Sỹ tử "thở phào" vì đề thi Ngữ Văn gần gũi và dễ liên hệ thực tế

Năm nay thời gian thi chỉ còn 120 phút thay vì 180 phút như mọi năm nhưng các thí sinh cho rằng đề thi đã được điều chỉnh phù hợp với thời gian làm bài, nội dung thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12.
Sỹ tử "thở phào" vì đề thi Ngữ Văn gần gũi và dễ liên hệ thực tế ảnh 1Thi sinh hào hứng với môn thi Ngữ Văn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng nay, thí sinh đã hoàn tất bài thi môn Ngữ Văn, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Năm nay thời gian thi chỉ còn 120 phút thay vì 180 phút như mọi năm nhưng các thí sinh cho rằng đề thi đã được điều chỉnh phù hợp với thời gian làm bài.

[Đề thi THPT môn Ngữ Văn: Lòng trắc ẩn và sự thấu cảm trong cuộc sống]

Đề thi không “làm khó” thí sinh

Thí sinh Lê Văn Hưng là người đầu tiên ra khỏi điểm thi trung học phổ thông Amsterdam (Hà Nội) khá tự tin vào bài thi của mình: “Đề thi năm nay em chỉ làm 90 phút là xong, câu nghị luận xã hội và tập làm văn đều không khó lắm.”

Theo Hưng​ thì đề thi năm nay vừa sức với học sinh, kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 nên không khó nếu nắm chắc kiến thức.

Em Nguyễn Hoàng An, học sinh trưởng trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay: "Đề thi vừa sức với em, các bạn cùng phòng em làm xong khá sớm, đề này em đánh giá không quá mới mẻ, các câu hỏi đều là câu quen thuộc, em tự tin hoàn thành 90% bài thi.”

Thở phào sau khi kết thúc môn thi thí sinh Trương Hương Giang, lớp 12A3 trường Trung học Phổ thông Kim Liên cho biết: "Em dự định xét tuyển khối D nên trước khi thi em lo lắng và sợ nhất là môn Văn nhưng sau buổi thi sáng nay em cảm thấy rất thoải mái và tự tin hơn để bước vào những môn thi tiếp theo."

Cũng khá thoải mái sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh Nguyễn Thị Linh Chi, lớp 12A4 trường Kim Liên cho biết, đề thi Ngữ Văn năm nay khá thú vị, mặc dù hơi dài ở câu phân tích đoạn thơ trong bài "Đất nước." Phần đọc hiểu của đề bắt buộc thí sinh phải tự bình luận liên hệ thực tế về vấn đề lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm nên đây là vấn đề khá mới và không có trong chương trình sách vở.

"Với đề thi này em nghĩ với những bạn học lực trung bình thì hơi quá sức vì dài và cần kiến thức hiểu biết thực tế sâu rộng. Tuy nhiên đối với bạn học lực khá và giỏi thì em nghĩ là vừa sức. Em cũng chắc về bài thi khoảng trên 60%," Linh Chi nói.

Sỹ tử "thở phào" vì đề thi Ngữ Văn gần gũi và dễ liên hệ thực tế ảnh 2Đề thi Ngữ Văn năm nay không làm khó thí sinh. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Sự thấu cảm dễ liên hệ trong thực tế

Năm nay, đề thi môn Ngữ Văn về sự thấu cảm trong cuộc sống, không phải là sự kiện thời sự nên các thí sinh cũng tự tin với bài thi hơn.

Theo Tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ Văn, trường trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội nhận định, vấn đề về sự thấu cảm vừa là vấn đề muôn đời trong cuộc sống nhân sinh, thế sự, vừa là điều có thể chạm tới phần nào thực tế bức bối của cách sống vô cảm khá phổ biến hiện nay.

Trong khá nhiều những vấn đề của cuộc sống thời hiện tại, có lẽ sự “thấu cảm” cũng là điều nên nói.

[Gợi ý giải đề thi môn Ngữ Văn về lòng trắc ẩn và sự thấu cảm]

Tự tin với phần làm văn yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống, Phạm Thúy Ngân, lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông Văn Hiến chia sẻ: “Phần này em đọc em có cảm xúc nên viết luôn. Theo em, thấu cảm là đặt mình vào người khác, mình cảm thông, chia sẻ với họ, những cái mà họ đã và đang trải qua. Em cũng lấy dẫn chứng cả về mặt tiêu cực và tích cực từ thực tế cuộc sống.”

“Trong bài em dẫn chứng câu chuyện, đi trên đường gặp vụ tai nạn hy hữu, nhưng người đi đường lại vô tình lướt qua, không giúp đỡ. Hay như quán cơm 2.000 đồng, 5.000 đồng ở vỉa hè, họ làm để giúp đỡ những người khó khăn rồi. Hay như việc làm của MC Phan Anh, đợt hỗ trợ lũ lụt ở miền Trung vừa qua, đấy là sự thấu cảm, không phải ngẫu nhiên mà người ta bỏ công việc rất sướng ở Thủ đô để kêu gọi từ thiện, đi đến vùng sâu vùng xa để giúp đỡ những người dân đang thực sự gặp khó khăn được. Với em đó là sự thấu cảm,” Ngân chia sẻ thêm.

Đối với phần thi nghị luận, Tiến sỹ Trịnh Tuyết Thu nhận định: “Điều đáng ghi nhận đầu tiên ở câu nghị luận văn học chính là việc lựa chọn đoạn thơ cảm nhận trong một đoạn trích dài 90 câu thơ đã giúp các em học sinh có những cảm nhận khá đầy đủ về đất nước. Đất nước được đặt trong chiều dài đằng đẵng của thời gian lịch sử, được đặt trong chiều rộng mênh mông của không gian địa lí, trong chiều sâu, bề dày của văn hóa, phong tục… Toàn bộ đoạn thơ 20 câu đã hướng tới thể hiện tư tưởng chủ đạo của đoạn trích – tư tưởng ‘Đất nước’ của nhân dân.”

Với đề thi môn Ngữ Văn năm nay, các thí sinh có thể tự tin "ẵm chắc" 6-7 điểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục