Sưu tầm dân ca và dân vũ Dao đỏ ở Cao Bằng

Dân ca dân tộc Dao đỏ gồm 5 làn điệu chính thường được tổ chức vào các ngày chợ phiên, ngày lễ, ngày Tết và ngày hội của dân tộc mình.
Thời gian gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Dao đỏ trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống.

Dân ca dân tộc Dao đỏ gồm 5 làn điệu chính mang sắc thái tình cảm khác nhau như tình yêu, than thở, vui, buồn...thường được tổ chức vào các ngày chợ phiên, ngày lễ, ngày Tết và ngày hội cổ truyền của dân tộc mình.

Trong đó, những bài hát dân ca chủ yếu mang nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình bạn bè... Đồng thời, dân ca dân tộc Dao đỏ cũng phê phán những cái ác, thói hư tật xấu, ích kỷ cá nhân...

Loại hình dân vũ có múa bắt rùa và một số hình thức múa diễn tả cảnh sinh hoạt, lao động thường ngày của đồng bào dân tộc Dao đỏ.

Để sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Dao đỏ trên địa bàn tỉnh, ngành văn hóa đã cử cán bộ xuống các thôn, bản vùng sâu, vùng xa - nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống tại các xã như Thái Học, Yên Lạc, Triệu Nguyên, Thành Công thuộc huyện Nguyên Bình, trực tiếp gặp các nghệ nhân để tiến hành khảo sát, thu thập tư liệu và nghiên cứu kho tàng dân ca, dân vũ dân tộc Dao đỏ.

Qua đó, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc Dao đỏ tỉnh Cao Bằng như hát giao duyên theo làn điệu Cóng dung, hát đón bạn (Phầy lủi), hát mừng nhà mới (Cóng phây), hát ru (Lảo cù ngoả), múa cầu mùa (Lệ miên), múa tấu (Piáo tộ) đã được sưu tầm, nghiên cứu và phân tích khá đầy đủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục