Tác động của Hiệp định thương mại tự do tới nguồn thu ngân sách

FTA có thể ảnh hưởng tới nguồn thu từ xuất nhập khẩu song sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó cần thúc đẩy kinh tế khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tác động của Hiệp định thương mại tự do tới nguồn thu ngân sách ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (NIF) và Tổ chức từ nhân dân Mỹ (USAID) tổ chức tọa đàm về Tác động của Hiệp định thương mại tự do (FTA) tới thu ngân sách nhà nước.

Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng NIF, Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng tưởng toàn diện (GIG) của USAID đang cùng với NIF xây dựng các công cụ đánh giá tác động của FTA đối với các lĩnh vực kinh tế-xã hội chủ yếu và thu ngân sách nhà nước.

Buổi tọa đàm cũng là cơ hội cho các đơn vị, các viện nghiên cứu thảo luận, tìm hiểu các phương pháp luận đánh giá tác động tiềm năng của FTA, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với thu ngân sách.

Giáo sư Inkyo Cheong (Khoa Kinh tế học Trường Đại học Inha Hàn Quốc) cho biết, việc đánh giá tác động của TPP đối với thu ngân sách tưởng đơn giản nhưng rất phức tạp, nếu không đánh giá cấu trúc tổng thể và các cấu phần chính của TPP sẽ không thể đánh giá được tác động của TPP đến thu ngân sách.

Giáo sư Inkyo Cheong cho rằng, trên thực tế chỉ thu được lợi ích từ 20-30% chứ không thể thu lợi được hết. Cần có cơ sở hạ tầng trong nước tốt, có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ cần cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn cho khu vực tư nhân.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, hội nhập càng sâu thì thu trực tiếp từ xuất nhập khẩu có thể giảm xuống nhưng đồng thời thu từ tăng trưởng kinh tế có thể tăng lên nên nhờ thế vẫn có nguồn thu.

Quan trọng là phải xác định động lực tăng trưởng kinh tế là khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và là khu vực tự do trong nền kinh tế thị trường. Do đó, cải cách thể chế hành chính cần có tầm nhìn và có môi trường kinh doanh phù hợp thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ông Trương Bá Tuấn đánh giá, hội nhập vừa tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu nhưng cũng ảnh hưởng tới sản xuất trong nước.

Để có bước đi phù hợp phụ thuộc vào cả hai phía, nhà nước cần có quá trình hoàn thiện thể chế chính sách phát triển doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin từ việc mở rộng thị trường.

TPP - một FTA khu vực dự kiến sẽ được ký kết giữa Việt Nam và 11 quốc gia khác - được trông đợi sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, cắt giảm các rào cản trong thương mại và đầu tư, tăng cường xuất khẩu và tạo thêm nhiều việc làm.

Theo dự kiến, TPP góp phần gắn kết một số nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong một cộng đồng thương mại chung chiếm 30% tổng GDP toàn cầu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục