Tác quyền âm nhạc: 2 tỷ đồng với tác quyền lời ca

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kêu gọi các nhà thơ thờ ơ... với tiền hoặc chưa rõ mình có tiền tác quyền để nhận về!
Mỗi quý một lần, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lại thực hiện việc phân phối tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trong nước và quốc tế có tác phẩm được sử dụng.

Để có được câu trả lời đầy đủ về công tác phân phối tiền sử dụng tác phẩm thu được ra sao, chúng tôi đã tìm hiểu về vấn đề này từ nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Quý 1/2011 đã phân phối hơn 5,4 tỷ đồng tiền tác quyền

- Biết rằng Trung tâm bảo vệ quyền tác giả vẫn "miệt mài" với công việc thu và trả tiền cho các  tác giả  theo  hạn kỳ một năm 4 lần, nhưng những người quan tâm muốn biết những con số cụ thể về việc phân phối tiền bản quyền tác giả, ông có thể công khai?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Có chứ, chúng tôi luôn công khai rõ ràng. Cụ thể như năm nay phân phối lần 1, vào đầu tháng Năm đến giờ. Số tiền phân phối cả trong Nam ngoài Bắc và nước ngoài là 5 tỷ 492 triệu đồng. (Năm trước, 2010 tổng số tiền phân phối của 4 kỳ là 22 tỷ 800 triệu đồng).

Số tiền lớn như vậy, đủ thấy xã hội đang tiến triển trong nhận thức về tác quyền, trân trọng lao động sáng tạo của trí thức nói chung và văn nghệ sĩ, nhạc sĩ nói riêng. Số tiền lớn như vậy cũng cho thấy công sức, cách tổ chức, khả năng làm việc của đội ngũ cán bộ nhân viên ở Trung tâm.

Mọi lý thuyết cũng như mọi bình phẩm hay các “chiêu” PR đều đứng sau các con số thực ấy. Con số được kiểm soát bằng chính các tác giả thành viên, bằng các tổ chức kiểm toán quốc tế.

- Tại sao lại kiểm toán quốc tế, ông có thể nói rõ về việc này?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Trung tâm của chúng tôi có tên quốc tế: “Vietnam Center for Protection of Music Copyright” (VCPMC), là một tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc, hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, được nhà nước cho phép thành lập.

Từ 1/6/2007, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã là thành viên của Liên minh Hiệp hội các nhà soạn nhạc và lời quốc tế (Cisac) và đã ký hợp đồng hợp tác song phương với 41 tổ chức quốc tế tương ứng có phạm vi hoạt động tại gần 150 quốc gia và vũng lãnh thổ nên phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm Việt nam và quốc tế được sử dụng tại Việt Nam.

Vì quyền lợi liên quan trong phạm vi rộng lớn như thế nên việc kiểm toán có đẳng cấp là việc hẳn nhiên.

- Tính đến nay, con số các tác giả viết nhạc (hoặc viết cả nhạc và lời ) là các nhạc sĩ  và các tác giả "lời”  là các nhà thơ có thơ được phổ nhạc ký hợp đồng ủy thác quyền tác giả cho Trung tâm là bao nhiêu người, thưa ông?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Hiện nay, với trong nước Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có 1750 nhạc sĩ và 127 nhà thơ, tác giả phần lời ký hợp đồng ủy thác quyền. Hằng năm những người đó sẽ nhận được thông tin về số tiền tác quyền của mình, trừ những người mà tác phẩm ít được sử dụng.

Tôi phải nói  rằng đó là những con số từ nhỏ tới lớn. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có một ngân hàng dữ liệu, chứa hàng vạn thông tin về tác giả và tác phẩm, đồng thời thu nhận hàng vạn thông tin thanh toán tác quyền từ các đơn vị sử dụng tác phẩm.

Có tác giả nhận 60 triệu đồng tác quyền nhạc và 6 triệu đồng tác quyền thơ/quý

- Theo những lần tìm hiểu chúng tôi biết rằng phía Trung tâm rất vất vả, khó khăn và có lúc đã phải “nhịn nhục” như ông từng chia sẻ để đi thu tiền tác quyền cho các nhạc sĩ,  các nhà thơ, vậy đề nghị ông cho biết một số trường hợp tiêu biểu đã nhận được số tiền cao trong quý 1/2011 vừa qua?


Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đúng vậy, để có được những thông tin đó không đơn giản trông chờ vào sự tự giác của người sử dụng mà hầu hết thông qua các đàm phán, ký kết hợp đồng, các áp dụng văn bản pháp luật, các thuyết phục thực thi...

Nhờ những hợp đồng ký kết đó và nhờ các hỗ trợ thiết bị kỹ thuật Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thể thu từ đơn vị nhỏ nhất (dưới 100 đồng/lần sử dụng cho 1 tác phẩm). Tuy, tiền thu nhỏ như thế nhưng cộng lại, có những tác giả nhận 1 năm tới gần 300 triệu đồng.

Và ngay quý 1 này, nhạc sĩ TV nhận gần 60 triệu đồng. (Sở dĩ không viết đủ danh tính vì chúng tôi tôn trọng quyền bí mật riêng tư). Có nhà thơ cũng nhận tới 6 triệu đồng.

Có nhà thơ để tồn 50 triệu đồng chưa đến lấy

- Nghe việc đem tiền để trao tưởng dễ mà hoá khó. Đó là nỗi khổ  tìm người trả tiền, ông hãy cho biết về nghịch lý này? Đặc biệt là một số tác giả thơ tồn khá nhiều tiền "chưa chịu" đến nhận?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Trên  trang web www.vcpmc.org trung tuần tháng 5, có đưa thông tin tìm tác giả thơ để trả tiền. Lý do, hiện nay Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tồn khoảng 2 tỷ tiền từ các đơn vị sử dụng gửi trả cho các tác phẩm âm nhạc có lời từ các bài thơ, nhưng các tác giả thơ chưa đến nhận.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cần xác minh tác phẩm ấy có đúng là của người ấy hay không. Bởi vì khi phổ nhạc, tác giả đã có thể đổi tên (tựa đề) bài thơ.

Những tác phẩm có lời thơ của các nhạc sĩ đã ủy thác quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì các đơn vị sử dụng tác phẩm phải thanh toán 100% phí tác quyền. Và vận dụng theo quy định của pháp luật thì tác giả thơ sẽ được 30% trong số đó.

Với 30% ấy, có tác giả thơ kể từ năm 2002 đến nay chưa lĩnh, số tiền lên tới gần 50 triệu đồng. (dĩ nhiên đó là những bài hát được cực kỳ nhiều người sử dụng). Số có từ 2 đến 9 triệu khoảng 20 tác giả, số còn lại dao động từ 400 ngàn đồng đến 1 triệu 800.   

Trên nguyên tắc, những tác phẩm âm nhạc có lời đã được tác giả âm nhạc ủy thác quyền ở Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì tác giả phần lời cũng gián tiếp ủy thác.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hy vọng sau khi xác định được chủ sở hữu các tài sản kể trên số tiền còn lưu tồn sẽ được giải quyết đúng người đúng của vào kỳ phân phối tác quyền quý 2 năm 2011.

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!                                                                       
                                                                  
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục