Tác động của El Nino khiến hạn hán còn kéo dài tại Trung Bộ

Hiện tượng El Nino đang tác động đến thời tiết ở Việt Nam khiến tình trạng thiếu nước, khô hạn ở Trung Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng Chín.
Tác động của El Nino khiến hạn hán còn kéo dài tại Trung Bộ ảnh 1Hàng nghìn hécta đất nông nghiệp ở Hà Giang bị bỏ hoang vì không đủ nước để canh tác. (Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN)

El Nino - hiện tượng nóng lên không bình thường (với ngưỡng chuẩn sai 0,5 độ C) của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương đang diễn ra đã ảnh hưởng và tác động đến khí hậu làm biến động thời tiết trên Trái Đất và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Khi xuất hiện, El Nino có thể gây ra những thiên tai nặng nề như mưa lớn, bão, lũ, hạn hán, cháy rừng, làm thiệt hại lớn về người, thảm họa về kinh tế-xã hội và đặc biệt là những thiệt hại về môi trường. Theo dự báo, El Nino có thể kéo dài đến cuối năm nay, do vậy Việt Nam có thể sẽ phải chịu tác động mạnh mẽ của hiện tượng này


Ảnh hưởng của El Nino đến Việt Nam

Theo thống kê, khoảng 40% số năm El Nino có số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ít hơn trung bình nhiều năm, 55% ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và chỉ có 5% số năm cao hơn trung bình nhiều năm. Như vậy, nhìn chung là vào năm El Nino thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ít hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, đáng lưu ý là trong các năm El Nino lại ghi nhận các cơn bão mạnh và hiếm gặp như bão Linda (1997), Xangsane (2006) và Ketsana (2009) gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản ở Nam Bộ và Trung Bộ.

Hầu hết các thời kỳ ảnh hưởng của El Nino, Việt Nam đều thiếu hụt lượng mưa so với trung bình nhiều năm từ 25% đến 50%, đặc biệt là khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, trong những năm El Nino, số kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ (tức là mưa lớn trong thời đoạn ngắn) và số tháng liên tục hụt mưa tại một số nơi đã được ghi nhận.

Trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trong cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng so với những năm trung tính hay La Nina.

Trong những năm El Nino, dòng chảy năm ở các sông thuộc Trung Bộ và Tây Nguyên nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10% trở lên, những năm El Nino mạnh có thể hụt tới 50-60%. Lượng dòng chảy tháng nhỏ nhất ở hầu hết các trạm đều nhỏ hơn trị số trung bình nhiều năm và đạt khoảng 80-90%. Dòng chảy mùa lũ trong những năm El Nino thường nhỏ hơn trung bình nhiều năm và thường đạt 65-95% dòng chảy năm. Trong những năm El Nino, ít có khả năng xuất hiện đỉnh lũ lớn trên sông Cửu Long.

Thời tiết bất thường ngay từ đầu năm 2015

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm, do ảnh hưởng của El Nino, tình hình thời tiết, thủy văn trên cả nước đã có những diễn biến bất thường. Trên Biển Đông chỉ xuất hiện duy nhất cơn bão số 1, tuy nhiên bão số 1 có diễn biến hết sức phức tạp cả về đường đi và cường độ đã đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng-Quảng Ninh, gây đợt mưa rất to ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hoạt động không khí lạnh ít hơn trung bình nhiều năm và năm 2014, nhưng đã gây ra ba đợt rét đậm, rét hại; đặc biệt đợt không khí lạnh mạnh xảy ra vào đêm 6/1/2015 đã làm nền nhiệt Bắc Bộ giảm sâu, tại Sa Pa tỉnh Lào Cai đã xuất hiện mưa tuyết và băng giá.

Nắng nóng diễn ra liên tục với sáu đợt nắng nóng diện rộng, cường độ mạnh hơn trung bình nhiều năm, nhiều hơn so với năm ngoái, trong đó ở miền Trung khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện hai đợt nắng nóng diện rộng kéo dài, nhiều nơi đã vượt mức lịch sử quan trắc cùng thời kỳ. Chỉ có năm đợt mưa lớn diện rộng trên phạm vi cả nước, tuy nhiên đợt mưa lớn diện rộng đầu tiên của năm 2015 lại xảy ra vào ngày 9-11/1, sớm hơn so với năm 2014. Đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 26-28/3 tại các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi là trái quy luật và chưa từng gặp trong chuỗi số liệu quan trắc.

Trên cả nước đã xảy ra trên 17 trận mưa đá, dông, lốc, sét đánh làm thiệt hại nhiều về người và tài sản. Đặc biệt, trận dông lốc xảy ra vào tối 13/6 tại Thủ đô Hà Nội với gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 10 đã làm chết hai người.

Lũ trái mùa xuất hiện sớm trên các sông Bắc Bộ (trong tháng Một, Hai), sông miền Trung (tháng Ba). Đợt lũ trái mùa trên các sông miền Trung là bất thường, đỉnh lũ trên các sông đều đạt mức cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Lũ tiểu mãn đã xuất hiện đúng theo quy luật trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông đều ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Tình hình khô hạn thiếu nước đã xảy ra ở một số tỉnh ven biển Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, hạn hán đã xảy ra gay gắt trên diện rộng tại các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2, cấp 3. Ngay trong tháng Một, tình trạng xâm nhập mặn tại vùng cửa sông Nam Bộ đã diễn ra với độ mặn tại hầu hết các trạm ở mức lớn hơn so với cùng thời kỳ năm 2014 và lớn hơn trung bình nhiều năm.

Hạn hán vẫn kéo dài đến giữa tháng Chín

Đánh giá diễn biến của hiện tượng ENSO năm 2014-2015, kết hợp phân tích các kết quả dự báo và tương tự hoàn lưu quy mô lớn, đã xác định hai năm có đặc điểm về cường độ và thời gian xuất hiện El Nino tương tự năm nay là 2002 và 2004.

Trong những năm này, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam đều ít hơn so với trung bình nhiều năm (năm 2002 chỉ có một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, năm 2004 có hai cơn bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam). Tổng lượng mưa trong mùa mưa, bão, lũ của hai năm này đều ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và hệ quả là trong năm 2002, 2004 đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Ngoài ra, nền nhiệt độ trong hai năm tương tự nêu trên đều cao hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là vào mùa Thu-Đông.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong điều kiện El Nino, dự báo năm nay sẽ có khoảng chín cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông (trung bình nhiều năm khoảng 12 cơn) và khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam (trung bình nhiều năm khoảng 5-6 cơn).

Từ nay đến tháng 9/2015, nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 0,5-1,0 độ C. Lượng mưa ở các tỉnh Trung bộ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình trạng thiếu nước, khô hạn ở Trung Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng Chín.

Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%; riêng các tỉnh ở Nam Trung Bộ thiếu hụt từ 60-95%. Ở hạ lưu, nhiều sông sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ hoặc thấp nhất lịch sử. Tình trạng hạn hán tiếp tục xảy ra ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt tại một số huyện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục