Tái cấu trúc công nghiệp TP.HCM cần tập trung các ngành trọng yếu

Trong những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực ưu tiên nguồn vốn cho những dự án khuyến khích đầu tư thuộc các lĩnh vực trọng yếu.
Tái cấu trúc công nghiệp TP.HCM cần tập trung các ngành trọng yếu ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)

Nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu và hướng đến tái cấu trúc ngành công nghiệp trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Chương trình kích cầu thông qua đầu tư.

Tính từ năm 2009 đến năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt 209 dự án tham gia Chương trình kích cầu với tổng mức đầu tư là 17.617,632 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 8.470,505 tỷ đồng.

Ưu tiên vốn cho chuyển dịch cơ cấu

Trong những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực ưu tiên nguồn vốn cho những dự án khuyến khích đầu tư thuộc các lĩnh vực trọng yếu, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ - thiết bị, nâng cao năng xuất và cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Đặc biệt nhờ vào sự góp sức của Chương trình kích cầu thông qua đầu tư mà bốn ngành công nghiệp trọng yếu chuyển dịch theo đúng định hướng của thành phố, tăng tỷ trọng chiếm trong toàn ngành công nghiệp từ 54% (năm 2006) lên 57% (2010), 57,9% (2013) và 59,4% (2014).

Cụ thể từ số liệu thống kê năm 2014 của Sở Công Thương cho thấy, cơ khí chiếm 19%; điện tử - công nghệ thông tin 4,1%; hóa chất - nhựa - cao su 19,2%; chế biến lương thực - thực phẩm 17,2%.

Hai ngành truyền thống gồm dệt may và da giày chuyển dịch dựa trên phương án thực hiện di dời các cơ sở thâm dụng lao động giản đơn đến các địa phương có lợi thế về lao động; củng cố, chuyển dịch sang những khâu có giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất thời trang… Do đó tỷ trọng hai ngành dệt may và da giày đạt mức 17,9% trong năm 2014.

Phân tích về tình hình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng trong những năm gần đây, đặc biệt là năm vừa qua đã có sự chuyển dịch rõ nét của các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu thay thế cho doanh nghiệp hiện hữu thâm hụt lao động, sử dụng công nghệ lạc hậu.

Trong đó có thể kể đến một số kết quả nổi bật như Thành phố Hồ Chí Minh đã triển đổi thành công 19 dự án cũ thành 21 dự án mới tại Khu chế xuất Linh Trung và Khu công nghiệp Tân Tạo.

Tại khu chế xuất Linh Trung đã chuyển đổi 7 dự án cũ thuộc ngành trang trí nội thất, gia dụng, may mặc với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,5 triệu USD thành 7 dự án mới thuộc ngành cơ khí, điện tử với tổng vốn là 187,5 triệu USD (tăng 5,4 lần so với trước chuyển đổi).

Còn tại khu công nghiệp Tân Tạo đã chuyển đổi 12 dự án cũ thuộc các ngành may mặc, hóa nhựa, dệt nhuộm với vốn khoảng 30 triệu USD thành 14 dự án mới thuộc các ngành cơ khí, hóa nhựa, điện tử với vốn khoảng 60 triệu USD (tăng gấp 2 lần so với trước chuyển đổi).

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn được duy trì, mở rộng với mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng có xu hướng phục hồi cao dần, lũy kế tháng sau, quý sau luôn tăng cao hơn tháng trước, quý trước.

Sản xuất ổn định không chỉ đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng thành phố, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, ổn định đời sống người dân. Điển hình trong năm 2014, các địa bàn có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao so với mức bình quân chung của thành phố gồm: quận 7, Bình Tân, Tân Phú, Bình Thạnh…

Từng bước tái cấu trúc ngành

Nhằm quy hoạch và đưa ra định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp thuộc Đề án Tái cấu trúc kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020, Sở Công Thương thành phố đã đề xuất tái cấu trúc ngành công thương phải tập trung phát triển các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế, hướng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng và kinh tế tri thức, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng cường từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu.

Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất thương mại May SG (Gamex SG), Thành phố Hồ chí Minh nên đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn “kích cầu chọn lọc” dành cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất.

Bên cạnh đó, các sở ngành thành phố sớm triển khai Cụm/khu công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành với những chế độ ưu đãi thiết thực, khuyến khích thu hút đầu tư.

Mặt khác, ông Lê Quang Hùng cũng cho biết, thời điểm hiện nay là cơ hội để doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tính tự lực trong hợp tác sản xuất, tiến đến phát huy lợi thế hội nhập khi thực thi các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngành công nghiệp, nhiều sở ngành cho rằng cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tái cơ cấu hoạt động đầu tư - kinh doanh trên địa bàn thành phố, từng bước nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp.

Mặt khác, tái cơ cấu sản xuất công nghiệp phải đẩy mạnh các giải pháp hiệu quả để giải quyết kịp thời những khó khăn về thủ tục hành chính, pháp lý, vốn, công nghệ… Ngoài ra có những cơ chế ưu đãi thiết thực để vận động doanh nghiệp sử dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc trong nước đạt tiêu chuẩn để giảm nhập siêu.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ của thành phố, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) nhận định trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, môi trường đầu tư thông thoáng…

Tuy nhiên các cơ chế, chính sách này chưa đạt hiệu quả cao do khâu thực thi vẫn chưa lan tỏa vào thực tế các lĩnh vực, ngành nghề hoặc được triển khai khá chậm, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.

Vì vậy trong thời gian tới, những cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực, ngành nghề nên chú trọng tính phù hợp với tình hình sản xuất - kinh doanh và đảm bảo tính ổn định lâu dài mới tăng cường nội lực cho doanh nghiệp phát triển, góp phần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020.

Hiện nay, Thành phố Hồ chí Minh đã vận hành và định hướng phát triển hệ thống 15 khu chế xuất - khu công nghiệp, tuy nhiên theo quy hoạch đến năm 2020 thành phố sẽ có 24 khu chế xuất - khu công nghiệp với tổng diện tích đất được duyệt là 6.156,62ha.

Về phát huy lợi thế của các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn trong tái cấu trúc ngành công nghiệp thành phố, đại diện Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của các chương trình liên kết trong phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu.

Cụ thể từ nay đến năm 2020, thành phố nên ưu tiên xây dựng lộ trình liên kết ngành giữa các đơn vị sản xuất - kinh doanh và hợp tác địa phương, thông qua các chương trình kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước như giới thiệu nhu cầu phát triển và sử dụng sản phẩm hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu định hướng ngành nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục