Tác động của hội nhập kinh tế đến thương mại VN

Việc tham gia vào tiến trình hội nhập thông qua các hiệp định thương mại gây ra những thách thức cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Ngày 10/5, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO (Trung tâm WTO) và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn hội nhập kinh tế “Diễn tiến tác động của hội nhập đến hoạt động thương mại Việt Nam.”

Diễn đàn nhằm đánh giá, cập nhật những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tác động của việc mở cửa thị trường trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến hoạt động thương mại.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, hiện là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ, chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ, việc tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới mà không bị phân biệt đối xử, tạo ra những cơ hội lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Mặc dù vậy, các hiệp định này cũng gây ra những thách thức cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.

Nếu việc gia nhập WTO gây sức ép lớn sức ép lớn về mặt thể chế, dịch vụ thì các hiệp định FTA song phương và khu vực lại tạo sức ép lớn đến thương mại hàng hóa do mức độ giảm thuế sâu.

Cơ cấu của nền kinh tế qua hai giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010 chưa có sự thay đổi rõ rệt, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên việc sử dụng nhiều nguồn lực, đặc biệt là vốn (tỷ lệ trung bình đạt 58,2%), lao động (18,6%), trong khi vai trò của tăng tổng năng suất (TFP) còn rất hạn chế (23,3%).

Về cấu trúc hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu dường như không có bước đột phá, xuất khẩu chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên (dầu thô, than đá), các mặt hàng nông sản phẩm (thủy sản, gạo, hạt tiêu, cao su, chè, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt tiêu, hạt điều…) và các mặt hàng sử dụng nhiều lao động trong quá trình sản xuất.

Trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đến 2020, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh chất lượng chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng như chương trình xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Về lĩnh vực xuất khẩu, triển khai tổ chức lại các thị trường, tạo lập liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu trong nước với thương nhân Việt Nam ở Nga, các nước quốc gia độc lập (SNG) và Đông Âu; tiếp tục chú trọng thị trường trọng điểm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; đẩy mạnh khai thác các thị trưởng châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh...

Điều hành nhập khẩu phải có định hướng, ưu tiên nguyên vật liệu vật tư, thiết bị trong nước chưa sản xuất, chú trọng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng; thu hẹp chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư đi đôi với tiết kiệm nguyên liệu trong đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; xây dựng chính sách và cơ chế bảo hộ thương mại hợp lý và tăng cường các giải pháp hạn chế nhập khẩu, giảm nhập siêu./.

Mỹ Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục