu tính theo quy chuẩn quốc tế, trung bình 1 triệu dân cần có 1 trung tâm phẫu thuật tim bẩm sinh, với dân số 90 triệu người Việt Nam hiện nay, cần khoảng trên 80 trung tâm; như vậy, so với thực tế Việt Nam hiện còn thiếu rất nhiều.

Tất cả các trung tâm phẫu thuật tim mạch đều trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Việt Nam cũng thiếu hụt các phẫu thuật viên, bác sỹ gây mê hồi sức chuyên ngành tim mạch nói chung và tim bẩm sinh nói riêng; trang thiết bị chuyên dụng phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh cũng còn thiếu, vì các dụng cụ này đắt tiền, bệnh viện không có kinh phí để mua.

Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đơn vị triển khai chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em hơn 10 năm qua cũng chỉ rõ những khó khăn khi thực hiện chương trình. Quỹ vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu để quản lý, cung cấp thông tin về trẻ em. Vì vậy, khi cần thông tin về nhu cầu trẻ em cần hỗ trợ phải mất nhiều thời gian để lấy thông tin từ địa phương.

Đặc biệt, việc quản lý, cung cấp thông tin về sự phát triển, hòa nhập và trưởng thành của trẻ sau phẫu thuật để báo cáo nhà tài trợ cũng không đơn giản, gần như không có thông tin. Bên cạnh đó, chương trình mới chỉ hỗ trợ trẻ phần kinh phí phẫu thuật, không hỗ trợ kinh phí cho trẻ trong thời gian chờ phẫu thuật, phương tiện đi về, theo dõi khám lại và theo dõi sự phát triển, hòa nhập sau này.

Ngoài ra, chưa có sự thống nhất về định mức kinh phí phẫu thuật giữa các đơn vị phẫu thuật cũng là một hạn chế trong chương trình. Cùng một ca phẫu thuật cho cùng một loại bệnh nhưng chi phí phẫu thuật có sự khác nhau giữa các bệnh viện dẫn đến việc so sánh chi phí cao, thấp của người bệnh cũng như các đơn vị tài trợ.

Chung tay vì sự sống trẻ thơ

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức từ thiện, nhân đạo đã hỗ trợ trẻ em trong các gia đình khó khăn mổ tim. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ trẻ từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh, với phương thức đảm nhận hỗ trợ 70% chi phí phẫu thuật và gia đình chi trả 30%.

Chương trình “Trái tim cho em” do Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel phối hợp cùng tổ chức Đông-Tây hội ngộ huy động cộng đồng hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bằng hình thức hỗ trợ 100% hoặc hỗ trợ một phần. Trong 5 năm qua, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của 7.000 cá nhân, tổ chức với tổng số tiền gần 90 tỷ đồng, hỗ trợ phẫu thuật cho gần 2.000 trẻ em.

Đặc biệt, hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam từ Trung ương đến địa phương trong 10 năm qua đã vận động cộng đồng hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để phẫu thuật tim cho trẻ em, hàng nghìn em bé nghèo bị bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật từ các nguồn tài trợ này.

Ngày 9/12, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Tổ chức Sunny Korea của Hàn Quốc cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em Việt Nam từ năm 2014-2020. Theo đó, trong 7 năm tới, Tổ chức Sunny Korea sẽ tài trợ phẫu thuật cho trẻ em Việt Nam bị bệnh tim bẩm sinh sang phẫu thuật tại Hàn Quốc, với tổng số tiền gần 17 triệu USD.

Đặc biệt, ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg về “Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.” Nội dung của chính sách đã quy định chi tiết sự hỗ trợ của Nhà nước để phẫu thuật tim cho các đối tượng trẻ em bị tim bẩm sinh.

Theo đó, toàn bộ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có thẻ Bảo hiểm y tế thuộc gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em đang thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật, sẽ được chi trả toàn bộ chi phí phẫu thuật tim. Trong mỗi đợt khám, phẫu thuật, các em còn được hỗ trợ tiền ăn và đi lại trong giai đoạn phẫu thuật.

Như vậy, trong thời gian tới, với việc thực hiện có hiệu quả Quyết định 55a của Thủ tướng Chính phủ, cùng với nguồn kinh phí thực hiện việc hỗ trợ chi phí khám, phẫu thuật tim được chi từ Quỹ bảo hiểm y tế; ngân sách Nhà nước; quỹ bảo trợ trẻ em; quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, toàn bộ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh của Việt Nam sẽ được khám, điều trị và phẫu thuật kịp thời.

Các em sẽ được hưởng quyền sống và phát triển như bao trẻ em khác, được góp phần nhỏ bé để xây dựng hạnh phúc cho gia đình, xã hội và sự giàu mạnh của đất nước trong tương lai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục