Tác động của thỏa thuận toàn diện hạt nhân Iran với Ấn Độ

Thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran đạt được ở Vienna, Áo ngày 14/7 đã mở đường cho Iran tham gia thị trường dầu mỏ thế giới.
Tác động của thỏa thuận toàn diện hạt nhân Iran với Ấn Độ ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Twitter)

Mạng tin của Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề toàn cầu (ICGR) ngày 15/7 đăng bình luận cho rằng thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran đạt được ở Vienna của Áo ngày 14/7 đã mở đường cho Iran tham gia thị trường dầu mỏ thế giới.

Thời kỳ cao điểm trong những năm 1970, Iran có thể sản xuất hơn 6 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng kể từ cuộc cách mạng năm 1979 và do Mỹ cùng Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sản lượng dầu mỏ của Iran đã giảm hơn một nửa.

Tuy nhiên, Iran có thể sản xuất thêm 700.000 thùng dầu mỗi ngày trong thời gian ngắn. Do đó, việc bổ sung nguồn cung này sẽ mở đường cho giá dầu thế giới giảm.

Bên cạnh đó, Iran có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới. Khi lĩnh vực khí đốt và cơ sở hạ tầng của Iran được đầu tư, giá khí đốt trên thị trường toàn cầu cũng sẽ giảm.

Những tín hiệu trên có ý nghĩa rất lớn với Ấn Độ bởi vì hiện nay quốc gia Nam Á này nhập khẩu gần 70% nhu cầu dầu mỏ, trong khi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt với công suất thiết kế 23.000MW đang hoạt kém hiệu quả do thiếu nhiên liệu.

Giá khí đốt giảm sẽ thúc đẩy sản xuất và tiết kiệm thêm nhiều tỷ USD cho đầu tư vào lĩnh vực này.

Giá trị thị trường của nhiều công ty dầu khí nhỏ và vừa ở nước ngoài đã giảm 60-70% trong 12 tháng qua. Đây là cơ hội để các công ty Ấn Độ có được các mỏ dầu và khí đốt ở nước ngoài, qua đó duy trì giá nhiên liệu thấp trong một thời gian dài hơn.

Ngoài ra, Ấn Độ có thể mua dầu trên thị trường kỳ hạn và bảo vệ mình trước những ảnh hưởng trong ngắn hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục